NGƯỜI VINH DANH XÀ BÔNG VIỆT NAM

00:08 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2149
Người vinh danh xà bông Việt Nam
Ông Trương Văn Bền
Phục vụ đại chúng
Tại sao lại là xà bông, chứ không là một sản phẩm nào khác? Hãy nghe ông Trương Khắc Cẩn - Tổng giám đốc Công ty Trương Văn Bền và các con trong thập niên 1970, con trai ông Bền, cho biết: “Vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh khác, lúc bấy giờ chừng 50 tuổi ba tôi bảo muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng: giấy và xà bông, và ba tôi chọn xà bông”.
 
Người vinh danh xà bông Việt Nam - ảnh 2
Như tôi đây cơ sở vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm. Sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công
Người vinh danh xà bông Việt Nam - ảnh 3
Trương Văn Bền
Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, công việc làm ăn phát đạt. Về sau, ông còn lập nhà máy xay lúa; cộng tác với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Năm 31 tuổi, ông lập một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức, sau đó mấy năm, ông mở rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười; lại có sở đồn điền trên 10.000 ha ở ĐBSCL ...
Trong tập Pháp du hành trình nhật ký của nhà văn hóa Phạm Quỳnh - ông chủ bút Nam phong tạp chí lừng lẫy một thời cho biết vào ngày 14.3.1922: “3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.
Thành công được nhiều việc là do ông không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì đang có. Ông từng phát biểu rằng: “Trước khi bắt tay vào kinh doanh bất cứ việc gì, mình phải biết rõ việc ấy. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được, nhưng đối với họ đó là việc quan trọng, cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua rồi còn trở lại. Như tôi đây cơ sở vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm. Sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.
Cạnh tranh với người Pháp, người Hoa
Ông Trương Khắc Cẩn kể: “Ngay từ buổi đầu công ty đã tọa lạc tại đường Kim Biên (Chợ Lớn). Ba tôi nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Hồi đó việc kinh doanh sản xuất rất khó khăn và kỹ nghệ thì do người Pháp khai thác và việc phân phối do Hoa kiều làm chủ. Để đoan chắc có đủ nguyên liệu cho việc sản xuất, ba tôi đã tổ chức những hợp tác xã những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho”. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là Xà bông Cô Ba) được sản xuất hình vuông, nhiều cỡ 125 gr, 250 gr, 500 gr, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. Về sau để hạ giá thành, ông Bền cho đổ thành cây 0,8 kg, 1 kg người mua đem về tự cắt thành bánh lớn nhỏ tùy thích. Xà bông Cô Ba bán khắp 3 nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của người Pháp đang thống lĩnh thị trường.
Người vinh danh xà bông Việt Nam
Trong thập niên 1930, việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, công ty của ông Bền chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa; còn lại phải nhờ đến hệ thống của người Hoa. Về sau, việc phân phối này cũng đã được cải tiến. Ông Tăng Long, người làm việc cho hãng từ năm 1945, đến thập niên 1970 trên cương vị là giám đốc thương mại cho biết: “Trước năm 1959, hãng dùng các đại lý để phân phối sản phẩm đến các tỉnh. Tuy nhiên, nếu ta dùng đại lý thì người mua bị thiệt thòi, hãng không thể nào thực hiện được mong muốn bán giá rẻ phẩm chất tốt. Một điều bất lợi nữa là khách hàng không biết về hãng và hãng không nắm được nhu cầu của khách hàng”. Vì vậy, trong thời điểm của những năm 1959, ông Tăng Long xin phép sử dụng ngân sách của công ty gần nửa triệu đồng. Với số tiền không nhỏ này, ông Long thuê một đoàn... võ thuật đi cổ động cho sản phẩm Cô Ba từ Sài Gòn ra đến sông Bến Hải. Không chỉ đến chợ búa mà họ còn đi vào tận các làng, xã, đến đâu là họ biểu diễn võ thuật, văn nghệ để lôi cuốn đám đông và trực tiếp bán hàng cho dân chúng. Ai mua bao nhiêu cũng bán, cốt là để người tiêu dùng quen với mặt hàng của mình... Nhờ thế, tiếng tăm và xà bông Cô Ba ngày càng nhiều người biết đến.
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Tại sao khi bắt tay vào việc lập hãng xà bông Việt Nam với mục tiêu phục vụ đại chúng, ông Trương Văn Bền lại đưa ra sản phẩm được gọi tên “Cô Ba”? Có hai lý do, thứ nhất là do vợ của ông được mọi người quen gọi cô Ba. Lý do thứ hai mới quan trọng hơn, mới là ý nguyện mà ông Bền bày tỏ một cách kín đáo về lòng tự hào dân tộc: nhãn hiệu xà bông của ông có in hình phụ nữ búi tóc, tiêu biểu cho người con gái Nam bộ, người tiêu dùng quen gọi là cô Ba. Theo cụ Vương Hồng Sển: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia hồi Tây mới đến, có cô Ba con thầy Thông Chánh là đẹp không ai bì, không răng giả, không ngực keo cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt ướt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp vì không son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Dây thép và một hiệu xà bông xin phép làm mẫu rao hàng xà bông Cô Ba”.
Cô Ba con gái thầy Thông Chánh - tên thật Nguyễn Văn Chánh, còn gọi Nguyễn Trung Chánh - là người dám cầm súng bắn chết tên biện lý Joboin, bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19.6.1893 và bị tử hình tại Trà Vinh. Theo bài vè Thầy Thông Chánh lưu hành tại Nam kỳ đầu thế kỷ 20, thầy hành động như thế vì tay biện lý Joboin đã ve vãn vợ con mình.
Nhưng chuyện thầy Thông Chánh đâu “ăn nhập” gì với cô Ba, để đến nỗi ông Trương Văn Bền in hình lên sản phẩm của mình? Yếu tố để ông Bền mạnh dạn làm điều đó vì khi thực dân đưa thầy Thông Chánh ra tòa kết án, cô đã mắng nhiếc chúng không tiếc lời, vì thương cha.
Hành động “nữ nhi anh hùng” của cô Ba ít nhiều có ý nghĩa tích cực khơi dậy trong quần chúng tinh thần bất khuất của dân tộc, đánh trúng vào tâm lý của những người thấp cổ bé miệng. Nếu ông Bạch Thái Bưởi lấy tên các anh hùng dân tộc đặt cho thuyền bè của mình thì việc ông Trương Văn Bền dùng tên Cô Ba quảng bá cho sản phẩm cũng có chung một ý nghĩa. Đó là ý nghĩa vận dụng tinh thần và hành động phản kháng nhằm khai thác tinh thần tự tôn dân tộc. Trên thương trường những năm đầu giữa thế kỷ 20 thì nó cũng như một vũ khí sắc bén để chiến thắng đối thủ cạnh tranh.
Sinh thời, ông Bền đặt tên Công ty Trương Văn Bền và các con cũng không ngoài mục đích mong muốn các con tiếp nối sự nghiệp, con đường mà mình đã vạch ra. Và ông toại nguyện với mong ước đó, bởi xà bông Cô Ba trải qua năm tháng đã có những tiến bộ, phát triển không ngừng. Thử đưa ra vài con số: năm 1966 với 400 công nhân sản xuất 200 tấn/ tháng; năm 1971 nhờ cải tiến kỹ thuật nên chỉ với 160 công nhân đã sản xuất 400 tấn/ tháng. Theo số liệu công bố trên Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số 2 (tháng 8.1971) ở thời điểm này vốn đầu tư lên đến 90 triệu đồng; sản xuất hằng năm 4.000 tấn xà bông giặt, 1.800 tấn xà bông thơm...
Lê Minh Quốc - thanhnien

Những tin cũ hơn

LÝ LỊCH CỦA MỘT VÕ TƯỚNG - VÕ ĐẠI KHOA

LÝ LỊCH CỦA MỘT VÕ TƯỚNG - VÕ ĐẠI KHOA

— 26 Tháng Năm 2017

Gia phả của họ Trương ở Phú Hòa thuộc xã Phú Thủy huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình có ghi chép lại "Lý lịch của một Võ tướng - Võ Đại Khoa" : Phó Bảng Võ Trương Văn Chỉnh

HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI KHAI SÁNG NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI KHAI SÁNG NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Trong không khí tưng bừng ngập tràn niềm vui, đón mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực, quyết tâm giành nhiều thắng lợi, hướng đến ngày 21 tháng 6 năm 2015 nhằm tôn vinh những giá trị cao quý của người làm báo chân chính trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước. Trong ngày kỉ niệm trọng đại này, chúng ta luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

CƠ HỘI THÀNH CÔNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

CƠ HỘI THÀNH CÔNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

— 26 Tháng Năm 2017

Được xây dựng theo tiêu chuẩn của một KCN sạch, không gây ô nhiễm môi trường, vì vậy ngoài nhiệm vụ trọng tâm là thu hút thật nhiều nguồn vốn FDI, KCN Đại An luôn hướng tới sự cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường bền vững...

ƠN ĐỨC TỔ TIÊN

ƠN ĐỨC TỔ TIÊN

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 23/5/2015 tại bảo tàng Hà Nội, nơi các đây hơn hai năm người họ Trương đã tổ chức thành công Đại Hội họ Trương Việt Nam lần thứ nhất. Hôm nay cũng tại đây người họ Trương Việt Nam tụ họp lại tổng kết hoạt động trong hơn hai năm qua. ..

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TUYỂN THẲNG VÀO TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM TP.HCM

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TUYỂN THẲNG VÀO TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM TP.HCM

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 19-5, Trường ĐH Sư phạm TP HCM thông báo các quy định cụ thể về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng vào các ngành học ĐH, hệ chính quy năm 2015 của trường.