NIỀM VUI LỚN CỦA BÀ CON HỌ TRƯƠNG
LÀNG VÂN QUẬT THƯỢNG, XÃ HƯƠNG PHONG
TX HƯƠNG TRÀ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
|
Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, dư âm oanh liệt của tiền nhân vẫn vang vọng thấm sâu từ lòng đất, ấm áp mái ngói bờ tre làng Vân Quật Thượng như đang truyền thêm sức mạnh, hào khí tinh thần cho các thế hệ người dân Vân Quật Thượng nói chung, con cháu họ Trương nói riêng cùng đoàn kết xây dựng làng Vân Quật Thượng ngày càng văn minh giàu mạnh và chung sức với cộng đồng trên địa bàn xã Hương Phong gìn giữ, và phát huy những giá trị văn hóa làng xã đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Huế đặc trưng được kết tinh, phát triển bền vững qua hàng ngàn năm lịch sử.
Con cháu họ Trương Van Quật Thượng ấp ủ từ cách đây gần 25 năm lúc bấy giờ UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin và Bảo tàng Thừa Thiên Huế đã đồng ý cho tu sửa Lăng mộ - Miếu thờ ngài Trương Phi Phong vì bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1993, Mộ và Nhà thờ ngài Trương Phi Phong là một trong 153 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định bảo vệ. Vào thời điểm đó, việc công nhận xếp hạng Di tích chỉ có một hạng là Di tích cấp Quốc gia, trong khi tài liệu về ngài Trương Phi Phong chưa đầy đủ, chưa thể hoàn tất hồ sơ về ngài Trương Phi Phong mang tầm Quốc gia, nên công việc nghiên cứu đã tạm hoãn.
Thế nhưng, nỗi niềm trăn trở với công đức của tiền nhân đối với đất nước, quê hương, đối với các thế hệ con cháu tộc Trương Vân Quật Thượng vẫn không nguôi, sức mạnh tâm linh của liệt tổ liệt tông vẫn thôi thúc con cháu thực hiện tâm nguyện chính đáng hằng mong. Tiếp tục công việc có ý nghĩa đối với tiền nhân, tháng 12 năm 2012, tộc Trương Quật Thượng đã làm đơn gửi UBND xã Hương Phong và đã được UBND xã đồng ý soạn thảo Công văn gửi Sở VHTT & DL Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử & Cách Mạng, UBND thị xã Hương Trà đề nghị tiếp tục nghiên cứu Hồ sơ công nhận di tích Đền thờ - Lăng mộ và các di tích liên quan đến ngài Trương Phi Phong là Di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, Hồ sơ tài liệu về nguồn gốc của ngài Đô Chỉ Huy Sứ vẫn có một khoảng trống nhất định. May mắn thay, tộc Trương làng Vân Quật Thượng được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, các nhà nghiên cứu ở Trung ương và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hưng Yên và bà con Họ Trương trong Hội đồng Họ Trương Việt Nam. Với tâm nguyện luôn hướng về liệt tổ, liệt tông, lại được âm phò, dương trợ chúng tôi đã tìm được về cội nguồn Họ Trương ở Thanh Hóa. Đó là hai cha con võ tướng Bình Ngô Khai quốc công thần thời Lê Sơ: Trương Lôi - Trương Chiến lập nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV, được vua ban quốc tính là Lê Lôi và Lê Chiến. Hiện nay, đền thờ hai ngài đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ở thôn Tiền Phong, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Lăng mộ hai ngài hiện ở đồi Hồng, Đông Sơn, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là địa điểm được triều đình nhà Lê Sơ ban cho làm Thái Ấp gần biên ải Chi Lăng lịch sử. Trong tập "Kinh Bắc Trương Thị Như Quỳnh quý thích thế phả" và tài liệu của dòng họ Trương ở thôn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cũng đã chứng minh Bình Ngô khai quốc công thần Lê Lôi (tức Trương Lôi) là hậu duệ của Viễn Tổ -Thám Hoa Trương Phóng (húy Tích Đãng), đỗ Đại khoa năm 1304 thời vua Trần Anh Tông. Tính từ đời ngài Bình ngô khai quốc công thần Trương Lôi đến đời ngài Đô chỉ huy sứ Trương Phi Phong là 4 đời liên tục có công trạng lớn cho triều Lê sơ. Vì vậy tại di tích Miếu thờ ngài Trương Phi Phong có bức hoành phi lớn khắc rõ:
“Bình Chiêm Sứ”
Tạm dịch: Phái đi bình định Chiêm Thành
"Triều nội vị văn quan tế thế anh hùng tài lương đống
Trận tiền danh võ tướng hưng ban hào kiệt trí thần cơ"
Tạm dịch: Quan văn nội triều anh hùng cứu thế tài rường cột
Võ tướng trước trận hào kiệt dũng mãnh trí thần cơ
"Khắc minh đức"
Tạm dịch: giữ đức sáng
"Chưởng thượng bố kinh luân đạt nhất thân tòng thiện sự
Hung trung tàng binh giáp công hầu tứ đại chấn thục danh"
Tạm dịch: Trên tay ban phát kinh luân, một đời theo việc thiện
Trong lòng ôm ấp binh pháp, bốn đời chấn uy danh
"Bổn thổ khai cơ tử tôn trường dẫn
Thành hoàng hưng nghiệp bách tính vinh hiễn”
Tạm dịch: Bổn thổ mở mang cơ nghiệp con cháu tiếp nối
Thành hoàng hưng nghiệp trăm họ vinh hiền
Trong dặm dài lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế có bao cuộc thăng trầm ra sao, thì lịch sử làng Vân Quật Thượng cũng vậy. Mảnh đất Vân Quật nhỏ hẹp, lại phải trải qua nhiều cuộc bể dâu chiến tranh khốc liệt, chính trong cuộc phấn đấu để sống còn đó, người dân Vân Quật anh dũng -cần cù trong sự nghiệp bảo vệ - xây dựng quê hương. Trong hòa bình và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và người dân Vân Quật vẫn giữ cốt cách trung hậu, tự tạo cho mình một lẽ sống sáng rõ, một bản sắc văn hóa làng quê đặc trưng có sức lan tỏa....
Đến nay, đã có cơ sở khoa học để xác định ngài Trương Phi Phong là một quan võ thời Lê sơ - vị Thủy tổ của họ Trương ở làng Vân Quật Thượng ngày nay. Căn cứ vàocác nguồn tài liệu (gia phả, thư tịch, văn bia, câu đối…) đã sáng tỏ thêm về nhân vật lịch sử thời Lê sơ: ngài Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty Trương Phi Phong là người đã từng tham gia công cuộc bình Chiêm thời vua Lê Thánh Tông năm 1471. Sau việc bình định này đã có nhiều quan quân binh lính được lệnh của vua Lê Thánh Tông đưa gia quyến, họ hàng vào lập cư ở vùng đất mới mở, hoặc tự chọn phong thủy địa cuộc lập làng kể từ phủ Triệu Phong trở vào - đây được xem là cuộc di dân lớn thứ hai của Đại Việt vào phía Nam. Ngài Trương Phi Phong là một trong nhiều quan quân thời Lê đã thực hiện công cuộc mở đất quy mô mang tính tổ chức của Nhà nước phong kiến thời đó. Ngài là một trong những người đã có công đầu khai khẩn mở mang bờ cõi vào phía Nam nói chung, làng Vân Quật - một trong những làng được thành lập sớm ở Thuận Hóa nói riêng. Sách Ô Châu Cận Lục của Tiến sỹ Dương Văn An biên soạn năm 1555 đã ghi tên của làng Vân Quật là một trong 59 làng của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong. Theo nhiều nguồn tài liệu đã viết, Gia phả Họ Trương ghi: Đời Thủy tổ là ngài "Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty" được "Lê Triều sắc sức bổn xã lập miếu phụng tự". Trong các tài liệu Hán - Nôm còn lưu giữ, khắc viết ở Miếu thờ, đình làng đã ghi nhận vai trò khai khẩn, khai canh của ngài Trương Phi Phong, văn cúng của làng từ xưa đến nay vẫn ghi, đọc: "Bổn thổ, Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty Thiêm sự Trương Quý công Tôn thần".
Tại đình làng có bài vị: Bổn thổ Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy sứ ty thiêm sự Trương Quý Công tôn thần vị.
Sau khi vị thủy tổ họ Trương - Trương Phi Phong đến khai hoang sinh cơ, lập nghiệp ở làng Vân Quật Thượng đã đem theo người con trai trưởng là ngài Hiển Thượng Cao Cao Tổ Khảo Trương Văn Cải, sau đó ngài Cải đã sinh ra bốn người con, nay thành bốn phái trong đó có 3 phái hiện ở tại làng Vân Quật, 1 phái định cư ở làng An Dương (Mã Tại Thượng Đồng), 1 hệ họ Trương làng Hải Nhuận với tổng con cháu họ Trương của Ngài tính đến thời điểm hiện tại từ 18 tuổi trở lên con cháu trai là 400 người, kể cả ở phương xa và hải ngoại.
Kể từ khi ngài Trương Phi Phong sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất này, lại trải qua nhiều triều đại lịch sử, bao nhiêu cuộc chiến tranh cách trở, đường xá hiểm nguy, khó khăn đi lại. Mặt khác, tài liệu gia phả, sắc phong bị thất lạc, hư hỏng, cháy trong các cuộc chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt, dòng họ Trương làng Vân Quật Thượng cũng đã bị đứt đoạn hàng trăm năm với cội nguồn tổ tông. Hôm nay, ôn lại công lao trời bể của các bậc tiền nhân, họ Trương làng Vân Quật Thượng chúng tôi cúi đầu lạy tạ liệt tổ, liệt tông họ Trương, cảm ơn các cơ quan nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cơ quan chính quyền đã giúp đỡ Họ Trương Vân Quật kết nối được dòng chảy lịch sử dòng họ từ thời vua Trần Anh Tông qua triều Lê Sơ và vua Lê Thánh Tông cho đến ngày nay. Và cũng do đó, cán bộ, nhân dân xã Hương Phong nói chung, dòng họ Trương Vân Quật Thượng nói riêng có được vinh dự chuẩn bị đón nhận bằng di tích. Lịch sử ngài Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Chỉ Huy Sứ Ty, ngài Bổn thổ Thành Hoàng làng Vân Quật Thượng đã được sáng tỏ, góp phần nhỏ bé vào chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam trong công cuộc mở đất vào phía Nam của nước Đại Việt thưở xưa, góp phần ghi vào trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam với đóng góp trí tuệ và công sức của nhiều dòng họ trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Dòng họ Trương làng Vân Quật Thượng hứa sẽ làm hết sức mình để cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích lịch sử văn hóa liên quan đến ngài Trương Phi Phong để góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.
Cảm ơn các nhà nghiên cứu Sử, cảm ơn các cơ quan ban ngành, cảm ơn bà con họ Trương đã tham gia trong việc nghiên cứu này. Cảm ơn các quý vị đại biểu đại diện cho các cấp chính quyền, đoàn thể và các dòng họ đã tham dự buổi lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa ngài Trương Phi Phong của tộc Trương Vân Quật thượng hôm nay. Một lần nữa kính chúc toàn thể quý vị dồi dào sức khỏe, vạn sự hanh thông, đạt nhiều thành tựu tốt đẹp
Huế, ngày 26 tháng 4 năm 2015
Bài phát biểu của ông Trương Ngọc Lành
(Chủ tịch Hội đồng Họ Trương tỉnh Thừa Thiên Huế)
ảnh chụp của bà Trương Thị Kim Dung - phó chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam về buổi lễ đón Bằng Di tích Miếu thờ và lăng mộ ngài Trương Phi Phong
Quang cảnh rước bằng di tích
Rước bằng di tích về miếu thờ
Lễ chào cờ
Quang cảnh Hội trường đại biểu dự lễ
Quang cảnh Hội trường đại biểu dự lễ
Bí thư đảng ủy xã Hương Phong phát biểu
Phó chủ tịch UBND xã Hương Trà đọc quyết định công nhận di tích
Phó chủ tịch UBND Xã Hương Trà trao bằng di tích
Đại diện HĐ họ Trương VN phát biểu
Phó GĐ Sở VHTT trao đôn hoa
Đại diện HĐ họ Trương VN trao bức trướng
Đại diện HĐ họ Trương tỉnh TT Huế trao đôn hoa
Đạo diện ban liên lạc huyện Phú Vang trao đôn hoa
CLB người cao tuổi họ Trương trao đôn hoa
Dâng hương tại lăng mộ ngài Trương Phi Phong tại xứ Cồn mồ ở làng Vân Quật Thượng
Liên hoan thân mật
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, mang tính thời đại sâu sắc, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), ôn lại khí thế chiến đấu của dân tộc trong những ngày tháng tư lịch sử, tôi có dịp gặp lại ông Trương Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngày 22-23/04 vừa qua Tại Hà Tĩnh Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng gây thiệt hại rất lớn về Kinh tế cho người dân tại các Xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc... Thuộc huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây tập trung toàn bộ con cháu Tộc Trương Quốc, Trương Xuân, Trương Đăng ta. Xin trích dẫn bài báo của tác giả Mạnh Hà - Báo Hà Tĩnh đễ mọi người nắm bắt thông tin và chia sẽ mất mát của người dân.
Các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng đề cao công tác quản lý rủi ro và coi đó là một trong những hoạt động bắt buộc, thiết yếu của quản trị kinh doanh. Một hệ thống quản lý Rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả có tác dụng rất lớn đối với việc đảm bảo thực thi các chiến lược, các dự án, các kế hoạch kinh doanh của DOANH NGHIỆP, phòng ngừa và hạn chế những tổn thất, góp phần nâng cao hiệu quả, thậm chí giúp cho DOANH NGHIỆP tránh được nguy cơ phá sản.
Ngày 21/03/2015 (tức ngày mồng hai tháng hai năm Ất Mùi) Hội Đồng họ Trương Việt Nam do Ông Trương Văn Đoan làm trưởng đoàn cùng các đại diện họ Trương các địa phương tổ chức chuyến hành hương tới các đền thờ nơi thờ tự những anh hùng dân tộc, những danh nhân có công, đức trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tháng 5 năm 2014, Sở Văn hóa Thể Thao Du Lịch Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo Tế Tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và Truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam. Cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam xin đăng bài tham luận tại hội thảo của Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc về Thân thế sự nghiệp của Tiến Sĩ Trương Công Giai.