Bà Trương Thị Nhân được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2011

00:14 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2011
TRUONGTOC.VN - Hôm nay ngày 10-10, kỷ niệm 57 năm ngày Giải phóng Thủ đô, tại Cung văn hóa Hữu Nghị, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương 1.000 đại biểu Người tốt, việc tốt và vinh danh 10 đại biểu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011. Đây là năm thứ 2 UBND thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, ưu tú nhất trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng; có đóng góp đặc biệt cho Thủ đô và đất nước.
 
Bà Trương Thị Nhân được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu là “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2011. Cùng được trao tặng danh hiệu với bà còn có 9 cá nhân khác đó là: Nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân, ông nguyên là Trưởng phòng biên tập thông tin triển lãm (Sở VHTT Hà Nội), ông đã xuất bản hơn 50 đầu sách, nhiều cuốn trong đó viết riêng về Hà Nội; Nhạc sĩ Phạm Tuyên,hiện là Chủ tịch danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội, nhiệm kỳ 2011 - 2015, ông sáng tác hơn 500 ca khúc, trong 3 nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, ông cùng đồng nghiệp sáng tác, cổ vũ các phong trào cách mạng với nhiều tác phẩm sống cùng năm tháng, các bài hát của ông về Hà Nội được nhiều người biết đến như Hát dưới trời Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Có một mùa thu Hà Nội, Hà Nội những đêm không ngủ, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không… Năm 2001, bài hát Có một mùa thu Hà Nội đoạt giải thưởng của UBND TP Hà Nội trong đợt sáng tác chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Nhà văn Tô Hoài, ông có trên 200 tác phẩm, trong đó gần một nửa là về đất và người Hà Nội, với những đóng góp cho Thủ đô và đất nước, ông đã vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật...; Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô; Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Thủ đô; Bác sỹ Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ nhiệm HTX Song Long; Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề ở quận Long Biên, tích cực làm từ thiện; Ông Trịnh Văn Hùng, là thương binh nhiễm chất độc da cam, có một con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông luôn đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Danh hiệu “Người tốt việc tốt” và Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là hình thức biểu dương, khen thưởng cao quý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xét tặng hàng năm cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, ưu tú nhất trong từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; có đóng góp đặc biệt cho Thủ đô và đất nước. Đây thực sự là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của Thủ đô. Việc vinh danh những công dân ưu tú để kịp thời biểu dương nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố.
Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là những công dân Việt Nam đã và đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở Hà Nội (không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc) đạt tiêu chuẩn là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.
Cá nhân đạt danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” được tặng Bằng chứng nhận và tiền thưởng là 10.000.000 đồng; được ghi tên vào sổ vàng truyền thống của Thành phố.
Bà Trương Thị Nhân, sinh năm 1926, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải thuê tàu. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, bà đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được trên 600 triệu đồng phục vụ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Bản thân bà đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí cho gần 20 cháu (từ cấp I đến đại học) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường. Nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho các doanh nghiệp và giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp và lại tiếp nối tham gia công việc khuyến học cùng với bà.... 
Trong cả quá trình tham gia công tác, bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2009, bà Trương Thị Nhân (84 tuổi, người cao tuổi nhất) là một trong 100 gương mặt tiêu biểu toàn quốc đã vinh dự được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên dương tại Lễ tổng kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn quốc
Bà Trương Thị Nhân trước đây là Giám đốc của Tổng Công ty thuê tàu và vận tải. Năm 1990 bà về hưu ở tuổi 64. Ngay khi về hưu, bà tiếp tục tham gia nhiều công tác ở phường như: Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân, Hội Người cao tuổi…và tham gia Hội từ thiện của thành phố. Tất cả các việc được giao đều được  lãnh đạo đánh giá là làm tốt.
Năm 2002, Đảng ủy phường giao thêm cho bà việc làm Chủ tịch Hội khuyến học. Mới đầu e ngại vì không phải là giáo viên, bà sợ sẽ không nắm được nội dung công việc sẽ làm không tốt, bà không dám nhận. Sau đó nhớ lời Bác, “Toàn dân ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành”, và nghĩ tới câu nói của Bác: ”Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, bà đã mạnh dạn nhận làm Chủ tịch Hội khuyến học của phường.
Thấm nhuần lời Bác dạy: “Non sông Viẹt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn công học tập của các cháu…”, các cháu bây giờ là thiếu nhi, sau này làm chủ của đất nước. Bà đã kết hợp chặt chẽ với các trường trong phường, dự tất cả các cuộc họp lớn nhỏ của các trường để nắm bắt tình hình các cháu học tập. 
Có trường hợp, một cháu học sinh lớp 4, bố mẹ bỏ nhau, cháu chơi bời lêu lổng không chịu học tâp. Bà đã kết hợp với Nhà trường, mời đại biểu của địa phương, UBND phường, cụm dân cư, bố mẹ cháu đến để nói chuyện, thuyết phục. Cuối cùng, mẹ cháu bé phải cam kết bảo đảm việc dạy dỗ cháu. 
Hàng năm, hết năm học bà tổ chức khen thưởng cho các cháu học giỏi con nhà nghèo. Đề nghị với các chi hội trưởng, xem xét trong phường có cháu nào khó khăn. Các chi hội đã đề nghị trợ cấp 15 cháu, mỗi cháu là 600.000 đồng/năm. Trong 15 cháu, hiện đã có 3 cháu đã đỗ đại học. 
Muốn có điều kiện thưởng và trợ cấp cho các cháu thì phải đi quyên góp, mà muốn quyên góp thì phải dựa vào dân. Nhớ lời Bác dạy: “Dân vận tốt, việc gì cũng thành công”, bà quyết tâm khắc phục khó khăn đi vận động từng doanh nghiệp, từng gia đình.
Có một lần đến một gia đình để quyên góp, người chồng bảo vợ: “Mở tủ lấy mấy nghìn đưa cho các bà ấy đi cho xong”, người bạn đi cùng bà kéo tay bảo đi về. Bà Nhân đã đứng dậy nói: “Anh cho tôi 5.000 đồng thì tôi cũng mua được cái bút, quyển vở cho các cháu, 5.000 đồng cũng mua được mấy cái bánh mì cho người nghèo. Tiền là quan trọng nhưng tấm lòng còn quan trọng hơn!”. Người vợ thấy thế xin lỗi và ủng hộ 100.000 đồng.
Một lần khác, bà đến vận động vào Hội khuyến học, một bà cụ bảo: “Ôi dào, ăn cũng chẳng xong nữa là khuyến với học”. Bà Nhân bảo: "Cụ ơi, sau này các cháu cụ trở thành kỹ sư, bác sĩ cả đấy cụ ạ, cụ cứ yên tâm. Bác hồ dạy rằng, có xóa dốt mới giảm được nghèo. Người con gái bà cụ thấy thế đưa ủng hộ 50.000 đồng và xin tham gia hội khuyến học.
Nhân dịp Hội được Trung ương hội khuyến học khen thưởng, bà tổ chức chào mừng và mời các nhà hảo tâm đến dự. Bà nói với các nhà hảo tâm rằng: ”Các gia đình và các cháu được trợ cấp rất cám ơn các nhà hảo tâm. Riêng tôi, tôi rất biết ơn các nhà tâm đã giúp tôi thực hiện một phần nhỏ lời Bác dạy và giúp tôi sống vui lúc cuối đời”. 
Đã 8 năm làm công tác khuyến học, đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi sáng nắng, chiều mưa, bà Nhân chưa bao giờ nản việc. "Công tác khuyến học rất quan trọng, tôi cố gắng hết sức mình để làm tốt công việc"
Xin được đăng bốn câu thơ do bà viết về công tác khuyến học:
Sự nghiệp trồng người cao đẹp thay
Nhân tài nợ rộ thật là hay
Khuyến học gắng làm theo lời Bác
Xóa dốt, giảm nghèo thắng lợi ngay.

 

 

Trương Quốc Chính (tổng hợp)

 

 

Những tin cũ hơn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Singapore, Malaysia

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Singapore, Malaysia

— 22 Tháng Năm 2017

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn Việt Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore và Malaysia từ ngày 26-30.9, theo lời mời của Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam và Quốc vương Malaysia Tuanku Mizan Zainal Abidin Ibni Al-marhum Sultan Mahmud Al-muktafi Billah Shah.

PGS.TS Trương Quốc Bình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động.

PGS.TS Trương Quốc Bình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động.

— 22 Tháng Năm 2017

Vừa qua, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1039/Ttg-TTCP ngày 28/6/2011, tại QĐ số 1120/QĐ-CTN ngày 2/8/2011 của Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động cho các cá nhân thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Doanh nhân Trương Hữu Thắng thành lập quỹ học bổng mang tên Trương Hữu Thắng

Doanh nhân Trương Hữu Thắng thành lập quỹ học bổng mang tên Trương Hữu Thắng

— 22 Tháng Năm 2017

TRUONGTOC.VN - Ông Trương Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ốc đảo - thành viên Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời có nguyện vọng thành lập quỹ học bổng mang tên mình với mong muốn giúp đỡ cho các sinh viên nghèo hiếu học. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của một doanh nhân họ Trương thành đạt, nhằm chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai của đất nước. Trước tiên ông Thắng có ý định trao tặng học bổng này cho sinh viên trong dòng họ, trong thời gian tới sẽ giúp đỡ các sinh viên nghèo trong các trường đại học trên cả nước.

Đại tá Trương Văn Hai - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM

Đại tá Trương Văn Hai - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM

— 22 Tháng Năm 2017

Đại tá Trương Văn Hai, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự TPHCM, phát biểu về việc phát huy truyền thống tốt đẹp của LLVT TPHCM : Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hướng về cơ sở để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đó chính là tiền đề để LLVT TPHCM phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự - quốc phòng được cấp trên và TP giao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Người Việt phải sử dụng triệt để tiếng Việt

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Người Việt phải sử dụng triệt để tiếng Việt

— 22 Tháng Năm 2017

Trong không khí vui vẻ tối 25 tháng 7 năm 2011 mừng đồng chí Trương Tấn Sang đắc cử chức vụ Chủ tịch nước, một vị giáo sư tâm sự với Chủ tịch rằng con gái mình đang đi nước ngoài làm MC cho một chương trình giao lưu nghệ thuật. Chủ tịch Trương Tấn Sang hỏi đi hỏi lại mấy lần “Làm MC phải không?”. Vị giáo sư nọ vẫn trả lời “Vâng, làm MC”.