Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 - 1827)

23:42 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 3819

Ông sinh ở làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre); và là con thứ ba (gọi theo người miền Nam là con thứ tư) của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa.

Thời trai trẻ, Trương Tấn Bửu đã nổi tiếng là người tuấn tú, có sức mạnh vô song, dám đương đầu với cọp.

Năm Đinh Mùi (1787), lúc chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ánh) chạy trốn quân Tây Sơn, có ghé nhà cha ông tạm trú một đêm. Gặp dịp, ông xin theo phò tá [1]. Nhưng vừa ra khỏi nhà, ông gặp ngay trận chiến ác liệt. Nhờ sự thông minh và lòng dũng cảm, ông cứu thoát được chúa Nguyễn.

Sau đó, ông được làm cai cơ, thuộc đạo quân của Tôn Thất Hội.

Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), thăng ông chức Hậu quân Hậu chi Chánh chưởng chi, rồi đổi qua Chưởng quản Tiền quân.

Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1797), lập được nhiều chiến công ở Bình Định, Hội An, ông được thăng chức Tiền quân Phó tướng.

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (Gia Long), phong ông làm Chưởng dinh, quản lĩnh đạo quân Bắc Thành.

Năm 1806, có công dẹp bọn cướp biển Tàu Ô, ông được thăng làm Trung quân kiêm Tả quân Phó tướng, quyền lãnh chức Tổng trấn Bắc Thành, thay Nguyễn Văn Thành.[2].

Năm Canh Ngọ (1810), ông lại được bổ vào Gia Định, quyền lãnh chức Tổng trấn, đến năm 1812, thực thụ Phó Tổng trấn Gia Định.

Năm 1816, ông đốc suất đắp thành Châu Đốc rồi được điều về Huế làm Trung quân phó tướng.

Năm Nhâm Thân (1821), ông lại được cử làm Phó Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai.

Năm Nhâm Ngọ (1822), ông được thăng Chánh nhất phẩm, thân phụ ông cũng được vua Minh Mạng ban sắc truy phong là Nghiêm oai tướng quân, Trung quân Thống chế và mẹ ông cũng được truy phong vào hàng mệnh phụ phu nhân.

Năm Quý Mùi (1823) [3], theo lệnh của Lê Văn Duyệt, ông chỉ huy khoảng 35.000 quân và dân lo nạo vét kênh Vĩnh Tế cùng với Thoại Ngọc Hầu, rồi chẳng bao lâu sau ông bịnh, xin về hưu vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Dậu (1825).

Tuy hưu trí, nhưng ông được vua Minh Mạng cho hưởng lương bổng đầy đủ. Ngày 2 tháng 8 năm 1827 (10 tháng 6 âm lịch năm Đinh Hợi) ông mất, thọ 75 tuổi.

Vua nhà Nguyễn đã lệnh cho Lê Văn Duyệt đứng làm chủ lễ, cấp đất chôn và xuất hai ngàn quan tiền, năm cây gấm tốt để giúp vào việc tống táng. Đến đời Tự Đức năm thứ 5 (1852), ông được thờ vào miếu Trung hưng công thần và đền Hiền lương.

Hiện nay ở đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, (Thành phố Hồ Chí Minh) còn miếu và mộ ông.
 


Mộ long Vân Hầu Trương Tấn Bửu




Khu Lăng mộ Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu tại Phú Nhuận

Chú thích

  1. Theo Huỳnh Minh, Kiến Hòa xưa, (Nxb Thanh Niên, 2001, tr. 118) và Diên Hương, Thành ngữ điển tích từ điển, (Nxb Đồng Tháp, 1992, tr. 410).
  2. Ghi theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam [1] và Gia Định xưa. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi thay Lê Chất là không đúng, vì mãi đến năm 1810, ông Chất mới làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành, cùng với Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Như Đăng và đến năm 1818, ông mới lên làm Tổng trấn Bắc Thành.
  3. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam ghi: Năm 1823, thay Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định Thành, là không đúng.[2]. Vì năm ấy, chức Tổng trấn Gia Định Thành vẫn do ông Duyệt nắm giữ. (Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định hai lần: từ 1813 đến 1816 dưới triều vua Gia Long và từ 1820 đến 1832 dưới triều vua Minh Mạng). Sách Địa chí văn hóa TP. HCM phần Lịch sử cũng đã ghi rõ: Trương Tấn Bửu làm "Phó Tổng trấn" từ năm 1812 đến 1815 (Nxb Tp. HCM, 1987, tr. 197).

 

 

Những tin cũ hơn

Cúc Nông Trương Gia Mô (1866-1929)

Cúc Nông Trương Gia Mô (1866-1929)

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Gia Mô (1866-1929) hiệu Cúc Nông, tên tự lúc đầu là Sư Thánh, sau đổi là Sư Quản, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, khi làm quan ở Huế, còn được gọi là Nghè Mô; là sĩ phu yêu nước, quan triều Nguyễn, và là nhà thơ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20.

Trương Gia Hội (1822-1877) tự Trọng Hanh, là sĩ phu yêu nước và là quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

Trương Gia Hội (1822-1877) tự Trọng Hanh, là sĩ phu yêu nước và là quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Gia Hội là người làng Tân Phước, huyện Bình Dương [1], tỉnh Gia Định. Cha ông là Trương Thừa Huy, đời Gia Long làm đến chức Thiêm sự phủ Thiêm sự, sau vì phạm lỗi bị cách, rồi lại khởi phục làm Chủ sự.

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

Vĩnh biệt bác sĩ Trương Thìn

— 21 Tháng Năm 2017

Sau thời gian bệnh nặng, bác sĩ Trương Thìn (sinh năm 1940 tại Huế) đã từ trần lúc 18g55 ngày 20-12 tại nhà. Không chỉ là bác sĩ, Trương Thìn còn là nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ.

Tạo sĩ họ Trương thời Lê – Trịnh và Nguyễn

Tạo sĩ họ Trương thời Lê – Trịnh và Nguyễn

— 21 Tháng Năm 2017

Tạo sĩ tương đương Tiến sĩ. Muốn đoạt chức Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) phải trải qua hai kỳ là Sở cử và Bác cử. Sở cử: 3 năm/1 lần mở ở các Trấn và phải qua ba kỳ thi (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam), thi đỗ thì gọi là Biền sinh. Tiếp đến hỏi về sách, mưu lược, trúng cách được phong là Học sinh (ngang bằng với Hương cống), chờ dự khoa Bác cử (cũng như thi Hội) ở kinh đô. Bác cử có vua ngự khán ở Diễn Võ đường xem các đấu thủ tranh tài.

Tiến sĩ thời Lê sơ Trương Đức Quang: Vượt khó thành tài

Tiến sĩ thời Lê sơ Trương Đức Quang: Vượt khó thành tài

— 21 Tháng Năm 2017

Tiến sĩ Trương Đức Quang (1478 -?), người xã Ngọc Quyết, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc thôn Chuế, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), 24 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5 (1502), thời vua Lê Hiến Tông. Ông là một trong 8 Tiến sĩ họ Trương Đại Việt đã được khắc tên tuổi trong số 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. Ông làm tới chức quan Đề hình Giám sát Ngự sử và từng được triều đình Lê Sơ cử đi sứ Nhà Minh (Trung Quốc).