Tứ Pháp - Tín ngưỡng độc đáo của người Việt

23:50 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2468
         Sự ra đời của loại hình tín ngưỡng này gắn với câu chuyện về sự thai sinh gián tiếp của Man Nương – một người con gái bản địa với nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La trong không khí thần bí, lộ rõ yếu tố Mật Tông, được ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái sau đó, đến thế kỷ 18 được phổ vào bài văn kể hạnh là Cổ Châu Phật Bản Hạnh. Chuyện kể rằng: Man Nương là người làng Mãn Xá nằm ở bờ Nam sông Đuống, ngay từ năm 12 tuổi đã được cha mẹ cho sang chùa Linh Quang ở bờ Bắc sông Đuống để thụ giáo thiền sư Khâu Đà La, người Thiên Trúc Ấn Độ. Một hôm Khâu Đà La đi hành lễ về muộn, vô ý bước qua người Man Nương đang nằm ngủ khiến nàng có mang. Nàng đành về nhà, một năm sau thì sinh con gái. Nàng bồng con sang chùa trả cho Khâu Đà La. Nhà sư đem đưa bé tới cây dâu cỏ thụ ven sông, niệm thần chú, rồi dùng thiền trượng gõ vào gốc cây. Gốc cây nứt ra, Khâu Đa La đặt đứa bé vào đó. Vết nứt khép lại và từ cây này, hương thơm tỏa ngát ra. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây thiền trượng, dặn rằng khi nào hạn hán, cứ cắm cây gậy xuống đất, đọc lời cầu nguyện thì sẽ có mưa. Ít lâu sau, trời đại hạn, ruộng đồng khô nẻ, dân tình đói khổ. Nhớ lời dặn, Man Nương đem cây Thiền Trượng ra thử phép màu, quả thấy ứng nghiệm. Thế rồi vào năm Giáp Tý nọ, sau những ngày mưa to gió lớn, cây cổ thụ Khâu Đà Là gửi con đổ xuống sông, trôi về vùng thành Luy Lâu và dừng lại. Người làng ra lôi cây lên bờ, nhưng không tài nào lôi được. Man Nương ra sông giặt giũ , thấy cây rập rình như vẫy gọi, liền tung dải yếm ra, cây bèn nương theo dải yếm mà dạt vào bờ. Đêm hôm ấy thần dân báo mộng khuyên dân làng nên đem cây gỗ tạc tượng mà thờ thì sẽ được hưởng phúc lớn. Dân làng làm theo, tạc được bốn pho tượng Pháp Vân (tức bà Dâu thờ ở chùa Thiền Định), Pháp Vũ (tức Bà Đậu thờ ở chùa Thành Đạo), Pháp Lôi (tức bà Tướng thờ ở chùa Phi Tương), Pháp Điện (tức bà  Dán thờ ở chùa Phương Quan). Man Nương sau khi hiển thánh được thờ cùng với cha mẹ ở nền nhà cũ ở làng Mèn (tỉnh Bắc Ninh).
         Tín ngưỡng Tứ Pháp nhanh chóng được cư dân các vùng lân cận mà hiện nay thuộc về các địa phương Hà Nội, Hà Tây (cũ), nhất là vùng đất phía Bắc, tỉnh Hưng Yên, nằm trong góc nhọn của hai con sông, sông Hồng và sông Đuống tiếp nhận.
 


Ban Thờ Tứ Pháp
 
         Tứ Pháp, bốn người con của Phật Mẫu Man Nương được phân ngôi thứ như chị em ruột trong một gia đình. Pháp Vân được coi là chị cả, chị thứ là Pháp Vũ. Bà ba là Pháp Lôi. Bà út là Pháp Điện. Tuy cùng cha, cùng mẹ, nhưng bốn Bà không được thờ trong cùng một chùa quây quần quanh Phật Mẫu, mà mỗi Bà hưởng một ngôi chùa riêng. Các chùa này nằm ở các làng sát cạnh nhau, quây quần thành một cụm trong mối liên minh làng chạ cổ truyền.
         Cũng là chùa nhưng điện thần của các ngôi chùa thờ Tứ Pháp có cách bài trí không giống với những ngôi chùa thờ Phật bình thường. Tọa ở vị trí trung tâm chính điện của chùa thờ Tứ Pháp không phải là các tượng Phật như Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương…mà ở đây, các Bà giữ tư cách chủ điện. Tượng các bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp là tượng chính, được làm to hơn cả, đặt trong khám. Các tượng Phật Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương kích cỡ nhỏ hơn.
         Tứ Pháp là một sáng tạo tín ngưỡng đặc biệt của Việt Nam. Về sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng ở những ngôi chùa Tứ Pháp, chủ yếu là lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh và rước giao hiếu. Các lễ này tiến hành vào hai dịp là ngày 17 tháng Giêng – ngày hóa Phật Mẫu Man Nương và ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch – ngày sinh Phật Thích Ca (Phật Đản) và Tứ Pháp.
         Trong công việc nhà nông không phải bao giờ cũng được mưa thuận gió hòa, mà mưa nắng vô chừng đến độ chiêm khô, mùa thối. Khi hạn hán, người ta làm lễ cầu mưa. Nhưng cũng có khi gặp kỳ mưa dầm dai dẳng thối đất, thối trời, người nông dân cũng cầu viện đến Tứ Pháp. Người ta tin rằng các bà làm được mưa rơi, thì cũng có thể làm cho trời tạnh theo tiếng kêu cầu khẩn thiết của chúng sinh. Khi cầu tạnh, người ta mở cửa chùa ra, khiêng kiệu lên vai rước tượng đi. Và người ta kể lại, nhiều khi ngay lập tức có gió mát thổi và mưa tạnh ngay.
         Như thế, hiện tượng thờ Tứ Pháp đã ghi lại một mốc quan trọng đánh dấu thời điểm Phật Giáo Ấn Độ truyền vào nước ta, bắt đầu từ vùng Luy Lâu. Nó cũng là một tài liệu sống về dân tộc học, văn hóa học, cho phép ta biết được một thực tế là khi Phật Giáo vào thì nơi đây đã ngự trị trong cư dân bản địa một tín ngưỡng dân gian. Đó là tín ngưỡng thờ các hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, được nhân hóa dưới dạng nữ thần, ảnh xạ của chế độ xã hội mà người đàn bà nắm quyền cai trị. Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt cúng trời đất, tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp, nhân hóa các hiện tượng này, cho rằng nó có thể giúp đỡ hoặc làm hại đến bản thân mỗi người và xã hội. Mây (Vân), Mưa (Vũ), Sấm (Lôi), Chớp (Điện) là những hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp đến nông nghiệp. Từ ngàn đời nay, người nông dân Việt Nam đã có kinh nghiệm.
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng
         Với tư duy khoa học thô sơ, sản phẩm của quá trình quan sát đúc kết thành kinh nghiệm, người nông dân Bắc Bộ  nắm được qui luật cuộc vần xoay của vũ trụ, và mồi quan hệ nhân quả của các hiện tượng Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Và họ cho rằng mưa là kết quả cuối cùng – cái tất yếu được sinh ra từ các hiện tượng trước đó như trời kéo mây vần vũ, sấm nổi lên, chớp giằng xé bầu trời. Do đó mà, muốn có Nước – Mưa, khi cầu cúng, người ta không quên viện đến các thần Mây, Sấm, Chớp là vậy.
         Với tư duy như vậy nên bốn hiện tượng thiên nhiên có liên quan đến nhau khi trở thành các linh tượng được tôn thờ của tín ngưỡng thì không thể thờ ở một nơi, mà phải thờ ở bốn nới như vậy. Lễ họi Tứ Pháp, chỉ là sự mô phỏng, diễn lại quá trình sinh ra mưa của Trời Đất. Rước các bà Mây, Sấm, Mưa từ nơi này đến nơi khác tượng trưng cho việc Mây trôi, Mưa rơi, Sấm nổ.
         Cũng từ góc độ tiếp cận tư duy kinh nghiệm của người nông dân, chúng ta giải thích được vì sao trong lễ hội Tứ Pháp, người ta không rước tượng Pháp Điện ra khỏi chùa. Bởi trong thực tế, người nông dân đã thấy, đã từng bị cảnh Chớp (Điện) sinh ra Sét “đánh” chết người, gia súc, cháy nhà cửa, cây cối. Từ đó trong tâm linh, họ tin tưởng rằng nếu rước Ngài đi đâu, vía Ngài dữ, Ngài nhìn vào đâu, nơi đó sẽ cháy.
         Tín ngưỡng Tứ Pháp ngoài mục đích bày tỏ và hiện thực hóa sự nhận thức một cách khoa học về các hiện tượng tự nhiên như trên, về khách quan nó phản ánh cuộc đấu tranh với thiên nhiên, mặc dù chỉ là sự cầu khẩn của người nông dân Bắc Bộ.
         Phật Giáo vào nước ta trong hoàn cảnh nước nhà bị Bắc thuộc, chính quyền cai trị chấp thuận, khuyến khích và lợi dụng. Nhưng không phải vì thế mà Phật Giáo không bị một phản ứng nào. Sự ra đời Tứ Pháp là một bằng chứng về sự phản ứng ấy. Song trong cuộc hội ngộ, Phật Giáo và tín ngưỡng nông nghiệp bản địa đã dang hòa mâu thuẫn. Phật giáo chịu hạ thừa, còn tín ngưỡng dân dã bản địa tuy có phản ứng nhưng cơ bản là tiếp nhận những tinh hoa, những triết lý tích cực tương đồng. “Phật đó được quan niệm như một ông thần có ở khắp nơi, có thể biết được mọi nỗi suy tư và hành vi của con người, có thể cứu giúp người tốt, trừng trị kẻ xấu như ông Bụt trong truyện Tấm Cám. Phật đó cũng được quan niệm như một vị thần linh có nhiều phép lạ có thể hóa thành các hiện tượng tự nhiên. Có thể biến các hiện tượng tự nhiên quanh con người thành các vị thần, thánh, các vật linh thiêng mang phúc, trừ họa như hòn đá và tượng Tứ Pháp trong truyện Man Nương. Trên cơ sở đó có thể nói rằng Tứ Pháp được người Việt coi là hiện tương phân thân của Đức Phật dưới dạng tự nhiên. Vì thế, lễ hội Tứ Pháp đã không còn là một lễ hội chùa mà đã trở thành một lễ hội làng (liên làng) – một lễ hội đậm đà bản sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ trong bối cảnh Văn hóa Việt Nam. Chính vậy mà tín ngưỡng và lễ hội Tứ Pháp luôn duy trì được sức sống, được tiếp nhận để làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần người Việt hôm nay.
 

Những tin cũ hơn

Họ Phạm thành lập Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam

Họ Phạm thành lập Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam từ khi thành lập đến nay (24.10.1996) đã thực hiện được nhiều hoạt động đúng theo như mục đích để ra là tập hợp, đoàn kết tất cả những con người họ Phạm có chung một tâm nguyện là tìm về cội nguồn, tri ân tiên tổ, đền ơn đáp nghĩa các bậc tiền bối của dòng họ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, giáo dục các thế hệ đi sau học tập những tinh hoa và truyền thống dòng họ.

Thư chúc Tết của Chủ tịch nước gửi đồng bào cả nước Tết Quý Tỵ - 2013

Thư chúc Tết của Chủ tịch nước gửi đồng bào cả nước Tết Quý Tỵ - 2013

— 25 Tháng Năm 2017

Đón chào Xuân mới Quý Tỵ – 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên mọi miền của Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Hội nghị thành lập Hội đồng Trần tộc Hải Phòng

Hội nghị thành lập Hội đồng Trần tộc Hải Phòng

— 25 Tháng Năm 2017

(HTNV) Ngày 25/12/2010 tại Trung tâm hội nghị Thành phố Hải phòng đã diễn ra hội nghị thành lập Hội đồng Trần tộc Hải phòng. Về dự hội nghị có hàng trăm đại biểu là người họ Trần ở trong và ngoài nước và khách mời có nhiều vị lãnh đạo thành phố Hải Phòng và đại diện các dòng họ bạn. Hội nghị là một sự kiện lớn được giới truyền thông Thành phố cử phóng viên theo dõi và đưa tin.

Dựng nêu đón Tết

Dựng nêu đón Tết

— 25 Tháng Năm 2017

Cuối năm âm lịch, bọn trẻ con đòi dựng cây nêu đón Tết ở nhà thờ ông bà, khiến tôi xúc động và lo lắng. Muốn làm, phải “trang bị lại” kiến thức đã phai mờ về cây nêu. Rồi cây nêu thời hiện đại trên đất nước mình nữa! Chúng có ý nghĩa gì? Cần phải biết để vừa làm vừa giảng giải thêm cho mấy cháu…

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

— 25 Tháng Năm 2017

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão 2011 sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 7 đến ngày 12/4 (tức ngày 5 – 10/3 âm lịch) với các hoạt động trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì đến các xã, phường vùng ven khu di tích.