Họ Trương Yên Xá: Khắc “gia phả” trên đá

00:52 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2207
          Gặp mặt, những bậc trưởng lão rất phấn khởi bày tỏ sự tha thiết trong việc tham gia kết nối với đại tộc Trương toàn quốc và tự hào giới thiệu về lịch sử chi họ của mình.
          Theo lời các cụ kể và theo các sử liệu khác cho biết: Thời cuối Lê, đầu  Nguyễn,Yên xá và Triều Khúc thuộc xã Trung Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội; năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ; năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc huyện Liên Nam tỉnh Hà Đông. Hòa bình lập lại thuộc huyện Thanh Trì. Từ tháng 6/1961, hai làng Triều Khúc và Yên Xá nhập lại thành xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
          Yên Xá và Triều Khúc cùng có tên Nôm là Kẻ Đơ. Dân gian thường gọi Yên Xá là Đơ Bùi vì  làng trồng được thứ khoai lang ăn rất bùi và ngọt. Còn Triều Khúc gọi là Đơ Thao vì làng này có kỹ nghệ tết chỉ lụa tạo thành những tua thao bền đẹp cho những chiếc nón thúng quai thao hoặc nón Ba tầm duyên dáng để phụ nữ, đặc biệt là những “Liền chị” Quan Họ đội đầu và làm duyên trong hội hè đình đám.
          Yên Xá được coi là một trong “địa linh” của vùng ven kinh thành Thăng Long. Điều ấy  ghi dấu trong câu đối cổ đặt ở hậu cung đình làng:
Mạch dẫn Tây Hồ chung tú khí,
Phái tùng Nhuệ thủy dũng văn lan
(Sóng gợn lung linh theo sông Nhuệ
Khí thiêng hun đúc tự Tây Hồ)
          Họ Trương Yên Xá, bắt đầu từ cụ Trương Công (tự Thuần Tính) –một nho sinh quê ở xã Thạch Giản (xưa gọi là xã Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoa) ra Thăng Long ứng thi dưới triều Lê – Trịnh rồi về đây sinh cơ lập nghiệp.
          Do truyền thống chăm chỉ học hành, dòng họ Trương Yên Xá có nhiều nho sinh từng giữ các chức ở phủ, huyện và có cụ đã làm quan Thái y ở triều Lê – Trịnh và Nguyễn...
          Nhờ hồng phúc các cụ từ đời thứ nhất đến đời thứ năm sống trung hậu nhân đức mà đến đời cụ Trương Quang Ánh đã sinh được 5 người con trai, từ đó chia thành 5 chi Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu và phát triển dòng họ lớn trong làng. Cụ danh nho Trần Quốc Hiền đã ví việc thành lập 5 chi như một cây quế đại thụ có 5 cành tỏa hương thơm.
Cụ Tổ đời thứ 2 thấy thửa đất có địa thế phong thủy tốt nên đã xây ngôi đại tộc từ đường (nhà thờ họ) tọa căn hướng Tốn (hướng Đông Nam), đến năm vua Thành Thái thứ 9 triều Nguyễn thì dựng tấm bia trụ 4 mặt. Hàng năm tháng Giêng, tháng Chạp mọi người tụ hội tưởng niệm tiền nhân.
Đến đời vua Tự Đức, cụ Trương Đề làm chức phụ Tá Phủ Hoài Đức đã cung tiến cho dòng họ 1 gò đất và 1 ao tại xứ Ngõ Mừng. Với tâm niệm “ Kính nghĩ, giáo hóa dân phong không gì hơn là lòng hiếu thuận, lòng hiếu thuận không gì bằng kính thờ tổ tiên” nên trưởng họ và 5 chi đã xây Truy Viễn Đàn trên thế đất có phong thủy đẹp là  lưng con Rùa “ để nối dài việc tế tự, làm thuần hậu gia phong, phỏng tập theo lễ cổ... Trên thì để thờ cụ Thủy Tổ rồi đến các Tổ (Thiếu Tổ) sinh ra 5 chi (có phối thờ các cụ bà). Bên phải, bên trái (gồm 14 bài vị bằng đá) là các vị Hậu hiền chia phối hưởng”.
Cũng trong khuôn viên Truy Viễn Đàn, gần đây do sự thay đổi quy hoạch của thành phố, dòng họ đã thiên di 5 mộ cụ Cao Tổ và 5 mộ cụ Thiếu Tổ về đây.
        Thăm di tích của họ Trương Yên Xá,  điều đặc biệt ấn tượng đối với đoàn Hội đồng Trương tộc Việt Nam là những tấm bia đá được lập ở nhà thờ và Truy Viễn  Đàn. Những “Gia phả” bằng đá ấy đã  “khắc cốt ghi tâm” về nguồn gốc, quá trình phát triển dòng họ; tên và ngày giỗ, nơi an nghỉ của 5 đời các cụ Tổ ông Tổ bà đầu tiên và 5 cụ Thiếu Tổ sinh ra 5 chi. và còn ghi tỷ mỷ về số ruộng đất hương hỏa của dòng họ ở các khu vực trong làng. Xin trích một phần “phả hệ” trên văn bia ở nhà thờ họ Trương Yên Xá để các chi tộc cùng tham khảo:
“Cụ Tổ đời thứ nhất: Trương Công tên tự Thuần Tính, giỗ ngày 10/12. Mộ tại Xứ Ao Câu. Cụ bà tên hiệu Từ Hoan, giỗ ngày 20/10 âm, mộ tại xứ...của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ 2: Trương Công, tên tự Vô Sự , giỗ ngày 23/3, mộ tại xứ bản Sót của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn, tên hiệu là Vô Vi, giỗ ngày 23/1, mộ tại xứ Mả Nhỏ của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ ba: Trương Công, tên tự là Phúc Độ, giỗ ngày 07/9, mộ tại xứ Xuân Canh của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn tên hiệu là Từ Nhậm, giỗ ngày 04/7, mộ tại xứ Mả Thi của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ tư: Trương Công tên tự là Phúc Thực, giỗ ngày 23/3, mộ tại xứ Đống Cao của bản thôn. Cụ bà họ Vũ tên hiệu Tư Thuận, giỗ ngày 19/3, mộ tại xứ Ao Câu của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ năm: Trương Công tên tự là Phúc Thịnh, giỗ ngày 02/9, mộ tại xứ Quán Điện của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn, tên hiệu là Từ Thiện, giỗ ngày 08/7 mộ tại xứ Quán Điện của bản thôn.
Cụ Thiếu Tổ của chi Giáp, chức Phó sở xứ, Trương Công, tên tự là Phúc Hòa. Cụ bà họ Đỗ, tên hiệu là Từ Nhân.
Cụ Thiếu Tổ của chi Ất: Trương Công tên tự là Phúc Hậu. Cụ bà họ Vũ tên hiệu là Từ Đức.
Cụ Thiếu Tổ của chi Bính: Trương Công tên tự là Phúc Khang.
Cụ Thiếu Tổ của chi Đinh, tên tự là Phúc Thừa.
Cụ Thiếu Tổ của chi Mậu: Hàm tiến công đồng phủ, Trương Công, tên tự là Phúc Kháng. Cụ bà họ Giang, tên hiệu là Từ Hiền.
Cùng các liệt vị chư linh”
          Hầu hết các văn bia ở Truy Viễn Đàn và nhà thờ họ Trương Yên Xá do cụ Phó bảng Trương Ý biên soạn vào tháng 3 năm Bính Tý - 1876, niên hiệu Tự Đức; tộc trưởng Trương Bá Quỳnh viết chữ và cho khắc.
          Những văn bia “phả hệ” trên đá đã được họ Trương Yên Xá nhờ các ông Hoàng Văn Giáp, Nguyễn Đức Toàn (Viện Hán Nôm Hà Nội) dịch, hiệu đính vào tháng 9/2007. Và dòng họ đã cẩn thận sao thành 5 bản (có đóng dấu công chứng Nhà nước) gửi 5 chi để các trưởng chi giữ tránh thất lạc sau này.
          Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời cũng đánh giá đây là một kinh nghiệm hay của họ Trương Yên Xá trong việc bảo lưu gia phả bằng các phương tiện khác nhau (khắc bia,  viết hoặc in trên giấy).
          Khi chia tay, PGS – TS Trương Quốc Bình (Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc VN) cũng chúc họ Trương Yên Xá phát huy được truyền thống tốt đẹp của chi tộc trong việc tri ân tổ tiên và sớm kết nối phả hệ với dòng họ gốc ở “cố hương” Thạch Giản (Thạch Tuyền) – Nga Sơn – Thanh Hóa.

Những tin cũ hơn

Hậu duệ Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Trương Lôi – Trương Chiến đang ở đâu?

Hậu duệ Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Trương Lôi – Trương Chiến đang ở đâu?

— 22 Tháng Năm 2017

Sau 23 năm công phu “vấn tổ tìm tông”, giờ đây bước đầu tôi đã đạt được tâm nguyện: trung tuần tháng 3/2012 tìm được “dấu xưa hương hỏa” là đền thờ cha con đức Liệt Tổ Trương Lôi – Trương Chiến và dòng họ Lê Trương ở “cố hương” Hải Hòa (Tĩnh Gia – Thanh Hóa). Tiếp đó, ngày 12/4/2012 đã tìm được 2 mộ hợp chất của 2 cha con đức Liệt Tổ tại Yên Thế - Hữu Lũng (địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn). Tuy nhiên, tôi vẫn còn những điều băn khoăn, trăn trở khôn nguôi về việc kết nối phả hệ. Vậy xin bày tỏ cùng các chi tộc (đã biết và chưa biết) gần xa để mọi người quan tâm, chia sẻ.

Nhà thờ họ Trương Quang đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh

Nhà thờ họ Trương Quang đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh

— 22 Tháng Năm 2017

Ngày 07/01/2012 Phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh cho nhà thờ họ Trương Quang tại khối phố Vĩnh Hoà.

Chắp nối phả hệ - Con cháu họ Trương đoàn tụ sau hơn 135 năm

Chắp nối phả hệ - Con cháu họ Trương đoàn tụ sau hơn 135 năm

— 22 Tháng Năm 2017

Ngày 28/06/2012 tại nhà thờ tổ họ Trương ở Thôn Nghĩa Trang, Huyện Yên Mỹ, Hưng yên diễn ra cuộc gặp gỡ hội ngộ của con cháu các chi họ Trương là con cháu của cụ Trương Công Đạo sau hơn 135 năm tìm kiếm để chắp nối phả hệ.

Họ Trương làng Yên Ninh Cương Gián Đón bằng di tích lịch sử văn hóa

Họ Trương làng Yên Ninh Cương Gián Đón bằng di tích lịch sử văn hóa

— 22 Tháng Năm 2017

Cương Gián mảnh đất anh hùng, địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra bao bậc hiền tài, nhiều văn thần võ tướng kiệt xuất đời đời dẹp yên bờ cõi, gìn giữ non sông đất nước. Để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng dân tộc qua các triều đại, người dân từ đời này qua đời khác đã lập đền thờ phụng. Thời gian trôi qua cùng với hai cuộc chiến tranh tàn phá, nhưng được sự tôn tạo và giữ gìn của người dân, đến nay các di tích lịch sử hầu như vẫn còn nguyên vẹn, lần lượt được nhà nước công nhận và cấp bằng di tích lịch sự văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. (6/49 di tích).

Họ Trương Mai Dịch xây dựng nhà thờ và Lăng mộ Tổ

Họ Trương Mai Dịch xây dựng nhà thờ và Lăng mộ Tổ

— 22 Tháng Năm 2017

Niềm vui nhân lên gấp bội khi chi họ Trương (gốc Chăm) Dịch Vọng Sở (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã hoàn thành hai công trình “để đời”: nhà thờ mới khang trang, lăng mộ Tổ tôn tạo hoành tráng. Giờ đây hàng năm vào các dịp lễ tết, ngày giỗ các bậc tiền bối hay có công việc liên quan đến thân tộc, mọi người hội tụ cùng tri ân Cội nguồn và giao lưu, thắt chặt thêm tình ruột thịt.