Khái niệm và giá trị của thờ cúng tổ tiên

09:27 - 19/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2613

TRUONGTOC.VN - Đã qua nhiều thế kỷ, người Việt Nam dù ở những vùng đất khác nhau, từ miền Bắc đến miền Nam, dù trong nước hay xa xứ vẫn luôn hướng về vùng đất Tổ. Mọi người coi đó là quê hương xứ sở của cả cộng đồng. Nhiều người không tiếc công sức, tiền của; chẳng ngại xa xôi, vất vả đã hành hương về đền Hùng để thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên của mình. Hàng năm lễ hội đền Hùng trở thành lễ hội của cả dân tộc.

Dù năm nay không tổ chức lễ hội đền Hùng ở cấp quốc gia, nhưng cũng như mọi năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, người dân nước Việt lại hướng về núi Nghĩa Lĩnh ở thôn Cổ tích, xã Hi Cương thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nơi có đền thờ tổ của cộng đồng người Việt với tất cả tình cảm và tâm niệm của mình về nơi lưu giữ những dấu tích buổi ban đầu dựng nước của các đời vua Hùng. Nơi ấy trở thành không gian thiêng, ngày 10 tháng 3 là thời gian thiêng của cả dân tộc.

1. Đôi điều về khái niệm Thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên đã xuất hiện từ xa xưa của lịch sử nhân loại, đã từng tồn tại ở nhiều châu lục và các quốc gia. Ở nước ta đã và đang dung dưỡng một hệ thống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, đa dạng, nhưng tiêu biểu hơn cả vẫn là tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng này, tồn tại ở các thành phần dân tộc; ở nhiều giai tầng, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, thu hút hầu nh­ư 100% dân c­ư[1]. Thờ cúng tổ tiên đan xen vào các tôn giáo, thậm chí trở thành những thành tố quan trọng của một số tôn giáo; thẩm thấu vào các loại hình tín ngữơng dân gian. Ở nước ta, dù là tín đồ của tôn giáo nào, Cao đài hay Hoà Hảo, Phật giáo hay Khổng giáo, kể cả Công giáo - đã là người dân gốc Việt - họ đều hướng về vùng đất Tổ, đều coi trọng người sinh thành và dưỡng dục mình nên người.
Thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là một tín ngưỡng có sức sống lâu bền, có gốc rễ sâu xa trong cộng đồng người Việt. Do đó Thờ cúng tổ tiên là hiện tượng xã hội có tính phổ biến. Một thời gian không ngắn, tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên chưa đựơc hiểu đầy đủ, nên ứng xử với loại hình tín ngưỡng này chưa thật thỏa đáng. Cho dù có thời kỳ lịch sử, ai đó đã từng phê phán, thậm chí còn liệt thờ cúng tổ tiên vào loại “mê tín dị đoan” đi nữa thì cho đến đầu thế kỷ XXI thờ cúng tổ tiên lại trỗi dậy. Điều đó nói lên sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong lòng dân tộc.
Cùng với sự đổi mới tư duy về tôn giáo nói chung, gần đây thờ cúng tổ tiên đựơc xã hội nhìn nhận, đánh giá theo quan điểm mới. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có ghi: "Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân[2].        
Tuy nhiên, khái niệm thờ cúng Tổ đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng, thờ cúng tổ tiên là một phong tục, là luật tục. Phan Kế Bính coi mỗi nước có phong tục riêng. Phong tục ấy ban đầu thuộc một vài người rồi bắt chước nhau thành thói quen…dần dần tiêm nhiễm thành tục[3]. Cụ khẳng định: "Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là một việc nghĩa của người. Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bề rộng sông sâu" [4].
Toan Ánh và một số tác giả khác khẳng định thờ cúng tổ tiên là một phong tục[5]. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, coi là “truyền thống”. Còn GS. Hà Đình Cầu cho rằng: “Việc Thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo mà là một luật tục[6].
Trong khi ở miền Nam nước ta, thờ cúng tổ tiên được nhiều người gọi chung với một cái tên là đạo ông bà, còn Nguyễn Đình Chiểu gọi là đạo nhà:
“Thà đui mà giữ đạo nhà
còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”
Ở miền Bắc nước ta, nhiều người gọi thờ cúng tổ tiên hay là đạo thờ tổ tiên[7]. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu cho rằng, dân chúng quan niệm “đạo” ở đây không có nghĩa là một tôn giáo, như đạo Công giáo, đạo Phật, đạo Hồi... mà phải hiểu nó như là đạo lý làm người, đạo làm con, đạo hiếu nghĩa. Trong tác phẩm Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, tác giả Ngô Đức Thịnh nêu lý do ông gọi Thờ cúng tổ tiên là đạo vì: “Khái niệm đạo ở đây, theo ý nghĩa là “con đường”, “cách thức” đưa con người đạt tới niềm tin vào cái thiêng liêng, siêu nhiên.
Như vậy, đạo theo nghĩa rộng nó có thể bao gồm cả một số hình thức tín ngưỡng và tôn giáo, còn đạo theo nghĩa hẹp hơn là chỉ một số hình thức tín ngưỡng phát triển có xu hướng trở thành tôn giáo sơ khai hay là tôn giáo dân gian”[8].
Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Thờ cúng tổ tiên là một tôn giáo. Chẳng hạn, nhà dân tộc học nổi tiếng người Nga - X.A Tocarev khẳng định: “Sự Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, từ lâu đã được thừa nhận trong khoa học. Vì thế không cần phải chứng minh sự tồn tại của nó với tư cách là một hình thức tôn giáo riêng biệt”[9]. Theo quan điểm trên của X.A.Tôcarev thì thờ cúng tổ tiên là một loại hình tôn giáo nguyên thuỷ mang tính sơ khai.
GS. Đặng Nghiêm Vạn cho rằng, thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam nằm trong hệ thống tôn giáo dân tộc[10]. Ông còn khẳng định, đó chính là một tôn giáo chính thống của người Việt Nam, tuy nó: “Không có tổ chức chặt chẽ, nhưng dường như toàn bộ cộng đồng quan niệm tiến hành các lễ thức giống nhau và là tâm linh chủ yếu của cộng đồng là lực hút các yếu tố ngoại sinh hay là những yếu tố ra nhập vào các tôn giáo khác”[11].
Cùng quan điểm này, còn có Gôxe Lanh (người Pháp) đầu thế kỷ XX nhận xét: “Thờ cúng tổ tiên là tôn giáo thân thiết nhất với người Việt”[12], còn Cadierơ khái quát lại: Thờ cúng thần linh là đặc sắc nhất trong hệ thống tôn giáo người Việt. Ông cho rằng: “Người An Nam thờ cúng quỷ thần, quỷ thần đây phải được hiểu là vong linh tiên tổ mà mỗi gia đình đều thờ kính; là vong hồn của những nhân vật xa xưa, ít nhất có thật, nổi tiếng dưới nhiều danh nghĩa, mà hoàng đế hay tín ngưỡng bình dân đã đặt lên bàn thờ và thờ cúng riêng tư hoặc công khai và chính thức… Tôn giáo này (NĐL nhấn mạnh) được biểu hiện qua công trình và dấu ấn khắp nơi; trong nhà, ngoài lộ, tận chốn sơn lâm cùng cốc và mọi lúc cả đêm lẫn ngày”[13]. Có tác giả khẳng định thờ cúng tổ tiên: “Đích thực là một tôn giáo bản địa”[14]. Thậm chí có học giả khuyên nên coi Thờ cúng tổ tiên là quốc đạo (!).
Cũng có người tỏ ra thận trọng hơn khi nhận xét: “Đạo gốc ở nước ta có vẻ là Thờ cúng tổ tiên, về mặt tôn giáo học thì còn phải tranh luận, nhưng về thực tiễn thì rất rõ nét”[15]. Trần Bạch Đằng đặt ra một vấn đề cũng đáng suy nghĩ: “Phải chăng người Việt Nam không có đạo gốc nào của riêng mình, cho dù việc thờ cúng chưa đủ nghĩa là tôn giáo một cách chặt chẽ như nước ngoài thường dùng?” và ông cho rằng thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với dân với nước: “Có thể nói khía cạnh đạo đức trong việc thờ cúng… là chủ yếu và nếu coi đó là đạo thì đó chính là đạo gốc, đạo nền của người Việt Nam”[16].
Cũng có người còn phân vân mà coi thờ cúng tổ tiên: “Gần như (NĐL nhấn mạnh) một thứ tôn giáo”[17]Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng: “Có thể coi thờ cúng tổ tiên là một phong tục đã đựơc tôn giáo hóa, hoặc những hành vi có tính chất tôn giáo đựơc thế tục hóa để trở thành phong tục”. Nhưng rồi tác giả lại phải dùng thuật ngữ có tính thỏa hiệp là: “Hiện nay có một cách dùng, một thuật ngữ mang tính chất “trung hòa”, đó là Đạo (nghĩa là con đường và cách thức) - Đạo thờ tổ tiên”[18].
   GS. Phan Đại Doãn quan niệm thờ cúng tổ tiên như một tín ngưỡng gắn liền với sự củng cố quan hệ họ hàng, gia đình. Không ít người cho rằng thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo mà là một loại hình tín ngưỡng, hay tín ngưỡng dân gian. Quan điểm này được Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng (nay là Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng), thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tán thành[19]. Tác giả Huyền Giang lý giải: “Từ xa xưa thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một tín ngưỡng sâu sắc của người Việt… nhưng từ đó, chưa thể nói rằng thờ cúng tổ tiên là một thứ tôn giáo của người Việt. Thoạt nhìn, có thể coi đó là tôn giáo, vì hầu hết các nhà đều có bàn thờ, đều làm những nghi thức thờ cúng trang trọng và thành kính, nghĩa là có những dấu hiệu của tôn giáo, nhưng đó chưa phải là tôn giáo hiểu theo nghĩa chặt chẽ của khái niệm này. Thờ cúng tổ tiên không có những giáo lý thống nhất, cũng không có giáo hội với những phép tắc nghiêm ngặt như thường thấy các tôn giáo xưa và nay”[20]. Tín ngưỡng này mọi niềm tin đều mang tính nguyên thuỷ, chất phác không thông qua các giáo chủ, giáo lý và giáo hội nào.  
Từ lâu, Hồ Chí Minh nêu một ý kiến rất đáng lưu tâm: “Người An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản thực hiện các nghi lễ tưởng niệm” [21]. Ở đây Bác không nói rõ “Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội”, “những người già trong gia đình hay các già bản thực hiện các nghi lễ tưởng niệm” là tôn giáo hay tín ngưỡng, nhưng Người đã chỉ rõ việc hiểu tôn giáo ở Việt Nam là khác với tôn giáo ở phương Tây.
Như vậy, thờ cúng tổ tiên là phong tục, truyền thống, đạo hiếu, tôn giáo hay tín ngưỡng… hiện vẫn đang là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để xếp vào loại nào cho thỏa đáng nhất.

2. Thờ Quốc tổ Hùng Vương

Theo nghĩa rộng, Thờ cúng tổ tiên không chỉ là thờ cúng ông bà, họ tộc theo quan hệ huyết thống mà còn thờ cả những người có công với làng xã và đất nước. Như vậy, ban đầu có thể hiểu, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta được thể hiện ở ba cấp độ chủ yếu:
Một là, thờ cha mẹ, ông bà đến ông tổ dòng họ theo huyết thống.
Hai là, thờ những ông tổ nghề, người có công khai phá vùng đất mới, dựng làng, lập ấp, đánh giặc cứu dân... đã được dân làng tôn vinh, thờ phụng là thành hoàng.
Ba là, thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
Ở Việt Nam có ba cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Trong tâm thức sâu thẳm của người Việt, khó mà tách biệt giữa gia đình, làng xã với đất nước, “nước mất thì nhà tan”, “trả thù nhà” gắn liền với “đền nợ nước”. Cụ Phan Bội Châu trong Quốc sử khảo có viết: “Nước là cái nhà to, nhà là cái nước nhỏ”. Vì vậy, tổ tiên gia đình, làng xã và đất nước không tách rời nhau. Trong gia đình có ông bà tổ tiên, làng xã có Thành hoàng, phạm vi quốc gia có vua Hùng trở thành những thần hộ mệnh của ba cộng đồng.
Lịch sử Việt Nam có nhiều ông vua thay nhau trị vì đất nước, nhưng chỉ có vua Hùng mới được coi là Tổ của người Việt. Từ lâu tục thờ vua Hùng với lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm đã hướng mọi người Việt Nam về với cội nguồn dân tộc, hun đúc hồn thiêng sông núi, củng cố ý thức cộng đồng nhằm hướng tới mục đích như Hồ Chủ tịch đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Trong cuốn “Lĩnh Nam trích quái” - một trong những cuốn sách đầu tiên chép các truyện dã sử dân gian được soạn thảo vào thế kỷ XIV có nói về nguồn gốc của người Việt trong truyện họ Hồng Bàng. Về sau các vua Hùng được coi là tổ tiên của người Việt.
Ý thức hướng về cội nguồn dân tộc, về tổ tiên của người Việt đã được hình thành từ lâu, nhưng việc thờ cúng vua Hùng chỉ được chính thức khẳng định vào cuối thế kỷ XV dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Như vậy, một mặt có thể khẳng định rằng ký ức về tổ tiên của người Việt đã tồn tại như ký ức tập thể của nhân dân về người cầm đầu một vùng đất, một giang sơn riêng trước thời Bắc thuộc, nhưng nó chỉ được chính thức hoá khi có nhu cầu về sự tự khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát về một quốc gia độc lập và tự chủ.
Lê Thánh Tông khi lên ngôi đã khẳng định quyền lực của mình bằng cách sử dụng quyền Tế Giao, trong đó việc thờ cúng những ông vua dựng nước được đặt thành điều hệ trọng nhất của quốc gia. Năm 1470 Lê Thánh Tông cho lập ngọc phả Hùng Vương, “vị thánh ngàn đời của cả nước” Việt cổ, để làm nền tảng cho uy quyền của các vương triều trên đất Việt sau này.
Từ đó, Hùng Vương từ vị thần địa phương đã trở thành tổ tiên chính thống của cả đất nước.
Thờ cúng tổ tiên của từng gia đình, họ tộc, làng xã và quốc gia có nhiều khâu, nhiều mức, nhiều hình thức khác nhau, nhưng đã trở thành một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Hệ thống thờ cúng tổ tiên phản ánh quan hệ gắn bó giữa cá nhân, gia đình, làng xã với đất nước ở một xứ sở nhiều giặc giã và cũng lắm thiên tai này.
Không phải chỉ thời kỳ Đổi mới, mà ngay từ khi mới giành đựơc độc lập dân tộc nhà nước ta cũng đã quan tâm đến hình tượng vua Hùng. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, giỗ Tổ đầu tiên khi nước nhà độc lập, cụ Phó Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng đã đến dự lễ Tổ. Năm 1954 đến năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần đến thăm đền Hùng. Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gần đây nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã tới dâng hương và trồng cây tại đền Hùng. Điều đó chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Ngày 26/7/1999, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về việc tổ chức những ngày lễ lớn của dân tộc ta vào năm 2000 trong đó có giỗ Tổ Hùng Vương. Những năm chẵn Lễ hội đền Hùng mang tầm cỡ quốc lễ. Lễ hội đền Hùng đã trở thành biểu tượng của giá trị văn hoá tinh thần của cả dân tộc.
Đền Hùng là một quần thể kiến trúc đẹp đẽ và trang nghiêm, mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi công trình kiến trúc đều hàm chứa những dấu tích lịch sử và đầy ắp những câu chuyện huyền thoại về thời kỳ xa xưa của lịch sử dựng nước và giữ nước. Đền Hạ được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII-XVIII. Tương truyền về mối tình giữa Lạc Long Quân - Âu Cơ, nơi mà bà đã sinh ra bọc trăm trứng để lại cho hậu thế niềm tự hào về nghĩa “đồng bào” và con rồng cháu tiên. Đền Trung được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV. Tương truyền nơi đây các vua Hùng thường hội họp quan quân luận bàn việc nước và câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh dày và bánh chưng tượng trưng cho trời-đất để dâng cho vua cha.
Đền Thượng được xây dựng vào thế kỷ thứ XV, tương truyền nơi đây các vua Hùng lập đàn tiến hành những nghi thức cầu cúng trời - đất để mong sao cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no. Đền Giếng nằm dưới chân núi Hùng là đền thờ hai nàng công chúa: Tiên Dung và Ngọc Hoa với những thiên tình sử giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử thể hiện tư tưởng tự do của tình yêu lứa đôi vượt qua lễ giáo phong kiến, và cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thể hiện tình thần chống thiên nhiên của cả dân tộc.
3. Ý nghĩa của thờ cúng tổ tiên 
Từ lâu Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải luôn tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng của mọi người. Đối với những người có công với dân với nước, những bậc tiên hiền liệt sĩ hy sinh vì dân, vì nước Người luôn tỏ lòng ngưỡng mộ. Hồ Chí Minh thường phê phán những kẻ ôm chân ngoại bang, quay lưng lại với truyền thống văn hoá dân tộc. Khi vua Khải Định sang Pháp năm 1922, trong bài viết Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, viết ngày 24/6/1922, trong đó Người đã vạch ra những hành vi báng bổ tổ tiên của Khải Định: “Trước đây mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ…” rằng “nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa, mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa”[22]. Bản thân Bác đã nhiều lần nhắc đến “tổ tiên” với tình cảm chân tình và tôn kính và nhận thấy:
“Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta” [23].
Vào mùa đông của năm 1923, Người đã tâm sự với một nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam: “Việc cúng bái tổ tiên (của người dân An Nam)                                                                                                                                                  hoàn toàn là một hiện tượng xã hội... Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện các nghi lễ tưởng niệm”. Trong bài Nước An Nam dưới con mắt người Pháp được viết vào những năm 1923-1924, Người cũng đã dẫn lời của một viên Toàn quyền Đông Dương đã nhìn thấy giá trị của phong tục tập quán người Việt, khi viết: “Chúng ta thấy trên gia đình trên kính dưới nhường, thờ phụng tổ tiên.
Chúng ta đã đi thăm các đền chùa được đọc những câu châm ngôn làm vẻ vang cho nhân loại”[24]. Bác cho rằng mặc dù người Pháp đang đô hộ dân tộc Việt nam, vẫn phải thừa nhận người dân ở xứ sở này vốn: “Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn kính lẽ phải, ghét xa hoa, không hám tiền tài... đó là những đức tính răn dạy trong sách thánh hiền, lưu lại trong cổ phong và ghi thành luật pháp... Bao thế hệ người Việt Nam luôn luôn cố gắng thực hiện đạo đức ấy một cách thành kính”[25].
Ngoài thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của đạo lý làm người, là nhu cầu hướng về cội nguồn của gia đình và dân tộc. Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, chữ hiếu không chỉ dừng lại ý thức, giáo dục đạo đức mà dần dần đã trở thành những nghi thức, tập tục, khuôn mẫu thường xuyên nhắc nhở con cháu có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai; với với anh em, chòm xóm và xã hội.
Thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu tâm linh dân dã mà sâu sắc, linh động mà quy củ, đơn giản mà bền vững. Khác với tôn giáo hiện có, tín ngưỡng này không có giáo lý thật hệ thống sâu sắc, không có tổ chức chặt chẽ, không có giáo luật nghiêm ngặt, không có thánh đường nguy nga, cũng chẳng có giáo sĩ, giáo chủ đầy quyền uy, không hứa hẹn gì về thiên đường mà cũng chẳng trừng phạt ai ở địa ngục. Lúc vui, khi buồn con cháu thường thắp nén nhang với cơi trầu, chén nước trắng đạm bạc, mời ông bà tổ tiên về để giãi bày gia sự, để chứng giám, nhằm chia vui, cộng khổ. Đôi khi chỉ là đĩa xôi, miếng thịt, trước cúng sau ăn, nhưng cũng thoả mãn tâm linh người đang sống. Dù là có phần “hư ảo”, song người ta vẫn cảm thấy yên tâm khi cầu mong có sự phù hộ độ trì của tổ tiên. Tín ngưỡng nàycòn góp phần duy trì mối quan hệ vô hình nhưng bền chặt giữa quá khứ với hiện tại, giữa những người đang tồn tại ở dương gian vói những ngừơi đã “về quê”, “khuất núi”.
Ở mức độ nào đó, thờ cúng tổ tiên là nét đẹp của văn hoá. Điều này đã được thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi nhận: “Từ xa xưa dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng thì mọi người đều thờ cũng ông bà, mọi họ đều Thờ cúng tổ tiên... Từ góc độ văn hoá, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình và làng xóm”[26].
Tưởng nhớ đến tổ tiên không chỉ là hoài niệm về quá khứ, mà chủ yếu là noi gương cha ông để sống đẹp đẽ sao cho không phải hổ thẹn vớ tổ tiên.
Trước hiện thực xâm nhập của văn hoá phương Tây, cùng với quá trình hiện đại hoá và công nhiệp hoá đất nước, chắc chắn kết cấu gia đình và các hình thức của nó sẽ có sự biến động, trong đó có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vấn đề là ở chỗ cần phải duy trì, phát huy những yếu tố tích cực của đạo đức, lối sống... trong gia đình truyền thống. Mặt khác, cần loại bỏ những yếu tố lạc hậu, bảo thủ có trong nó. Sự khôi phục và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gần đây, phản ánh nhu cầu của đại đa số nhân dân muốn bảo lưu, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của ông cha.
Trong quá hình thành, tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo dựng những giá trị truyền thống, như: lòng hiếu thảo, đức nhân ái, tính cần cù, ý thức cộng đồng, ham học tập, yêu quê hương, đất nước... Đó là những giá trị hết sức quý giá cần bảo lưu và kế thừa. Song, cũng cần thấy rằng, những giá trị đạo đức có trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng có những hạn chế của lịch sử, bởi lẽ nó là sản phẩm tinh thần của một nền văn minh nông nghiệp, làng xã khép kín. Vì vậy, việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống cần được bổ sung thêm những giá trị mới để phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại.
Ngoài những yếu tố tích cực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hiện nay, đang có dấu hiệu tiêu cực như: phô trương về tiền tài, dang vọng, địa vị, gây chia rẽ, bè phái, cục bộ trong cộng đồng... Hiện tượng ấy, gây không ít lãng phí, phiền toái cho nhiều người, làm biến dạng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó. Hiện có những yếu tố mê tín dị đoan cũng len lỏi vào hình thức tín ngưỡng này. Thờ cúng tổ tiên, vì thế sẽ dễ mất dần ý nghĩa chân chính để nhường chỗ cho tư tưởng cơ hội, trục lợi được một số kẻ tán dương vì mục đích buôn thần bán thánh.
Chưa có thể kết luận được trong thờ cúng tổ tiên, gia đình, làng xã hay đất nước thì hình thức nào có trước. Nhưng rõ ràng, thờ cúng tổ tiên ở ba cấp độ này đều có chung một ý nghĩa thiêng liêng, lắng đọng trong mỗi con người Việt nam là hướng về cội nguồn, tìm về tổ tông. Điều đó, làm điểm tựa tinh thần cho con cháu luôn tâm niệm có sự phù hộ, độ trì của các bậc tiền bối. Thờ cúng tổ tiên đối với người Việt thể hiện đạo lý làm người hay là một tín ngưỡng? Có lẽ có cả hai, vừa là cái này đồng thời cũng vừa là cái kia, cho nên không thể đề cao mặt này mà xem nhẹ mặt khác. Ở mỗi vùng, mỗi tộc người, mỗi giai đoạn lịnh sử thì mặt đạo lý hay mặt tín ngưỡng sẽ có vai trò khác nhau. Tuy nhiên, thờ cúng tổ tiên hiện nay phát triển mạnh có lẽ cái đạo lý làm người là yếu tố hàng đầu. Bởi vì, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, tiến bộ kỹ thuật, xu hướng khu vực hoá, quốc tế hoá... Bên cạnh mặt tích cực còn có những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, sự đảo lộn những thang bậc giá trị. Thờ cúng tổ tiên nhằm giữ gìn đạo đức truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về cái thiện, trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn cần được khuyến khích./.

 


[1] Hội đồng Lý luận Trung ương: Lẽ phải cuả chúng ta, Nxb. CTQG, H., 2004.tr 351.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTƯ Khóa IX, Nxb CTQG, H., 2003, tr. 49.

[3] Phan Kế Bính: Việt nam phong tục. Nxb TP Hồ Chí Minh. 1992, tr.9

[4] Toan Ánh: Phong tục Việt Nam thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr.4

[5] Toan Ánh: Phong tục Việt Nam (thờ cúng tổ tiên). Nxb KHXH, H., 1991, tr 5. và Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục. Nxb TP HCM, 1992.

[6]Toan Ánh: Phong tục Việt Nam (thờ cúng tổ tiên). Nxb KHXH, H., 1991, tr. 5.

[7] Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb KHXH,H., 2001, tr.21

[8] Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb KHXH,H., 2001, tr.17.

[9] X.A Tôcarev : Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. Nxb CTQG, H., 1994, tr.32.

[10] Đặng Nghiên Vạn: Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb KHXH, H.,1996, tr. 315.

[11] Đặng Nghiên Vạn: Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb KHXH, H.,1996, tr.29.

[12] Xem T/C Cộng sản, số 15 tháng 8 năm 1999.

[13] Đõ trinh Huệ (Biên khảo): Văn hóa tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadiere., Nxb Thuận Hóa -Huế, 2000, tr. 162

[14] Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb KHXH,H., 2001, tr.49.

[15] Xem T/C Cộng sản số 15 tháng 8 năm 1999.

[16] Trần Bạch Đằng: Vấn đề tôn giáo – tư tường và chính sách xã hội, trong cuốn sách Tín ngưỡng và mê tín - Nxb Thanh niên 1999, tr.32-33

[17] Nguyễn Đổng Chi: Sự tồn tại quan hệ thân tộc trong làng xã Việt Nam. Trong “Nông thôn Việt Nam trong lịch sử”, tập 2, Nxb. KHXH, 1978, tr. 193

[18] Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. KHXH,H., 2001, tr.52-53

[19] Xem Nguyễn Đức Lữ chủ biên. Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, năm 2004.

[20]Hà Văn Tăng- Trương Thìn (chủ biên): Tín ngưỡng và mê tín, Nxb. Thanh niên 1999, tr. 149-150.

[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H., 1995, Tr. 35.

[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb CTQG, H., 1995, tr. 81.

[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3. Nxb CTQG, H., 1995, tr. 221.

[24] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, H., 1995, tr.425.

[25] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb. CTQG, H., 1995, tr.426.

[26] Phạm Văn Đồng- Văn hoá và đổi mới, Nxb. CTQG, H., 1994, tr.75.

 

Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Hà Nội, ngày 1/4/2011
PGS.TS. Nguyễn Đức Lữ

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì