Dưới miền Tây ưa xài từ CÁI HUÔNG. Giải thích sao cho dễ hiểu đây? Thôi, ví dụ: nhà kia có “truyền thống” về bệnh nan y nào đấy thì y như rằng, các thế hệ sau không chóng thì chầy phải có người “kế thừa” bệnh ấy, không rơi vào thành viên này thì thành viên khác. Khi ấy người ta sẽ nói: cái huông nhà nó thế, phải chịu thôi. Nó, cái huông, như định mệnh cay nghiệt, khó thoát được. Và chính vì vậy, nhắc đến huông, người ta ám ảnh, lo sợ.
Huông là nhận thức dân gian, cho nên không rõ ràng lắm, khá mập mờ. Nhưng không thể phủ nhận khái niệm này là phổ biến, đáng kể. Nhiều vụ cưới gả không thành vì đàng trai đàng gái “xác minh” đã nghe nói về cái huông của gia đình “đối tác” như ngoại tình, vi phạm pháp luật, bệnh nan y…thế là họ lo sợ bỏ cuộc, rất tội. Người ta mặc nhiên chấp nhận huông là cái không thể vượt qua, phải tránh đi. Những người “trong cuộc” bị phủ bởi cái huông thì luôn lo sợ không hiểu khi nào huông ấy ứng vào mình, do vậy không yên.
Dùng khái niệm huông như trên của người miền Tây mà soi ra bên ngoài thấy nhiều điều: như sắc dân kia có cái huông chiến tranh liên miên, ít được hưởng cảnh thái bình. Người dân ở đấy luôn chờ đợi những cuộc chiến không biết đến từ lúc nào. Có sắc dân lại có huông hiếu chiến, yên ổn chẳng bao lâu lại động binh không hướng về đông thì về tây, hàng nghìn năm như vậy, lặp đi lặp lại. Đúng là cái huông, không tránh được. Nó như một quĩ đạo được vạch sẵn và một sinh mệnh, một sắc dân…chuyển động trên ấy khó cưỡng. Cách lý giải này không khoa học, nhưng có thể nói khác hơn?
Có người nghèo hèn gặp may hoặc cần cù mà giàu lên, phát lên nhưng tiếc là không giữ được bao lâu, phá sản, lại cơ hàn. Người ngoài chắc lưỡi: cái huông dòng họ nó thế! Nghe cay nghiệt, đầy ác ý.
Sao không thể làm khác đi, bứt phá lên để vượt thoát khỏi cái huông như là nghiệp chướng, mà đành chấp nhận cái huông lập đi lập lại như như phó thác cho vô hình?
Loài người, sau những cố gắng phi thường, đã vượt khỏi sức hút của trái đất để bay vào vũ trụ, cũng là phá bỏ một cái huông áp đặt nghìn vạn năm dằng dặt.
Có dân tộc nhược tiểu èo ọt suốt một quãng dài lịch sử đã canh tân và vượt thoát số phận như đã an bài, sánh vai đàng chị đàng anh tầm thế giới. Cụ thể hơn, dễ thấy hơn là những tấm gương Trần Minh khố chuối ở xứ ta, mò tôm bắt ốc mà dùi mài kinh sử, đỗ đạt, rạng danh cả một vùng, thoát khỏi cái huông “con sãi ở chùa phải quét lá đa”.
Những cái tên Phạm Tuân, Lê Bá Khánh Trình, Đặng Thái Sơn và mới đây là giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng phải đã khiến thế giới nhìn xứ ta với cái nhìn trân trọng, và các cá nhân xuất sắc ấy đã vượt thoát khỏi “truyền thống” cái học tầm chương trích cú ngàn đời để sánh vai cùng bè bạn năm châu, họ vượt khỏi cái huông vô hình.
Thực ra, dưới ánh sáng khoa học, không tồn tại cái huông, có chăng chỉ là những giới hạn tạm thời. Như thể trạng thấp bé của người Việt hoàn toàn có thể cải thiện được với một quá trình cải thiện bữa ăn và chế độ luyện tập, làm việc hợp lý. Đã có công trình khoa học về vấn đề này. Nhân chủng học đã chỉ rõ và thuyết phục rằng không màu da nào là thấp kém, không có sắc dân nào là hèn là sang. Tất cả những ngộ nhận về cái huông chỉ là do bị qui định bởi môi trường tự nhiên và hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Nếu được chăm sóc và hưởng một nền giáo dục tốt, một trẻ em da màu không hề thua kém một cháu bé da trắng từng được coi là có thứ bậc cao hơn. Không hề tồn tại một cái huông nào. Vậy mà trước đó thế giới từng biết đến chủ nghĩa A-Pác –Thai và nhiều thứ chủ nghĩa ghê rợn hơn thế. Nhiều số phận đã chấp nhận bị cai trị bởi thứ bậc cao hơn, như chấp nhận một cái huông. Đấy là những vết buồn tủi trong lịch sử.
Nhận thức khoa học không hề tồn tại cái huông nào hết. Một cô gái sinh ra trong một dòng tộc có nhiều người bị bệnh phong cùi nếu được khám và sớm điều trị (nếu có bệnh trên) sẽ có sức khỏe bình thường như mọi cô gái khác, do đó không việc gì phải xa lánh. Cô gái ấy không hề vướng cái huông nào, chỉ là vấn đề sinh học, vấn đề sức khỏe mà ngành y ngày nay đủ sức giải quyết.
Nhưng để vượt qua "cái huông" một cách căn cơ nhất, đó chính là chính tín của đạo Phật.
Nguyễn Thành Công
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này