Tướng quân Trương Hống - Trương Hát

01:23 - 22/05/2017 Người họ Trương Admin 10552

Căn cứ sử sách ghi chép sơ sài thì các ông sinh vào đầu thế kỷ 6 (504?) trong khoảng thời gian 1.000 năm Bắc thuộc tăm tối của dân tộc Viêt Nam.  Anh em Trương Hống, Trương Hát học đến đâu lầu thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ. Khi nước nhà lâm nạn, nhà Lương bên Tàu, đời vua Đại Đồng năm thứ bảy, sai bọn Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đem đại binh sang đánh nước ta, tàn nhiễu muôn dân, đau lòng trăm họ, hại người cướp của, phá hủy cửa nhà. Vua nước ta là Triệu Việt Vương đem quân ra đánh nhưng quân Lương thế mạnh, Triệu Việt Vương liền rời bỏ kinh thành rút quân về đóng ở đầm Dạ Trạch, phủ Khoái Châu đất Hưng Yên, dựa vào bốn phía đầm lầy, thủy thế hiểm trở để tính kế lâu dài. Triều đình truyền hịch kể tội nhà Lương, bố cáo muôn dân, ai có tài hãy ra giúp nước. Khi ấy hai ông Trương Hống, Trương Hát đã trưởng thành, đang thời sung sức, nghe có hịch chiêu tài, anh em bàn nhau xin lệnh thầy, dụng kế lập thân, về quê mộ quân để đi giúp nước. Lã Tiên sinh khen ngợi tinh thần trung quân ái quốc của học trò và tình nguyện đi theo giúp việc quân cơ. Trong buổi hội bàn, thầy trò lo lắng, quê hương mấy làng quanh đây là đất hiền lành, nghèo túng, vả lại gia tư bấn bách, không gạo, không tiền, người đi theo không có. May sao có Trương Đạm Nương là em gái trổ tài nội trợ đi vận động làng Ngà hộ muối (nay làng này còn mang tên làng Muối), làng Ngườm hộ gạo (Ngườm tức là làng Nghiêm Xá, vùng đó có câu “gạo Nghiêm Xá-cá Thất Gian”), làng Dạm Gấu giúp người (Dạm Gấu tức là làng Đa Cấu, trước đây nổi tiếng đất nghịch), làng Vát giúp rèn khí giới (Vát là làng Việt Vân, có nghề rèn nổi tiếng, tục ngữ: “Liềm thợ Rào, dao thợ Vát”). Lã mưu sỹ chọn ngày lành làm lễ bái yết thần linh, tôn Trương Hống làm chánh tướng, Trương Hát làm phó tướng, tế cờ ra quân, ngày đêm luyện tập (nay còn hai xứ đồng gọi là Bãi Kiếm và bãi Phất Cờ).
Sau này các ông đến địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang thấy đất có thế ỷ giốc, tiến thoái lưỡng tiện có thể dụng binh liền cho quân hạ trại, làm tờ chiêu dụ nhân dân. Tờ dụ rằng: “Đất nước Vạn Xuân ta đang thanh bình, càn nguyên hanh thái, bỗng đâu giặc Lương xâm lấn, xã tắc đảo điên, muôn dân khốn khổ. Bọn Hống-Hát chúng tôi xuất thân con nhà lam lũ, được học võ nghệ, có chút mưu cơ, dám đem sức lực người bản xứ, dấy binh cuốc cầy, địch cùng lang sói ngoại bang, giúp Triệu Việt Vương giữ an bờ cõi, dám mong chư vị bàn dân hưởng ứng nghĩa quân thì lấy làm may lắm”. Phụ lão làng ấy tiếp tờ, thấy các ông dung dị khác thường, uy nghi đường bệ, thi đua nhau cho con cháu đi theo làm quân sỹ. Rồi tiếng đồn khắp hạt ấy rằng có tướng tài mộ quân, đinh tráng các nơi tấp nập kéo đến và được hơn ba trăm người, phiên chế thành cơ đội, cắt cai ký chỉ huy, lập đại bản doanh ở làng Tiên Tảo, ngày đêm ra sức luyện rèn và sai sứ báo về Dạ Trạch. Triệu Quang Phục được tin cũng sai sứ lên phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Trương Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách phản công. Đúng kỳ thúc giáp, hai phía cùng truyền lệnh quân cơ, tỏa binh tiếp trận, quân Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tiến lên, quân Hống-Hát ở Tiên Tảo kéo xuống, thủy bộ bốn mặt giáp công, xung đột tung hoành đánh rất dữ dội. Quân Lương không sao chống cự nổi, đại bại rã rời, số chạy dẵm đạp lên nhau, chết hại nhiều vô kể, số bị bắt mặt mày tái mét, run rẩy van xin. Dẹp xong giặc rồi, khải hoàn tấu tiệp, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành, khao thưởng tướng sỹ, úy lạo muôn dân, trong nước đã yên, thiên hạ thái bình, càn khôn phẳng lặng, trăm họ làm ăn vui vẻ. Vua Triệu phong thực ấp cho hai anh em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh, Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn là nơi dấy binh cũ.

Năm 570 Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) phản trắc, đem quân tới đánh. Triệu Việt Vương không phòng bị đã bị thua, rồi theo Long Vương xuống thủy cung ở cửa Đại Nha.
Các tướng của ngài, một số tử trận, một số khác còn sống, chạy tản mác các nơi, cùng với những toán quân ít ỏi của họ.
Vốn là kẻ gian hùng xảo quyệt, Lý Phật Tử tính rằng nếu còn để các tướng này thì sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Mang quân đi đánh tiếp nữa thì vừa khó nhọc, vừa mang tiếng là không đại lượng Đã lấy được ngôi chủ rồi thì phải để bàn dân thiên hạ trông vào: Ta đây cũng biết trọng nhân tài chứ!
Biết anh em Trương Hống, Trương Hát là những tướng giỏi của Triệu Việt Vương hiện đang còn sống và chưa chịu đầu hàng, Phật Tử cho mang lễ vật rất hậu đến, lại dặn viên sứ giả hứa đại là "nhà vua" sẽ trọng dụng, ban tước lộc còn trọng hơn trước, nếu chịu về hàng ...
Sứ giả ra đi, đinh ninh sẽ nói đúng những lời chủ (Hậu) Lý Nam Đế đã dặn, tuy trong thâm tâm vẫn không hiểu lần này nhà vua thâït lòng hay chỉ là kế điệu hổ ly sơn của một kẻ chuyên lừa đảo, phản trắc ...
Cũng như Triệu Việt Vương, hai anh em Trương Hống, Trương Hát đều rất phẫn nộ khi hay tin Phật Tử trở mặt, mang quân tới đánh úp. Sau khi cùng nhà vua phá vòng vây, hai anh em chạy ngược lên vùng núi non hiểm trở, nhưng quân lính dưới quyền đã lạc hoặc chết gần hết, nay chỉ còn lại vài người. Khi biết nhà vua đã hóa ở cửa Đại Nha, hai anh em trương khóc thảm thiết, rồi sau đó bàn với mấy người lính vào sâu trong rừng, tìm kế làm ăn sinh sống trước mắt ...
Lúc sứ giả của (Hậu) Lý Nam Đế tìm đến thì thấy mọi người đang cuốc đất trồng cây. Ông ta đưa lễ vật rồi nói những lời đúng như (Hậu) Lý Nam Đế đã căn dặn. Trương Hống thay mặt mọi người, trả lời sứ giả như sau :
- Ông về thưa lại với người đã phái ông đến đây rằng chúng tôi từ trước đến nay chỉ biết có Triệu Việt Vương là vua. Chúa của ông chưa thất giặc đến đã chạy, chỉ được cái giỏi lừa đảo, phản trắc, đem quân đánh cả người nhà. Chúng tôi thà chết chứ không chịu quỳ gối trước một người như vậy. Ông hãy đen những thứ này về nói lại lời của chúng tôi như thế.
Sứ giả ra về, đem các việc tâu lại với (Hậu) Lý Nam Đế. Tất nhiên ông ta chẳng dám nói đúng những lời của Trương Hống đã nói, mà chỉ bảo : ''Họ không chịu về hàng".
(Hậu) Lý Nam Đế cười gằn :"À! Chúng muốn chết thì được chết!", nhưng trong bụng lại nghĩ "Họ sợ bị ta lừa đây. Khá lắm!".
Sau khi hỏi sứ giả, biết được quân số của Trương Hống, Trương Hát chẳng còn bao nhiêu, (Hậu) Lý Nam Đế cử một viên tướng thiện chiến dẫn hẳn một đội quân đi đánh.
Khi viên tương cùng đội quân này đến dàn thế trận bao vây thì anh em Trương Hống, Trương Hát thấy sức mình địch không nổi, bèn quay đầu rút chạy. Bọn quan quân đuổi theo. Sau mấy ngày len lỏi trong rừng ở miền núi Phù Long, mất người lính bị lạc hết, chỉ còn lại hai anh em.
Tuy sức cùng lực kiệt nhưng nhất định không chịu để rơi vào tay đối phương, nên hai anh em bèn tìm đến cây lá ngón, rồi cùng ăn mà chết ...
Sự việc đó xảy ra vào năm 571. Tuy vậy, tiếng thơm của hai anh em còn truyền mãi đến các đời về sau ...


Truyền thuyết:

Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan (sông Lục Đầu), đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng:
- Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ chiến.
Vua lấy làm lạ, hỏi rằng:
- Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông cảm thì nên cho biết tính danh.
Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng:
- Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là Hống, em tên là Hát, đều làm tướng của Việt Vương (Triệu Quang Phục). Việt Vương bị Lý Nam Đế (Lý Phật Tử) đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Bọn thần không còn đường tiến thoái nên đều uống thuốc độc mà qua đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa (Vua Ngô Quyền) trong chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận.
Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng:
- Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời.
Vua mới tiến quân vây núi Côn Lôn, giặc ỷ thế hiểm trở, không ai có thể vịn trèo mà lên được. Đóng đồn lâu quá, quân sĩ đều có ý trở tâm. Đêm ấy vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình (Sông Thương ngày nay).
Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình.

505 năm sau khi Trương Hống, Trương Hát qua đời và 125 năm sau sự kiện Nam Tấn Vương đánh Tây Long, lúc ấy là năm1076, nhà Tống cử Quách Quỳ, Triệu Tiết dẫn 30 vạn quân sang xâm lược nước ta, đang dừng chân ở mạn bắc sông Như Nguyệt để chuẩn bị đánh xuống chiếm kinh thành Thăng Long.

Vùng mà quân giặc đang chiếm đóng cũng chính là địa hạt mà hai vị thần Trương Hống, Trương Hát được giao cai quản từ 505 năm về trước.
Vua Nhân Tông nhà Lý sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ.
Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng:

Sông núi nhà Nam Nam đế ở
Phân minh trời định tại thiên thư.
Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm?
Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư.


Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm.

Ngày nay cả vùng lân cận hai sông Cầu và Thương, có đến hơn 290 ngôi đền thờ hai vị thần họ Trương. Đền chính thờ Trương Hống ở làng Vọng Nguyệt, cạnh làng Như Nguyệt; và đền thờ chính Trương Hát ở làng Phượng Nhỡn ở cửa sông Thương. Vị trí đền phù hợp với việc quân Tống qua sông ở bến đò Như Nguyệt, cho nên câu chuyện thần ám trợ kể trong Việt Điện U Linh có căn cứ vào sự thật ít nhiều

Những tin cũ hơn

Hàn lâm Đại học sỹ Trương Hanh

Hàn lâm Đại học sỹ Trương Hanh

— 22 Tháng Năm 2017

Trương Hanh (chữ Hán: 張亨, ?-?), là người đỗ đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232)[1][2], đời vua Trần Thái Tông

Ông Trương Gia Bình tái đắc cử Phó Chủ tịch ASOCIO

Ông Trương Gia Bình tái đắc cử Phó Chủ tịch ASOCIO

— 22 Tháng Năm 2017

Tại Hội nghị BCH Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) vừa diễn ra tại Indonesia, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tái đắc cử Phó Chủ tịch của ASOCIO.

Mở tầm nhìn Trương Gia Bình và 3 ý tưởng quan trọng nhất cuộc đời

Mở tầm nhìn Trương Gia Bình và 3 ý tưởng quan trọng nhất cuộc đời

— 22 Tháng Năm 2017

Được đồng nghiệp nhìn nhận như "một người không bình thường", Trương Gia Bình dường như luôn bùng nổ với các ý tưởng mới. Ông nhìn nhận trong cuộc đời mình, có ba ý tưởng quan trọng nhất.

Trương Đình Dũ  (Trương Đình Dzu - 1917 -1991) - Một luật sư uyên bác

Trương Đình Dũ (Trương Đình Dzu - 1917 -1991) - Một luật sư uyên bác

— 21 Tháng Năm 2017

Luật sư Trương Đình Dũ hay Trương Đình Dzu (mà một số tài liệu tiếng Anh có ghi) sinh năm 1917 và mất năm 1991. Ông được người đời sau biết đến thông qua cuộc tranh cứ tổng thống năm 1967 của Việt Nam Cộng hòa. Song những hiểu biết đó cũng không nhiều do hầu như rất hiếm và không có các tài liệu ghi nhận về cuộc đời của ông. Trên cở sở các tài liệu tìm được, sau đây chúng tôi xin phép được sơ lược vài nét về luật sư Trương Đình Dũ.

Ông Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng

Ông Tổ sáng lập võ đường Kỳ Sơn Trương Chưởng

— 21 Tháng Năm 2017

Võ sư Trương Chưởng. Ông sinh ngày 04 tháng 4 năm 1899 tại làng Mỹ Cựu, nay là xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.