Ông Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng

23:43 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 4851

Ông sinh ngày 04 tháng 4 năm 1899 tại làng Mỹ Cựu, nay là xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ông xuống Hội An trước năm 1924, ở tại một ngôi nhà thuê ở đường Japonais (nay là Trần Phú), gần chợ Hội An, dưới chùa Ông. Thời trai trẻ ông rất ham học võ, nghe nói thầy nào giỏi thì đến xin học.
 


Chứng minh thư của Võ sư


Ngày 25 tháng 4 năm 1925 ông cưới vợ là bà Tiễn Thị Thìn rồi về ở tại ngôi nhà nằm sâu trong con hẽm nhỏ thuộc làng Minh Hương, ngày nay mang số 51/2 Phan Châu Trinh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ thời gian ấy về sau, ngôi nhà ông ở được xem như võ đường, là nơi giao du, tập luyện, trao đổi võ thuật giữa nhiều võ sĩ danh tiếng lúc bấy giờ như Năm Khê, Năm Sửu, Nguyễn Bầu, Tư Phụng, Hồ Phước, Bốn Siêu... Cũng tại ngôi nhà này ông đã rước nhiều thầy võ giỏi về nhà để học. Trong số những vị thầy đó có thầy Chánh Lơn từ Tam Kỳ ra, và thầy Mười Bòi là người rất giỏi ngọn roi, một thời gian dài ở bên kia sông Hoài nay thuộc phường Cẩm Nam, là người đã truyền dạy cho ông bài Lão Mai Quyền sau này được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tuyển chọn làm bài quy định thống nhất cho cả nước và phổ biến ra nước ngoài.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia phong trào chống Pháp, đóng quân ở nhiều nơi như Nha Trang, Đà Nẵng, Tam Kỳ.

Năm 1954 khi đất nước chia hai, ông về lại ngôi nhà trong con hẽm nhỏ đường Phan Chu Trinh, Hội An. Từ đây ông lấy võ hiệu là "Sơn Ẩn", ban ngày làm thư ký hãng rượu SICA rồi hãng bánh mì Tân Hương, ban đêm tập luyện, nghiên cứu võ nghệ.

Từ năm 1971 ông bắt đầu thu nhận học trò. Võ phục màu trắng, áo chéo vạt, vạt trái chận lên vạt phải, tà áo và tay áo viền nẹp màu đen.

Tháng 9 năm 1973 ông chính thức thành lập võ đường Kỳ Sơn tại nhà đang ở và lấy hình tượng "Chim ưng" làm biểu tượng của võ đường. Lúc đó võ đường mang số 67/10 Phan Chu Trinh, xã Hội An, quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam, do ông làm giám đốc và học trò của ông là Trần Xuân Mẫn làm huấn luyện viên. Võ đường gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, đổi võ phục sang màu đen, kiểu giống áo kimono của Nhật, thăng cấp theo hệ thống đai 5 màu: đen, xanh, vàng, đỏ, trắng. Thời gian này ông tập Bát đoạn cẩm, Thiết sa chưởng và nghiên cứu sâu về võ dưỡng sinh.
 


Sau ngày thống nhất đất nước vào tháng 3 năm 1975, võ đường không còn hoạt động nữa. Từ năm 1980 ông nhận dạy một số học trò.

Năm 1985 ông đã 84 tuổi. Con cháu đưa ông về Tam Kỳ để chăm sóc, phụng dưỡng.

Tháng 10 năm 1988 nhằm ngày 30 tháng 8 ông qua đời. Theo lời dặn của ông khi còn sống, gia đình và học trò đã đưa thi hài ông về an táng tại Hội An. Nhiều năm sau, con cháu của ông đã cải táng đưa mộ ông về nghĩa trang xã Duy An, huyện Duy Xuyên.

Lúc sinh thời, võ sư Trương Chưởng rất nhân hậu. Ông sống lạc quan, vui vẻ, gần gũi với mọi người, hết lòng giúp đỡ bà con lối xóm khi ốm đau, hoạn nạn.

Do cuộc sống tự lập từ nhỏ, ông rất cần, kiệm và ham học tập. Gần như cả đời, ông vừa làm việc kiếm sống vừa tự học chữ Pháp, chữ Hán và nghiên cứu, tập luyện võ thuật.

Trong đời sống vợ chồng ông rất chung thuỷ, hy sinh. Khi vợ lâm bệnh nặng nhiều năm, ông tận tụy chăm lo thuốc thang, cơm cháo. Khi vợ qua đời, ông đau buồn đến mức có lần phải mượn rượu giải sầu như trong bài thơ ông làm vào tháng 4 năm 1972:

"Ngồi buồn uống rượu cho say

Tưởng rằng say rượu hoạ may giải buồn

Ai ngờ rượu uống luồn tuôn

Nỗi buồn không giải lại vương vấn nhiều

Từ ngày vắng mặt người yêu

Chiếc thân nắng sớm, mưa chiều sá chi

Đêm nằm gió lộng màn vi

Tưởng hồn bạn cũ đi đi, về về"

Cả một đời võ nghiệp, ông dạy học trò với tất cả tấm lòng của một người ông, người cha. Ông là tấm gương cần, kiệm, tận tụy, hy sinh và sống đầy trách nhiệm với bản thân, gia đình và võ đường.

Khi mất đi, ông để lại trong lòng học trò và nhiều người Hội An một hình ảnh nhân hậu, vị tha, nghĩa khí mãi mãi được tôn kính.  ./.
 

Những tin cũ hơn

Thái Vương Trương Nữu đại tướng quân (737-791)

Thái Vương Trương Nữu đại tướng quân (737-791)

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Nữu (737-791) người trang Du Lễ (nay thuộc thôn Du Lễ, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng khởi nghĩa có công trong cuộc nổi dậy của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống lại ách đô hộ hà khắc của nhà Đường dưới thời Bắc thuộc.

Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 - 1827)

Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 - 1827)

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Tấn Bửu (chữ Hán: 張進寶, 1752 - 1827), có tên khác là Trương Tấn Long (張進隆); là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam. Nhờ lập được nhiều công lao, ông được phong tước Long Vân Hầu và được người đương thời liệt vào Ngũ hổ tướng Gia Định.

Cúc Nông Trương Gia Mô (1866-1929)

Cúc Nông Trương Gia Mô (1866-1929)

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Gia Mô (1866-1929) hiệu Cúc Nông, tên tự lúc đầu là Sư Thánh, sau đổi là Sư Quản, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, khi làm quan ở Huế, còn được gọi là Nghè Mô; là sĩ phu yêu nước, quan triều Nguyễn, và là nhà thơ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20.

Trương Gia Hội (1822-1877) tự Trọng Hanh, là sĩ phu yêu nước và là quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

Trương Gia Hội (1822-1877) tự Trọng Hanh, là sĩ phu yêu nước và là quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Gia Hội là người làng Tân Phước, huyện Bình Dương [1], tỉnh Gia Định. Cha ông là Trương Thừa Huy, đời Gia Long làm đến chức Thiêm sự phủ Thiêm sự, sau vì phạm lỗi bị cách, rồi lại khởi phục làm Chủ sự.

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

— 21 Tháng Năm 2017

Sau thời gian bệnh nặng, bác sĩ Trương Thìn (sinh năm 1940 tại Huế) đã từ trần lúc 18g55 ngày 20-12 tại nhà. Không chỉ là bác sĩ, Trương Thìn còn là nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ.