THƯ VIỆN NGƯỜI NGHÈO GIỮA ĐẠI NGÀN XỨ QUẢNG

23:57 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1471

Thư viện nằm lưng chừng núi rừng Rang ở Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam, không cầu kỳ, không hoành tráng, nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ai thích đọc gì cứ đến thư viện lấy đem về, đọc xong tự đem trả. Không ai quản lý nhưng không hề mất cái gì, trái lại càng ngày sách, báo càng nhiều thêm ra.

Người lập ra “thư viện” đó là ông Trương Công Trân, 53 tuổi, cán bộ Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai (nay công tác ở UBND tỉnh Quảng Nam). Ông Trân không phải là người Tam Hiệp. Từ năm 2000, khi đi khảo sát đường ống dẫn nước cho nhà máy nước Thái Xuân của xã Tam Hiệp, ông Trân đến vùng này. Một xóm miền núi nghèo heo hút. Ông đói, khát nhưng không có hàng quán, dân làng ở đây nấu cơm mời ông về dùng bữa. Nhiều ngày như vậy, ông đưa tiền không ai lấy, “Thêm cái chén, đôi đũa, có chi mà tiền bạc!”. Sự hồn hậu của dân làng khiến ông lưu luyến đến lạ.

Ông mua mảnh đất dự định về đây dưỡng già. Bà con khuyên ông nên mua bò về nuôi nên ông nghe theo. Chiều khi xong việc, quê nhà xa xôi, xe cộ cách trở, ông lại về đây, ra bãi chăn bò với trẻ Tam Hiệp. Ông chơi đùa với những tấm áo rách rưới, những đôi chân tuổi thơ không hề biết đến đôi dép, ông nghe những ước mơ đơn giản đến đau lòng: Ước chi được thấy ánh điện, ước chi có cuốn truyện thiếu nhi thật mới, thật thơm mà đọc; ước chi Tết có đôi dép mà mang...

Mỗi tháng lĩnh lương ông dành hẳn một phần lớn để mắc điện cho những nhà nghèo. Ông đi quyên góp quần áo cũ, giày dép của con cái bạn bè khá giả đem về cho các em. Nhưng ông quyết phải để lại cái gì đó lớn lao hơn cho các em. Và ông nghĩ đến sách, báo.

Ông bán bò, đổ đất xây nhà. Ông viết thư gửi bạn bè cả nước cùng những cơ quan mà ông quen biết xin sách, báo cũ. Ba năm trời, ông tích góp được năm bao tải lớn sách, báo. “Dân làng thiếu nhiều thứ nhưng sức mình có hạn, tôi nghĩ nếu ươm một chút lòng say mê đọc sách, báo cho họ, mở ra cho họ một khung cửa, dù hẹp của tri thức vẫn là tốt hơn”, ông tâm sự. Khi “thư viện” ra đời, ông đóng dấu trên mỗi cuốn sách “Tủ sách Tam Hiệp” như mặc định rằng đây đã là tài sản của làng. Bà con toàn quyền sử dụng.

  Ngôi nhà tồn tại thân thiết và đằm thắm trong lòng dân làng Tam Hiệp hơn 4 năm năm nay. Ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm. “Những đứa trẻ từ 7 thôn của xã Tam Hiệp đến mở cửa ngôi nhà. Sẽ có một em bé cầm chổi quét nhà, em khác mở những cánh cửa sổ, dọn dẹp lại ly tách trên bàn. Sau đó các em đến kệ chọn sách báo. Trong phòng chứa sách có cây đàn ghi-ta, có mấy bộ cờ tướng và thêm một bao dép nhựa màu vàng”, ông Bùi Xuân Danh, 57 tuổi người dân Thái Xuân kết nghĩa anh em với ông Trân hiện đang đảm nhận trông coi “thư viện” nói.

Những tháng đầu tiên khi “thư viện” mới mở, trẻ em đến đây đọc sách đi chân trần như thói quen hàng ngày của chúng mỗi khi đến trường, ra đồng hay đi chăn bò. Các em bắt gặp một tờ giấy để trên kệ: “Em nào chưa có dép thì vào phòng đọc sách chọn đôi nào vừa chân lấy mang”. Bao dép vơi dần nhưng hôm sau lại thấy đầy lên. Nhiều em lấy dép cho mình lại mang thêm vài đôi về nhà cho anh chị. Từ đó, trẻ em ở Tam Hiệp ra đường đều mang dép, phần lớn là dép nhựa vàng.

Ông Danh tâm sự: "Dân làng Thái Xuân vui lắm, mừng lắm, vì lần đầu tiên có được cái kho sách, báo phong phú như thể này để thỏa thích đọc, mà đã là đọc sách báo không bao giờ ngán cả. Càng đọc, con người ta càng bổ sung kiến thức hay hơn, mới hơn. Sướng nhất là lúc trưa nắng đi làm đồng về, ăn cơm xong, lên “thư viện” cầm quyển sách, tờ báo đi ra gian nhà có bộ bàn 8 ghế, có mắc 4 cái võng xung quanh nằm đọc gió thổi mát hiu hiu đã lắm, lãng mạn lắm! Người dân Thái Xuân rất biết ơn anh Trân".

Chiếc kệ thật cao chứa đến 2.000 cuốn sách, đủ loại. Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, sách tham khảo, đọc thêm; sách văn học với nhiều tác giả, nhiều nền văn học có giá trị Nga - Xô Viết, Pháp, Trung Quốc, Mỹ La Tinh...; sách danh nhân; sách triết học; các loại sách khoa học kỹ thuật và dĩ nhiên không thể thiếu truyện thiếu nhi.

Em nào bận ra đồng, đi chăn bò hay đi học thì chọn sách xong, đến bên chiếc bàn gần cửa sổ, mở cuốn sổ ghi vào: Ngày...tháng..., con tên là...; con mượn mấy cuốn sách:... và lẳng lặng cầm sách ra về. Khi nào đọc xong, mang trả lại rồi lấy thêm sách mới. Như em Nguyệt Quyên mượn hai cuốn sách “Nữ hoàng Ai Cập và Lưu Bình Dương Lễ” - ghi là “đã trả”. Em Tín mượn cuốn sách “Bảy viên Ngọc rồng” – ghi là “đã trả”. Xế trưa, khi nắng bắt đầu gắt, nông dân mới lục tục kéo đến. Họ vừa ngoài đồng về. Thay cái áo mới và đến “thư viện”. Mỗi người chọn cho mình một tờ báo. Không có báo ngay trong ngày, mới nhất là báo của tuần rồi nhưng không hề gì. Các bác nông dân vẫn chọn một tờ ra bàn ngồi, rót ly rượu, vừa đọc vừa uống vừa bàn tán với nhau...

Cuốn sổ thật dày, đến 200 trang, đã được ghi đến trang cuối. Đó là những cuộc độc thoại của dân làng với một người vắng mặt. Người đó là “bác Trân hoặc anh Trân, chú Trân...”.

Bé Mai Bảo Chi đang học lớp 5, có thói quen ghi: Con là Chi thôn 5, mượn cuốn... Trẻ em cả làng này khi mượn sách bắt đầu từ chữ “con” như vậy. Người lớn hơn một chút thì xưng “em”, lớn nữa thì “tôi”. Rồi cũng chính dân làng trả lời trong cuốn sổ đó. Không ai đòi, nhắc nhở; ai nói cho hoặc không cho.

Cũng có những cuộc hẹn hò ngồ ngộ trong cuốn sổ này. “Em mượn sách có phải là Hoa 11C không. Anh rất mến em!”. Vài trang sau thấy ghi: “Em biết anh rồi. Nếu muốn gặp em thì hẹn lại ngày giờ trong sổ này”... Sau đó lại thấy một dòng chữ có vẻ rắn rỏi: “Các cháu không nên hẹn hò trong sổ này, ảnh hưởng không tốt đến các em nhỏ. Chú là thôn trưởng đây”. 

Vài tháng gần đây, cũng trong cuốn sổ này thấy có ghi: “Bác Trân ơi, con tặng bác bốn cuốn sách ba con mua, con đã đọc xong” hoặc “Chú Trân, có mấy tờ báo cũ của cơ quan, anh em đọc xong, tôi tặng chú, cho phong phú kệ báo”. Sách, báo không những không mất mà còn tăng lên.

Không ngày nào thư viện không mở cửa, kể cả ngày Tết. Những ngày đó, người lớn, trẻ em không đọc cũng đến chơi một chút rồi về. “Ngày nào không đến thư viện tự dưng thấy nhớ”, em Trần Mộng Đào, lớp 10, thôn 7 bày tỏ. Ông Danh, bảo từ thông tin người dân Thái Xuân, dân một số xã lân cận cũng đến mượn sách, báo đọc. Không ai cấm. Thư viện như ngôi nhà chung của làng, lúc nào cũng mở cửa.

Thấy tôi tìm hiểu về “thư viện”, ông Trương Văn Sơn, 52 tuổi người dân Thái Xuân hớn hở nói: “Từ khi có thư viện của anh Trân, trẻ em ở Thái Xuân rất vui, rất ngoan, lúc nào cũng lên đọc sách báo. Vì thế các tệ nạn xã hội khác không xuất hiện ở đây. Ai bận mượn về nhà đọc lúc rảnh. Đọc xong đem trả lại. Tùng, con trai tôi học lớp 6 thường xuyên lên thư viện đọc sách báo. Bổ ích nhất là những cuốc sách khoa học, sách giúp nhà nông về chăn nuôi, trồng trọt có thêm nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển sản xuất. Ai có con cái học hành đỗ đạt cũng điện thoại khoe với anh Trấn hết”.

Ông Nguyễn Tấn Thuận, Trưởng thôn Thái Xuân vui vẻ nói: “Người dân Thái Xuân rất cảm ơn và biết ơn anh Trân đã đem tri thức về cho vùng đất xa xôi, đồi núi này. Thôn Thái Xuân có 211 hộ nhưng chỉ có 7 hộ nghèo, cận nghèo, đây là những hộ người già neo đơn, già yếu. Thôn có 90 trẻ em đang theo học cấp 1, 2 và 3. Cứ đến ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6), anh Trân hỗ trợ 500.000 đồng để mua sách vỡ, bút viết cho các em học sinh ở Thái Xuân. Vừa rồi, anh Trân ủng hộ 500 cuốn sách và rất nhiều báo cũ cho Nhà văn hóa Thái Xuân để làm tủ sách Nhà văn hóa cho người dân đọc khi họp hành. Ban Nhân dân thôn Thái Xuân đem thư viện này vào gương điển hình cho nhân dân noi học hỏi, nâng cao đời sống tinh thần văn hóa – xã hội”.

Ngoài ra, ông còn tiếp cận những thanh niên hay nhậu nhẹt và tâm sự, khuyên bảo họ. Có người nghe ông, bớt nhậu nhẹt say xỉn, bớt quậy phá, sống có trách nhiệm hơn với gia đình. Ngôi nhà của ông ở đây cửa mở suốt nhưng không hề mất thứ gì. Khu vườn của ông không ai canh giữ nhưng cây cối lúc nào cũng xanh tốt. Dân làng lúc nào cũng đợi ông về với họ.

 Hậu duệ của Binh bộ Thượng thư và Hình bộ Thượng thư triều Tây Sơn

Ông Trương Công Trân, sinh năm 1959 ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, là hậu duệ (cháu nội) của danh thần triều Tây Sơn là ông Trương Công Hy (1727 – 1800) được giao giữ các chức danh cao quý là Binh bộ Thượng thư (hay còn gọi là Bộ Quốc phòng), Hình bộ Thượng thư (hay còn gọi là Bộ Tư pháp). Vợ chồng ông Trân không có con cái. Hiện nay vợ chồng ông sống với đứa con trai nuôi đang học đại học. 

Có lần ông Trân đi vào Sài Gòn xin sách, báo cũ về cho “thư viện”, giữa lúc chuẩn bị làm thủ tục đưa lên máy bay về liền bị nhân viên an ninh sân bay ách lại vì hàng nhiều, quá cân.“Trương Thanh (là bí danh của Trương Công Trân – PV) xây lên cái nhà, đào ao thả cá, trồng cây, sưu tầm đồ cổ chum vại, nồi đồng cối đá, cung nỏ chiêng trống, gùi hàng của người dân tộc…về chất đầy nhà. Nhưng trẻ con trong làng khoái nhất là “tủ sách cộng sản chủ nghĩa” của bác Trương Thanh. 

Cơ chế của bác đưa ra là tự mượn – tự ghi sổ - tự trả - tự quản lý – tự bổ sung vào. Nhiều đoàn khách lên thăm cơ ngơi, thích quá, ủng hộ không biết cơ man nào là sách báo, tạp san, tạp chí đủ loại. Nhiều lúc đến quá bữa, khách cứ việc vác cần câu ra ao câu cá mà đánh chén, uống rượu saym đừng ngại ngùng gì, chỉ cần có sách báo cũ gì ở cơ quan không dùng đến thì các anh cứ mang hết lên cho bà con anh em trong làng xem là được. 

Có lần Trương Thanh vào thành phố phía Nam xin quần áo cũ sách vỡ, sách truyện bổ sung vào ngôi nhà từ thiện của nó, ra sân bay bị nhân viên ách lại vì hàng nhiều, quá cân! Nó bảo thôi các em cứ lấy hết trái cây chia nhau mà ăn, còn sách vỡ quần áo cũ, guốc dép để lại cho “quan” mang về! Đám người mẫu nhân viên hàng không lông mi cong ngơ ngác ngạc nhiên: - Trời ơi, mấy thứ cũ kỹ bẩn thỉu này chú mang về làm gì? – Nói thế tội chết mấy em.

Quê chú trẻ con nghèo lắm, toàn mặc quần thủng đít chân đất đi học, có mấy thứ này là như vàng rồi đó mấy em! Mấy em nhân viên hàng không xinh như mộng ước, thấy chú nhà quê tội nghiệp, chả biết chú làm cái gì, công tác ở đâu, mà thấy hình như chú đang đi làm từ thiện, nỡ nào lại lấy mấy chục ký trái cây của chú. Thôi chú đặt lên cân hết đi, chúng cháu không lấy tiền đâu!”, trích cuốn sách Quyền lực của Nhà văn Bùi Công Dụng viết về ông Trương Công Trân do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

 

Những tin cũ hơn

Những chính sách mới về Thuế có hiệu lực thi hành trong tháng 10-2014

Những chính sách mới về Thuế có hiệu lực thi hành trong tháng 10-2014

— 25 Tháng Năm 2017

Giảm thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh trong khu kinh tế; tạo điều kiện khi nộp thuế đối với hàng xuất khẩu; thay đổi cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng biện pháp chống bán phá giá… là những quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 10-2014.

THÔNG BÁO VỀ NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM MỞ RỘNG Ngày 12/9/2014

THÔNG BÁO VỀ NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM MỞ RỘNG Ngày 12/9/2014

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 12/9/2014 Ban chấp hành Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã tiến hành hội nghị mở rộng do chủ tịch lâm thời Hội TS. Nguyễn Văn Kiệm chủ trì. Hội nghị tiến hành tại cơ sở Nam dược thần hiệu Tuệ Tĩnh đường ở Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hội nghị bao gồm 11 thành viên...

TỰ HÀO VỊ TƯỚNG HỌ TRƯƠNG TRONG LÒNG DÂN

TỰ HÀO VỊ TƯỚNG HỌ TRƯƠNG TRONG LÒNG DÂN

— 25 Tháng Năm 2017

(HTVN) - Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, họ Trương Việt Nam tự hào có nhiều anh hùng mặt trận an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đương thời trong đó tướng Trương Hữu Quốc -nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an

Lăng mộ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu và Lễ bộ thượng thư Trương Minh Giảng

Lăng mộ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu và Lễ bộ thượng thư Trương Minh Giảng

— 25 Tháng Năm 2017

(HTVN) -Nhân ngày Quốc Khánh 02/09/2014, ông Trương Thanh Tùng và nhiều Doanh nghiệp đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân họ Trương Việt Nam đã đến dâng hương tưởng nhớ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu tại số 41 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận và Lễ bộ thượng thư Trương Minh Giảng tại Trương Gia từ, phường 7, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Nghệ sỹ ưu tú Bắc Sơn - Trương Văn Khuê (1932 - 2005)

Nghệ sỹ ưu tú Bắc Sơn - Trương Văn Khuê (1932 - 2005)

— 25 Tháng Năm 2017

(HTVN) Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê (sinh ngày 25-12-1932 tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai). Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 3-2-1997.