Tiến sĩ Trương Đình Hiển, ngày trở về

21:42 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1657

     Ngồi trên xe đưa nhóm làm phim ngang qua cầu Nhơn Hội trong một ngày đầy nắng. Tiến sỹ Trương Đình Hiển, chuyên gia hàng đầu về vật lý hải dương của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, một trong những người có công khai sinh ra các cảng biển Việt Nam tâm sự:
     Sau 20 năm kể từ ngày lặn lội thu thập số liệu cho những công trình nghiên cứu của mình, TS Trương Đình Hiển đang về thăm lại chốn cũ. Nhơn Hội vẫn gió bạt ngàn và cát hoang dại như ngàn đời nay nhưng những nét đổi thay cơ bản của một phác thảo mới đang từng ngày hình thành từ sự nỗ lực thầm lặng của một thế hệ người miền Trung trên con đường đưa vùng đất này tiến đến chân trời hội nhập.
      Hãy bắt đầu trở lại từ những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học trong mô hình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp. Một trong những nhiệm vụ có tính đột phá cho các tỉnh, thành thuộc Khu kinh tế trọng điểm miền Trung đã từng được xác định rõ ràng. Đấy là đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các Khu kinh tế mở Chu Lai -Quảng Nam, Khu kinh tế Dung Quất -Quảng Ngãi, khuyến khích phát triển khu kinh tế - thương mại Chân Mây -Thừa Thiên-Huế, quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội -Bình Định để sau năm 2010 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng. Đồng thời, các trung tâm của TP Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn được đẩy mạnh vai trò để đảm nhận chức năng thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung - Tây nguyên và vùng phụ cận.
      Từ trái tim là nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn – Dung Quất, chuỗi vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung lan rộng từng bước dọc theo các cửa biển, dựa vào sức mạnh của biển: Sự ra đời các cảng biển nước sâu và các khu kinh tế này sẽ khuyến khích và thúc đẩy các ngành sản xuất liên kết chặt chẽ và hỗ trợ thích hợp cho các trung tâm công nghiệp miền Trung dẫn đến việc hình thành các khu công nghiệp tổng hợp dọc theo duyên hải có khả năng cạnh tranh quốc tế.
       Mỗi lần rời Viện khoa học công nghệ VN tại thành phố Hồ Chí Minh để về miền Trung – nơi gắn liền với sự nghiệp khoa học của mình, TS Trương Đình Hiển như trở lại nhà. Lăng Cô- Chân Mây, Nhơn Hội , Dung Quất…ở những nơi ông từng có mặt những ngày cơm đùm cơm nắm ấy, những dãi cát ven biển từng ngủ yên trong quá khứ đã được đánh thức. Ông không thể che dấu được nỗi vui mừng khi cái mà ngày xưa chỉ là viễn cảnh nay đã rõ ràng được hiện thực hóa từng ngày.
       Khác với trước đây, các dự án đầu tư vào Việt Nam đều nhắm đến các khu vực đã được khai thác và có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần thơ…,những năm gần đây, miền Trung – dải đất tiềm tàng tài nguyên đất liền và thềm lục địa, dồi dào chất xám và nguồn lao động…đang từng bước hấp dẫn các nhà đầu tư.
      Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi làm việc tại Viện Hải Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa Học Trung Quốc, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa Học Liên Xô… trên 40 năm, Trương Đình Hiển tự mình và cùng các cộng sự đã hòan thành hơn 140 công trình nghiên cứu với khối lượng hơn 22.000 trang thuộc các lĩnh vực: Mô hình hóa toán học, động lực biển, thủy văn biển, và công trình biển cũng như các công trình ven bờ - hệ thống cảng biển nước sâu tại các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước, đặc biệt ở miền Trung, miền Nam Việt Nam với ước mơ góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam thái bình thịnh trị.
       Bây giờ ở phòng làm việc, trong những tấm ảnh cũ mà ông trân trọng có hình của Giáo sư V.B Stockman. May mắn cho TS Trương Đình Hiển, ngay từ ngày đầu học ở Liên Xô, số phận đã đưa ông gặp vị Giáo sư khả kính này. Với ông, đây là một người thầy vĩ đại; vĩ đại không chỉ ở phẩm chất khoa học, mà còn tấm lòng cao cả khi ông hướng dẫn cho người học trò ấy biết lấy cái lợi ích tối cao của đất nước làm lý tưởng phấn đấu trong con đường khoa học của mình. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, TS Hiển vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó: “ Mùa đông năm 1967, tôi gặp GS Stocman và trình lên ông đề tài: “Giải bài toán phi tuyến tính về dòng chảy biển”. Sau khi trao đổi, ông nói: “Nếu đi theo hướng này, anh có thể nổi tiếng về mặt lý thuyết. Nhưng Việt Nam đang rất cần các nhà khoa học giỏi để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước đề ra. Cần chuyển sang hướng nghiên cứu sát thực tiễn hơn”.
 


TS Hiển ngồi giữa ở một cảnh quay tại Hội An

 

      Thực tiễn Việt Nam đã đưa đường dẫn lối cho TS Hiển cùng đồng nghiệp của mình trở về đúng cái nơi cần ông nhất. Tự nguyện vay tiền cá nhân, tự chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của mình trong thời điểm ban đầu chưa có ai tin tưởng vào sự thành công của quá trình nghiên cứu, TS Trương Đình Hiển cùng cộng sự của mình ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam TP Hồ Chí minh đã tự tìm một lối đi riêng cho mình.
       Lặng lẽ làm việc, âm thầm theo đuổi mục đích mà mình biết chắc sẽ có đóng góp cho xã hội, nỗ lực của họ đã được người đứng đầu Chính phủ lúc đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ. Chính cái cách tôn trọng và lắng nghe trí thức của vị Thủ tướng đáng kính này đã khơi dậy ngọn lửa yêu nước và bầu nhiệt huyết trong tập thể những người làm khoa học ở Viện KHCN Việt Nam. Nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của lãnh đạo và đồng nghiệp tại cơ quan này, hàng loạt các vấn đề hóc búa của thực tiễn đã từng bước sáng tỏ và ngày càng củng cố vững chắc niềm tin vào sự thành công của quá trình nghiên cứu. Vượt qua con đường mù sương của những hoài nghi ban đầu, TS Trương Đình Hiển cùng cộng sự đã giương cánh buồm khao khát cống hiến rẽ sóng ra những bến bờ rộng lớn. 
     Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Trần Hoàng Hải- Nguyên Phân Viện trưởng Phân Viện Vật Lý - Viện KHCN TP HCM từng nhớ lại:” Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra Dung quất nhưng ý tưởng ban đầu của TS Hiển không nhận được sự tin tưởng của các địa phương. Lúc ấy có rất nhiều ý tưởng muốn thay đổi miền Trung, nhưng ý tưởng của TS Hiển đi ngược lại tất cả và đã được ông chứng minh bằng những công trình nghiên cứu khoa học sâu rộng, hoàn chỉnh. Công lao của TS Hiển là bảo vệ ý tưởng , đấu tranh để thuyết phục mọi người…”
      Mỗi lần về quê, TS Trương Đình Hiển đều ghé về nhà thờ tộc  để thắp hương trên bàn thờ ông bà. Nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu tại phố cổ Hội An, – nơi gợi nhắc gốc gác và truyền thống gia đình gắn liền với thưở thiếu thời. Sinh tại Quảng Nam, từ nhỏ trong kháng chiến chống Pháp, Trương Đình Hiển theo cha mẹ vào vùng giải phóng Liên Khu 5. Năm 1954, từ trường Lương Văn Chánh, Phú Yên, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc, học các trường học sinh miền Nam, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội và các Viện Nghiên Cứu ở nước ngoài rồi trưởng thành trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau ngày thống nhất. Thế hệ của ông, bao bạn bè đã hy sinh vì đất nước.
      Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng thăng trầm và nhiều biến động to lớn của lịch sử nước nhà, sự đói nghèo và cô lập về kinh tế địa lý của miền Trung, cuộc đấu tranh bất khuất của quê nhà trong cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước đã tác động một cách sâu sắc đến Trương Đình Hiển từ thời thơ ấu đến ngày nay. Nó hình thành trong ông một câu hỏi tại sao miền Trung quê hương mình lại đói nghèo so với hai đầu của đất nước trong lúc nơi đây từng là chỗ dựa vững chắc cho công cuộc chống xâm lăng, là hiện thân của con đường phát triển của dân tộc qua trường kỳ lịch sử, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập.
       Lịch sử nhắc nhở ông, từ nhiều thế kỷ trước, cửa Đại Chiêm Hội An và cửa Thị Nại Qui Nhơn đã là hai cửa ngõ làm ăn buôn bán với nước ngoài từ rất sớm. Đây chính là một trong những nguyên nhân xây dựng sự phồn thịnh mạnh mẽ của xứ Đàng Trong. Miền Trung không phải nghèo như một số kiếp. Nhưng con đường nào để miền Trung có thể thoát khỏi đói nghèo và tiến kịp sự phát triển của hai đầu đất nước? Bài toán đã có lời giải khi lần này ông về lại Chân Mây chứng kiến những đổi thay. Cái vịnh Lăng Cô nên thơ nhưng quạnh vắng ngày xưa bây giờ đã khác. Những chiếc du thuyền của khách phương xa ngày càng cập bến nhiều hơn. Hình ảnh những ngư dân lầm lũi cào hến ven bờ như một định mệnh cam chịu giờ không còn nữa. Tàu thuyền đến, hàng hóa đến, sự nhộn nhịp này mang lại công việc và thu nhập cho bao nhiêu người lao động địa phương, ngay cách gọi tên các xã nghèo ngày xưa cũng chỉ được nhắc lại như một kỷ niệm gắn với một thời gian khó .
       Từ Dung Quất, Chu Lai, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mở ra đến Chân Mây, đến Nhơn Hội, Vân Phong…một bức tranh toàn cảnh của dải đất miền Trung ngày càng thêm nhiều màu sắc. Con đường phát triển của miền Trung để tiến kịp hai đầu của đất nước đã nhìn thấy được.
        Đến thăm trung tâm điều khiển của Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, TS Trương Đình Hiển xúc động khi chứng kiến một đội ngũ trí thức trẻ giỏi giang đang có mặt tại miền Trung, nơi mà trước đây luôn phải đau đầu về hiện tượng chảy máu chất xám về hai đầu đất nước. Bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ của thế hệ mình gắn với những ngày gian nan cả nước đánh giặc, ông đầy ắp niềm tin tưởng vào tương lai của dân tộc.

 

        Ngày nay mô hình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp đã trở thành nền tảng cho việc hình thành các khu kinh tế biển của miền Trung và cả nước, nó đưa miền Trung trở thành một trục kinh tế biển hùng mạnh góp phần đưa Việt Nam hướng đến một quốc gia kinh tế biển trong thế kỷ XXI. Năm tháng trôi qua chưa đầy hai thập niên, kể từ ngày ra đời cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất, vượt qua bao nhiêu thăng trầm miền Trung đã thể hiện được bản lĩnh, quyết tâm và trí tuệ của mình trên mảnh đất có vị trí địa lý chiến lược hết sức quan trọng trong thời kỳ hội nhập, đã bước ra khỏi đường hầm và nhìn thấy ánh sáng ngày mai. Trên con đường ấy, công lao những chính khách, những nhà hoạch định chiến lược, những nhà khoa học tiên phong…những người đã âm thầm đặt những viên gạch đầu tiên vẫn được người dân ghi nhận bằng lòng kính trọng:
     Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên, TS Trương Đình Hiển luôn tâm niệm về sự biết ơn đối với tất cả những ai đã góp phần biến những thành quả nghiên cứu khoa học của mình và các cộng sự  trở thành hiện thực huy hoàng như ngày nay. Trong đó sự biết ơn sâu thẳm của ông đặc biệt dành cho những người dân nghèo, những người đã âm thầm hy sinh lặng lẽ cho đất nước mà chẳng đòi hỏi bất cứ một điều gì. Đứng tại Cảng biển Dung Quất, TS Trương Đình Hiển rưng rưng nhớ lại: “ Ngày ấy, chúng tôi  đi khảo sát xong thì trời đã trưa, bụng quá đói, không tìm được cái gì để bỏ bụng. Tình cờ ngang trên đường qua làng, chúng tôi gặp một bác nông dân. Ông ấy mang ra cho chúng tôi một nồi khoai lớn, ông bẻ đôi củ khoai đưa cho tôi và bảo rằng hãy chia đôi củ khoai này để làm đại nghiệp. Sau này hỏi ra tôi mới biết ông là một dũng sĩ đã từng đánh trận Vạn Tường nổi tiếng”
       Kính trọng sự hy sinh to lớn của người dân, sau 20 năm, lần này ông lặn lội đi tìm. Trong căn nhà nhỏ ven đầm Nhơn Hội, TS Hiển tận mắt nhìn thấy lòng yêu nước chân thành và giản đơn của người của thương binh mù Trần Hữu Giáo khi ông tự nguyện bàn giao mấy hecta mặt nước trong diện tích khu đầm mà ông và gia đình đã đổ bao công sức khai phá cho việc ra đời khu kinh tế. Tham gia mặt trận giải phóng Quy Nhơn, bị thương và mãi mãi không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tấm lòng trong sáng của người thương binh này đã gợi biết bao điều suy nghĩ trong tâm hồn TS Trương Đình Hiển.
     Về Bình Sơn, tìm thăm Anh hùng LLVT Phạm Dậu, người du kích nổi tiếng trong trận Vạn Tường, TS Trương Đình Hiển hiểu nhiều hơn cái giá hy sinh của đồng bào cho ngày độc lập. Ông biết để đi đến ngày hôm nay, phía sau ánh sáng rực rỡ của Nhà máy lọc hóa dầu, phía sau các cảng biển và các khu kinh tế có một dòng chảy quá khứ anh dũng, tự hào nhưng cũng đầy đau thương mất mát của bao thế hệ, mỗi ngày chúng ta đang sống là mỗi ngày phải nỗ lực không ngừng để trả ơn cho sự hy sinh vô bờ bến đó. Cầm tay nhau không rời, TS HIển bộc bạch:” Tôi sùng bái trận Vạn Tường. Năm 1965, khi anh đánh Vạn Tường tôi còn đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài . Ngày tôi về Vạn Tường cùng TT Võ Văn Kiệt, Thủ tướng đến thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, ông cầu nguyện:”Ngày nay chúng ta xây dựng Dung Quất là để làm cho người chết mãn nguyện, người sống vui lòng. Tôi biết vùng đất này anh hùng, các anh đã đổ xương máu giữ gìn, chúng tôi làm được gì thì cố để  dựng xây đất nước…”
       Những ngày cuối cùng trước khi rời dải đất miền Trung mà mình gắn bó để kết thúc chuyến trở về ân nghĩa này, TS Trương Đình Hiển đã lên đỉnh Thiên Ấn thắp hương nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Đối với ông, nhân cách của người chí sĩ mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan này mãi mãi là tấm gương cho hậu thế noi theo.
       Bên nấm mộ chìm trong tĩnh lặng minh triết, vọng tưởng một cuộc đời không màng lợi danh, TS Trương Đình Hiển biết rằng chỗ đứng của người trí thức chân chính trong lòng dân tộc bao giờ cũng được xây đắp bằng chính lòng tận tụy, sự đóng góp cụ thể và thiết thực cho đất nước, cho nhân dân mình.
       Từ trên đỉnh Thiên Ấn, nơi cụ Huỳnh yên nghỉ, một dải non sông gấm vóc miền Trung đang từng ngày đổi thay nhanh chóng.
      Khoa học là con đường dài không có điểm dừng. Luôn tự mình tâm niệm cuộc đời là một số phức mà trong đó cuộc sống chỉ là phần thực của nó, TS Trương Đình Hiển biết rằng cuộc đời của mỗi con người không mất đi đồng thời với cuộc sống của họ. Ý nghĩ phải nỗ lực làm việc để có đóng góp thực sự cho cuộc đời thôi thúc và động viên ông trong từng ngày sống.

Những tin cũ hơn

Trương Đình Dũ  (Trương Đình Dzu - 1917 -1991) - Một luật sư uyên bác

Trương Đình Dũ (Trương Đình Dzu - 1917 -1991) - Một luật sư uyên bác

— 25 Tháng Năm 2017

Luật sư Trương Đình Dũ hay Trương Đình Dzu (mà một số tài liệu tiếng Anh có ghi) sinh năm 1917 và mất năm 1991. Ông được người đời sau biết đến thông qua cuộc tranh cứ tổng thống năm 1967 của Việt Nam Cộng hòa. Song những hiểu biết đó cũng không nhiều do hầu như rất hiếm và không có các tài liệu ghi nhận về cuộc đời của ông. Trên cở sở các tài liệu tìm được, sau đây chúng tôi xin phép được sơ lược vài nét về luật sư Trương Đình Dũ.

Ông Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng

Ông Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng

— 25 Tháng Năm 2017

Võ sư Trương Chưởng. Ông sinh ngày 04 tháng 4 năm 1899 tại làng Mỹ Cựu, nay là xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

— 25 Tháng Năm 2017

Sau thời gian bệnh nặng, bác sĩ Trương Thìn (sinh năm 1940 tại Huế) đã từ trần lúc 18g55 ngày 20-12 tại nhà. Không chỉ là bác sĩ, Trương Thìn còn là nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ.

Trương Quang Kim, người thừa kế và làm rạng danh trường phái “Vạn an- Võ kinh Trương tộc”

Trương Quang Kim, người thừa kế và làm rạng danh trường phái “Vạn an- Võ kinh Trương tộc”

— 25 Tháng Năm 2017

Trong những ngày tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế vừa qua, từ những sự tình cờ rất đáng nhớ, qua sự giới thiệu và tận tình giúp đỡ của Ông Lê Tân, Tổng Giám đốc CT Phú Đạt Gia- một doanh nghiệp Du lịch có tiếng tại HUẾ, tôi đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với Võ sư Trương Quang Kim- một ngôi sao sáng giá trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam và thế giới, đồng thời là một lương y nổi tiếng trong việc sử dụng khí công để chữa bệnh.

PGS Trương Đăng Dung nhận huân chương của Tổng thống Hungary

PGS Trương Đăng Dung nhận huân chương của Tổng thống Hungary

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 5/4 tại nhà riêng Đại sứ Hunggary ở VN Vizi László đã diễn ra lễ công bố trao huân chương Chữ thập vàng của Tổng thống Hungary cho PGS.TS Trương Đăng Dung nhằm ghi nhận sự nghiệp truyền bá văn hóa Hungary của ông thông qua hoạt động văn học, dịch thuật. Huân chương Chữ thập vàng được Tổng thống Hungary trao tặng cho những cá nhân là công dân Hungary hoặc công dân các Quốc gia khác có đóng góp xuất sắc trong việc truyền bá, giao lưu văn hóa Hung với các nước.