Những ca nương khiến triều Lê bỏ lệnh cấm con nhà hát xướng đi thi

23:58 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 4095

 

Những ai được lều chõng đi thi?

Thời Hậu Lê, Nho giáo được chọn làm hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, với một xã hội Nho giáo phát triển, nhất là dưới triều Lê Thánh Tông thì việc coi trọng những giá trị đạo đức, những Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… được đề cao hơn giá trị nghệ thuật.

Trong một xã hội ấy, thành kiến “xướng ca vô loài” ngự trị như một nguyên tắc luân lý truyền thống; những đào nương, kép hát, con hát, cô đầu, ả đào, ca nữ, xướng nhi…, dù tên gọi có lúc khác nhau nhưng địa vị không mấy được coi trọng.

Từ khi nhà Lý tổ chức khoa cử Nho học để tuyển chọn người có tài thơ văn bổ làm quan lại, đồng thời khuyến khích việc dạy, việc học thì xã hội Đại Việt dần dần có phong trào học tập, kể từ đó nền giáo dục ngày càng phát triển. Một dấu ấn rất quan trọng cần nhắc đến là vào năm Bính Thìn (1076), vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, đây được coi là trường đại học đầu tiên ở nước ta.

Ban đầu chỉ là nơi giảng dạy, học tập dành cho con em hoàng thân, quý tộc, sau đó mở rộng cho con cháu quan lại và cuối cùng là nơi con em bình dân xuất sắc cũng được vào học. Đời Trần, rồi thời Hồ, ngoài việc cho mở các trường học ở những nơi đô thành quan trọng còn có cho chủ trương đưa việc học đến tận cấp cơ sở với các nhà học được thành lập. Đến đời Hậu Lê thì việc học và việc thi cử đã phát triển và hoàn bị rõ rệt.

Riêng về chuyện thi cử, đây là vấn đề mà các vương triều đặc biệt lưu tâm bởi qua các kỳ thi sẽ tuyển chọn được những người có tài năng ra phục vụ đất nước. Đối với nhà Hậu Lê, quan điểm đó được thể hiện rõ trong các chiếu chỉ, ngay cả trên những tấm bia đá khắc tên những người đỗ Tiến sĩ được dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng ghi những dòng chữ như là lời tuyên ngôn như sau: “Hiền tài đối với quốc gia, cũng như nguyên khí con người ta không thể một ngày không có.

Việc tuyển chọn ắt phải có đường lối, khuyến khích ắt phải có phương châm” (Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi -1475). “Ngước nghĩ khí vận của quốc gia quan hệ ở nhân tài, mà nhân tài cao thấp do khoa mục tuyển định. Sự thu dụng được hiền tài đáng được coi là khí cụ để đạt đến thịnh trị” (Văn bia đề danh Tiến sĩ Chế khoa Đinh Sửu -1577).

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, phải hết sức tác thành, khoa mục là con đường chính đáng của sĩ tử, nên mở rộng khuyến khích” (Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Thìn -1604). “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, khoa mục là đường tiến thân bằng phẳng của sĩ tử. Xưa nay cầu tìm hiền tài không đời nào không theo đường khoa mục” (Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Sửu -1661)…

Tuy nhiên, nền giáo dục triều Hậu Lê qua thời gian được mở rộng cả về việc học việc thi nhưng riêng thi cử có một số đối tượng bị cấm như kẻ phạm tội, người làm nghề ca xướng… mặc dù chính vương triều này cho rằng “dựng ngôi nhà, tất phải kén đủ các thứ gỗ quý; trị lý việc nước, ắt phải nhờ sức các bậc hiền tài. Gỗ lạt đủ thì việc cất dựng dễ thành, đông người hiền tài thì sự nghiệp thái bình ắt đến.

Cho nên các bậc thánh vương đời xưa không đời nào không cấp bức việc cầu tìm hiền tài, thu dùng kẻ sĩ để ngợi ca, tô điểm cho đời thái bình”. (Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Canh Tuất - 1670). Thế nhưng sự cấm đoán con nhà hát xướng được đi thi, trong một thời gian rất dài đã bỏ sót biết bao nhiêu người tài năng.

Lệnh cấm đoán đó bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) để bảo đảm sự chặt chẽ và chất lượng tuyển chọn nhân tài, nhà vua đã định ra lệ “Bảo kết hương thí”. Đây là “bản cam kết” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của các sĩ tử là con em trong xã mình.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết cụ thể như sau: “Mùa hạ, tháng 4, định lệ bảo kết thi Hương. Chỉ huy cho các học trò trong nước đi thi rằng: Không cứ là quân nhân, sắc mục, hạn đến thượng tuần tháng 8 năm nay phải đến nhà giám hay đạo sở tại, khai tên và căn cước, đợi thi Hương; đỗ thì gửi danh sách đến viện Lễ nghi. Đến trung tuần tháng giêng sang năm cho vào thi Hội.

 

Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được kê vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa..v.v.v… thì tuy có học vấn, giỏi văn bài, cũng không cho vào thi.

 

 

Phép thi như sau:

 

- Người được cử đi thi phải khai rõ căn cước, phủ huyện xã, tuổi, cùng là chuyên trì kinh nào, căn cước của ông cha; không được gian dối, giả mạo.

- Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ thì trị tội theo luật.

- Phép thi Hương trước hết thi ám tả để loại bớt kẻ nhũng tạp’

- Đề mục thi: Kỳ đệ nhất thi Tứ thư kinh nghĩa, cộng 5 bài; kỳ đệ nhị thi chiếu, chế, biểu, dùng cổ thể hay tứ lục; kỳ đệ tam thi thơ, dùng Đường luật, phú dùng cổ thể hay lý tao, văn tuyển, từ 300 chữ trở lên; kỳ đệ tứ thi 1 đạo văn sách, đầu đề hỏi về kinh sử hay thời vụ, giới hạn 1000 chữ.

- Chữ húy của quốc triều, hai chữ liền nhau đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác, khuyên ở bên ngoài”.

 

 

Nguyên do của lệnh cấm lạ lùng

 

Vì sao có lệ cấm lạ lùng ấy, đó là bởi vì dưới quan điểm Nho giáo, những người làm nghề hát xướng bị coi là dạng lười biếng chỉ rong chơi ca hát, đáng khinh, không được xếp vào loại công dân có nghề nghiệp hữu ích. Những thiệt thòi với người xuất thân từ con nhà hát xướng là rất lớn, đó cũng là thiệt thòi, tổn thất cho nền chính trị đương thời, biểu hiện rõ nhất là trường hợp Đào Duy Từ một nhân tài nổi bật.

Ông đã đỗ thi Hội, chỉ vì có cha làm nghề kép hát nên bị xóa tên trong sổ những người Trúng cách, quá uất ức vì thế Đào Duy Từ mới bỏ vào Nam phò tá chúa Nguyễn, trở thành một nhân vật tiếng tăm bấy giờ. Trong chính sử không thấy ghi rằng lệ cấm con nhà hát xướng đi thi được bãi bỏ khi nào nhưng qua thời gian, với sự xuất hiện của một số nhân vật là con nhà ca múa hoặc làm nghề ca xướng trong cung vua phủ chúa đã dẫn đến cái nhìn được cởi mở hơn với đối tượng này.

Nếu như chuyện Lê Thánh Tông, người đặt ra lệ cấm có một người vợ làm nghề ca xướng tên là Nguyễn Thị Đào chưa có tác động gì tới vua thì đến đời vua Lê chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng có thêm nhiều hơn những ca nữ, ca nương trở thành bà phi, bà chúa, đó là bà Đào Thị Mẫu vợ vua Lê Anh Tông, bà Trần Thị Ngọc Đài vợ chúa Trịnh Tráng và là mẹ chúa Trịnh Tạc, bà Nguyễn Thị Huệ vợ chúa Trịnh Cương…

Và rồi chính dưới thời gian trị vì của vua Lê Dụ Tông (1706-1729) và chúa Trịnh Cương, lệnh cấm kỳ quặc kia đã được bãi bỏ, nhưng không phải chủ ý của nhà vua mà do ý của nhà chúa, chính chúa Trịnh, người có thực quyền nhất đã ra quyết định này.

Nguyên nhân do đâu, đó là do chúa Trịnh Cương mềm lòng trước sự năn nỉ thiết tha của mẹ mình là Trương thái phi – nguyên xuất thân là một ca nữ. Vì chiều lòng mẹ, lại cũng nhận thấy nếu duy trì mãi lệ cấm này sẽ bỏ phí nhân tài nên chúa Trịnh Cương mới bãi bỏ luật cấm con nhà xướng ca đi thi.

Ngoài Trương Thái phi còn có sự tác động của một người vợ khác của chúa. Sách Vũ trung tùy bút của danh sĩ đầu thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ cho biết như sau: “Đời Lê Trung Hưng phép thi rất nghiêm, những con nhà hát xướng không được ra thi, vì thế mà Lộc Khê hầu Đào Duy Từ dẫu có tài giỏi, văn chương hay, hội thí đã trúng cách, chỉ vì là con nhà hát xướng mà phải tước tịch, không được đỗ… Về sau có bà Như Kinh Trương Thái phi và bà A Lữ Biện Tu dung đều là nhà con hát mới khởi gia lên (lên hàng giàu sang), từ bấy giờ mới bỏ lệ cấm mà cho cả con nhà hát xướng được ra thi”.

Cũng trong tác phẩm này, ở mục bài “Đường sĩ hoạn”, Phạm Đình Hổ viết rõ hơn: “Lệ cũ, cứ con nhà hát xướng không được vào nhà học hiệu, thi đỗ ra làm quan. Tiếc là không có mở rộng ra một đường cho những kẻ tuấn dị tiến thân, để thu lấy những nhân tài xuất chúng.

Từ khi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ là con nhà hát xướng vì không được ra thi, mới lén vào giúp chúa Nguyễn ở trong Nam, bấy giờ những kẻ đương sự mới hối rằng cái cách tìm kiếm nhân tài như thế là không rộng nhưng cũng chưa công nhiên bãi bỏ lệ cũ.

Từ khi bà Trương quốc mẫu người Như Kinh là kẻ hát xướng được tuyển vào cung phụng hầu Tần Quang Vương sinh ra Trịnh Nhân vương (Trịnh Cương), kẻ Á Lữ Biện trưởng cung sau lại đắc sủng với Nhân vương nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các họ nhà lương gia.

Sau này các họ nhà đại khoa hiểu hoạn cũng thường có người do dòng họ hát xướng mà phát đạt lên, nên những kẻ sĩ phu cũng cùng họ giao du tự nhiên và rồi những nhà hát xướng cũng quên hẳn thế hệ nhà mình là tự đâu mà ra. Xem đó thì biết thế vận phong tục mỗi ngày một khác”.

 

 

Người xin Chúa bỏ lệnh cấm

 

Người phụ nữ có tác động lớn dẫn đến quyết định nói trên tên thật là Trương Thị Ngọc Chử, người mà dân gian truyền tụng qua giai thoại “Ghênh đẻ, Khe nuôi” hoặc sự tích “Bà Trắng, bà Đỏ chùa Dâu”. Chuyện kể rằng ở làng Như Quỳnh (tên Nôm là làng Ghênh) thuộc huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc (nay là thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên) có gia đình họ Trương nhà nghèo nên phải mở quán bán hàng nước bên đường, sớm chiều cũng chỉ đủ sống.

Một hôm, có vị đạo sĩ tướng mạo phúc hậu đi qua đã ghé vào quán nghỉ ngơi, được họ Trương chào mời rất cung kính. Đạo sĩ cảm ơn lòng tốt bằng cách chỉ cho huyệt đất quý, táng mộ vào chỗ đó tất nhờ nữ sắc mà phát phúc lớn. Xong việc, họ Trương hỏi thì đạo sĩ chỉ bảo mình họ Lã, nhà ở đầu ngõ Hàng Nghiên.

Họ Trương ghi nhớ lấy điều đó, về sau vợ ông quả nhiên sinh được một bé gái xinh tươi khác thường vào ngày 26 tháng 4 năm Bính Ngọ (1666) đặt tên là Trương Thị Ngọc Chử. Vui mừng cho là điềm tốt, ông họ Trương bèn tìm đến ngõ Hàng Nghiên để tạ lễ nhưng hỏi khắp không có ai họ Lã, chỉ có miếu thờ Thuần Dương tổ sư, tên hiệu của Lã Đồng Tân, mới biết nhà mình được tiên ông ban phúc.

Trương Thị Ngọc Chử càng lớn xinh đẹp, nàng theo mẹ làm nghề đào hát “nổi danh tài sắc một thì”, và rồi duyên may đã đến với nàng thật tình cờ. Bấy giờ chúa Khang vương Trịnh Căn vì con trưởng Lương Mục vương Trịnh Vịnh lâm bệnh mất sớm khiến ngôi Thế tử bị bỏ trống, thương con chúa bèn lập cháu trưởng là Trịnh Bính kế ngôi vị Thế tử. Một lần, Thế tử dẫn quân đi vùng Hải Đông (thuộc Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), lúc về Thăng Long, khi qua làng Ghênh thấy người có người con gái vừa cắt cỏ vừa hát:

 

 

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Hai hàng cây cỏ lai hàng tay ta”.

 

Thấy người con gái trẻ đẹp, làm việc chăm chỉ nhanh nhẹn, tiếng hát lại quyến rũ lạ thường Thế tử đem lòng yêu mến liền hỏi thăm rồi sắm sửa lễ vật hỏi cưới về làm phi. Người con gái đó chính là Trương Thị Ngọc Chử, ít lâu sau nàng mang thai rồi sinh được một con trai vào năm (1686) đặt tên là Trịnh Cương. Tục truyền rằng khi Trịnh Cương mới ra đời, suốt ngày đêm chỉ khóc, ai bế dỗ cũng không chịu nín; người mẹ thì lại mất sữa, điều đó khiến phủ chúa cũng mất ăn mất ngủ theo.

Khi ấy, bà phi Ngọc Chử đành phải nhờ sự giúp đỡ của cô em con dì ruột là Nguyễn Thị Cảo quê ở làng Thanh Tương (tên Nôm là làng Tướng) thuộc huyện Siêu Loại xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Bà Cảo cũng là người dung nhan xinh đẹp nhưng nhà nghèo phải làm ruộng, dãi nắng dầm mưa, mò cua bắt ốc nên nước da bị sạm nắng; những lúc việc đồng áng nhàn rỗi bà lại cùng cánh đào kép đi hát chầu kiếm thêm thu nhập vì làng Thanh Tương là làng chuyên nghề hát ả đào nên mới có câu: “Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài”. Nhờ tiếng hát mà về sau Nguyễn Thị Cảo lọt vào mắt xanh của Nguyễn Gia Đa rồi trở thành dâu của làng Liễu Ngạn (tên Nôm là làng Khe) cùng thuộc huyện Siêu Loại.

Lúc bà phi Ngọc Chử sinh Trịnh Cương thì bà Cảo cũng mới sinh con trai thứ hai tên là Nguyễn Gia Châu, biết chuyện khó ở phủ Chúa nên bà vào kinh thăm hỏi. Bà phi Ngọc Chử mới mời ở lại nuôi con cùng. Lúc bà Cảo đưa tay bế thì Trịnh Cương liền nín khóc đòi bú liền, ai cũng lấy làm mừng, từ đó bà tình nguyện ở lại giúp chị nuôi cháu.

Năm Nhâm Ngọ (1702) Thế tử Trịnh Bính lâm bệnh qua đời khiến chúa Trịnh Căn rất buồn lòng khi hết con rồi cháu lần lượt ra đi, ông bèn gọi các đại thần thân cận vào hỏi ý kiến, mọi người khuyên nên lập dòng trưởng. Nghe theo, chúa liền lập chắt làm Thế tử.

Năm Kỷ Sửu (1709) Trịnh Căn mất, chắt nội là Trịnh Cương lên kế vị, tân chúa liền tôn mẹ làm Thái phi, tục gọi là “bà chúa Ghênh”; lại phong vú nuôi làm Quận phu nhân nên bà Cảo còn được gọi là “bà vú Khe”, cũng từ đó dân gian có câu: “Ghênh đẻ, Khe nuôi” để chỉ chuyện này.

Từ khi được vinh hiển, cao sang quyền quý, hai chị em bà Trương thái phi và Nguyễn phu nhân liền nghĩ đến quê hương nên thường có nhiều giúp đỡ, lại có những việc làm công đức với người dân nghèo. Là người hiền thục, có từ tâm, sùng đạo, hai bà còn xuất tiền của sửa chùa, tô tượng, đúc chuông khánh, lại mua ruộng cúng cho chùa, nhất là cúng cho chùa Dâu hàng trăm mẫu.

Hai bà được dân bầu là Hậu chùa, họ đã tạc tượng thờ. Tượng Trương thái phi mang dáng dấp tọa thiền sơn màu trắng điệp gợi da thịt nõn nà quý phái; cổ tay chạm vòng cườm dấu hiệu hoàng tộc. Tượng Nguyễn phu nhân vẻ phúc hậu, dáng dấp người phụ nữ đứng tuổi được sơn màu nâu đỏ, một quan niệm dân gian biểu hiện tốt sữa, cũng có ý chỉ là xuất thân bình dân của bà. Dân gian quen gọi đó là tượng bà Trắng, bà Đỏ.

Vì đều là con hát, ca nương may mắn mà được sang giàu, nghĩ đến thiệt thòi của con nhà hát xướng mà hai bà đã xin chúa bỏ lệnh cấm, cho cả con nhà hát xướng được dự thi. Việc này được chép rõ trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ.

Như vậy là kể từ khi được ban bố vào năm Nhâm Ngọ (1462) đời Lê Thánh Tông trải qua hơn 200 năm lệ cấm con nhà hát xướng đi thi đã bị bãi bỏ, và điều thú vị là nó bị bãi bỏ dưới những tác động của chính những con người từng làm nghề hát xướng.

Trương Văn Đoan - Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam (Sưu tầm)

 

Những tin cũ hơn

THỊT BÒ MỸ HẠNG ƯU TRÊN NHỮNG PHIÊN ĐÁ NÓNG

THỊT BÒ MỸ HẠNG ƯU TRÊN NHỮNG PHIÊN ĐÁ NÓNG

— 25 Tháng Năm 2017

Mùa thu - mùa của sự yêu thương và chia sẻ. Và như để chào đón mùa mới sang, hệ thống nhà hàng Calibre giới thiệu đến thực khách một hương vị hoàn toàn mới đến từ thịt bò Mỹ thượng hạng được nướng trên đá nóng.

BÍ ẨN NĂNG LƯỢNG ĐỊA SINH TỪ MỘ LƯƠNG Y TRƯƠNG CẦN

BÍ ẨN NĂNG LƯỢNG ĐỊA SINH TỪ MỘ LƯƠNG Y TRƯƠNG CẦN

— 25 Tháng Năm 2017

Theo chị Vân cho biết, cụ Cần là người chữa bệnh bằng phương pháp lạ. Nhiều người đã nhờ cụ mà khỏi những bệnh nan y. Đa phần những người đến đây là những bệnh nhân trước đây của cụ. Họ đến để dưỡng bệnh nhờ năng lượng phát ra từ mộ của cụ...

Trương Quý Hải: Đâu chỉ...

Trương Quý Hải: Đâu chỉ... "vắng những cơn mưa"!?

— 25 Tháng Năm 2017

Nhiều người biết Trương Quý Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, nhưng ít người biết đến những ca khúc đầu tiên của anh cũng “hot” không kém.

BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CA TRÙ

BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CA TRÙ

— 25 Tháng Năm 2017

Từ khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hát ca trù nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân lẫn các cơ quan quản lý văn hóa. Điều đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật quý của cha ông để lại, khích lệ cộng đồng cùng chung sức gìn giữ di sản. Đối với Hà Nội, việc giữ gìn di sản càng trở nên quan trọng, bởi mảnh đất này chính là nơi tỏa sáng của ca trù.

Liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam: Hội tụ và tỏa sáng ấn tượng

Liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam: Hội tụ và tỏa sáng ấn tượng

— 25 Tháng Năm 2017

“Hoành tráng, ấn tượng và mang đậm bản sắc dân tộc” đó là những gì người xem cảm nhận được khi theo dõi đêm khai mạc và các hoạt động của Ngày hội văn hoá các dân tộc tại sân khấu nổi của “ngôi nhà chung” ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội ngày 19.4.