Thượng thư Tiến sỹ Trương Công Giai (1665-1728)

20:42 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 4047

Trương Công Giai sinh ngày 19 tháng 11 năm ất Tỵ (1665), quê Thiên Kiện sở (nay là xã Thanh Tâm - Thanh Liêm - Hà Nam). Năm 20 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa thứ sáu, đời Lê Hy Tông. Tên đứng thứ nhất, ông là một trong 13 người đỗ Tiến sĩ dưới 22 tuổi của nước ta.

Trương Công Giai lúc nhỏ được gọi là Thần đồng bởi học tài, thông kinh thấu chữ, ứng xử tài hoa. Vốn được người cha là Trương Chí Tường, một danh y nổi tiếng gần xa, dạy bảo, cho học hành chu tất. Vốn là cậu bé hiền lành thông minh nhạy cảm nên không cứ là thượng quan hay thứ dân, ai hỏi gì đều lễ phép đáp lời trôi chảy khiến ai cũng dễ hiểu, càng thêm quý thương cảm mến tin yêu.

Con trai trưởng của Trương Công Giai là Triều liệt Đại phu Quan Tiến lộc Trương Luận Xuyên đã cung kính chép về người cha của mình như sau:
“Cụ có phong thái đoan trang kỳ vĩ, thần thái ung dung, mặt tựa tô son, đứng ngồi đĩnh đạc, ôn hòa từ ái, cần kiệm, thanh cao. Cụ lúc nhỏ được gọi là Thần đồng, khi lớn dốc lòng theo đạo Nho. Cụ làm quan trong sạch, cần cù. Lấy lòng hiếu đễ thờ cha mẹ, lấy nghiêm khắc giữ nếp nhà. Thờ vua tận tụy, trong triều ngoài nội đều giữ tiếng khen. Thực đáng người hiền, tiếng thơm lưu truyền hậu thế”.

Vừa đỗ đầu Tiến sĩ và ngay sau đó ông được vua Lê Hy Tông bổ nhiệm làm quan trong triều. Cuốn Trương thế gia ký (Gia phả họ Trương) viết rằng:
Trẻ tuổi đã đỗ cao, giữ các chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu (1), Bồi tụng Hình bộ Thượng thư , Phụng quản tiệp cơ, Nhập thị kinh diên, Quyền Lễ bộ sự , Trị nội điện thị văn chức, Thự trung thư kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, Tước lỵ quận công, Thượng trụ quốc, Thượng trật Tướng công…
Sách Lịch triều tạp kỷ lại ghi: Tháng 3 năm Đinh Hợi (1707) phong Tự khanh Trương Công Khải (do chữ Nho: Giai và Khải giống nhau) làm chức Công bộ Hữu thị lang.

Tháng 3 năm Tân Mão (1711), Trương Công Khải giữ chức Phó đô Ngự sử. Năm Mậu Tuất (1718), tháng giêng mùa xuân mở khoa thi Cử nhân, Tri cống cử Đô Ngự sử Trương Công Khải nhập kỳ thi diên bồi tụng, Thượng trung thư giám cẩm Sơn Nam (người chấm thi duyệt quyển thi Hương).Tên tự là Đoan Lượng, khi mất ông được vua ban tên thụy là Hiên Hoát Tiên Sinh và được truy phong hàm Thiếu bảo. Sau đó ông được giữ chức Thượng trụ quốc Thượng trật tướng công. Tháng sáu năm Canh Tý (1720), ông được thăng tiến chức Thượng thư bộ Hình .

Ông mất ngày mồng 8 tháng 2 năm Mậu Thân (1728) thọ 63 tuổi, thi hài được ướp quàn tại viện Thiên Thanh. Sau 100 ngày thì đưa về quê cho dân làng và gia tộc kính viếng. Bảy ngày sau mới đưa lên an táng tại lưng núi A Hồ (Thiên Hồ- Trà Xuyên- Thanh Liêm).

Mộ phần ông đặt ở cuối dải Chanh Chè trên núi Trà Lĩnh uy nghiêm. Đây là vùng thắng cảnh nhìn thấy núi sông trong thế long chầu hổ phục. Đằng kia có núi Huyền Vũ đột khởi, mạch từ Tốt Khê, Sơn Nga dẫn về giữa trập trùng núi với những đồi thông xanh thẳm, đến Trà Châu thì hình thành bức trướng Lưỡng Rực hóa thành mạch lớn chuyển nhập vào tận ấp quê.

 


Trích Thượng thư Tiến sỹ Trương Công Giai của Trần Tuấn Đạt
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 2008
 

Những tin cũ hơn

Thái phó Trương Hán Siêu (?-1354)

Thái phó Trương Hán Siêu (?-1354)

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Hán Siêu (chữ Hán: 張漢超;?-1354), tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, quê ở làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Ông là một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, từng là môn khách (khách trong nhà) của Trần Hưng Đạo, sau làm quan từ triều Trần Anh Tông đến triều Trần Dụ Tông, lúc chết được tặng tước Thái bảo, Thái Phó và được thờ ở văn Miếu.

Quan phủ thừa Trương Khánh Thụy (1827 - 1873)

Quan phủ thừa Trương Khánh Thụy (1827 - 1873)

— 25 Tháng Năm 2017

Theo gia phả Trương Trung ở Đồng Phú ,Đồng Hới , Quảng Bình; cụ Trương Khánh Thụy, huý Lắng là tổ đời thứ 6; sinh giờ Tuất ngày 25 tháng năm Đinh Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ tám (1827); mất ngày 10 tháng 6 ( nhuận ) năm Quý Dậu niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi sáu (1873); là con thứ sáu của quan viên phụ Trương Quang Thống, cháu nội của quan Ngũ đội trưởng Trương Quang Châu, hậu duệ của quan Quản lãnh Trương Trung Hiếu (Triệu tổ của dòng họ Trương Trung).

Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793-1865)

Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793-1865)

— 25 Tháng Năm 2017

Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (chữ Hán: 張登桂, 1793-1865) là một quan Đại thần phụ chính nhà Nguyễn, phụng sự trong bốn triều đầu tiên của nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức), từng là thầy học của vua Thiệu Trị và một số quý tộc nổi tiếng khác. Trương Đăng Quế, tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai hay Quảng Khê Tẩu (ông già Quảng Khê), sinh ngày 1 tháng 11 năm Quý Sửu (1793) quê làng Mỹ Khê Tây, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Hữu Tiến (Trương Xuân Trinh: 1901-1941)

Nguyễn Hữu Tiến (Trương Xuân Trinh: 1901-1941)

— 25 Tháng Năm 2017

Nguyễn Hữu Tiến tên thật là Trương Xuân Trinh, Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1901 tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông còn có tên gọi là thầy giáo Hoài hay Hai Bắc Kỳ, xứ ủy viên Nam Kỳ, là tác giả của mẫu quốc kỳ Việt Nam.

Hoàng Hoa Thám - Trương Văn Thám (1858 - 1913)

Hoàng Hoa Thám - Trương Văn Thám (1858 - 1913)

— 25 Tháng Năm 2017

Hoàng Hoa Thám (chữ Hán: 黃花探; tên thật Trương Văn Thám 張文探, còn gọi là Đề Thám 提探; Hùm thiêng Yên Thế (1858 – 10 tháng 2 năm 1913) là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp.