Truyền thống hiếu đạo và hiếu đạo trong thờ cúng tổ tiên của gia đình người Việt

09:33 - 19/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2398

TRUONGTOC.VN - Trong đời sống mỗi con người, gia đình luôn giữ một vị trí đặc biệt-đó là nơi con người thực hiện quá trình xã hội hoá đầu tiên, nơi mỗi người tìm được sự an toàn trước mọi cám dỗ của xã hội và là tổ ấm chở che yêu thương nhất. Chính trong chiếc nôi thân yêu này con người được bảo bọc, yêu thương, được học hỏi những kỹ năng sống cơ bản và được trao truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất của cuộc đời.

Có một điều mà không một thiết chế xã hội nào làm được, có tính thiêng liêng hơn cả, đó là bằng mối liên hệ mật thiết, gắn bó trên cơ sở huyết thống, mà quy định thành những Đạonghĩa cụ thể, như: đạo, nghĩa cha – con; đạo, nghĩa vợ - chồng; đạo nghĩa anh – em. Trong các đạo ấy thì Đạo Hiếu đễ xoay quanh mối quan hệ cha-con và anh-em trở thành một cái Đạo trung tâm chi phối đạo đức gia đình và mang đến cho gia đình những giá trị văn hoá-đạo đức căn bản nhất.

I. Về chữ Hiếu.

Xét gia đình ở khía cạnh là một tổ chức tâm lý - tình cảm thì Hiếu được hiểu là một tình cảm yêu thương có tính bản nhiên của mỗi con người được nuôi dưỡng trong suốt quá trình “thai giáo” của người mẹ, cho đến lúc sinh ra và khi trưởng thành tình cảm ấy được nuôi dưỡng, nảy nở được quy thành một giá trị đạo đức kết nối mật thiết mối quan hệ gia đình. Chính sự ràng buộc có tính tự nhiên xuất phát từ tình yêu thương ban đầu ấy, Hiếu với bước phát triển tiếp theo, được những người sáng lập ra Nho giáo sớm tổng kết, quy định, nâng lên thành một phạm trù đạo đức và từ phạm trù ấy  trở thành một chuẩn mực xây dựng nền tảng đạo đức gia đình mở rộng ra đến xã hội, trở thành sức mạnh để xây dựng xã hội-xây dựng cái “nhà” lớn. Chính vì vậy, Hiếu được nâng lên thành một thứ Đạo làm người - có nghĩa là con đường, là đạo lý, là cái lẽ nhất định ai cũng phải noi đấy mà theoĐạo Hiếu. 
Từ trong quá khứ và cho đến hiện tại, Hiếu đã trở thành một truyền thống hiếu đạo, tạo nên những giá trị văn hoá đặc trưng, sâu sắc cho gia đình Việt Nam nói chung và gia đình ở Nam Bộ nói riêng. Hơn thế, truyền thống này trở thành nền tảng cho những sáng tạo nghệ thuật, là chiếc cầu nối cuộc sống trần thế vươn tới cõi siêu nhiên huyền bí, là cơ sở tinh thần phát triển các tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo và các tôn giáo cứu thế ở Nam Bộ.

II.Truyền thống Hiếu đạo:

Theo tự điển Bách khoa Nho - Phật - Lão [ Lão Tử…, 9, 504], Hiếu được định nghĩa: “Hiếu (    ) là thuật ngữ Nho giáo. Khéo thờ cha mẹ thì gọi là Hiếu. Hiếu là phạm trù luân lý cơ bản nhất của Nho gia. Nho gia cho rằng Hiếu là gốc của nhân luân, là nguồn của đạo đức. Về nội dung của Hiếu, Nho gia cho rằng Hiếu bao gồm từ việc kế thừa được di chí và sự nghiệp của tổ tiên hay không, tình cảm Hiếu kính đối với cha mẹ có xuất phát từ nội tâm hay không, và sự phụng dưỡng, ma chay, tế tự đối với cha mẹ có giữ nghiêm lễ chế hay không”. Đến cách hiểu về Hiếu hết sức giản dị của ta “Hiếu là từ đi liền theo là Thảo (gọi chung là Hiếu thảo) chỉ việc con thờ cha mẹ hết lòng gọi là Hiếu” [Thiều Chửu, 4, 138] hay, trong Việt Nam phong tục [Phan Kế Bính, 3, 26] Hiếu được khái quát “Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưõng cha mẹ”.
Từ khi Nho giáo vào Việt Nam thì Hiếu được các triều đại phong kiến Việt Nam từ triều Lê đến Nguyễn đều rất quan tâm, xem Hiếu là nền tảng, cơ sở để tề gia và trở thành một nguyên tắc quan trọng để trị nước. Tuy nhiên, trong quá trình thể chế hoá Hiếu trở thành những chuẩn mực ứng xử phổ biến ra bên ngoài xã hội thì Hiếu-từ quan niệm Nho giáo của Trung Quốc có phần khuôn mẫu, cứng nhắc được quy định trong các sách kinh điển của Nho gia: Luận ngữ, Kinh Lễ,…thì đưa áp dụng xã hội Việt Nam lại có phần uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với tinh thần gia đình, xã hội Việt. Đó không còn là cái Hiếu một chiều “phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung” mà trở thành cái Hiếu hai chiều nhân bản hơn “trẻ cậy cha, già cậy con” hay “con hơn cha là nhà có phúc”,..Hay Hiếu qua quá trình phát triển gia đình, xã hội Việt đã được khúc xạ cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế, được hiểu thêm ở một khía cạnh nghĩa mới, tác giả Tôn Diễn Phong đã nhận xét: “Hiếu với tư cách là một thứ luân lý đạo đức xã hội, ở Việt Nam được bảo vệ và tôn sùng có thể nói không kém mà còn hơn ở Trung Quốc. Nhưng Hiếu của người Việt Nam có hai lớp nghĩa, trong đó, quan niệm về hiếu kính với cha mẹ của họ giống như của Trung Quốc. Trừ điểm đó ra, họ còn có một thứ Hiếu khác, đó là lớp nghĩa Hiếu đối với đất nước. Người Việt Nam gọi Hiếu với cha mẹ là “tiểu Hiếu” và gọi Hiếu với đất nước là “đại Hiếu””[Tôn Diễn Phong, 8, 13-14]. Có thể thấy hai lớp nghĩa này qua câu chuyện của Nguyễn Phi Khanh khuyên bảo Nguyễn Trãi “hãy để em con làm chuyện tiểu Hiếu. Còn con là người có học, có tài nên nghĩ đến việc cứu nước, cứu dân để thực hiện đại Hiếu, chứ đi theo cha khóc lóc mà làm gì ”. Có thể thấy trong một hoàn cảnh cụ thể, khi chuyện hiếu kính - nghĩa vụ với cha mẹ và chuyện nước khó chu toàn được một lúc. Vậy nên phải biết chọn một, cốt sao là ứng biến cho phù hợp, Hiếu được gắn với việc báo đền ơn đất nước. Trên cơ sở ấy, Hiếu cũng được Bác Hồ vận dụng hết sức linh hoạt-gắn liền với đạo đức người làm cách mạng, phải  biết “trung với nước, hiếu với dân”. Người nói: “cũng như Trung là Trung với tổ quốc, Hiếu là Hiếu với nhân dân, ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ” [2,281]. Ở đây ta phải hiểu Trung mà Bác Hồ nói là Trung với đất nước, khác hẳn là Trung với một ông vua, với một triều đại cụ thể theo quan niệm của Trung Quốc xưa.
Đi vào xã hội Việt Nam, ứng với những điều kiện thực tế, Hiếu được khúc xạ, bổ sung thêm những giá trị mới: đó là thái độ đối với đất nước, đó là đạo đức của người làm cách mạng,..Còn đi vào đời sống gia đình truyền thống, Hiếu xét trong thờ cúng tổ tiên-mà người Việt quen gọi nôm na là Đạo ông bà cũng được thể hiện hết sức độc đáo, sâu sắc tạo nên một diện mạo gia đình truyền thống rất Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên-cụ thể là thờ cúng các linh hồn và tổ tiên đã quá cố là một hình thức tín ngưỡng, tín lý có từ thời rất xa xưa mà mỗi quốc gia đều có một hình thức tôn kính, thờ phụng riêng: như người Ai Cập tin tưởng vào cõi vĩnh hằng- một cõi sống khác trong các ngôi mộ cổ lộng lẫy. Hay người Mêlanêdi thờ cúng tổ tiên cũng rất chú trọng, người Mêlanêdi Tuốcvanđơ thường “mang vật hiến tế tổ tiên cầu xin tổ tiên giúp đỡ và che chở”, đến  các dân tộc vùng Trung Mỹ và Châu Phi hình thức thờ cúng tổ tiên phát triển thêm một bậc, trở thành một thứ tôn giáo thống trị của các dân tộc ở “lục địa đen” mà các nhà nghiên cúu gọi: “đất nước điển hiển của  sự thờ cúng tổ tiên” [X.A.Tôcarev, 10,315-317]. Đến các dân tộc Á Đông: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hình thức thờ cúng này hoàn thiện thêm một bước, hết sức xem trọng. Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên và trước khi Khổng giáo xác lập nó thành một chế định để xây dựng xã hội thì việc Hiếu đạo thông qua thờ cúng tổ tiên cũng được thực hiện hết sức thành kính. Trong Trung Dung, Khổng Tử viết: “Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo mà tồ tiên đã mặc. Họ dâng cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa”. Trở lại, thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, hình thức này phát triển thành một hệ thống, có ý nghĩa riêng của nó, rất quan trọng đối với đời sống con người Việt Nam. Khởi đầu qua việc tìm thấy những ngôi mộ trong hang động ở vùng Trung du Bắc Bộ có những vật dụng đem theo cho người chết với sự tin tưởng rằng người chết vẫn sống ở thế giới vĩnh hằng. Người ta tin rằng, người thân của mình mất đi có thể sẽ trở thành Tiên, thành Phật, thành Thần, thành Thánh,..và hàng ngày vẫn dõi theo từng hành động, suy nghĩ của con cháu-tức là vẫn “sống” trong tâm thức, trong hành vi của người sống. Như vậy, rõ ràng người đã chết mà không chết, không bị quên bẵng đi mà hàng ngày người sống vẫn phải trình báo, các ngày giỗ chạp, sự kiện quan trọng: cưới hỏi, lễ tết,…vẫn dâng cúng xem đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là cái đạo nghĩa của người sống. Thậm chí, khi cần một lời khuyên, tổ tiên là nơi họ gửi gắm tâm sự, tìm lời giải đáp. Nên có thể thấy họ-tổ tiên của chúng ta sống bằng ký ức của chúng ta, bằng tình cảm nồng nhiệt, sâu sắc mà ta dành cho họ. Đó chính là sự nối dài tình cảm mà ta gọi là Hiếu đạo. Rất đơn giản, bởi họ -tổ tiên chính là người cho ta sự sống và ý thức.
Chính bởi cái bản thể ấy mà ta lập bàn thờ, nhà thờ họ một cách trang trọng, nhiều nhà thờ họ, từ đường còn đầy đủ đồ thờ, trang trọng như nơi thờ Thần, thờ Thánh của làng xã.
Tin là như vậy, nên việc cúng lễ là cần thiết và việc thờ phụng tổ tiên không thể sao nhãng. “tục còn tin rằng vong hồn người đã khuất thường luôn ngự trên giường thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vio sấu xa và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh  thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta sợ mang tội bất Hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình” [Toan Ánh, 1,27]. Ở đây nỗi lo sợ bất Hiếu với người còn sống vì lo sợ bậc làm cha mẹ buồn lòng, là trái với lẽ ứng xử tự nhiên của đạo làm con nhưng người ta còn lo sợ hơn cả là khi bất Hiếu cả với vong hồn người đã khuất, làm cho cái tâm trở nên bất an. Hiếu đạo là thế đó, trong thờ cúng tổ tiên, phạm trù này đã trở thành một phạm trù bất biến, trở thành một giá trị nhân luân kết nối người sống với người đã thác và chính giá trị này làm cho ta luôn cảm thấy là người khuất bóng vẫn hiện diện đâu đây, vẫn có sự ảnh hưởng nhất định lên cuộc sống của người trần thế.

III. Truyền thống Hiếu đạo trở thành nền tảng, cơ sở tinh thần của các tôn giáo cứu thế ở Nam Bộ.

Đi vào phương Nam, Hiếu đạo truyền thống vẫn được xem là một giá trị nền tảng cho sự hình thành các tín lý của các tôn giáo cứu thế ở Nam Bộ. Như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) chủ thuyết khởi xướng đạo cũng không ngoài  xuất phát điểm “Học Phật tu Nhân”- gồm đạo là lấy tinh thần cốt lõi của Phật giáo mà học tập và đời là hướng đến việc tu nhân sao cho đạt được cái đạo làm người ở đời. Rất giản dị, là việc “học”và “tu” ấy được gói gọn trong tín lý “tứ đại trọng ân”, gồm bốn ân lớn: (1). Ân tổ tiên cha mẹ; (2). Ân đất nước; (3). Ân Tam bảo; (4). Ân đồng bào nhân loại. Ở đây, ân tổ tiên cha mẹ là ân trọng đầu tiên và xem là tiên quyết, bởi một người không biết chăm lo, không tròn phận hiếu đạo với đấng song thân lúc sống và khi qua đời thì khó có thể nói người đó có tình thương, trách nhiệm với những Ân còn lại. Có thể nói cái đạo làm người chỉ đơn giản như vậy thôi và nếu ai giữ trọn ân Hiếu đạo đó thì được “cứu thế” chọn vào Hội Long Hoa. Đến đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa do đức Bổn Sư Ngô Lợi sáng lập, cũng dựa trên sự kế thừa phát triển đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trước đó. Đạo nhấn mạnh đến hai chủ thuyết chính là Hiếu và Nghĩa, cũng nhấn mạnh đến ân trọng đầu tiên và được thể hiện sâu sắc qua nguyên lý hành xử của đạo, kinh sách, nghi thức cúng dường,…và đặc biệt lưu ý đến nghi thức thờ cúng tại gia-thờ tổ tiên, người quá vãng chủ về sự đơn giản, không cầu kỳ phải là mâm cao cỗ đầy cúng người khuất bóng. Chỉ cần một bức “trần điều” treo trước bàn thờ tổ tiên, lúc cúng kiếng tổ tiên chỉ cần chén nước bông hoa cũng là lòng thành với người đã khuất. Cũng trên cơ sở tinh thần ấy, qua đạo Hoà Hảo, đạo Cao Đài dù mỗi đạo cũng bổ sung, làm mới thêm đạo mình bằng sự kế thừa, hoà hợp của các tín ngưỡng, giáo lý từ đạo khác thì chung quy lại giá trị Hiếu đạo vẫn được xem là nền tảng của của các đạo cứu thế. Đó cũng là cách làm mới hiếu đạo truyền thống, đưa tinh thần Hiếu đạo gần gũi phù hợp hơn với đa phần là lớp dân nghèo.
Hơn nữa, gìn giữ một đạo lý truyền thống, biến đạo lý ấy trở nên gần, sâu sắc hơn như một sự quay trở về nguồn trong các tôn giáo cứu thế không ngoài mục đích khẳng định bản sắc dân tộc, củng cố niềm tin vào cuộc đời cho những người đi khai mở đất và cũng là cách để phản ứng lại thứ văn hoá ngoại lai hoàn toàn xa lạ với người Nam Bộ lúc bấy giờ.

IV. Hiếu đạo trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam Bộ:

Nam Bộ là “vùng đất mới”, cho tới thế kỷ XVII thì lớp người Việt từ Bắc, từ xứ Ngũ Quảng mới có mặt, họ trở thành lớp cư dân đầu tiên và họ chính là chủ thể của cư dân Nam Bộ suốt lịch sử cho đến nay. Với thành phần xuất thân đa phần là nông dân nghèo với vốn “chữ nghĩa không đầy lá me”, không rành cách ngôn thánh hiền [Sơn Nam,5,40]. Họ ra đi là vì mục đích kinh tế, giải quyết chuyện cơm áo. Điều này cho thấy họ là những người ít chữ nghĩa, chịu sự ảnh hưởng thấp của Nho giáo. Mãi khi cuộc sống định hình-gọi là tạm ổn, nhiều gia đình khá giả cũng muốn con có ít chữ thánh hiền đã mời thầy tận ngoài Huế về dạy nhưng học cốt là để biết đối nhân xử thế chứ không cầu “làm quan”. Thực ra là họ vẫn giữ truyền thống nhưng là giữ truyền thống theo cách của họ và thậm chí họ rất tôn trọng vì đó là ký ức, là vật quý của ông bà tổ tiên chứ không phải là nó thiết thực với hoàn cảnh của họ lúc bấy giờ, như: “chủ nhà thích treo quyển lịch chữ Nho, mỗi năm một cuốn, từ trên đòn dông, xâu lịch lòng thòng, chờ đủ 60 cuốn thì xem trở lại; chữ nghĩa của thánh hiền, xé bỏ mang tội, đốt thì uổng”.
Đi vào phương Nam, lớp lưu dân Việt lại có điều kiện tiếp xúc với những nền văn hoá phi Hán hoá: văn hoá Phù Nam, văn hoá Ooc Eo và ngay cả văn hoá của cư dân bản địa Khơmer mà họ tiếp xúc cũng không có một chút gì Hán hoá cả. Ngay cả lớp người Hoa đến định cư nơi đây thì sự ảnh hưởng này cũng không đáng kể mà “mỗi nhà đều riêng phong tục” [Trịnh Hoài Đức, phong tục chí].
Với đặc điểm về điều kiện tự nhiên rừng rậm, sông rạch chằng chịt, với vùng châu thổ đất thấp trũng, chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều,… đã khiến những lưu dân phải thay đổi cả tập quán canh tác sản xuất, việc đi lại, tổ chức đời sống xã hội sao cho thích hợp. Chính vì vậy mà tổ chức đời sống gia đình cũng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Sự gắn kết dòng họ không chặt chẽ như ở quê nhà mà họ tìm mối dây liên hệ gia đình trong “tình làng nghĩa xóm”. Bởi vậy, đơn vị gia đình cũng là một đơn vị có tính độc lập hơn.
Có thể nói trên những điều kiện, hoàn cảnh thực tế như vậy mà truyền thống Hiếu đạo theo hành trang lưu dân vào đến đất Nam Bộ đã ít nhiều phải biến đổi cho phù hợp. Cách hiểu về giá trị này có phần giản dị, dễ hiểu, không bị câu chấp vào những khuôn khép, lễ thói khắt khe như kiểu thức gia đình truyền thống. Đi vào đời sống gia đình, quan niệm về Hiếu đạo được nhìn nhận, đánh giá thông qua tính hiệu quả gắn với hoàn cảnh thực tiễn hơn là hình thức. Qua phong tục thờ cúng tổ tiên ta có thể thấy được sự biến đổi này:
Vào Nam Bộ, thờ cúng tổ tiên vẫn được xem là một phong tục được những người Việt nơi đây gìn giữ. Đó cũng là cách để họ không đánh mất mình, họ vẫn thấy có sự kết nối vô hình thiêng liêng nào đó với bản quán, ông bà tổ tiên nơi họ đã cất bước ra đi. Bởi thế, đối với người Nam Bộ, không phân biệt là giàu hay nghèo, trong nhà đều có hai thứ quan trọng là bàn thờ ông bà và bộ ván. Nơi trang trọng nhất trong gia đình là nơi đặt bàn thờ ông bà. Đi với bàn thờ còn có giường thờ-đặt thấp hơn, để những món kỷ niệm của người quá cố(quạt, gối), có công dụng bày biện thức ăn khi cúng giỗ. Gia đình nào khá giả hơn thì sắm tủ thờ có cẩn xà cừ, theo thời gian lên nước bóng lộn. Nhìn vào bàn thờ, cách trang trí, bày biện các đồ thờ cúng có thể thấy được sự chăm chút, cả niềm hãnh diện của gia chủ.
Nhìn qua sự phát triển từ loại tranh thờ “sơn thuỷ” vẽ núi sông, thác nước, đến kiểu thờ chữ Thọ viết to hoặc 100 chữ Phước dành cho trang trí ban thờ . Rồi đến tranh thờ kiểu mới do những nghệ nhân làm đồ mộc ở Lái Thiêu, Biên Hoà làm, viết hai chữ “Từ đường” hoặc “tổ đường”, hoặc vẽ tranh sơn thuỷ bằng nước sơn trên vải bố cho giữ được lâu hơn. Nhưng vẽ trên bố cũng dễ mờ, bám bụi, người ta lại nghĩ đến việc làm tranh kiếng vừa bền màu lại dễ lau chùi. Hiện tại, về những gia đình ở nông thôn Nam Bộ ta vẫn thấy những kiểu tranh thờ dân gian này đặt trang trọng trước bàn thờ ông bà. Trước ban thờ, gia chủ còn treo các bức hoành phi, câu đối có nội dung nhắc nhở về công lao, ơn đức của cha mẹ, như “phụ mẫu chi ân” (ơn cha mẹ), “phụ mẫu ai ai”(nhớ thương cha mẹ), “ngũ đại đồng đường”,..hay đôi câu đối: “công đức bách niên duy;Tử tôn vạn đại hiến” (công đức tổ tiên trăm năm ghi nhớ, con cháu muôn đời gặp điều hay). Việc sính dùng chữ Hán trong trang trí, tác giả Đỗ Thái Đồng cũng đã nhận xét: “Người ta trang hoàng  nhà cửa theo kiểu truyền thống hơn là hiểu biết chinh truyền thống đó.”. Thế mới biết, sự ưu ái, lòng kính trọng của người Nam Bộ dành cho tổ tiên của mình.
Một cách thức bày trí bàn thờ cũng rất Nam Bộ, ngoài bàn thờ tổ tiên đặt ở vị trí trung tâm bên trên hoặc bên cạnh, gia chủ còn đặt cả trang thờ Phật và trang thờ Quan Vân Trường-dân gian thường gọi Quan Công hết sức trang trọng mà nhà văn Sơn Nam đã nhận xét đôi khi còn “uy nghiêm, huyền bí hơn bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật”. Hay như trong các gia đình theo các đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hoà Hảo,.. đều chủ trương thờ tự tổ tiên bằng những nghi thức hết sức giản dị, chỉ cần một bàn thờ Thiên với nén nhang, chén nước đặt trước sân nhà. Trong nhà thì treo một bức trần điều ở bàn thờ tổ tiên. Vậy là đủ biểu trưng cho một giáo phái. Qua đó, có thể nói, qua tục thờ cúng tổ tiên-một phong tục phản ánh sâu sắc sự biến thể của truyền thống Hiếu đạo. Ở đó không còn chỉ thuần là việc Hiếu nghĩa với tổ tiên mà còn mang thêm sắc thái ý nghĩa, giá trị đạo đức mới mà họ tôn trọng, theo đuổi: đó là lòng biết ơn người đi trước (thờ các bậc tổ tiên ba đời), tình thần trọng nghĩa (qua thờ Quan Công) và thể hiện tấm lòng nhân ái, bao dung (qua thờ Phật).
Việc tổ chức cúng giỗ tổ tiên trong gia đình cũng hết sức quan trọng. Đó được xem là “cái lệ khó bỏ qua” (cách nói của tác giả Sơn Nam) trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái đối với người đã khuất. Theo nguyên tắc, nếu anh em ở gần nhau, đến ngày giỗ cha, mẹ hoặc ông bà thì có thể tổ chức giỗ ở nhà nào rộng rãi nhất. Có một điều cần lưu ý là trong gia đình Nam Bộ, sau khi con cái đã lập gia đình ra ở riêng thì bố mẹ thường sống chung với người con út và sau khi mất người con út sẽ lo việc giỗ chạp, thờ cúng nếu như không có con trai. Bởi vậy, khi chia gia sản, người con út thường được chia nhiều hơn một chút. Trong việc lo giỗ, tuỳ theo hoàn cảnh của từng người con mà đóng góp, quan trọng là trong ngày giỗ cha mẹ, bổn phận làm con phải biết sắp xếp thời gian để về thắp nén nhang cho cha mẹ để cha mẹ ấm lòng. Có thể thấy, cách thức lo giỗ này khác hẳn so với gia đình ở miền Bắc. Đó là vệc thờ cúng, lo giỗ chạp thường do người con trưởng đảm nhận, hình thức tổ chức quy mô, giỗ cả họ đến tham dự. Ở đây, việc giỗ chạp còn gắn liền với việc củng cố dòng họ, thể hiện bộ mặt với làng xã, với dòng họ khác. Trong khi, ở gia đình Nam Bộ, việc cúng giỗ ngoài chuyện gắn kết nội bộ gia đình mà đó còn là một buổi họp mặt truyền thống, anh em nói chuyện cũ, nhắc nhở con cháu về gương ông bà, rồi cùng tổ chức ăn uống vui vẻ.
Sự liên hệ mật thiết với tổ tiên của gia đình Nam Bộ còn được thể hiện qua tập quán giữ mồ mả ông bà chôn ngay trong ruộng vườn nhà. Thực ra tập quán này gắn với điều kiện xã hội lúc bấy giờ, khi mỗi gia đình là một đơn vị biệt lập, lại có đất đai rộng. Tuy nhiên, đằng sau đó, còn mang một ý nghĩa rằng người khuất bóng sẽ cảm thấy ấm áp khi được ở gần con cháu, còn con cháu thì tiện việc lui tới thăm nom phần mộ.
Một mối dây liên hệ với tổ tiên mà gia đình Nam Bộ rất xem trọng, đó là lễ thức tảo mộ. Do ảnh hưởng người Hoa, người Việt cũng chọn ngày tảo mộ vào tiết Thanh Minh. Trong ngày này, họ dọn cỏ, trồng hoa, sơn phết phần mộ cho thật đẹp. Nghi thức này được xem như một sự chuẩn bị cho tổ tiên “ ăn tết”. Đơn giản là họ luôn quan niệm một người con có hiếu thì không thể để mộ phần ông bà, tổ tiên mình lạnh lẽo, hoang tàn..
Ngoài tập tục này, ở nhiều vùng Nam Bộ như nhiều tộc họ ở Đồng Tháp Mười, Tiền Giang,..còn tổ chức “giỗ việc lề”- đây là một tập tục hoàn toàn mang dấu ấn của thời khẩn hoang, những người rời bỏ quê hương không có mồ mả ông bà để chạp mả (chạp mả là một tục phổ biến ở Thuận Quảng gắn liền với lễ thức quan trọng của gia đình trong năm, họ gọi là cúng chạp - tổ chức giỗ chung các thứ bậc tổ tiên đã quá vãng. Tục này vào đến đất Nam Bộ thì không còn) nên họ thay bằng lễ thức cúng việc lề. Thực ra đây là một lễ thức phát triển từ tục thờ cúng tổ tiên ông bà để qua đó, căn cứ vào các lễ vật ngầm định mà nhận biết tổ tiên, họ hàng của nhau. Có thể nói, giỗ việc lề là một phong tục đẹp có sự liên hệ mật thiết với thờ cúng tổ tiên, đã mang một ý nghĩa mở rộng không chỉ là biểu lộ lòng hiếu thảo với tổ tiên mà còn là tình cảm đối với bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất Nam Bộ.
Vượt ra khỏi phạm vi gia đình, thờ cúng tổ tiên-với tinh thần Hiếu đạo đã mở rộng, đó không còn là chỉ thờ đối tượng cha mẹ, ông bà mình mà còn tôn thờ nhựng bậc công thần, tiền nhân khai mở đất. Do vậy, trong đình làng Nam Bộ nào cũng có ban thờ “Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ” mà theo phổ hệ xưng hô trong thờ cúng tổ tiên thì Hiền-là để chỉ bậc cha mẹ, trong đó Hiền khảo là cha, Hiền tỷ là mẹ. Vậy nên Tiền Hiền khai khẩn là trước hết phải biết ơn bậc cha mẹ đã có công khai khẩn nên mảnh đất này, Hậu Hiền khai cơ là sau phải biết ơn cha mẹ đã lập nên cơ nghiệp để lại cho con cháu. Trong ngày lễ Kỳ Yên hàng năm ở đình, người ta tổ chức cúng tế linh đình và đọc văn tế kể về công lao cha mẹ-những bậc tiền nhân có công với mảnh đất này.
Một biến thể nữa khá độc đáo của tục thờ cúng tổ tiên nơi đất Nam Bộ đó còn là một tinh thần Hiếu đạo bao dung, dung hoà được nhiều sắc thái văn hoá với các tộc người cùng sống chung trong cộng đồng. Gia đình người Việt vào chùa làm lễ cầu siêu, gửi tro cốt cha mẹ nương nhờ cửa Phật, đến cầu an, sám hối trong ngày lễ Vu Lan. Hay vào chùa Khơmer để cầu siêu cho vong linh cha mẹ được siêu thoát, vào chùa Hoa cầu bình an, cầu sự chở che từ Thần, Phật, Tổ tiên.
Tóm lại, mỹ tục thờ cúng tổ tiên nơi đất Nam Bộ tồn tại trên  cơ sở của tinh thần, giá trị Hiếu đạo nối dài đã tạo cho gia đình Nam Bộ những mảng màu văn hoá đặc trưng. Từ chữ Hiếu đối với ông bà tổ tiên mình được mở rộng, mang thêm những sắc thái ý nghĩa mới mang tính cộng đồng, trở thành tấm lòng của người đi sau dành cho người đi trước, sự ngưỡng một đối với tiền nhân, các công thần có công với nước được thờ trong đình làng cho đến một tinh thần Hiếu đạo với ý thức thờ cúng “người cùng một cội, “cùng một bọc trứng mà sinh ra” qua hình thức thờ Quốc tổ Hùng Vương. Hàng năm, ngày mùng 10 tháng 3, ngày giỗ tổ cũng được tổ chức hết sức trang trọng ở phương Nam.
Có thể nói, phong tục thờ cúng tổ tiên đi vào đất Nam Bộ vẫn giữ được tính uyên nghiêm của tục thờ cúng tổ tiên truyền thống nhưng trong quá trinh thích ứng với hoàn cảnh, thực tế hình thái gia đình mà nó trở nên sâu sắc, gắn bó thiết thực hơn với đời sống gia đình. Đó cũng chính là sự thay đổi của trục thiêng Hiếu đạo đã làm nên một phong tục thờ cúng tổ tiên mang dấu cách một vùng đất Nam Bộ. Chính trục thiêng này mà người sống tìm được sự bằng an trong cuộc sống hiện tại và làm cho nhân tố gia đình thêm sức mạnh./.

Ths. Bùi Thị Hoa
Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì