Một bức thư cảm động và nhiều ý nghĩa

23:49 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1215
                                                          Hà Nội, đêm mồng 7 Tết Qúy Tỵ 2013

 

     Nhà báo Trương Điện Thắng thân mến,
Những ngày này, biết  anh đang rất bận rộn, đang “sôi lên sùng sục” với việc lễ tết, họ mạc nhất là chuẩn bị cho cuộc họp Họ Trương khu vực miền Trung vào Rằm tháng Giêng ở Hội An.
Việc Họ cũng khó như việc Nước phải không anh?  Chẳng gì các anh đều là “tráng đinh” và cũng là lực lượng nòng cốt của Hội đồng Trương tộc VN càng phải xốc vác gấp bội thì phong trào nối kết thân tộc gần xa mới tụ hội về một mối một gốc được.
Chiều mồng 4 Tết, trước khi về quê Đáp Cầu (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) em và cháu Trương Việt Hùng (hiện công tác tại trường luật Đồng Hới – Quảng Bình) đã đến thăm PGS – TS Trương Quốc Bình (phó Chủ tịch Hội đồng lâm thời Trương tộc VN) tại nhà riêng.
Nhờ ơn trời Phật, Tổ tiên linh thiêng phù hộ mà vài ngày sau khi mổ tim anh Bình đã đi lại như thường và theo lịch thì sau khi vào làm việc ở đồng bằng Nam Bộ sẽ  ra Hà Nội rồi cùng Chủ tịch Hội Trương Văn Đoan vào dự cuộc họp Họ Trương khu vực miền Trung vào Rằm tháng Giêng.
Nhân dịp về quê lễ tết em cũng không quên việc Họ và đã tổ chức cho các chi ở Đáp Câu (quê gốc) lên Lục Nam (Bắc Giang) thăm các chi của nhánh 3 – nhánh út đã lập cư ở đó tính đến nay được 9 đời (kể từ khi phân phái).
Họ Trương ở thôn Đào Lạng, xã Bắc Lũng có 40 hộ và gần 100 suất đinh. Về đời sống kinh tế thì khá hơn nhiều so với những hộ hiện đang sinh sống ở quê gốc Đáp Cầu (Ngoài nghề nông ra thì một số gia đình đã mua được máy ủi, máy xúc và xe tải... tham gia vào các công trình xây dựng thủy nông, nhà cao tầng ở các nơi trong ngoài tỉnh).
Năm nay, tất cả mọi người trong họ Trương Đào Lạng quyết tâm mua đất để xây dựng nhà thờ đại tôn (cho nhánh trên Lục Nam).
Về học hành thì có cố gắng (phần đông tốt nghiệp hệ Cao Đẳng, còn trình độ Đại học thì có vài cháu) . Em có nhắc nhở trưởng tộc (Trương Văn Thực – sinh năm 1958) là cần đẩy mạnh công tác khuyến học và phát huy được truyền thống thi thư của dòng họ hơn nữa (cụ khởi tổ Trương Trọng Bình của Họ Trương Đào Lạng vốn là nhà nho đã làm thày dạy cho cả vùng Lục Nam cách đây 150 năm).
Hiện nay, người cao tuổi nhất (cũng là duy nhất còn sống) của Họ Trương Đào Lạng là ông Trương Văn Hải 71 tuổi. Về thế thứ thì ông Hải gọi em (TTKD) là chị. Còn các cháu ở độ tuổi từ 30 – 60 gọi em là bà thì... hơi bị nhiều.

Nhân đây cũng trao đổi với anh rằng: cái gốc Bách Việt đã thấm sâu vào cốt tủy, vào từng chủng tử (A lại da thức) các thế hệ dân tộc ta hàng ngàn năm nay. Dù có bị kẻ thù truyền kiếp cướp mất phần lớn “cố hương” Bách Việt nhưng Tổ tiên của các tộc người Việt vẫn không quên truyền cho nhau tinh thần “đồng bào” (cùng một bọc) và tên của “cố hương” cũng như truyền thống văn võ song toàn của dòng họ.
Tình ruột thịt thật cảm động dẫu quan san ngàn dặm và mỗi khi gặp lại những họ tộc chi phái đều làm ta vui mừng khôn xiết.
Nhiều lần chúng ta đã trao đổi về chữ “Thanh Hà” mà các dòng họ Trương đã ghi trong các phả hoặc tạc trên hoành phi, câu đối. Nó chính là một dạng “Mật thư”, “mật ngữ” mà Tổ tiên ký thác, nhắc nhở cho con cháu trong miên trường thế kỷ rằng : “Cố hương” chính là quận Thanh Hà, tỉnh Trực Lệ, nước Yên cổ. Đấy chính là một phần đất trù phú bên bờ Nam sông Dương Tử của nền văn minh Bách Việt.

Câu “Trương Công Nghệ chín đời cùng ở” tức là nói về tình đoàn kết thương yêu trong nội tộc đã nổi tiếng từ đời đức Thái Công Thủy Tổ. Bây giờ, tam- tứ - đại đồng đường ở với nhau trong một nhà mà không xảy ra xích mích cũng đã hiếm  nhưng các cụ Bành Tổ Trương tộc còn đạt kỷ lục 9 đời chung sống thuận hòa thì con cháu đời nay liệu có theo được gương ấy?!.
Câu đối “Giang Bắc cửu cư thành cố lý” ở nhà thờ đại tôn Họ Trương Đáp Cầu (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng là nhắc đến sự tích trên.

May mắn, các tư liệu (câu đối) này còn lưu lại trong phả ở nhánh trên Đào Lạng - Lục Nam (theo bút tích ghi ngày 3 tháng 6 năm 1957 bố con ông Trương Văn Thâm (tức là bố và anh của ông Trương Văn Hải – người gọi em là chị họ ) đã về Đáp Cầu sao chép gia phả gốc để lập tiếp gia phả riêng của nhánh.
Chuyến đi thăm họ Trương Đào Lạng đầu xuân Quý Tỵ 2013, thật hạnh phúc bất ngờ là tìm được thêm 8 câu đối (Lúc nhỏ em chỉ nhớ và thuộc lòng  4 chữ ở bức hoành phi và 2 câu đối thứ 9 và 10 do ông Lang Chinh (chú thúc bá) đọc cho và có viết lại.
Tóm lại, “Châu về Hợp Phố”. Đội ơn Trời Phât, gia tiên tiền Tổ linh thiêng phù trợ cho con cháu chưa đến nỗi “tối dạ”.
Em gửi anh tư liệu (về Hoành phi và câu đối ở Trương tộc từ đường Đáp Cầu) để tham khảo, nghiên cứu  và em cũng sẽ nhờ nhà nghiên cứu Hán Nôm Trương Quang Phúc ở Đồng Hới – Quảng Bình dịch sang quốc ngữ.

Sau đây là nội dung của Hoành phi và câu đối ở nhà thờ Họ Trương Đáp Cầu:

Hoành phi treo ở phía trên nhang án chạm khắc 4 chữ lớn:

 “ Thanh Hà diễn phái”


* Một số câu đối (rất đặc trưng) được sơn son thiếp vàng được treo ở những hàng cột gỗ lim trong nhà thờ Đại tôn:
1/ Giang Bắc dụ dư khương địa thị hào hoa trưng thế đức
2/ Sơn Tây thùy viễn ấm thiên tương phúc trạch mỹ nhân văn.
3/ Yến dực di mưu vinh Bắc địa.
4/ Hồng cơ biệt phái nhẫn Trương môn.
5/ Giang Bắc cửu cư thành cố lý.
6/ Sơn Tây viễn vọng trí tiền trung.
7/ Trung hậu gia phong vạn cổ linh sơn chung tú khí
8/ Nho y thế trạch thiên thu đức thủy tố thanh lưu.
9/ Văn giáo vĩnh truyền Trương tộc phổ
10/ Thư hương tràng nhạ Bắc sơn hoa .


Năm mới, chúc anh và gia quyến nội ngoại cùng đại tộc Trương luôn an lạc, thành đạt như ý.

                                                

                          Trương Thị Kim Dung
( Ban Tư liệu – Văn kiện Hội đồng lâm thời Trương  tộc Việt Nam)
                   Email: kimdungpntd08@yahoo.com.vn

 

Những tin cũ hơn

Bên những dòng Xuân

Bên những dòng Xuân

— 25 Tháng Năm 2017

Như một cơ duyên hay sự tình cờ của số phận mà những ngôi nhà tôi sống cùng cha mẹ ở Hà Nội và Bắc Ninh trong quãng đời ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất về thuở ấu thơ và tuổi hoa niên đều kề cận dòng sông nổi tiếng và những cây cầu sắt xuất hiện sớm nhất ở nước ta cùng những dãy phố trên bến dưới thuyền.

Chủ tịch nước: Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

Chủ tịch nước: Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

— 25 Tháng Năm 2017

"Biết ơn những thế hệ đi trước, chúng ta phải làm mọi điều có thể để đất nước phát triển. Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Non bộ phong thủy (Đức Thưởng)

Non bộ phong thủy (Đức Thưởng)

— 25 Tháng Năm 2017

Hòn non bộ (hay còn gọi là giả sơn) được sử dụng nhiều trong phong thủy với tác dụng biểu trưng cho núi, đồi tự nhiên. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả nhất định, vị trí đặt hòn non bộ cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Phong trào chống Pháp và người Họ Trương với đất nước

Phong trào chống Pháp và người Họ Trương với đất nước

— 25 Tháng Năm 2017

Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta năm 1858 và dưới ách thống trị của chúng ngót một thế kỷ, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp vùng dậy cầm vũ khí để giải phóng dân tộc. Những người con dân nước Việt mang trong mình dòng máu họ Trương đã cùng dân tộc Việt Nam dựng cờ khởi nghĩa.