Thắm tình họ tộc

01:11 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3555

Ghi nhanh của Trương Điện Thắng về chuyến thăm các tộc Trương tại Quảng Nam và Đà Nẵng của anh Trương Văn Đoan


Gặp mặt trí thức, doanh nhân họ Trương

Anh Trương Văn Đoan, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch- đầu tư nay là người đọc nhiều và say mê sử Việt đã được tôn vinh làm Chủ tịch lâm thời Hội đồng Trương tộc Việt Nam từ 2 năm nay. Tiến sĩ Trương Quốc Bình, người có nhiều đóng góp để UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới cho Hội An và Mỹ Sơn, hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam Lâm thời đã từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Và tôi, người được giao nhiệm vụ làm đầu mối liên lạc tại khu vực duyên hải miền Trung. Chúng tôi thực hiện chuyến đi này, trong mục đích triển khai 3 công việc: mở rộng sự kết nối đồng tộc khắp mọi miền tổ quốc, nghe ý kiến đóng góp để soạn thảo các nội dung văn kiện và kêu gọi các doanh nhân họ Trương chung tay nhằm tạo ra các điều kiện hậu cần thiết yếu để có thể tổ chức đại hội Trương tộc toàn quốc vào cuối năm nay.

Trước đó, các anh Đoan, anh Bình và nhiều anh chị khác cũng đã thực hiện các chuyến đi tương tự đến nhiều tỉnh miền Bắc, vùng Thanh-Nghệ- Tĩnh, Huế và TP Hồ Chí Minh…

Chuyến đi về miền Trung lần này được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ như một “tour” nên tuy thời gian hạn hẹp nhưng chúng tôi đã đến được nhiều nơi, gặp gỡ rộng và trao đổi được nhiều thông tin bổ ích.

Đầu tiên phải ghi lại ở đây tấm lòng của các anh Trương Công Nam, Trương Công Nhãn trong ban lãnh đạo Công ty Xây dựng 55, anh Trương Văn Bay, phó Chủ tịch UBND TP Hội An, anh Trương Công Báo, giám đốc nhà Xuất bản Đà Nẵng đã có nhiều hỗ trợ cần thiết để chuyến thăm viếng cảm động này.
 Vừa xuống máy bay, chúng tôi đã dự ngay cuộc gặp mặt các trí thức, doanh nhân họ Trương đang làm việc tại TP Đà Nẵng. GS-TS Trương Bá Thanh hiệu trưởng đại học Kinh tế Đà Nẵng, bác sĩ Trương Văn Hùng (Bệnh viện tư nhân Vĩnh Toàn), anh Trương Thế Sơn Tổng giám đốc Vinas A Lưới, , anh Trương Công Sơn chủ tịch Công đoàn Cảng Đà Nẵng, anh Trương Công Trân, Phó ban Quản lý khu kinh tế Chu Lai, các anh Nam, Nhãn, Báo và nhiều anh em khác, có người là con cháu họ Trương tại Hà Tĩnh, Quảng Bình đang làm việc ở Đà Nẵng cũng đến dự.
 


Gặp mặt Doanh nhân, trí thức họ Trương tại Đà Nẵng (Ảnh TĐT)

Buổi gặp mặt và ăn tối kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ với ghi nhận nổi bật là dù ở cương vị nào, hễ là con em họ Trương, hết thảy đều có chung một nhu cầu kết nối dòng tộc thông qua một tổ chức thống nhất. Coi đó như một nhu cầu tâm linh mà từ lâu, vì chiến tranh và chia cắt đất nước đã không thực hiện được. Muốn thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải kết nối được ít nhất 60-70% trong tổng số gần 300 tộc Trương trên mọi miền tổ quốc để cử đại biểu dự đại hội và có một tiểu ban soạn thảo các văn kiện, qui chế hoạt động cùng các nội dung khác. Họ Trương nay đã cử ra Hội đồng Trung ương lâm thời quy tụ nhiều trí thức, nhiều nhà hoạt động văn hóa, xã hội tâm huyết, lại có cả một Website với gần 1 triệu lượt truy cập là những thuận lợi cơ bản. Nhiều doanh nhân có mặt trong buổi gặp cũng đồng ý rằng cần có một tiểu ban hậu cần để chuẩn bị mọi điều kiện vật chất cho đại hội. Ở đó, chắc chắn rằng sự góp sức của nhiều người sẽ góp phần vào mục đích chung đầy ý nghĩa của dòng họ chúng ta.


Nhà thờ họ hai tầng của họ Trương Phú Bát Nhị (ảnh TĐT)

Bác sĩ Trương Hùng, tiến sĩ Trương Bá Thanh đề nghị tăng cường công tác kết nối bằng việc kêu gọi thêm nhiều người có uy tín và tâm huyết ở các tỉnh miền Trung…


GS-TS Trương Bá Thanh (áo xanh) đang phát biểu (ảnh TĐT)

 Anh Trương Văn Đoan, trong dịp này cũng nhất trí rằng “ Kết nối, văn kiện và hậu cần chính là 3 trụ cột cần được chung tay đóng góp của giới trí thức, doanh nhân họ Trương để tiến tới đại hội. Anh cũng giới thiệu, tuy mới hoạt động một thời gian ngắn, kinh phí hạn hẹp, nhưng Hội đồng Trương tộc Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động kết nối tại nhiều vùng, đóng góp 300 triệu đồng cho việc xây dựng tượng đài cụ Trương Hán Siêu, một danh nhân tiêu biểu của họ Trương tại Ninh Bình, triển khai quỹ học bỗng họ Trương với đóng góp ban đầu của doanh nhân Trương Hữu Thắng là 100 triệu. Trong đó, sinh viên tật nguyền bẩm sinh Trương Thị Thương ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã nhận được 10 triệu học bỗng từ quỹ này…

Kết thúc buổi gặp mặt, là việc trao đổi danh thiếp, lưu giữ số điện thoại của nhau và những lời hẹn gặp nhau nhiều lần hơn nữa…

Một trong những quyết định đưa ra ngay cuối buổi gặp là kéo dài thêm lộ trình chuyến thăm vào ngày hôm sau để đến thăm tộc Trương Công tại xã Đại Lãnh về phía tây huyện Đại Lộc 25 km, ngay dưới chân khu di tích của trận địa Thượng Đức năm xưa, cách Đà Nẵng hơn 70 km về phía tây theo đề nghị của anh Trương Công Báo. Nhiều người, tuy bận rộng cũng xung phong tham gia chuyến đi, trong đó có cụ Trương Công Bái, thân sinh anh Trương Công Nam, tuy đã 80 tuổi nhưng đã có mặt suốt lộ trình từ  Điện Bàn, Đại Lộc đến Hội An…

Những nén nhang thắm tình tộc họ

 

Nơi dừng chân của chúng tôi vào 7 giờ sáng hôm 24.6 là lăng mộ ngài lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy tại làng Thanh Quýt. Khi vừa đến nơi, tất cả các thành viên Hội đồng gia tộc ở đây đã có mặt. Nơi yên nghỉ của một danh thần thời Tây Sơn, đã được công nhận là di tích lịch sử từ năm 1995, rộng 2400 mét vuông, nằm ngay bên cạnh con đường 4 làn xe mới mở, tạo ra sự thuận lợi cho mọi cuộc thăm viếng. Sau đó là buổi dâng hương ngài tiền hiền Trương Công Trung tại từ đường. Anh Trương Quốc Bình cho rằng tộc Trương Thanh Quýt có lẽ là tộc họ duy nhất có đến 3 công trình được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc. Anh Trương Văn Đoan nói: “Đó không chỉ là niềm hành diện của bà con tộc viên địa phương mà còn là của cả toàn họ Trương chúng ta. Bởi vậy, chúng ta cần đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống để họ Trương ngày càng có thêm nhiều nhân tài đóng góp cho quê hương…”

 


Anh Đoan, Anh Bình thắp hương tưởng niệm Thượng thu Trương Công Hy

Tại nhà thờ tộc Trương Phú làng Bất Nhị, xã Điện Phước- nay được xây dựng 2 tầng khang trang từ sự đóng góp của tộc viên làm ăn ở TPHCM và nước ngoài. Đây cũng là công trình nhà thờ họ kiên cố và tiêu biểu ở vùng rốn lũ hàng năm ở ven sông Thu Bồn. Tại đây, anh Trương Phú Hơn, một doanh nhân định cư tại Mỹ vừa về thăm quê cũng có mặt. Tộc Trương Phú sinh sống tại làng cổ Bất Nhị đã hơn 400 năm, nay đã có 15 đời con cháu với hơn 1.000 tộc viên và một nửa trong số đó hiện đang làm ăn tại các tỉnh phía nam. Nơi hội tụ đông nhất là khu vực Tân Bình, Tp HCM.


Anh Đoan tặng tập san Họ Trương Việt Nam cho Anh Trương Phú Hơn tại họ Trương Phú Bát Nhị


Đến nhà thờ tộc Trương Văn tại làng Châu Lâu, xã Điện Thọ, đoàn chúng tôi đông thêm bởi sự có mặt của các anh Trương Công Báo, Trương Văn Hùng, Trương Công Trân và cụ Trương Công Bái. Nhà thờ tộc Trương Văn Châu Lâu tuy mới xây dựng lại trên đất mới từ sau hòa bình do qui hoạch của xã, nhưng có một kiến trúc uy nghi, lại có thế đất rất đẹp, hướng tây nam. Cổng tam quan nhìn thẳng lên đỉnh núi Hòn Tàu gần di tích Mỹ Sơn. Trước mặt là con sông nhỏ quanh năm trong vắt và khu đất có trồng một  “cây Trạng Nguyên”, vinh danh vị tiến sĩ đầu tiên của tộc là nhà giáo Trương Hoài Chính đang giảng dạy tại Đại học Đà Nẵng. Tộc Trương Văn Châu Lâu là một trong những tộc tiêu biểu trong phong trào khuyến học của huyện Điện Bàn liên tục từ năm 1996 đến nay. Trong bữa trưa với những tô mỳ Quảng thơm ngon là câu chuyện thân tình của những người đồng huyết thống tưởng như không dứt, tưởng như của những bà con lâu ngày vừa gặp lại.


Đến nhà thờ họ Trương Văn ở Châu Lâu các thành viên tham dự đoàn tăng lên đáng kể

Tại nhà thờ tộc Trương Văn ở xã Đại An, bác sĩ Trương Văn Hùng giới thiệu về lịch sử dòng tộc trong ngôi ngôi nhà cổ ba gian hai chái hơn 100 năm tuổi với nhiều chạm khắc trên gỗ tinh tế và các hoành phi, câu đối đầy ý nghĩa. Công trình kiến trúc độc đáo này đang trong quá trình lập hồ sơn công nhận di tích văn hóa- lịch sử. Nhưng đặc sắc nhất của tộc Trương Văn làng Hóa Tây chính là cứ 5 năm lại tổ chức ngày hội tộc một lần và trong dịp này đều có một “đặc san” dày trên 100 trang được ấn hành với nhiều bài viết, sáng tác, tư liệu của chính con cháu trong tộc. Tộc Trương Văn làng Hóa Tây còn có cả một website riêng http://truongvan.com/ với nhiều tư liệu, hình ảnh sinh động.


BS Hùng giới thiệu đặc san họ Trương Văn Đại An

Đây là dòng dõi võ quan, từ đất Bắc vào Nam mở đất từ thế kỷ thứ XVII. Ông tổ đời thứ 4 là ngài Trương Văn Chơn được vua Minh Mạng sắc phong là tiền hiền khai cơ của làng Hoá Tây, Đại Lộc. Sinh thời ngài tiền hiền làm chức quan Cai Đội tại Bình Định Trấn dưới thời các Chúa Nguyễn. Đến nay, với truyền thống hiếu học, trong các đời con cháu của ngài đã có nhiều vị là tiến sĩ trong các ngành khoa học, các bác sĩ chuyên khoa giỏi và nhiều kỹ sư, nhà giáo có tiếng ở cả nước ngoài…

Cũng như tộc Trương Văn Châu Lâu, Trương Văn Hóa Tây cũng có một Tộc ước được soạn thảo khá công phu, súc tích…


Chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ Trương Công Đại Lãnh

Tại từ đường Tộc Trương Công ở thôn Tịnh Tây, xã Đại Lãnh, ông Trương Công Kích, nguyên Chủ tịch UBND huyện, thay mặt Hội đồng gia tộc cho biết trong 18 đời con cháu từ ngài tiền hiền Trương Thủ Chiếm đến nay, mọi tộc viên đều được cha ông giáo dục một lòng với quê hương đất nước và tính trung thực thẳng thắn. Do vậy, bức bình phong trước từ đường là một hình ảnh và cả kiến trúc khá độc đáo: Đó là 2 tấm bia đá song song, trên đó khắc tên những liệt sĩ là con cháu các đời trong tộc Trương Công, các người dâu và con gái trong tộc đã được phong là các Mẹ Việt Nam anh hùng…Đây có lẽ là một biểu tượng để chúng ta suy ngẫm thêm về những mất mát, đau thương của những con cháu họ Trương trên toàn quốc đã xả thân vì dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử đất nước.


Bình phong nhà thờ là bia đá ghi danh các liệt sỹ họ Trương


Trong nhà thờ họ Trương Công Đại Lãnh, Quảng Nam (Ảnh TĐT)

Anh Trương Công Báo, hiện là giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng đưa chúng tôi sang nền nhà cũ của ông nội anh trước mặt từ đường và chỉ cho thấy những viên đá làm chân cột, những viên ngói âm dương còn lại từ ngôi nhà cổ đã đổ nát từ sau trận chiến ác liệt Thương Đức năm 1974. Đó là chứng tích của một vùng đất chiến tranh ác liệt bên cạnh hai tấm bia trước ngôi từ đường mới dựng, như để nhắc nhớ…mà chắc rằng những nén nhang chúng tôi vừa thắp lên trong từ đường vẫn là chưa đủ với những máu xương!


Anh Trương Công Báo bên cây Trạng Nguyên trước nhà thờ họ Trương ở Châu Lâu

Họ Trương ở Hội An

Chúng tôi nghỉ đêm ở phố cổ Hội An và đến viếng thăm từ đường tộc Trương Minh Hương trên đường Phan Châu Trinh ngay trong buổi tối 25.6. Được xây dựng vào năm 1840 dưới triều Nguyễn, nhà thờ bao gồm các phần nhà ở sinh hoạt, nhà thờ tộc và cổng ngõ cổ kính. Khu nhà được che bởi các bức vách bằng tre khá độc đáo vì ngồi từ trong có thể quan sát được cảnh trí bên ngoài. Ngày xưa, trong khuôn viên nhà thờ còn có nhà cho những người hầu ở. Di tích này đã được các thế hệ con cháu tộc Trương gìn giữ hầu như nguyên vẹn, được tu bổ vào năm 2002 và tổ chức UNESCO đã trao tặng giải thưởng Award of merit danh giá.


Anh Đoan và Anh Bình thắp hương tại nhà thờ họ Trương Minh Hương

Tộc Trương Minh Hương từ Trung quốc di dân đến Hội An vào thời các chúa Nguyễn và trở thành công dân Việt Nam đến nay đã 270 năm với con cháu hiện nay khoảng 315 người sống ở mọi miền. Đến nay toàn tộc đã phát triển được 11 đời. Nhạc sĩ  lão thành Trương Đình Quang là tộc trưởng, nhà văn Trương Duy Hy là tộc phó. Nhà khoa học Trương Đình Hiển, họa sĩ Trường Bách Tường, nhà nghiên cứu văn hóa Trương Duy Trí là những hậu duệ nổi tiếng của tộc.

Anh Trương Duy Trí ( đời thứ 8) đang sống và quản lý di tích này phải bỏ công việc chuyên môn tại Trung tâm Văn hóa thông tin Hội An để chuẩn bị đón khách. Anh hướng dẫn chúng tôi đốt nhang trên các bàn thờ tổ tiên và lần lượt giới thiệu những di vật quý giá của tổ tiên từ khi gắn bó với tổ quốc Việt Nam. “Ít người biết rằng, thông tin về thời điểm cụ tổ thứ 3 đặt viên đá đầu tiên để xây dựng nhà thờ (lúc 5 giờ sáng ngày mồng 5 tháng 10 năm Canh Tý, tức ngày 28.11.1840) đã được khắc ngay trên cây trùng lương ở gian chính  (nằm bên dưới cây thượng lương). Đây là dấu tích nguyên gốc mà công trình được thừa nhận về niên đại và các giá trị kiến trúc. Ngay ở bên trái gian chính từ trong nhìn ra, hiện còn treo ảnh thờ quan Huấn đạo Trương Đồng Hiệp. Phía dưới là hai cáng khiêng võng của ông do chúa Nguyễn ban cho như một bảo vật của dòng họ…”, anh Trí nói.

Hội An ngoài hai tộc họ Trương Minh Hương, còn có tộc Trương Quang  (của các vị Trương Quang Được, Trương Quang Nghĩa ở xã Cẩm Kim) từ Bắc vào và tộc Trương Văn ở làng Thanh Nhì từ Bình Định ngược ra từ thời Nguyễn Nhạc.

Chúng tôi được anh Trương Văn Bay, trưởng tộc và đang là Phó chủ tịch UBND TP Hội An  đưa về từ đường cách đô thị cổ vài cây số ở phía đông. Ngài tiền hiền Tộc Trương Văn Thanh Nhì là Trương Văn Môn, nguyên là Tá đô úy thủy quân được Nguyễn Nhạc điều động từ Bình Định ra Hội An. Truyền ngôn cho biết trước khi vào Bình Định, ngài cũng là người từ phương Bắc. Đến Hội An, ngài lấy vợ và sinh ra con cháu đến nay đã 11 đời. Điều này lại cho thấy quá trình nam tiến của dân tộc là con đường zíc-zắc chứ không phải đường thẳng như ta từng biết. Và vì đó, việc chắp nối dòng tộc càng thêm khó khăn hơn nếu không có tài liệu ghi chép…

Nhưng điều đặc biệt khác của Trương tộc Thanh Nhì là tộc đã có đến 2 tộc viên được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến vừa qua và nay đã được đặt tên đường ở khu đô thị mới Hội An. Đó là anh hùng Trương Bút, thân sinh anh Trương Văn Bay và anh hùng Trương Minh Lượng.


Anh Đoan và Anh Bình thắp hương tại nhà thờ Trương Văn ở Thanh Nhì

Trong truyền thống dòng tộc, Trương Văn Thanh Nhì còn có một mẹ VNAH là bà Trương Thị Phượng và tiến sĩ Trương Quốc Hùng (đời thứ 8) hiện là phó giám đốc nhà xuất bản Trí Thức tại Hà Nội…

Ở Thanh Nhì, còn có một bất ngờ thú vị với anh Trương Văn Đoan, chính là anh đã gặp lại anh Trương Trọng Hải, nay đã vào tuổi 80, là cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội ( đồng môn), là rễ và nguyên giám đốc nhà máy giấy Bãi bằng trước năm 1975 của TP Việt Trì ( xem như đồng hương), và nay gặp nhau ở Hội An sau 50 năm lại là… đồng tộc, nên buổi gặp mặt thật nhiều ý nghĩa. Câu chuyện vì vậy kéo dài cho đến khi nhấm nháp hết chai rượu ngâm trứng chim yến độc đáo mới thôi. Anh Trương Minh Vũ, con cháu tộc Trương Văn Thanh Nhì hiện là đội phó đội khai thác yến ở Cù Lao Chàm nên mới có thứ hàng…độc này để anh Hải chiêu đãi chúng tôi. Nhưng tiếc là hơi bị…ít!


Cùng Hội đồng gia tộc Trương Công Thanh Quýt tại mộ Thượng thư Trương Công Hy

 Những điều gì còn lại sau cùng của chuyến đi và bài ghi chép này?

Đó là một chuyến thăm viếng tộc họ đầy ý nghĩa và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi, tuy thời gian ngắn ngủi. Đó là một tình huyết thống sâu sắc mà ở đó, từ các anh trí thức, doanh nhân đến các anh nông dân, những bô lão và nhiều thành viên tại các Hội đồng gia tộc họ Trương ( trong đó có cả những cô con gái họ Trương, những người dâu họ Trương mà chúng tôi gặp) đều bày tỏ rằng nhu cầu kết nối dòng tộc là từ huyết quản, là tình cảm tự đáy lòng, là khao khát đã bao đời nay cần được thực hiện càng sớm càng tốt với việc thiết lập một tổ chức chính thức. Con đường kết nối này chúng ta đang làm bởi những người đầy tâm huyết và đang có sức lan tỏa. Một trong những bằng chứng là số lượt truy cập trên website truongtoc.vn, tuy chỉ một thời gian ngắn, đã có đến con số gần 1 triệu, có ngày số lượt truy cập lên hơn 3.000 và số tộc viên đăng ký làm thành viên cũng tăng lên nhanh chóng…

 Trong các cuộc gặp còn có nhiều trao đổi và hiến kế thật ý nghĩa. Đó là đề nghị đưa lên site hình ảnh và thông tin liên quan của các nhà thờ tộc trên toàn quốc để tổ chức bình chọn và trao tặng phẩm cho những thiết kế tiêu biểu, hoặc tổ chức cuộc thi các đề án tổ chức Hội đồng gia tộc tiêu biểu, trong đó khuyến khích tăng các thành viên là phụ nữ ( các bà dâu) để phụ trách những công việc phù hợp, hay có các ủy viên chuyên trách đối ngoại của mỗi tộc…Đây có lẽ cũng là những nội dung sinh động làm phong phú cho đại hội toàn quốc sắp tới…

 

 Anh Đoan, anh Bình ạ, thời gian ít, lại đi nhiều như vừa qua là khá vất vả cho những người đã ngoại lục tuần như chúng ta. Nhưng tôi thấy chúng ta lại cứ luôn cười nói ngay cả vào lúc nhiệt độ miền Trung lên tới 37 độ C. Mọi sự e dè lạ lẫm dường như không hiện diện trong các cuộc trao đổi. Điều đó hết sức có ý nghĩa cho quá trình vun bồi tình huyết thống và kết nối dòng họ.

 

Vì vậy, chúng ta tin rằng đó là một sứ mệnh không cô đơn. Nhiều anh nhiều bác trong những ngày qua đều sung sướng mong được góp sức mình vào các nỗ lực chung, đó là một minh chứng nữa tạo ra sự lạc quan trong chúng ta; tạo nên kết quả của một chuyến đi!

Bài và ảnh Trương Điện Thắng
Chiều 26.6
.2012

 

 

 

  

  

   

   

 

 

Những tin cũ hơn

Lãnh đạo HĐ Trương Tộc Vn thăm các tộc Trương ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Lãnh đạo HĐ Trương Tộc Vn thăm các tộc Trương ở Quảng Nam, Đà Nẵng

— 22 Tháng Năm 2017

Trong 3 ngày 23, 24 và 25.6, Chủ tịch HĐ Trương tộc VN lâm thời Trương văn Đoan và Phó Chủ tịch Trương Quốc Bình đã có chuyến công tác tại TP Đà Nẵng và Quảng Nam.

PGS. TS. Trương Quốc Bình thăm nhà thờ họ Trương Ngọc tại phường An Cựu, Huế

PGS. TS. Trương Quốc Bình thăm nhà thờ họ Trương Ngọc tại phường An Cựu, Huế

— 22 Tháng Năm 2017

Nhân dịp đi công tác tại Huế, ngày 11/6, PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc VNLT đã đến thăm Nhà thờ họ Trương Ngọc tại thành phố Huế với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Vỗ sư Trương Quang Kim.

Lập danh sách các tộc Trương tại các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Quảng Nam (Đà Nẵng), TT-Huế và Quảng Trị

Lập danh sách các tộc Trương tại các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Quảng Nam (Đà Nẵng), TT-Huế và Quảng Trị

— 22 Tháng Năm 2017

Kính gởi: Đại diện các tộc Trương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi Để tiến tới Đại hội Trương tộc toàn quốc, dự kiến tổ chức tại Hà Nội, vào cuối năm nay, Hội đồng lâm thời TRƯƠNG TỘC VIỆT NAM đang lập danh sách các tộc Trương ở các tỉnh, thành phố nhằm xác định số lượng đại biểu tham dự.

PGS. TS Trương Quốc Bình đến thăm các chi họ Trương Văn  tại Hà Tĩnh, TP Vinh, TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu ( Nghệ An).

PGS. TS Trương Quốc Bình đến thăm các chi họ Trương Văn tại Hà Tĩnh, TP Vinh, TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu ( Nghệ An).

— 22 Tháng Năm 2017

Nhân dịp vào Thị xã Cửa Lò, Nghệ An ( theo chương trình của Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngay sau lễ khánh thành tượng thờ Trương Hán Siêu tại Ninh Bình, nhận lời mời và được sự giúp đỡ của ông Trương Văn Việt, trong các ngày 29 và 30/4/2012, PGS. TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã đến thăm và gặp gỡ đại diện các chi họ Trương tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, TP Vinh, TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Lễ khánh thành tượng thờ Trương Hán Siêu tại Ninh Bình- biểu tượng  Danh nhân của Họ Trương Việt Nam

Lễ khánh thành tượng thờ Trương Hán Siêu tại Ninh Bình- biểu tượng Danh nhân của Họ Trương Việt Nam

— 22 Tháng Năm 2017

Như các tin đã đưa, để góp phần tôn vinh và tưởng niệm Trương Hán Siêu, một trong những danh nhân kiệt xuất toàn tài - một vị đại quan họ Trương thanh liêm, chính trực, một nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị và đồng thời là một danh tướng, một nhà quân sự lỗi lạc, người thầy của bốn triều vua thời nhà Trần, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng đền thờ Ngài tại chân núi Dục Thúy- nơi còn những bài thơ do cụ sáng tác được khắc trên vách đá, một di tích tiêu biểu ở thành phố Ninh Bình . Tuy nhiên, ngôi đền này chỉ là nơi dâng hương tưởng niệm mà chưa có tượng thờ . Chính vì thế, thời gian gần đây, tỉnh Ninh Bình đã quyết định làm tượng thờ cụ Trương đặt tại ngôi đền linh thiêng này. Từ mong muốn suy tônTrương Hán Siêu là danh nhân tiêu biểu của họ Trương toàn quốc, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời coi công việc hết sức có ý nghĩa này cũng đồng thời là trách nhiệm của tất cả những người họ Trương ở Việt Nam. Chính vì vậy, lãnh đạo Hội đồng đã tập trung tham gia tất cả các công việc từ lựa chọn mẫu tượng, vận động tàì trợ, đến các hoạt động đúc và khánh thành tượng. Ngày 28, 29/4/2012, tức 8 và 9/4 âm lịch vừa qua, lãnh đạo Hội đồng Trương tộc VN lâm thời cùng nhiều bà con, anh em họ Trương từ nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã về dự lễ khánh thành công trình nghệ thuật và tâm linh quý giá này tổ chức tại thành phố Ninh Bình