* Ông nội - Trương Tỷ
Khi tôi 11 tuổi, ông nội đã ráp cho tôi chiếc xe đạp tay cầm ngang và dẫn tôi đi tập từ tờ mờ sáng ở xa lộ Hà Nội.
Từ nhỏ, tôi đã nghe ba mẹ, các bác các chú kể cho nghe về ông nội - cuarơ khét tiếng ngày xưa cùng thời với những tay đua nổi tiếng như "phượng hoàng" Lê Thành Các, "hùm xám" Vũ Văn Thân... và đoạt khá nhiều thành tích vang dội.
Tôi nghĩ nhà họ Trương của mình được như hôm nay chính là nhờ ông nội. Không chỉ là "gen" di truyền không thôi, mà chính ông là chiếc đầu tàu mở đường cho con cháu.
Ông bà nội tôi có tất cả 14 người con, trong đó mười con trai và ba tôi là trai trưởng. Trong mười người con trai của ông tôi, có đến sáu người theo nghiệp cha. Nhiều người cũng rất nổi tiếng như chú Trương Ngọc Sinh, Trương Thanh Sĩ, Trương Tấn Quang..., nhưng nổi nhất chính là ba tôi.
Tôi nghe kể rằng hồi ba và chú còn là VĐV, chẳng có cuộc đua nào mà ông tôi vắng mặt. Chính ông chứ không ai khác đã dìu dắt từ những guồng chân đầu tiên trên ngựa sắt cho các con trai. Ông chăm từng miếng ăn, giấc ngủ và theo sát để truyền kinh nghiệm trên đường đua. Đến thế hệ thứ ba, ông dồn hết tâm huyết cho tôi.
Tôi nhớ sau một thời gian ngắn được ông dìu dắt, trong một lần nói chuyện với ba tôi, giọng ông thật rạng rỡ: "Hùng à, con đã có người tiếp nối sự nghiệp rồi đó". Tôi đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ công dẫn dắt của ông nội rất nhiều và ông cũng là người mà tôi thật sự ngưỡng mộ. Hôm ông mất (năm 1998, thọ 74 tuổi), khi ấy tôi đã 18 tuổi và đã khóc rất nhiều vì sự mất mát này...
* Cha - Trương Kim Hùng
Cha tôi ra nước ngoài từ khi tôi còn chưa được hai tuổi. Chính vì vậy mà hai cha con ít có dịp tiếp xúc với nhau. Thời thơ ấu, tôi chỉ biết nhiều đến ba qua những sách báo mà mẹ lưu giữ. Không quên những ngày tôi còn nhỏ, mẹ đã cầm từng chiếc huy chương mà ba đoạt được và kể lai lịch từng chiếc cho tôi nghe.
Tôi nghĩ có lẽ trong làng xe đạp VN, chẳng có ai được các nhà báo đặt cho nhiều biệt hiệu như ba tôi. Nào là "thần đồng", "tiểu phượng hoàng", "thiết mã", "thiết cước đại vương"... Và ông chính là người đã đoạt được nhiều HCV SEA Games nhất trong làng xe đạp VN (năm chiếc).
Nhưng, ảnh hưởng của ba tôi -Trương Kim Hùng - đối với sự nghiệp của tôi không chỉ là lòng tự hào bằng một "gia tài" vô giá là tiếng tăm của ông. Khi đất nước mở cửa, ông bắt đầu năng về thăm mẹ con tôi.
Ông cũng thống nhất với ông nội tôi là cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho tôi. Tôi nhớ rất rõ vào cái thời mà các đối thủ đàn anh của tôi phải rất khó khăn mới sở hữu được một chiếc xe trị giá khoảng 1.500 USD thì ông đã nhịn ăn nhịn tiêu để mua từ Mỹ một chiếc trị giá 6.000 USD cho tôi. Đó là một chiếc xe tuyệt vời, đã được ông đặt riêng theo đúng cỡ người của tôi.
Tôi đã có một người ông và một người cha tuyệt vời.
Tôi - Trương Quốc Thắng
Tôi nghĩ sự nghiệp mà bản thân mình đạt được là điều không dễ có đối với một tay đua VN. Từ năm 14 tuổi tôi đã bắt đầu tham gia những cuộc đua lớn, và một năm sau đã đăng quang rực rỡ ở Cúp ĐBSCL 1995 khi đoạt tất cả các danh hiệu cao nhất.
Rồi ở cúp truyền hình, tôi đã bốn lần đoạt áo vàng chung cuộc, ba lần đoạt áo xanh xuất sắc... Sau những thành tích đầu tiên này, ba đã viết cho tôi một bức thư. Trong ấy ông nhắc nhở: "Ba rất tự hào và hãnh diện về con.
Nhưng ba muốn con tiến mãi, phải làm hơn ba khi xưa. Con phải phấn đấu để đứng trên bục ở thao trường quốc tế nhận chiếc huy chương danh dự về cho dân tộc VN. Muốn vậy, con không được thỏa mãn...". Và ngày đó đã đến với tôi vào năm 2000. Tại Giải vô địch châu Á tổ chức ở Thượng Hải, tôi đã đoạt HCV ở cự ly 148km.
Mặc dù sự nghiệp của tôi đáng gọi là được "trải hoa hồng", nhưng không phải vì thế mà không có những trúc trắc. Cuối tháng 7-2004, suýt tí nữa tôi phải vĩnh viễn giã từ đường đua khi mắt vốn đã yếu do di căn từ bệnh sởi hồi nhỏ, bỗng yếu đi thật nhiều.
Ba mẹ tôi đã mất ăn mất ngủ để tìm thầy chạy chữa cho tôi. Khi đó, các bác sĩ bảo khả năng ghép giác mạc thành công chỉ là 50-50, và tôi đứng trước nguy cơ bị mù. Cuối cùng, gia đình đã quyết định chỉ dùng thuốc uống và phó mặc cho số phận.
Khỏi phải nói những ngày ấy căng thẳng và buồn như thế nào với tôi. Nhưng, hình như ông trời còn thương tôi lắm, nên bệnh đã không nặng thêm và tôi vẫn còn được ngồi trên yên xe.
Nhưng đó là chuyện buồn trên trời rơi xuống, mình không cưỡng được. Chuyện buồn lớn nhất với đời tôi là vụ ẩu đả ở Thái Lan với Trịnh Phát Đạt, khiến phải bị cấm thi đấu một năm. Vì chuyện đó, ba đã "cấm vận" tôi một năm.
Tôi thật sự hối hận vì đã không kìm chế được mình, nhưng cũng may là mọi người đã tạo điều kiện cho tôi trở lại bằng việc xóa án kỷ luật trước ba tháng. Nhờ đó, tôi sẽ lại có mặt tại Cúp truyền hình TP.HCM 2006.
NGUYÊN KHÔI ghi
Sáng mùng 2 Tết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến phòng trọ của công nhân ở Đồng Nai, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
7h30 Sáng 29-1 (mùng 7 Tết), tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền - trên cánh đồng Đọi Sơn, xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ hội. Sau khi làm lễ dâng hương, Chủ tịch Trương Tấn Sang xắn quần, đi chân đất cày ruộng.
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn - 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc Tết tới toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Thư chúc Tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Hòa thượng Thích Trí Tâm hiện là Ủy viên Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban trị sự kiêm Trưởng Ban Quốc tế Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ “ Tổ đình Nghĩa Phương”, thành phố Nha Trang.
Tại Hội nghị BCH Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) vừa diễn ra tại Indonesia, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tái đắc cử Phó Chủ tịch của ASOCIO.