TIẾN SĨ TRƯƠNG QUỐC DỤNG VÀ DÒNG HỌ TRƯƠNG QUỐC Ở THẠCH KHÊ, THẠCH HÀ, HÀ TĨNH

23:59 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3889
TIẾN SĨ TRƯƠNG QUỐC DỤNG VÀ DÒNG HỌ TRƯƠNG QUỐC
Ở THẠCH KHÊ, THẠCH HÀ, HÀ TĨNH

 
TS. Phan Xuân Hào - Trương Quốc Thành *

   Xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay thời Hậu Lê có tên là Long Phúc, thời Tây Sơn là Long Phú, thời Nguyễn là Phong Phú. Hiện nay, Thạch Khê được biết đến như là nơi có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Trong thời Hậu Lê và thời Nguyễn, Long Phúc - Phong Phú, là một trong những vùng đất nổi tiếng của trấn Nghệ An, với những văn thần, võ tướng mang họ Lại, họ Trần Đức, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Dương, họ Trương Đăng, họ Trương Quốc... đã làm rạng danh cho quê hương đất nước.
   Trong số những người con của quê hương Thạch Khê, Đông các Đại học sĩ - Tiến sĩ Trương Quốc Dụng là một danh nhân, một nhà văn hóa, nhà khoa học lớn, nhà cải cách chính trị, danh tướng, được sử sách suy tôn là người học rộng, văn, võ song  toàn.
   Trương Quốc Dụng lúc nhỏ tên là Khánh, tên tự Dĩ Hành, Nhu Trung, hiệu Phong Khê. Theo gia phả của họ Trương Quốc, ông sinh vào giờ Mão, ngày Mồng Hai tháng Chạp năm Tân Dậu (1-2-1802), sử sách ghi ông sinh năm 1797 (Đinh Tỵ), tại xã Phong Phú (Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh), hy sinh tại chiến trường Đông Bắc (Quảng Ninh) ngày 29 tháng 7 năm 1864 (26 tháng 6 năm Giáp Tý).
 
Đại học sĩ Trương Quốc Dụng.
 
TRƯƠNG QUỐC DỤNG
( 1797 – 1864)

   Dòng họ Trương Quốc (Long Phúc - Phong Phú) vốn gốc từ đất Thăng Long, về lập nghiệp ở đây từ đầu thế kỷ XVI.
   Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, họ Trương Quốc ở đây nổi tiếng về văn học, 1 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Cử nhân (Hương cống) và 3 người đỗ Tú tài (Sinh đồ). Trong khoa thi Quý Dậu (1753), năm Cảnh Hưng thứ 14, đời Lê Hiển Tông, có ba anh em ruột cùng đăng khoa, đó là Trương Quốc Kỳ đỗ đầu Hương cống, Sinh đồ Trương Quốc Liễn và Sinh đồ Trương Quốc Cơ.
    Ông Trương Quốc Kỳ (1730 - 1789)  là ông nội của Trương Quốc Dụng, sau khi đỗ đầu Hương cống được bổ làm quan Thị nội Tuỳ giảng Tả Hình phiên là thầy học của Thái tử Lê Duy Vĩ. Ông là con người khí tiết không sợ cường quyền. Khi Trịnh Sâm giết Thái tử Lê Duy Vĩ, vì là thầy học của Thái tử nên ông cũng bị Trịnh Sâm nghi ngờ và ghen ghét. Để tránh tai họa, ông cáo quan lui về ở ẩn, chu du thiên hạ. Khi Trịnh Tông (Khải) lên làm chúa, tức là Đoan Nam Vương, lại bắt ông giam vào ngục Bả Môn. May nhờ có Ngự sử Trương Đăng Quỹ là người cùng làng tìm cách cứu nên ông mới không bị hại.

Gặp thời thế nhiễu nhương, các phe phái xâu xé nhau lợi ích, ông dùng thơ phú để nói lên tấm lòng ưu ái của một trí thức chân chính trước cảnh loạn lạc của đất nước:
Bành Tổ nhược sinh hoàn tất lão
Khổng Minh bất tử diệc tam phân
Nghĩa là:
Ông Bành Tổ có sống lại thì cũng chỉ là một ông già mà thôi,
Khổng Minh nếu còn sống thì cũng không cứu vãn nổi tình thế nước chia ba.
Ý ông Kỳ muốn mượn việc xưa để ám chỉ thời thế.
Ông Trương Quốc Kỳ là một người mưu lược, biết trước những sự việc sẽ xảy ra để định liệu hành động. Ông còn là nhà chiêm tinh học, tài xem sao của ông đã nổi tiếng thời bấy giờ.
 Chẳng hạn, khi chúa Trịnh đánh Trấn Ninh, giao việc quân cho Bùi Thế Đạt thống lĩnh. Đạt do dự, án binh bất động. Cộng sự của Đạt là Nguyễn Phan lấy làm lo đến xin ông Kỳ cùng dự việc. Ông nhìn diện mạo của Đạt, nói với Phan: “Mặt đại tướng là người ta đeo cho, nhưng cũng lo cho Đạt. Phàm muốn làm việc gì mà không hiểu rõ thì không nên làm”. Nói rồi từ chối không chịu nhận lời của Nguyễn Phan. Quả nhiên trận ấy Bùi Thế Đạt bị thua quân Trấn Ninh của Lê Duy Mật.
 Hoặc khi Tuyên Quang Hiến sát Phó sứ là Nguyễn Đình Viện, cùng quê với Nguyễn Hữu Chỉnh, bàn mưu khởi binh chống lại Tây Sơn để cướp Nghệ An, Chỉnh cho người đến bàn với ông Trương Quốc Kỳ định kế hoạch. Ông Kỳ từ chối sau đó bí mật nói với người nhà rằng: “Nguyễn Chỉnh phi khả dự cộng sự giả, đồ đa sát nhân vô ích dã”. Nghĩa là: Không nên cộng sự với Nguyễn Chỉnh vì y là kẻ xảo quyệt, tàn bạo đã giết nhiều người. Nếu theo y thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Và đúng thế thật, Nguyễn Huệ sai Võ Văn Nhậm mang quân ra Bắc Hà trị tội Chỉnh, Đình Viện chưa kịp dấy binh đã bị Tây Sơn giết. Chỉ một trận, quân Chỉnh thua tan tác, Chỉnh bị bắt sống.
Hay là chuyện khi ông bị họ Trịnh giam ở ngục Bả Môn, bè bạn bí mật đến thăm, ông cười mà rằng:
Hà niên Long Phúc cải
Thử thị ngã quy Kỳ
Nghĩa là:
Khi nào làng Long Phúc đổi tên thì lúc đó ta sẽ trở về quê.
Khi Quang Trung lên làm vua đổi Long Phúc thành Long Phú, thì ông mới về quê thật.
Khi về ở ẩn ở quê, ông mở trường dạy học, ông còn giáo hóa dân làng, hạn chế được nhiều hủ tục. Suốt đời ông lấy đạo học làm đầu, không màng vinh hoa phú quý, nên được người đời sau kính trọng và gọi là Quan Thị Nội chứ không gọi bằng tên húy.
Có thể nói rằng, Trương Quốc Kỳ là một con người tài năng, khảng khái, một Nho sĩ chân chính, nhưng không gặp thời để thể hiện tài kinh bang tế thế.
Một người được nhà vua giao dạy dỗ Thái tử, không giữ trọng trách gì, mà lại được những nhân vật có thế lực đương thời như Bùi Thế Đạt hay Nguyễn Hữu Chỉnh tham vấn khi có việc lớn, chứng tỏ trí tuệ và tầm ảnh hưởng của Trương Quốc Kỳ ở mức nào!
Thân phụ Trương Quốc Dụng là Trương Quốc Bảo (1772 - 1854), còn gọi là Trương Quốc Hiền đỗ Tú tài khoa Ất Dậu (1825), một nhà giáo có uy tín đương thời, được phong Hàn lâm viện Thị độc. Lúc nhỏ, ông Bảo là học trò xuất sắc của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, được La Sơn phu tử rất yêu mến, lại còn được thụ giáo với Hoàng giáp Bùi Dương Lịch là một nhà văn hóa lớn đương thời.
Ông Bảo là một người con chí hiếu và một bậc chân nho, hiểu nhiều, biết rộng, dạy con đỗ Tiến sĩ. Ông có tài thơ, phú. Ông làm bài “Thúc ước xã Phong Phú” với lời tao nhã, ý sâu xa, nói đủ các cảnh ngư, tiều, canh, mục, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, tự hào về non sông gấm vóc.
Trước cảnh sông Đồng Môn hàng năm gây ngập mặn ruộng Hói, làm cho mùa màng thiệt hại, ông đã tự bỏ vật liệu và vận động các hào phú trong làng cùng làm rồi hô hào dân chúng đắp được 5 cánh hàn ngăn mặn, giữ ngọt cho đồng ruộng. Ông cũng vận động làng xã miễn đóng góp cho những nhà nghèo khó trong nhiều cuộc tế lễ.
Chính truyền thống “Thi Lễ”, thương người sâu sắc của gia đình đã góp phần quan trọng tạo nên nhân cách và tài năng Trương Quốc Dụng.
Trương Quốc Dụng nổi tiếng “thần đồng” từ nhỏ, ông không thụ giáo với người ngoài, chỉ ở nhà học với cha. Lên 8-9 tuổi đã biết làm thơ, 21 tuổi đậu Tú tài, 25 tuổi đậu Cử nhân và 29 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1829) Minh Mạng thứ 10.


Đền thờ  Đại học sĩ -Tiến sĩ Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Ông là một danh tướng chống ngoại xâm và dẹp phản loạn
Năm 1830, Trương Quốc Dụng khởi nghiệp được bổ làm Tri phủ phủ Tân Bình. Năm 1831, thăng Hình bộ Lang trung. Năm 1833, tòng quân dưới quyền Tham tán Trương Minh Giảng đi dẹp loạn Lê Văn Khôi chiếm thành Gia Định. Năm 1834, Trương Quốc Dụng đi đánh quân Xiêm xâm lược các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ.
Sau khi lập công lớn trong việc đánh đuổi quân Xiêm, ông được bổ làm Án sát Quảng Ngãi, tiếp đến Án sát Hưng Yên. Năm 1841, được bổ làm Tả Thị lang (Vụ trưởng) Bộ Lễ, rồi Bộ Công, Bộ Binh, Bộ Hình. Thăng Tham tri (Thứ trưởng) Bộ Công (xây dựng), rồi Bộ Hộ (kinh tế), Bộ Binh (quốc phòng); Thượng thư Bộ Hình; Tổng tài Quốc sử quán (biên soạn sử), quản Khâm Thiên giám (thiên văn, địa lí); quản Viện Hàn lâm (Hiệu trưởng trường đại học), coi Đô sát viện (cơ quan can gián vua, đàn hặc các quan).
Năm 1862, Pháp đã đánh chiếm 6 tỉnh Nam Bộ, ở phía bắc thực dân Pháp dùng tên tay sai Tạ Văn Phụng, giúp đỡ tiền bạc, vũ khí, cố vấn quân sự đánh chiếm các tỉnh Đông Bắc. Tháng 3 năm 1862, Tạ Văn Phụng đem quân vây hãm phủ Nam Sách, chiếm thành Hải Dương; tấn công Phụ Dực, Quỳnh Côi (Nam Định); tiếp đó là chiếm thành Quảng Yên; đánh Phù Cừ, Ân Thi (Hưng Yên). Trước tình thế nguy cấp, tháng 6-1862, triều đình đã tiến cử Thượng thư Bộ Hình Trương Quốc Dụng giữ chức Thống đốc Hải An quân vụ Đại thần, đem quân Kinh thành và quân Thanh Nghệ đi cứu Hải Dương. Đến tháng 12-1862, giặc Tạ Văn Phụng bị quan quân triều đình đánh tan tác từ Nam Sách, Kinh Môn chạy về Quảng Yên. Riêng bọn giặc đầu sỏ trốn ra các đảo Đồ Sơn, Cát Bà. Năm 1863 - 1864, ông giữ chức Hiệp thống, truy quét giặc trốn ngoài biển. Chẳng may trong trận chiến ác liệt tại Trủng Hồ thôn La Khê xã Tiền An tỉnh Quảng Yên, ông hy sinh cùng phó tướng Văn Đức Giai và nhiều quân sĩ.
Con trai ông, Trương Quốc Quán đỗ Cử nhân làm chức Chủ sự, tuyển mộ quân lính theo cha đánh giặc và mất năm 1862.
Một người con khác của ông là Trương Quốc Can, được phong Chủ sự khi biết ông bị vây ở Quảng Yên, đã tuyển mộ được 50 lính quê nhà, kéo ra Hải Dương để giải vây cho cha và bị bệnh chết ở đó năm 1864.
Trương Quốc Dụng là nhà văn cổ điển Việt Nam để lại bộ bút kí Thoái thực kí văn (8 quyển), tập thơ chữ Hán Trương Nhu Trung thi tập, biên soạn Chiếu biểu luận thức, Chiếu biểu luận văn thể, Văn quy tân thể, Phú vịnh sử, Văn bia...
Trong những trước tác của ông, Thoái thực ký văn là tác phẩm lớn nhất.  Mặc dù, theo lời mục dẫn, tác giả nói tài liệu ghi chép được đã thất lạc nhiều, mười phần chỉ còn lại một hai phần, vậy mà vần còn gần 8 vạn chữ, 482 trang.
Thoái thực ký văn đã được Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Lợi, Hoàng Văn Lâu dịch ra quốc ngữ (Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1944).
Đánh giá Thoái thực ký văn, Từ điển Văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin -1993 ghi: “Thoái thực ký văn là có giá trị như một tập bách khoa nhỏ, ghi chép những kiến văn về đất nước Việt Nam, về các mặt địa lý, sơn xuyên, vật loại, cổ tích, tạp sự v.v…
Về thơ, tập Trương Nhu Trung thi tập của ông chưa được dịch ra quốc ngữ, chỉ một số bài thơ và ca trù in chung các sách hoặc được lưu truyền ở đời...
Ông là một nhà thiên văn học tài năng, một người thầy đào tạo ra những nhà thiên văn khí tượng học cho xứ sở nửa sau thế kỷ XIX, người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam thời Nguyễn.
Sách Đại Nam nhất thống chí quyển 13 ghi: “Ông học rất rộng lại rất giỏi về môn chiêm tinh học”. Quốc triều đăng khoa lục, quyển nhất ghi: “Ông rất tinh về lý học. Nhà soạn lịch trước đã thất truyền, ông lại truyền cho”.
Trong bộ sử viết về các nhân vật triều Nguyễn, bộ Đại Nam chính biên liệt truyện, nhị tập, có đoạn viết: “Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan chưa từng rời quyển sách, người đều suy tôn là học rộng. Tương truyền là nhà làm lịch bị thất truyền, (khi) Quốc Dụng làm quản lĩnh Khâm Thiên giám hàng ngày truyền dạy cho, đến nay mới nối được nghề học ấy”. 
Mới đây các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đánh giá về con người và công lao của Trương Quốc Dụng một cách đầy đủ hơn. Trong bài giới thiệu tiểu sử của ông, các tác giả sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn đã viết: “Ông (Trương Quốc Dụng) tính tình điềm tĩnh, học rộng, đọc nhiều sách ngoài văn chương cử nghiệp. Sở học của ông cũng đóng góp được nhiều cho văn hoá nước nhà đương thời. Ví như lối làm lịch ở nước ta các đời trước cứ theo lịch Đại Thống ở Trung Hoa mà làm rồi ban ra cho dân gian hơn 300 năm nay mà không hề sửa chữa. Về sau loạn lạc thất truyền nên lắm chỗ sai lầm. Khi ông trông coi Khâm Thiên giám mới tham cứu sách Đại lịch tượng khảo đời Khang Hy nhà Thanh và các sách Tây phương, từ đó làm lịch rất tinh tường. Hồi ấy, các giáo sỹ Tây phương so sánh thấy nhật, nguyệt thực của lịch ta làm ra chính xác hơn lịch của Trung Hoa”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đã tôn vinh ông “là nhà thiên văn học, một trong các vị hậu tổ của ,khoa làm lịch Việt Nam”.
Ông là một nhà sử học nổi tiếng từng tham gia biên soạn, duyệt bộ quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục (52 quyển chép sử từ đời Hùng Vương đến đời Chiêu Thống thứ ba, 1789). Cùng với bộ sử Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử gia triều Lê là hai bộ sử lớn nhất nước ta dưới thời phong kiến. Chủ biên “ Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ”
Ông là nhà giáo lớn trên nhiều lĩnh vực, làm Chánh, Phó Chủ khảo nhiều khoa thi Hương, thi Hội; từng quản Viện Hàn lâm (trường đại học), giảng sách hàng ngày cho vua Tự Đức trong 5 năm (1857 - 1862). Kiến thức sâu rộng về địa lí, kiến trúc, nhiều năm làm Tả Thị lang (vụ trưởng), Tả Tham tri (thứ trưởng) Bộ Công (bộ xây dựng), quản tòa Khâm Thiên giám, ông đã đóng góp thiết kế, xây dựng một số lăng tẩm, cung điện nổi tiếng triều Nguyễn ở Huế. Với trí tuệ uyên bác trên nhiều lĩnh vực, ông được vua Tự Đức đánh giá
là người “có học vấn uẩn súc”.

Ông Trương Sỹ Truy trao giải và phát biểu ý kiến
Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Nghệ Tĩnh - Trương Sỹ Truy trao Giải thưởng Trương Quốc Dụng cho cháu Trương Thị Thanh Lam đạt thành tích học tập xuất sắc
Ông là một tấm gương sáng ngời về nhân cách và khí tiết
Xuất thân từ khoa bảng, làm quan đến chức tứ trụ triều đình, cái cao đẹp nhất con người ông là tấm lòng thương dân, lo cho dân. Như khi làm Án sát ở Quảng Ngãi, Hưng Yên, ông đã có công khai khẩn, lập làng. Trong thời gian 3 năm về quê cư tang cha (1854 - 1856), tiếp nối ý cha, ông giúp đỡ tiền bạc và vận động thôn dân xã Phong Phú hàn tiếp 9 cánh hàn ở bờ sông để ngăn mặn, giữ ngọt và tổ chức khai hoang được nhiều ruộng cho dân cày cấy. Ông đã dựng bia tại bờ sông ghi lại công việc hàn đê khẩn hoang của nhân dân xã Phong Phú và tổng Hạ Nhị. Công trình thuỷ lợi này hiện vẫn tồn tại và phát huy tác dụng. Thấu hiểu nổi khổ cực của dân đánh cá vạn chài khi chết không có đất chôn, xác phải ném xuống dòng sông Hạ Hoàng (nay còn gọi sông Hộ Độ), ông đã dâng sớ lên nhà vua xin tiền mua đất dọc bên hai bờ sông, mỗi bên 12 thước cho dân Vạn Kì Xuyên, Vạn Lạc Thuỷ để làm nơi chôn cất.
Ông được sử sách ghi là người có khí tiết, nổi tiếng liêm khiết, không xu phụ kẻ có quyền. Lúc ở Bộ Hình “rất nhiều vụ án được ông điều tra ra sự thực, con người liêm khiết luôn giữ được phong độ” (Đại Nam nhất thống chí quyển 13). Lúc ở bộ Công, ông chủ trương “tất thảy việc xây dựng, sửa chữa chỉ cần làm chắc mọi mặt, không được lộng lẫy xa hoa… tiền tiêu không được phí hoài” (Đại Nam thực lục chính biên từ tờ 9 đến tờ 34). Đặc biệt khí tiết của Trương Quốc Dụng thể hiện rõ qua bức thư ông viết gửi lên vua Tự Đức ngay khi nhà vua mới lên nối ngôi (1848). Phong thư được dán kín tâu 5 điều, đại ý như sau:
1. Xẻn tiêu dùng, không xa hoa lãng phí để thuế má, công dịch nhẹ đi, mua hàng ngoại bỏ bớt được, đời sống của dân được dồi dào, cội gốc của nước sẽ bền vững.
2. Thương việc hình ngục khuyến nghị xử án đúng luật, không được gia tăng mức hình phạt.
3. Chọn lọc quan lại để làm trong sạch đội ngũ quan lại từ triều đình đến phủ huyện, sa thải những viên quan kém phẩm chất, kém năng lực.
4. Bớt văn thư, giấy tờ, chỉ giữ những thể lệ cốt yếu.
5. Sửa lại thói quen của nhân sĩ, loại việc học hình thức, chú trọng rèn đạo đức và chuyên môn cho tầng lớp Nho sĩ, đội ngũ quan lại hành chính tương lai.
Vua Tự Đức “dụ đình thần xét bàn phúc tâu thi hành”.
Thư gửi vua Tự Đức của Trương Quốc Dụng đã ghi vào sử sách hơn một thế kỷ rưỡi, nhưng tinh thần những vấn đề nêu trong thư vẫn còn nguyên tính thời sự: Đó là vấn đề kêu gọi tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, vấn đề cải cách thi cử giáo dục, vấn đề sử dụng nhân tài, vấn đề cải cách hành chính, xét xử hình án v.v…
Ông còn có cái nhìn sắc sảo về chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, không tán thành việc “cấm đạo” của Tự Đức và triều đình lúc đó. Ông dâng sớ tâu: “Lương tắc yên cư lạc nghiệp. Giáo tắc mộ đạo khoa tu. Lương giáo tương yên hệ thị Triều đình chi xích tử” (Lương giáo đều là con đỏ của Triều đình, phải đối xử bình đẳng, thương yêu như nhau).
Ghi nhận công lao
Sau khi ông tử trận, vua Tự Đức tiếc thương và cảm phục ông đã cho xây lăng mộ của ông tại quê nhà, gửi Chế văn và Dụ văn về phúng điếu, trong đó đánh giá rất cao về trí tuệ của ông, đồng thời ghi nhận công lao của ông đối với Tổ quốc cũng như với riêng nhà vua:
“Hỡi ơi!Trương Khanh học sõi, chính sành” (Dụ Văn)
“Hồng đồ Tổ quốc, có Ngươi ta được vững vàng
“Địa nghĩa Thánh kinh, có Ngươi ta càng thấu triệt” (Chế Văn)
Triều đình truy tặng ông hàm Đặc tiến Vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, thụy Văn Nghị (Nhà Nho giàu nghị lực).
  Nhân dân xã Tiền An huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh đã lập đền Quan Đại, trong đền là bức đại tự Công nhược Thái sơn (công lao như núi Thái sơn), thờ phụng Tướng quân Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai đã hiển thánh tại đất này. Các vua triều Nguyễn nhiều lần sắc phong “Dực bảo Trung hưng Tôn thần”. Ông còn được thờ ở Đền Trung Nghĩa - Huế,  Miếu Trung Liệt - Hà Nội.
Đền Quan Đại  tại Quảng Ninh  đã được xếp hạng  Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Đại diện chính quyền địa phương đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia cho
Đại diện TX Quảng Yên, Quảng Ninh đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Đền Quan Đại.
 
Đền thờ và lăng mộ ông ở xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2009. Tại đây lưu giữ nhiều hiện vật quý, như  biển “Ân tứ vinh qui” vua ban năm ông đậu Tiến sĩ (1829), lỗ bộ, thần chủ, bài vị gốc, Chiếu văn, Dụ văn, đôi câu đối vua Tự Đức điếu năm ông mất: Nho Tướng đại danh minh vũ trụ/ Trung thần Chính khí Tráng sơn hà; Chế, Ngự văn, Sắc phong thần và Bằng Công nhận Di tích lịch sử văn hoá của Nhà nước ta…
 Tên ông đã được đặt cho một đường phố tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1955).
Tại thành phố Đà Nẵng cũng có một con đường mang tên ông.
Trong ngân hàng tên đường phố của thành phố Hà Tĩnh và Thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh có tên Trương Quốc Dụng.
 
Hậu duệ của Trương Quốc Dụng

Cùng với việc coi trọng lối sống nhân nghĩa, giàu lòng thương người, có trách nhiệm với cộng đồng, với làng nước, con cháu dòng họ tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông.
Trương Quốc Dụng có 2 người con hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc là Cử nhân Chủ sự Trương Quốc Quán (hy sinh năm 1862) và Chủ sự Trương Quốc Can (hy sinh năm 1864). Hậu duệ đời thứ 3, Trương Quốc Hài  từng là chủ Hội Tư văn xã Phong Phú. Hậu duệ đời thứ 4, Trương Quốc Hoàn là một đồ nho danh tiếng trong vùng. Hậu duệ đời thứ 5 có một số người có nhiều đóng góp cho quê hương, tham gia 2 cuộc kháng chiến, xây dựng đời sống mới, được dân làng quý trọng và nhà nước ghi công với các Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huy hiệu 50-60 năm tuổi Đảng như ông Trương Quốc Trình, Trương Quốc Văn, Trương Quốc Điến, Trương Quốc Viên...
Hậu duệ đời thứ 6, thứ 7 của cụ Trương Quốc Dụng và đời thứ 16, thứ 17 của họ Trương Quốc ở Thạch Khê  có hàng chục người là sỹ quan quân đội, là kỹ sư, cử nhân, thầy giáo, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ,... có người giữ chức vụ trưởng, phó viện trưởng, cán bộ cấp sư đoàn, quản lý doanh nghiệp... Nhiều  người có những đóng góp được ghi nhận như: Phan Xuân Hào, Trương Quốc Trường, Trương Quốc Như, Trương Quốc Thành, Phan Xuân Thủy, Trương Xuân Trường, Trương Quốc Thịnh …

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Gia phổ họ Trương” lập năm Quý Vị (1883) - đời Tự Đức thứ 36  do ông Trương Quốc Đức biên soạn,  Trần Văn Giáp - Viện Hán Nôm dịch.
2. Gia phả Chi Ất (chi thứ hai) họ Trương Quốc xã Phong Phú (nay là xã Thạch Khê huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh), do nhà địa phương học - Thầy giáo Hồ Hữu Phước biên soạn, tháng 6 năm 2002, trên cơ sở tổng hợp các cuốn “Gia phổ họ Trương” lập năm Quý Vị (1883) - đời Tự Đức thứ 36 (Gia phổ Đại tôn), Gia phổ Chi Ất (chi thứ hai), lập tháng 9 năm Mậu Thìn (10- 1988) và chỉnh lý bổ sung tư liệu phát hiện mới về dòng họ, tục biên thêm các đời sau.
3.Nguyễn Đắc Xuân, Đại học sỹ Trương Quốc Dụng, Nhà xuất bản Văn Hóa -Thông tin, Hà Nội, 2006.
4. Lê Nguyễn Lưu, Trương Quốc Thành, chủ biên, Lời giới thiệu của Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, Trương Quốc Dụng - Danh tướng - Nhà văn hóa lớn, Nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 200
5. Bách khoa toàn thư mở -Wikipedia- tiếng Việt
 

* Hậu duệ đời thứ 6 của Đại học sĩ TRƯƠNG QUỐC DỤNG
 

 

Những tin cũ hơn

VĂN HÓA TÂM LINH THỔI HỒN DI SẢN  VĂN HÓA HUẾ

VĂN HÓA TÂM LINH THỔI HỒN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ

— 25 Tháng Năm 2017

Văn hoá tâm linh là một loại hình văn hoá tinh thần đặc thù của nhiều dân tộc trên thế giới. Với người Việt, từ xưa đến nay văn hóa tâm linh thể hiện ở tình cảm linh thiêng, ở niềm tin và sự tri ân của mọi người đối với những người thân đã mất, niềm tin của cả cộng đồng đối với những vị anh hùng, các bậc tiền bối đã có công lao xây dựng, bảo vệ đất nước; các vị tiền hiền được tôn làm Thần - Thánh, Thành hoàng; thể hiện sự kính trọng và cầu mong sự che chở của các vị thiên thần v.v…

THU HÀ NỘI - 2014

THU HÀ NỘI - 2014

— 25 Tháng Năm 2017

Hà Nội vào thu thật đẹp, cảnh sắc khí trời đều khiến con người ta muốn đắm chìm, muốn yêu thương và quên lãng những nỗi lo thường nhật, để hòa mình vào với thiên nhiên huyền ảo, những sắc màu của cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, màu trắng của hoa sữa thơm, màu xanh của cốm Vòng…

HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM DÂNG HƯƠNG DANH NHÂN TRƯƠNG HÁN SIÊU TẠI TỈNH NINH BÌNH

HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM DÂNG HƯƠNG DANH NHÂN TRƯƠNG HÁN SIÊU TẠI TỈNH NINH BÌNH

— 25 Tháng Năm 2017

Nhân kỷ niệm 660 năm (1354 - 2014) ngày mất của Danh nhân Trương Hán Siêu, Hội đồng Họ Trương Việt Nam cùng bà con trong họ tộc đã đến dâng hương tưởng niệm danh nhân Trương Hán Siêu tại Đền thờ của Cụ tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

Những ca nương khiến triều Lê bỏ lệnh cấm con nhà hát xướng đi thi

Những ca nương khiến triều Lê bỏ lệnh cấm con nhà hát xướng đi thi

— 25 Tháng Năm 2017

Dân gian có câu “Xướng ca vô loài”, có ý khinh miệt, coi thường những người làm nghề hát múa, ca vũ nghệ thuật, không có tôn ti trật tự, nghi lễ gì. Quan điểm khắt khe đó dưới cái nhìn của hệ tư tưởng Nho giáo đã ảnh hưởng đến cả những quyết sách của triều đình, trong đó có lĩnh vực khoa cử, tuyển chọn nhân tài.

THỊT BÒ MỸ HẠNG ƯU TRÊN NHỮNG PHIÊN ĐÁ NÓNG

THỊT BÒ MỸ HẠNG ƯU TRÊN NHỮNG PHIÊN ĐÁ NÓNG

— 25 Tháng Năm 2017

Mùa thu - mùa của sự yêu thương và chia sẻ. Và như để chào đón mùa mới sang, hệ thống nhà hàng Calibre giới thiệu đến thực khách một hương vị hoàn toàn mới đến từ thịt bò Mỹ thượng hạng được nướng trên đá nóng.