Hương ước - nét đẹp văn hóa của làng quê Việt

23:49 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3146

         Hương ước còn có cách gọi đồng nghĩa như: Hương biên, hương lệ, hội đình, hội ước…
         Hương ước có thể xem là hệ thống luật tục tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước nhưng không đối lập với luật pháp của Nhà nước. Hương ước đề cập tới những nội dung cụ thể gắn với hoàn cảnh phong tục, tập quán lâu đời của từng làng, là những nội dung mà các bộ luật của Nhà nước khó đề cập đến.
         Hương ước được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng làng, xã với nhau, giữa mỗi thành viên với cộng đồng, giữa các cộng đồng nhỏ trong làng (phe, giáp, họ…) và làng.
         Hương ước không chỉ đề ra các hình thức trừng phạt với các việc làm trái mà còn đề ra những hình thức khen thưởng việc tốt, có ích cho làng.
         Nội dung của các bản hương ước thường gồm 4 loại quy ước.
         1. Những quy ước về chế độ ruộng đất.
         2. Những quy ước về việc khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường.
         3. Những quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng.
         4. Những quy ước về văn hoá tinh thần và tín ngưỡng.
         Như vậy, Hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định nếp sống trong làng, sức mạnh của nó, một phần dựa vào hình phạt (cao nhất là đuổi khỏi làng), một phần dựa vào phần thưởng. Song sức mạnh lớn nhất là bởi dư luận khen - chê của dân làng.
         Hương ước phản ánh tâm lý của dân làng, phản ánh một phương diện quan trọng của văn hoá làng. Đó là các quan điểm của dân làng về điều hay, lẽ phải, điều dở, điều trái, về cái đúng - sai, đáng trọng - đáng khinh. Sức mạnh cưỡng chế của hương ước dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng. Đó là sức mạnh có tính chất tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi dân làng. Hương ước vừa uốn người ta vào khuôn phép, và động viên người ta hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ, đồng thời điều tiết các trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong làng. Do đó, hương ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho luật pháp khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của làng.
Hương ước không chỉ có ý nghĩa như là một thứ luật pháp mà còn có ý nghĩa như là một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức. Vì vậy, nó chứa đựng những giá trị văn hoá dân gian, hàm chứa nhiều yếu tố tích cực. Song, hương ước cũng tồn tại không ít các yếu tố tiêu cực (như sự lợi dụng hương ước để hà hiếp dân của cường hào, ác bá trong làng…)
         Xem xét các Hương ước cổ còn lại đến ngày nay ta thấy rằng về cơ bản, quy định trong các bản Hương ước đều thể hiện tinh thần ý thức hệ Nho giáo. Đó là các quy định về “Tam cương, ngũ thường”, về “tôn ti trật tự” trong các quan hệ có tính thứ bậc trong làng xã. Qua đó, Hương ước cũng đã điều chỉnh các mối quan hệ xã hội cụ thể trong làng xã. Việc phát huy tinh thần tự chủ, tự giác, tự quản làng xã cùng dư luận xã hội và các biện pháp thưởng, phạt khác đã giúp cho trật tự, kỷ cương làng xã được thực hiện một cách rất nghiêm chỉnh, nhờ đó đã giúp rất nhiều cho sự phát triển của làng xã hôm nay.
         Hương ước không chỉ là biểu hiện của pháp luật mà còn giúp khắc phục các chỗ hổng của pháp luật hoặc pháp luật quy định chưa cụ thể, đưa pháp luật đi vào đời sống người dân một cách dễ dàng hơn. Pháp luật dù cụ thể đến mấy cũng không thể bao quát được tất cả các đặc thù của quan hệ làng xã. Đặc biệt là các làng xã cổ truyền Việt Nam bên cạnh các đặc điểm có tính phổ quát, mỗi làng xã lại có các đặc điểm riêng của mình. Do vậy, mỗi một cộng đồng làng xã cụ thể luôn cần đến các quy định gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện cho mọi thành viên trong làng, phản ánh được nhu cầu tổ chức và phát triển vủa mỗi làng, xã cụ thể. Bên cạnh đó, khi có những chính sách của Nhà nước đưa xuống các vùng nông thôn thì nhờ có Hương ước của các làng nên việc thực thi những chính sách đó được thực hiện một cách nghiêm chỉnh hơn, nâng cao ý thức pháp luật của người dân ta. Trong ý nghĩa ấy, Hương ước là phương tiện, công cụ bổ sung quan trọng cho khả năng điều chỉnh của luật nước, thể hiện ở các việc cụ thể:
         Hương ước biến các quy định chung của pháp luật thành các quy định cụ thể của làng: đơn giản hoá các quy định của luật nước, làm cho ý thức hệ pháp luật của Nhà nước trở nên gần gũi và thâm nhập vào hệ tư tưởng, vào tâm lý và lối sống của mỗi người dân, làm pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng. Với lối hành văn dung dị, có vần điệu theo dân gian, Hương ước đi vào đời sống một cách tự nhiên, nên thấm sâu vào đời sống cộng đồng mà ít cần đến các phương tiện tuyên truyền, phổ biến ồn ào, tốn kém.
         Hương ước góp phần biến cải khuôn khổ cứng nhắc, các quy tắc có tính nghiêm khắc lạnh lùng của luật pháp thành sự uyển chuyển, linh động và biến hoá trong lối hành xử của các cộng đồng. Ở Hương ước, lệ làng, ta nhận thấy các tinh thần khoan dung, độ lượng và uyển chuyển, hoá giải cái khô cứng, hà khắc, đôi khi là tàn bạo của luật pháp.
         Hương ước đưa ra nhiều quy định cụ thể bổ khuyết vào các lỗ hổng của pháp luật, trong các mối quan hệ cụ thể của cuộc sống làng xã. Các vấn đề như chia ruộng đất công, lão quyền, nam quyền, phụ quyền, trưởng quyền, an ninh làng xã, đời sống tâm linh của cộng đồng… Thường là những vấn đề được quy định chung chung trong luật nước lại rất cụ thể trong các Hương ước.
         Như vậy, qua nghiên cứu trên đã giúp ta hiểu rõ thêm về Hương ước, cũng như nội dung và vai trò, ảnh hưởng của Hương ước đối với sự phát triển của làng xã Việt Nam ta hôm nay. Có thể thấy, Hương ước chính là một văn bản đặc biệt quan trọng trong đời sống làng xã của cư dân Việt Nam ta. Trong đó là rất nhiều các thuần phong mĩ tục, các nét đẹp, các giá trị truyền thống của từng làng xã nói riêng cũng như của cả dân tộc nói chung. Qua đó, ta có thể nhận thấy Hương ước có vai trò vô cùng quan trọng, có thể là điều kiện thúc đẩy, cũng có thể là cản trở đối với sự phát triển của làng xã. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng những bản Hương ước phù hợp với nếp cảm, nếp nghĩ của từng địa phương, đồng thời vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, phù hợp với thực trạng phát triển của mỗi địa phương. Tiếp thu những yếu tố tích cực của hương ước cũ để xây dựng hương ước mới ở các làng hiện nay là việc làm cần thiết để góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa ở các xóm làng.
 

Những tin cũ hơn

Quá khứ là hiện tại và tương lai - Một các ứng xử của người Việt với Tổ tiên

Quá khứ là hiện tại và tương lai - Một các ứng xử của người Việt với Tổ tiên

— 25 Tháng Năm 2017

Với người Việt, tổ tiên đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống hiện thời của họ. Đối xử với quá khứ, tổ tiên qua các nghi lễ được thực hành một cách đều đặn, qui củ, những người đang số mong muốn rằng, những thực hành ứng xử với quá khứ và thờ cúng tổ tiên của mình là những bài học cho thế hệ tiếp sau của họ, và họ sẽ được con cháu của họ đối xử như những gì họ đã đối xử với tổ tiên của mình.

Mồng một tết ở quê

Mồng một tết ở quê

— 25 Tháng Năm 2017

"Gần 50 năm sau ngày rời quê, năm nay tôi mới có dịp đón giao thừa ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình". Đó là lời tâm sự của nhà báo Trương Điện Thắng khi đón giao thừa năm Nhâm Thìn tại quê hương ở Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam.

Thụy Khuê - phố “cổng làng”

Thụy Khuê - phố “cổng làng”

— 25 Tháng Năm 2017

Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 ở châu thổ sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre.

Dâng

Dâng

— 25 Tháng Năm 2017

Bài thơ Dâng được nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung viết sau chuyến đi tìm thấy mộ hợp chất của 2 cha con Liệt tổ Bình Ngô Khai quốc công thần thời Lê sơ: Trương Lôi - Trương Chiến ở khu vực Yên Thế - Hữu Lũng trong trung tuần tháng 4/2012. Bài thơ là nén tâm hương dâng lên các bậc tiền bối đã cống hiến đời mình để bảo vệ chủ quyền biên cương đất nước. Tưởng nhớ Bình Ngô Khai quốc công thần: Trương Lôi -Trương Chiến và những nghĩa quân thời Lê sơ tham gia trận Chi Lăng – Xương Giang

Đầu xuân tìm về nguồn cội

Đầu xuân tìm về nguồn cội

— 25 Tháng Năm 2017

Nhân chuyến về quê ăn Tết năm nay, lần đầu tiên tôi bước chân đến vùng biển Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, Qủang Ngãi vào ngày mùng 6 tết Nhâm Thìn. Mặc dù biết rằng mình có xuất xứ từ dòng họ Trương ở Mỹ Khê, nhưng chưa một lần đền vùng đất biển mặn này.