Truyền thống văn hoá - Chạp mả

02:08 - 20/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3985

Chạp mả là ngày con cháu trong tộc tu sữa mồ mả và cúng ông bà trong tộc. Tùy theo tộc mà lựa chọn ngày, trước đó 1 ngày thì đi dẫy mã hay sữa sang lại mồ mã của ông bà , đến ngày sau thì cả tộc nhóm họp lại, trước cúng ông bà , sau đó hội họp để nhìn nhận bà con bên nội bên ngoại. Đó cũng xem như ngày lễ hội của tộc.

Ngày chạp mả
Ngày chạp mả - Ảnh minh hoạ


Mỗi gia đình chỉ thờ ông nội trở xuống , ông cố, ông tổ, là thờ và cúng ở nhà thờ tộc, chọn ngày giỗ của ông lớn nhất mà tổ chức lễ Chạp Mả, cúng chung 1 lần .

Trung Quốc gọi ngày chạp mả là Tiết Thanh Minh thường thường là đầu tháng 3 âm lịch.

Truyện Kiều viết như sau :

Thanh Minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ , hội là đạp đạp xuân.

Tảo mộ là tu sữa quyét dọn mồ mả của ông bà rồi về nhà cúng ông bà . Việt Nam mình gọi là Chạp Mả.

________________________________________

Truyền thống chạp mả ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi 

Hàng năm cứ đến tháng 12 âm lịch hay còn gọi là tháng Chạp, các tộc họ đều có một ngày giỗ lớn cúng ông bà gọi là ngày Chạp mả hay còn gọi là Chạp.

Tháng Chạp mang ý nghĩa sâu xa về một truyền thống văn hoá của ông bà ta nói chung và Nghĩa Hành - Quảng Ngãi nói riêng đó là quét dọn, làm cỏ, sửa sang lại mồ mả ông bà, cha mẹ được xem là cách để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống.

Các tộc họ chọn một ngày trong tháng chạp qui đinh là ngày Chạp và giữ mãi cho đến sau này. Ngày chạp cũng chính là ngày con cháu làm ăn xa, sinh sống ở xa tìm về nguồn cội ông bà họ hàng của mình. Đây cũng có thể xem là ngày giổ lớn để bà con gặp gỡ nhau ôn lại truyền thống của tộc họ và gia đình để đời đời con cháu nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hoá.

Vào ngày chạp hoặc trước ngày chạp vài ngày, ông bà, cha mẹ thường dẫn con cháu đi dẫy mả, quét dọn sửa sang lại cho khang trang sạch sẽ và cũng giới thiệu cho con cháu biết đây là mồ mả của người có vai vế thế nào trong họ. Có khi họ kể về những chiến tích hào hùng hay những giai thoại về ông bà cho con cháu nghe.

Sau khi cúng Chạp xong, con cháu quây quần bên mâm cổ đầm ấm. Chén rượu đầu xuân tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Tục lệ chạp mả được duy trì từ đời này sang đời khác trở thành một nét đẹp trong những tục lệ ăn Tết Nguyên đán của người Việt Nam vốn thấm nhuần đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn". Hàng năm, mỗi khi đi xa về quê ăn Tết, có thêm một dịp để gần gũi, nhìn nhận bà con bên nội bên ngoại, thấy Tết càng thêm nhiều ý nghĩa.

Những người con cháu như chúng ta hôm nay thường đi làm ăn xa mà quên đi ngày chạp mã truyền thống, không biết sau này khi thế hệ cha ông đã đi qua có còn nhớ ngôi mộ nào là của tổ tiên hay bỏ quên đi để rồi mồ mả ông bà trờ nên vô chủ. Những ngôi mộ vô chủ hay bị con cháu bỏ rơi này sẽ được tảo mộ trong lễ hội Thanh Minh được tổ chức vào tháng 3 AL hàng năm.

Cúng chạp mả ở Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng

Hằng năm, từ đầu tháng Chạp, các chi, phái tộc ở vùng quê Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng tiến hành dẫy mả, chạp mả. Đó là dịp con cháu ở xa tìm về nguồn cội...Và mỗi tộc họ đều chọn cho mình một ngày "chạp" cố định và giữ mãi cho đến ngày nay.

Trước khi chính thức cúng chạp mả độ vài ngày, những người cao tuổi ở các chi, họ đều hướng dẫn con cháu đi dẫy mả. Trước khi dẫy, người già đưa mọi người đến ngôi mộ có vai vế cao nhất, thắp hương khấn vái với thần hoàng bổn xứ và người đã khuất. Theo tập tục tổ tiên ông bà, hằng năm con cháu dẫy mả để mộ phần được đẹp đẽ hơn, sau đó khấn mời chư vị về nhà thờ tộc để sum họp và hưởng phẩm vật...Tuy không bắt buộc nhưng mỗi gia đình trong họ tộc dẫu có bận đến mấy cũng sắp xếp cử người đi dẫy mả cùng anh em trong họ tộc. Người thì mang theo cuốc bén, người thì đắp lại những phần mộ bị sụt, khuyết đất, lở đất, người thì dùng liềm phát quang chung quanh mả. Qua đây, các người già nói con cháu biết vai vế, công trạng, đức tính... từng người nằm dưới mồ.

Song song với dẫy mả, ông tộc trưởng cử người đi mua bò, heo trước đó ít ngày. Gặp năm trời nắng tốt, con cháu đông đủ thì làm bò, gặp năm mưa gió thì làm heo. Khoảng 3 giờ sáng, họ đã thức dậy nhóm lửa bắc nước làm bò, heo. Mờ sáng, các chị, các mẹ mang theo gióng, mủng xuống chợ Túy Loan mua hương đèn, hoa trái, các loại rau trái như sắn mồi, đậu cô ve, khoai tây, cà rốt, mì khô, khoai môn...gánh về nhà xúm nhau nấu nướng. Ông tộc trưởng còn phân công người dọn bàn thờ, thay nước, tiếp khách, chuyện trò về mùa màng, mưa nắng, khuyến học... trong tộc họ thời gian qua.

Đúng 11 giờ, sau khi kiểm tra "phẩm vật" trên các bàn cúng, ông tộc trưởng bằng lòng cho tiến hành cúng, các bàn thờ được thắp hương đèn sáng loá, trầm hương nghi ngút. Tuy nhiên, bàn cúng đặt trước sân là cúng thần hoàng được cúng trước. Sau đó là nghi lễ cúng ông bà tổ tiên trong nhà. Con cháu vòng tay đứng hai bên, có người chiết tửu (rót rượu), có người quỳ gối đọc lá sớ viết trên giấy vàng. Ông tộc trưởng lạy, khấn trước, sau đó tùy theo vai vế mà lần lượt lạy ông bà tổ tiên. Trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hương trầm nghi ngút, hình như tổ tiên, ông bà đã về sum họp cùng cháu con. Khi hương đã sắp tàn, kết thúc bằng màn vái, lạy của ông tộc trưởng, nước trà được rót vào chén để ông bà dùng và nhận phần diêm mễ, vàng mã, áo giấy được mang ra sân đốt.

Trước khi vào tiệc, ông tộc trưởng cho người mang trên ban thờ xuống một bàn lễ gồm có: 1 chai rượu gạo, một đĩa trầu cau và các đĩa đựng đầu heo, nọng, 2 miếng thịt tợ (thịt luộc) và mời đại diện các chi nhánh, nội ngoại nhận lễ. Theo đó, đầu heo kính họ nội, cái nọng kính họ ngoại, hai miếng thịt tợ kính các chi nhánh. Theo tập tục xưa bày nay bắt chước, kính đầu heo, nọng là tỏ lòng biết ơn họ nội, ngoại, các chi đã giúp sức rất lớn để tổ chức chạp mả được thành công tốt đẹp.

Ngoài ra, nhiều làng ở Hòa Vang hằng năm còn có một buổi đi dẫy mả "Âm linh", nghĩa là dẫy những nấm mồ vô chủ. Khoảng nửa buổi, làng cũng có cúng Đình, tế Âm linh với chiêng trống đánh "bru...bru... bằm...bằm...". Gần trưa, các cánh trai tráng, nông dân đi dẫy mả Âm linh về trước sân đình để rửa tay chân, sau đó vào đình ăn đám cúng Âm linh, chủ yếu là rượu gạo, xôi, thịt heo, bánh tráng nướng...

Nguồn: Congdulich (Theo Simple)


Chạp mả ở Quảng Nam


Những ngày này, quê tôi nhộn nhịp hẳn lên khi các tộc họ tổ chức lễ chạp mả. Ông tôi bảo: Xuất phát từ câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, người dân quê mình quan niệm lễ chạp mả có 3 ý nghĩa lớn. Đó là sửa sang mồ mả cho ông bà tổ tiên đón năm mới; giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ và cuối cùng là dịp để con cháu sum họp, quây quần bên mâm cỗ chia sẻ chuyện làm ăn, gia đình, họ tộc trong một năm qua.

Cũng chính vì thế mà ở quê tôi, chạp mả được xem là ngày lễ quan trọng của dòng tộc, nếu con cháu không có mặt đông đủ thì có lỗi với cha ông và bị người lớn quở trách. Đến ngày quy định, con cháu, dâu rể ở xa đều tập trung về nhà trưởng tộc hoặc nhánh trưởng để cùng nhau tay cuốc, tay rựa ra gò mả phát bụi rậm, dọn cỏ mồ mả cha ông. Công việc phải được cháu con thực hiện nghiêm túc, bởi đây cũng chính là thể hiện sự kính trọng, lễ phép với tổ tiên.

Những tộc họ có nhiều mồ mả thì trước ngày giỗ chạp sẽ tổ chức cho con cháu phát dọn trước để đến ngày chính thức kịp hoàn thành và làm lễ cúng tạ tổ tiên. Sau khi sửa sang mồ mả, con cháu sẽ thắp nén nhang lên mộ để tưởng nhớ công đức sinh thành của cha ông và mong được tổ tiên phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau làm ăn khấm khá, rạng rỡ công danh, tộc họ đoàn kết đùm bọc… Trong những ngày này, các cụ cao niên thường dẫn con cháu theo và giải thích rõ danh tánh, vai vế của người nằm dưới mồ để thế hệ sau kế tục công việc chăm sóc mộ phần. Ngày nay, nhiều gia tộc có điều kiện kinh tế thì quy tập mồ mả tổ tiên vào một khu đất rộng và xây dựng khang trang, dựng bia mộ đề danh tánh để gìn giữ nấm mồ cha ông cho đời sau biết và tiện bề hương khói.

Sau khi hoàn thành công việc, con cháu lại tụ tập về nhà thờ tộc hoặc nhà trưởng tộc dâng lễ cúng tạ tổ tiên. Cho dù cuộc sống có khó khăn thì lễ vật dâng cúng trong lễ chạp mả phải được sắm sửa đầy đủ. Một số dòng họ do đông con cháu nên sau khi cúng xong ở nhà thờ tộc hoặc nhà trưởng tộc sẽ về nhà các nhánh trưởng, chi trưởng tổ chức cúng lại. Sau đó, mọi người theo thứ vị trong tộc cùng quây quần bên mâm cỗ để ăn uống chuyện trò.

Trong dân gian, không thiếu những ngôi mộ vô chủ do trải qua thăng trầm lịch sử nên con cháu thất lạc, không có người thân sửa sang, gọi là “mả lạng”. Đối với những ngôi mộ này, người dân trong làng xóm cùng nhau tổ chức đi sửa sang, chung góp tiền của để mua lễ vật cúng tế tại các đình, miếu gọi là cúng âm linh, thể hiện đạo nghĩa với người đã khuất.

Cứ như vậy, lễ chạp mã ở vùng đất Thăng Bình quê tôi nói riêng và những miền đất khác được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đây là nét văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc của người dân xứ Quảng.

HOÀNG THỌ

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì