Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

23:47 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2036


Đi tìm nguồn gốc của lễ giải hạn
Trong quan niệm của người Á Đông, theo vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật. . . gọi là vận hạn. Nặng nhất là “Nam La hầu, nữ Kế đô”. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón.
Và để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm (là tốt nhất) hoặc hàng tháng tại chùa (là tốt nhất) hay tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng. Ở Việt Nam, nhiều chùa tổ chức đăng ký làm lễ từ tháng 11 -12 âm lịch của năm trước.
Theo cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội), trong sách của đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình: “Trong chân lý nhà Phật không có việc giải hạn các sao. Người ta gọi như vậy thì nhà chùa tôn trọng, không ảnh hưởng gì cả. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở toà Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ giải sao là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả”.
Nhưng một tài liệu khác lưu truyền trong các Phật tử thì nói rằng, việc cúng sao giải hạn và cầu phúc có từ xa xưa, trước khi Phật giáo truyền vào Á Đông. Sau này, các pháp sư Mật Tông thu nạp tập quán này soạn ra “Nhương tinh” cốt để đưa dẫn người vào đạo.

 

 

Lễ dâng sao giải hạn trong tâm linh người Việt
Lễ dâng sao giải hạn trong tâm linh người Việt

Lễ giải hạn trong quan niệm dân gian
Theo dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày như sau:
Sao Thái Dương: Ngày 27 hàng tháng
Sao Thái Âm: Ngày 26 hàng tháng
Sao Mộc Đức: Ngày 25 hàng tháng
Sao Vân Hán: Ngày 29 hàng tháng
Sao Thổ Tú: Ngày 19 hàng tháng
Sao Thái Bạch: Ngày 15 hàng tháng
Sao Thuỷ Diệu: Ngày 21 hàng tháng
Sao La Hầu: Ngày 8 hàng tháng
Sao Kế Đô: Ngày 18 hàng tháng
Lễ nghênh, tiễn được tiến hành thường kỳ vào những ngày nhất định của các tháng trong năm. Nhưng dù sao nào chiếu mệnh thì vào ngày rằm tháng Giêng, người ta thường làm lễ dâng, sắm đủ phẩm lễ, đủ số lượng các đèn, nến tuỳ theo mỗi sao cần nghinh tiễn.Bài vị được thiết lập trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao.
Thủ tục cầu an và giải hạn không quá phức tạp, thường thì: Sau khi ghi tên, nộp lệ phí, vào giờ đã định của các ngày nói trên, những ai thuộc sao nào thì đến nghe nhà chùa đọc kinh, đọc tên mình, nhận sớ và hoá vàng là hoàn tất. Mỗi đàn chỉ cúng cho khoảng mươi gia đình nên khá kỹ lưỡng. Sư tụng kinh cầu an xong thì đọc sớ từng gia đình, trong đó từng người ghi rõ tuổi gì, địa chỉ ở đâu, sao nào chiếu… Nhiều người còn cúng cho cả con rể, con dâu là người nước ngoài, hiện đang sinh sống ở các nước khác trên thế giới. Trường hợp này nhà chùa thường ghi quốc ngữ vào lá sớ Hán Nôm. Văn khấn sẽ được thầy cúng đọc trong khi lễ.
Cũng có người cho rằng, không được đọc sớ riêng của mỗi gia đình, tên tuổi từng người thì vẫn chưa yên lòng. Vì vậy, nhiều nhóm gia đình hợp đồng với các chùa, thường là chùa quen.
Mỗi tín chủ dự lễ có thể khấn các bài khác nhau tùy theo nguyện vọng, nhưng thường có đầy đủ các thông tin như: “Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe…”.
Cũng có không ít người cầu kỳ thuê thầy cúng về dâng sao giải hạn tại gia. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho việc giải hạn sao Thái Bạch mà dân gian cho rằng “sạch cửa nhà”, người ta chuẩn bị: 9 quả trứng sống, 9 đĩa xôi, 9 đĩa hoa quả, 9 mũ sao, 9 bài vị, 9 lát vàng thoi kê dưới bài vị, 9 chén nước trong, 9 đĩa gạo muối, 9 miếng thịt luộc, 9 xấp vàng tiền, 9 chén (chung) rượu, 9 chung trà, hoa tươi. Sau đó thắp 18 ngọn đèn, quay bàn hướng Tây hành lễ.
Lễ giải hạn liệu còn nguyên giá trị?
Ngày nay, khi phải vật lộn với những khó khăn và áp lực, con người lại càng quan tâm hơn đến vấn đề tâm linh, đặc biệt là khi gặp rủi ro trong làm ăn, buôn bán, thi cử, mất mùa hay thậm chí là cả “rủi ro” trong tình duyên. Chính vì thế lễ giải hạn đã không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó. Nó đã bị lạm dụng khiến các nghi lễ trở nên rườm rà và được tổ chức một cách bừa bãi. Vào những ngày cúng lễ, mọi người đổ xô, chen lấn nhau chỉ mong được tham dự lễ.
Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình làm ăn phát đạt, buôn bán “đầu xuôi đuôi lọt”. Những gia đình không có điều kiện thì vì quá “tín tâm” nên sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà đi để làm lễ.
Chưa kể đến tình trạng những kẻ xấu lợi dụng những tình trạng này để thực hiện những mưu đồ xấu xa như: móc trộm đồ của con nhang, đệ tử thập phương vào những ngày đông đúc, xuất hiện các dịch vụ khấn thuê hay thậm chí còn tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh hòng làm hoang mang trong dân chúng.
Lễ giải hạn xuất phát điểm là một tục lệ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song nếu quá lạm dụng nó thì ý nghĩa đó không còn mang nguyên giá trị khiến nghi lễ này có nguy cơ trở thành một hủ tục trong giới tâm linh nhà Phật.

 

 

 

 

 

 

Những tin cũ hơn

Gia phả và tư liệu gia phả ở thư viện nghiên cứu Hán - Nôm

Gia phả và tư liệu gia phả ở thư viện nghiên cứu Hán - Nôm

— 25 Tháng Năm 2017

Tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện nay còn lưu giữ được gần 250 gia phả của 28 họ, bao gồm các họ: Trần, Nguyễn, Vũ, Đinh, Bùi, Đỗ, Lê, Doãn, Dương, Hoàng, Đặng, Đàm, Đoàn, Ngô, Phạm, Lương, Phan, Hà, Nhữ, Hồ, Trương, Lưu, Mạc, Nghiêm, Thẩm, Trịnh, Tường, Vương. Đây là một phông tư liệu quan trọng cần được bổ sung và có kế hoạch nghiên cứu khai thác. Trung tâm Phả học thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập năm 2002, chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận các thông tin về gia phả dòng họ.

Đồng hành cùng di sản văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng di sản văn hoá dân tộc

— 25 Tháng Năm 2017

Trong tiềm thức của tôi từ thủa ấu thơ, Cố đô Huế được coi như dinh luỹ cuối cùng của chế độ phong kiến thối nát, phản động. Và rồi, Huế lại nổi tiếng với những chiến tích của mùa Xuân Mậu Thân, với mười một cô gái Sông Hương trên dòng sông phẳng lặng... Năm 1970, khi hăm hở làm chuyên đề nghiên cứu tập sự của sinh viên năm thứ hai về Tôn Thất Thuyết với sự hướng dẫn và cổ vũ của GS Đinh Xuân Lâm, một trong Tứ trụ của nền sử học hiện đại nước nhà ( Lâm, Lê, Tờn, Vượng), tôi lại có dịp dung nạp những tư liệu về kinh đô thất thủ sau sự biến Đồn Mang Cá cùng phong trào Cần Vương.

Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh

Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh

— 25 Tháng Năm 2017

Hai Bà Trưng (mất ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão 43) là tên gọi chung của Trưng Trắc (chữ Hán: 徵側) và Trưng Nhị (徵貳), hai chị em (nhiều tài liệu nói là sinh đôi) là anh hùng dân tộc của người Việt. Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là nữ vương. Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử. Đại Việt Sử ký Toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử Việt Nam.

Quá trình Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới

Quá trình Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới

— 25 Tháng Năm 2017

Cho đến nay, trên bình diện quốc tế, các di sản văn hoá và thiên nhiên không chỉ thừa nhận là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia dân tộc mà còn được coi là những tài sản chung của nhân loại.

Ông Trương Tấn Sang đánh giá sự phát triển của Thái Bình trong 5 năm qua.

Ông Trương Tấn Sang đánh giá sự phát triển của Thái Bình trong 5 năm qua.

— 25 Tháng Năm 2017

"Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã có tác động lớn tới sự phát triển mạnh của Thái Bình trong 5 năm qua". Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khẳng định điều này khi dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 29/6 nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng sông Hồng”.