XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM ĐỂ LẠI MUÔN ĐỜI CHO CON CHÁU MAI SAU

23:59 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3223

         Suốt dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ơn nhờ Phúc Tổ, các thế hệ con cháu, anh em họ Trương đã kề vai sát cánh cùng trăm họ, đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành danh nhân, hào kiệt từ cổ xưa cho tới nay.
         Người họ Trương đã có mặt ngay trong thời kỳ đầu dựng nước. Trải qua bao năm tháng nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, bao li tán trong thời giặc giã, bao thăng trầm của những biến cố lịch sử, họ Trương đã biết sống dựa vào nhau, đùm bọc nhau, để vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển trên quê hương mình.
         Để tưởng nhớ, ghi ơn, các vị tiền hiền của dòng họ mình, ngay từ xưa ông cha ta đã biết dùng Gia phả để lưu giữ lại cội nguồn của Tổ tiên, dùng sử sách, bia ký để ghi nhận và ngợi ca những công đức của dòng họ, biết xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ, tôn vinh Tổ tiên và là nơi truyền lửa cho muôn đời con cháu sau này.
        Học giả Đào Duy Anh đã từng viết: “Chủ nghĩa dòng tộc, đó là nét văn hóa Việt”, và một khi nó đã trở thành văn hóa, thì nó đã được chọn lọc và tồn tại mãi mãi.
        Người xưa cũng có câu: “Chim có tổ, người có tông”, người có tông là người có gốc tích, tổ tiên sinh ra mình. Dù làm gì, dù ở đâu, song dòng tộc, tổ tiên vẫn mãi là điều thiêng liêng nhất trong mỗi một con người. Thời cuộc có lúc thịnh suy, thay đổi, nhưng dòng tộc sẽ tồn tại và vững bền mãi mãi.
        Để giữ lửa và truyền lửa cho con cháu sau này, nhiều dòng họ trên đất nước ta hiện nay đã có chung một nhà thờ dòng họ cho cả nước. Đây là nơi thờ cúng, tưởng nhớ về tiên tổ, nơi gặp gỡ và tổ chức các sự kiện lớn của dòng họ, là nơi con cháu xa gần đi về. Qua thực tiễn hoạt động, các nhà thờ họ này đã phát huy tác dụng tốt.
        Luôn tưởng nhớ về tổ tiên dòng họ của mình, bà con họ Trương cả nước mong muốn có một nhà thờ họ Trương Việt Nam để: Tưởng nhớ, ghi ơn các vị tiền hiền của dòng họ; là nơi gặp gỡ, tụ hội bà con họ Trương trong nước và ngoài nước, tổ chức những sự kiện quan trọng của dòng họ; các bậc tiền hiền được thờ cúng sẽ phù hộ, độ trì ban tài, ban lộc cho toàn dòng họ, giúp con cháu thuận lợi trong công tác và bình an trong cuộc sống.
       Thể theo nguyện vọng của bà con, Hội đồng họ Trương Việt Nam đã quyết định thành lập “Ban chuẩn bị xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam”, ban này gồm những người am hiểu về quản lí, lịch sử, khoa học, phong thủy, xây dựng, trong và ngoài họ, để tư vấn cho Hội đồng về: Nội dung, hình thức thờ, về phong thủy, kiến trúc xây dựng.
        Các dòng họ có nhà thờ chung hiện nay thường thờ theo ba dạng: Thờ chung một vị Thủy tổ (nhà thờ họ Vũ, họ Hồ…); thờ một danh nhân tiêu biểu trong họ và thường cách ngày nay 500 năm trở lên; thờ cộng đồng, tức là thờ tất cả các vị tiền hiền của dòng họ đã khuất.
        Sau khi nghiên cứu, xem xét, Hội đồng họ Trương Việt Nam quyết định: Nhà thờ họ Trương Việt Nam sẽ thờ theo dạng Cộng đồng. Bước tiếp theo là chọn đất làm nhà thờ, đất làm nhà thờ phải là đất linh (hợp với phong thủy) và thuận tiện cho việc đi lại, thăm viếng.
        Ban chuẩn bị đã đi nhiều địa phương trong cả nước để tìm đất, hiện nay đã tìm được một vài vị trí đáp ứng được yêu cầu.
        Hội đồng họ Trương Việt Nam nhận thấy rằng, việc xây dựng nhà thờ họ Trương cả nước là một việc hết sức hệ trọng, không những chỉ cho trước mắt mà còn để lại muôn đời, cho con cháu mai sau. Bởi vậy, việc xây dựng nhà thờ cũng phải đặt ra những bước đi thích hợp như trước mắt phải xác định được vị trí đất, sau khi có đất rồi thì sẽ triển khai những công việc tiếp theo (quy hoạch, thiết kế, xây dựng…). Tiến độ nhanh hay chậm của những công việc này sẽ tùy thuộc vào nguồn tài chính huy động được.
        Để việc xây dựng nhà thờ họ trở thành hiện thực, thì một trong các yếu tố quan trọng nhất là phải có được một nguồn tài chính. Nguồn tài chính này có được thì phải trông mong vào sự đóng góp của toàn thể bà con họ Trương toàn quốc, đặc biệt là các Doanh nhân người họ Trương.
        Để có được ngôi nhà thờ họ Trương toàn quốc như chúng ta hằng mong đợi. Tôi kêu gọi toàn thể bà con họ Trương Việt Nam trong nước và ở nước ngoài hãy đóng góp tiền của, công sức của mình cho việc xây dựng thành công nhà thờ họ Trương Việt Nam
       Tôi tin vào tấm lòng và tình yêu dòng họ, bà con sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của tình huyết thống và đồng tộc “Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước - Vinh quang dòng tộc truyền mãi với thời gian”

HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM
Chủ tịch – Trưởng ban vận động
xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam
Trương Văn Đoan 

Những tin cũ hơn

ÔNG TRƯƠNG PHÚ CƯỜNG, TGĐ ECI SAIGON VINH DỰ NHẬN DANH HIỆU

ÔNG TRƯƠNG PHÚ CƯỜNG, TGĐ ECI SAIGON VINH DỰ NHẬN DANH HIỆU "DOANH NHÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TIÊU BIỂU NĂM 2014"

— 25 Tháng Năm 2017

Theo quyết định số 4995/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 của Ủy ban nhân dân TP.HCM, Ông Trương Phú Cường – Tổng Giám Đốc ECI Saigon đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP.HCM trao tặng Giấy Chứng nhận và Kỷ niệm chương doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM năm 2014.

HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH TỈNH THANH HÓA

HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ DU LỊCH TỈNH THANH HÓA

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 24 tháng 10 năm 2014, tại Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh - Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch. Đây là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ mới.

TIẾN SĨ TRƯƠNG QUỐC DỤNG VÀ DÒNG HỌ TRƯƠNG QUỐC  Ở THẠCH KHÊ, THẠCH HÀ, HÀ TĨNH

TIẾN SĨ TRƯƠNG QUỐC DỤNG VÀ DÒNG HỌ TRƯƠNG QUỐC Ở THẠCH KHÊ, THẠCH HÀ, HÀ TĨNH

— 25 Tháng Năm 2017

Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, họ Trương Quốc ở đây nổi tiếng về văn học, 1 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Cử nhân (Hương cống) và 3 người đỗ Tú tài (Sinh đồ). Trong khoa thi Quý Dậu (1753), năm Cảnh Hưng thứ 14, đời Lê Hiển Tông, có ba anh em ruột cùng đăng khoa, đó là Trương Quốc Kỳ đỗ đầu Hương cống, Sinh đồ Trương Quốc Liễn và Sinh đồ Trương Quốc Cơ.

VĂN HÓA TÂM LINH THỔI HỒN DI SẢN  VĂN HÓA HUẾ

VĂN HÓA TÂM LINH THỔI HỒN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ

— 25 Tháng Năm 2017

Văn hoá tâm linh là một loại hình văn hoá tinh thần đặc thù của nhiều dân tộc trên thế giới. Với người Việt, từ xưa đến nay văn hóa tâm linh thể hiện ở tình cảm linh thiêng, ở niềm tin và sự tri ân của mọi người đối với những người thân đã mất, niềm tin của cả cộng đồng đối với những vị anh hùng, các bậc tiền bối đã có công lao xây dựng, bảo vệ đất nước; các vị tiền hiền được tôn làm Thần - Thánh, Thành hoàng; thể hiện sự kính trọng và cầu mong sự che chở của các vị thiên thần v.v…

THU HÀ NỘI - 2014

THU HÀ NỘI - 2014

— 25 Tháng Năm 2017

Hà Nội vào thu thật đẹp, cảnh sắc khí trời đều khiến con người ta muốn đắm chìm, muốn yêu thương và quên lãng những nỗi lo thường nhật, để hòa mình vào với thiên nhiên huyền ảo, những sắc màu của cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, màu trắng của hoa sữa thơm, màu xanh của cốm Vòng…