Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

08:39 - 19/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3778

TRUONGTOC.VN - Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí ngày tết, chi Tộc Trương Văn Phú Lễ xin kính gởi đến quí bà con đồng tộc bản dịch bài ký đúc trên chuông chùa Làng Phú Lễ nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế

Chuông chùa làng Phú Lễ - Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế do Tổng đốc Ninh Thái Trương Văn Uyển phụng tạo 1847
Chuông chùa làng Phú Lễ - Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
do Tổng đốc Ninh Thái Trương Văn Uyển phụng tạo 1847

“Làng vốn có chùa từ xa xưa, nhưng chùa thì phải có chuông, bởi chuông là ngôn động. Nhờ tiếng chuông mà tuyên dương pháp hưởng, cảnh tỉnh nhân tâm. Chùa thiếu chuông thì lấy gì để phát động nhân lành ?

Xưa trước, nhờ tiên tổ vốn thuần lối thiện, bồi vun căn lành cho con cháu đời đời tiếp nối. Thuở nhỏ tôi vốn nghèo khó, khi vào lính lại phải chuyên theo việc bán buôn, nhưng vẫn quyết chí dốc lòng theo đòi việc học, biết lối văn chương, thật đúng nhờ âm đức đời trước lưu lại vậy. 

Khoa thi hương năm Kỷ mão ( 1818) tức năm Gia Long thứ 18, tôi đỗ tú tài. Đến năm Tân tỵ (1821) tức Minh Mạng năm thứ 2 tôi lại đỗ cử nhân, từ ấy ở lại cửa quan suốt ba vòng đền đáp. Tiếp lại vâng mạng đi xứ xa 10 năm, sau lại được bổ ra ngoài làm án sát Quảng Nam, rồi lại thăng đến các hạt Quãng nghĩa, Vĩnh Long, Định Tường v.v… Mỗi khi việc công tạm rỗi, cảm hứng vãn cảnh danh lam, chiêm ngưỡng các  chùa xưa bèn chạnh tưởng cảnh quê nhà, lòng trộm có niềm suy tư. 

Năm Minh Mạng thứ 16 ( 1835) đã trích tiền bổng lộc tu sửa đình chùa. Năm Minh Mạng thứ 20 ( 1839) lại trích bổng lộc hiến xây cầu đá, còn chuông chùa làng vẫn chưa có dịp nghĩ đến. Tiếp theo khi tuân mệnh ra làm đốc trách hai thành Ninh Thái, trên lối quan nhậm theo đường Thiên lý có qua quê nhà nên tiện ghé thăm. Buổi ấy các bậc lão thành trong làng đều đến quây quần hàn huyên, lại nhân đó đem việc đúc chuông mà dặn bảo, tôi vui mừng vâng hứa. Sau đó đến nhậm sở, tôi mới dành dụm dần tiền bổng mà thuê thợ chú tạo nên chuông, không lâu sau thì công việc thành tựu.

Chuông cao 06 thước 06 tấc 05 phân, đường kính 03 thước 01 tấc, nặng 180 cân. Từ ngàn dặm xa gởi về chốn Phạm vũ để sớm hôm gióng tiếng ngân vang hòa âm cùng sóng Bồ Giang trong sương khói mà chóng tiêu tan bao phiền não, hợp cùng gió dội vang mống cá mà niệm từ Bi  mạnh mẽ sanh. Ấy là nguyên do chú tạo chuông này vậy.

Tôi, kẻ sĩ may gặp đời thánh minh, lạm đội ơn thánh đế nhận quan phận nên đêm ngày canh cánh, sợ lo dằn vặt- giữ mình làm lành và giữ người làm lành đều là tự bổn phận, là việc phải nên làm, chẳng phải cũng nhờ âm vọng từ tiếng chuông chùa đó sao? Vốn gốc lành là tính sẵn, mà khuyến thiện phải tùy duyên. Lại bè báu vượt bờ mê, thuyền từ đến cõi  cực lạc đều từ gốc ở tâm thiện mà ra, nên mượn chuông này để khuyến thiện vậy. Từ nay và mãi mãi về sau, mong khắp quê nhà người người cùng sống chan hòa, nghĩ trung nghĩ hiếu, biết cần biết kiệm, trên dưới hòa mục, kính già yêu trẻ, giúp kẻ neo đơn, cứu người khổ nạn như tình thân thích, nhờ phong hóa này mà hưởng phúc thái bình. Ấy là lời nhắn gởi khuyên mong đến bà con ở quê nhà, nay góp đôi lời vụng về làm nên bài minh này:

“Vòi vọi chùa xưa
Gầy nên quả phước
Non cao chót vót
Vang chưa từng nghỉ
Lồng lộng cửa thiền
Cảnh tỉnh nhân tâm
Nước chảy róc rách
Nhuần đượm cõi người”

 

Giờ tốt, ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức thứ nhất |( 1847)
Bắc Ninh Tuần Phủ Hộ Lý Ninh Thái Tổng Đốc Quan Phòng 
TRƯƠNG VĂN UYỂN phụng tạo”              

Dịch lại theo tài liệu do ông Trương Văn Ngật là hậu  duệ của Quan Thượng thư Trương Văn Uyển cung cấp và ảnh của tác giả Minh Bách Trương Lê Anh Tuấn .

Trương Lê Anh Tuấn

Những tin cũ hơn

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày tết, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, gia đình nào cũng bày một mâm ngũ quả trên