TÌM HIỂU VỀ THỜI TRANG ÁO DÀI VIỆT NAM

22:05 - 29/05/2017 Tin tổng hợp Admin 4165

 TÌM HIỂU VỀ THỜI TRANG ÁO DÀI VIỆT NAM

Tác giả: Thanh Thảo
Luôn có một quy luật bất biến trong thời trang, đó là liên tục biến đổi và xoay chuyển theo sự thay đổi của lịch sử xã hội. Thế nên, ở mỗi giai đoạn lịch sử, thời trang lại phát triển theo những trào lưu khác nhau để phù hợp với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, tạo nên nét đẹp riêng với những giá trị tinh hoa của thời trang Việt Nam.
           Nếu trong thời kì phong kiến, trang phục dân tộc bị chi phối mạnh mẽ bởi lề thói và quy định khắt khe của Nho giáo, thì trong giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến, và sau khi triều Nguyễn sụp đổ vào năm 1945 của thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây trong suốt thế kỷ này đã góp phần tác động sâu sắc đến thời trang Việt Nam, dẫn đến hàng loạt các thay đổi quan trọng trong xu hướng ăn mặc và quan niệm thẩm mỹ của người dân. Cùng điểm qua những thay đổi mang tính chất lịch sử làm nên “chiếc áo mới” cho thời trang Việt Nam giai đoạn cận hiện đại và hiện đại như ngày nay.
Nói đến văn hóa và trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến tà áo dài và chiếc nón lá. Đúng vậy, trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của người Việt.
Nét đẹp của người phụ nữ Việt được tôn vinh.Tà áo dài là trang phục truyền thống của người Việt. Bất kỳ một cô gái Việt nào mặc tà áo dài, cho bạn bè các nước trên thế giới có thể không nhìn vào hình dáng bên ngoài (mặt cơ thể sinh học) để đoán cô gái là người nước nào.Tuy nhiên khi cô gái khoác lên mình bộ trang phục truyền thống Việt “tà áo dài” thì các bạn bè quốc tế sẽ dễ dàng nhận ra cô gái đó là người Việt Nam.
             Nói như vậy không phải để phân biệt “đẳng cấp” nước bạn, nước mình mà khi tà áo dài hiện thân và được các nước bạn bè biết-thích-rất thích-và cuối cùng sẽ mặc “nó”. Nói như vậy để thấy rằng trang phục truyền thống của người Việt đã được nhiều bạn bè Quốc tế biết đến.
Sự cách tân “chóng mặt” của áo dài
Không có giai đoạn nào trong suốt các thế kỷ trước mà áo dài lại có những cách tân liên tục và nhanh chóng đổi “mốt” như trong thế kỷ 20. Nếu những năm đầu thế kỷ 20, dưới triều Nguyễn, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều được may theo thể năm thân, hay năm tà, mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo, thêm tà thứ năm ở bên phải, trong thân áo, không chít eo; thì ở miền Bắc khoảng năm 1910 – 1920 đã có thêm một số “biến tấu” nhỏ như may thêm một cái khuyết phụ khoảng 3cm bên phải cổ áo, cài khuy cổ lệch qua giúp phần cổ áo hở ra trông quyến rũ hơn, và cũng là để khoe chuỗi hột trang sức nhiều vòng quanh cổ.
Đến năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường tại Hà Nội đã mở đầu cho khuynh hướng cách tân mạnh mẽ của tà áo dài hiện đại so với lối cổ điển trước kia, mà ông gọi là kiểu áo Le Mur. Theo đó, kiểu áo dài được ông “Âu hóa” một cách tối đa, với phần cổ áo khoét hình trái tim, hoặc gắn thêm cổ bẻ, cài thêm nơ ở trước cổ, vai áo may bồng, tay nổi ở vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Mặc dù lúc đầu vấp phải không ít phản đối, nhưng càng về sau kiểu áo này càng được nhiều thiếu nữ yêu chuộng. Tuy nhiên, đến năm 1943, xu hướng mặc áo dài Le Mur đã thoái trào để nhường cho một kiểu áo dài mới quyến rũ và nữ tính hơn, đó là kiểu áo dài được may có eo.
Theo các tài liệu nghiên cứu, thì kiểu áo dài may có eo bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1950, bởi trong giai đoạn này, chế độ phong kiến đã hoàn toàn sụp đổ, tư tưởng khắt khe của Nho giáo đã ít nhiều mai một và các trào lưu văn hóa phương Tây đã bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định đến quan niệm thẩm mỹ và thời trang của đại đa số tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân thành thị. Kiểu áo dài có eo này được các thợ may khôn khéo cắt lượn theo thân người, với phần thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cũng được cắt hẹp hơn, thân áo được cắt ngắn dần từ giai đoạn này.
Đến thập kỷ 60, áo nịt ngực ngày càng phổ biến hơn vì vậy áo dài bắt đầu được may chít eo, với phần eo áo được cắt cao để hở cạp quần, phần ngực nhiều khi may rất chật để ôm sát tôn tối đa đường cong của chị em phụ nữ. Không dừng lại ở phần chít eo, áo dài giai đoạn này trải qua nhiều cải biến thay đổi đến “chóng mặt”, từ loại áo dài cổ thuyền, sau này là cổ khoét tròn theo kiểu Trần Lệ Xuân, hay đến gần cuối thập kỷ này là kiểu áo dài mini với vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Tay áo raglan cũng đã bắt đầu xuất hiện từ thời điểm này và được ưa chuộng cho đến ngày nay. Các loại áo dài với phần eo được may thắt lại, hay dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo được nhỏ hơn; hay áo dài được may với hai ba lớp lót cũng rất được ưa chuộng, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Đến những năm 90, áo dài đã trở lại cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn sau một thời gian dài được may đơn giản do còn nhiều hạn chế về điều kiện vật chất khi vừa thống nhất đất nước. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu manh nha của lĩnh vực thiết kế thời trang, với số ít nhà thiết kế chuyên nghiệp lúc bấy giờ đã bắt đầu vận dụng các chất liệu và hoa văn mới, lạ mắt như thổ cẩm, thêu hoặc vẽ…, hoặc mở rộng cổ, bớt tay áo, thay tà trước bằng chất liệu mềm mại hơn, quần cũng được thay bằng màu sắc đồng hoặc đối lập với màu của áo… Chính vì thế, sự cải biên giai đoạn này cũng đã góp phần tô điểm thêm nét độc đáo, quyến rũ cho chiếc áo dài dân tộc. Đến năm 1989, Báo Phụ Nữ tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài đầu tiên, tạo tiền đề cho 6 năm sau, áo dài Việt Nam vượt qua các trang phục truyền thống nổi tiếng khác như kimono, sườn xám… để đoạt danh hiệu “Trang phục truyền thống đẹp nhất” tại Tokyo, Nhật Bản.
Từ các số liệu đã có trong lịch sử trên về sự ra đời và phất triển của tà áo dài cho chúng ta thấy từ giai đoạn manh nha đến giai đoạn tiền phát triển và phát triển như ngày hôm nay, tà áo dài đã trải qua những thăng trầm lịch sử trong dựng nước và giữa nước.
            Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ trang phục truyền thống Việt lại có những nét độc đáo riêng, nét quý phái tôn vinh người việt riêng theo phong cách của “đất nước nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước”.
Xuất phát từ áo “năm thân” và phát triển thanh nhã, tạo đường nét cho phụ nữ Việt, tà áo dài đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình trong tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống Việt.
Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là một trong những yếu tố đưa áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt. Không chỉ là cái áo nữa, chiếc  áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt Nam, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.
          Như chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các chương trình trên vtv, tạp chí…. Đặc biệt là các cuộc thi hoa hậu Việt Nam và thế  giới, thời trang áo dài truyền thống luôn là phần thi hấp dẫn, mang vẻ đẹp tôn vinh, tự hào của dân tộc.
Nói như vậy không thể không kể đến yếu tố văn hóa tác động đến trang phục truyền thống này. Thật vậy từ xa xưa nước ta đã chịu nhiều đô hộ của người Hán, Pháp, Mỹ…chúng ta đã du nhập nhiều từ văn hóa các nước .Ví như  trang phục hiện đại ngày nay: “quần  jean, áo phông…” chúng ta ảnh hưởng bỏi hội nhập và phát triển. Tuy nhiên có một điều thật đáng tự hào, dân tộc Việt đã không vì thế mà làm mai một đi các bản sắc văn hóa từ xa xưa người Việt đã có. Trang phục truyền thống “tà áo dài” vẫn lưu truyền và phát triển - thể hiện bản sắc văn hóa Việt. Ngày nay, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường với sự mở cửa và hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, trong những làn sóng “mốt” thay đổi đến chóng mặt, bộ áo dài của phụ nữ Việt cũng vẫn thể hiện được bản lĩnh của sắc thái văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nó được giới tạo mẫu, Thiết kế thời trang luôn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến và bổ sung vào đó những hơi thở của thời đại, khuynh hướng và xu thế thời trang hiện đại. Có thể nói đây là giai đoạn mà áo dài một lần nữa đứng trước một cuộc cách tân hậu hiện đại sâu sắc cả về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, họa tiết trang trí…Về kiểu dáng: Cổ áo lúc cao, lúc thấp, lúc khoét hình vuông, hình thang, hình tròn, bầu dục… Vai áo: lúc bồng, lúc tròn, tay ngắn hoặc không có tay. Về chất liệu: Chiếc áo dài truyền thống xưa và cả chiếc áo dài cách tân được may bằng chất liệu truyền thống thường chỉ có một màu, hoặc có hoa văn chìm trong vải được đặt nổi bật trên nền của chiếc quần lụa trắng, tạo nên vẻ đẹp nền nã và rất sang trọng. Ngày nay, nó được cải tiến thêu hoa lá, vẽ họa tiết hoa văn cho thêm đẹp, thêm phong phú…
Thật vậy không chỉ nét đẹp vốn có của “tà áo dài”. Với bàn tay khéo léo của người Việt, những con người sáng tạo đã mang những vẻ đẹp vốn có trở nên độc đáo hơn, mới mẻ mà không mất đi cái “chất” vốn có của nó: sự sáng tạo của trí óc con người, sự cách tân nghệ thuật hội họa và điêu khắc….. Nói vậy để chứng minh rằng nét đẹp tà áo dài không đơn thuần là một sản phẩm từ một ngành khoa học nữa mà nó là sự kết hợp và hội tụ của kiến thức đa ngành. Không chỉ là chất liệu vải, là màu sắc bên ngoài, sự đa dạng về họa tiết, sự khéo léo trong đường nét “chiết eo” của các nhà thiết kế, may đo mà tôi gọi những con người đấy là “nghệ sĩ”, mỗi tác phẩm “tà áo dài” làm ra là một sản phẩm của nghệ thuật dước sự tác động tài hoa của nhà nghệ sĩ.
            Với góc nhìn về văn hóa, trang phục áo dài thể hiện nét đẹp truyền thống của khía cạnh văn hóa Việt.
Đến chuyên ngành xã hội học tà áo dài không chỉ đơn thuần là sản phẩm của tự nhiên của yếu tố văn hóa, của sự khéo léo của nghệ thuật mà nó còn thể hiện mặt xã hội, cái bản chất và sự lý giải về trang phục tà áo dài:
Lý thuyết chức năng  gắn liền với tên tuổi của các nhà xã hội học như Agút comte, Emile Durkheim… đã nói rằng tất cả các thể chế, các bộ phận, các tổ chức trong xã hội là những yếu tố gắn kết với nhau một cách hữu cơ. Mỗi bộ phận đảm đương những chức năng khác nhau. Áp dụng đối với lý thuyết này vào hiện thực, tất cả các khía cạnh nhỏ trên tà áo dài không chỉ là của một ngành khoa học và nó là của đa ngành. Mỗi bộ phận đều có chức năng riêng hoạt động độc lập nhưng lại không thể tách rời nhau tạo nên hệ thống chức năng hoạt động nhịp nhàng. Và đó là tất cả các khía cạnh, lĩnh vực tạo nên vẻ đẹp của tà áo dài.
Thuyết tương tác biểu trưng trong xã hội. Tiêu biểu cho thuyết này là Herbert Blumer đã đưa ra thuyết “tương tác biểu trưng”. Xã hội người là chỗ con người ta tham gia vào sự tương tác biểu trưng. Blumer đã hệ thống hóa ba luận điểm gốc của thuyết tương tác biểu trưng “con người đối xử với sự vật trên cơ sở những ý nghĩa và sự vật mang lại”… Áp dụng vào trong lý giải vì sao áo dài lại trở thành biểu tượng của người Việt. Tà áo dài là biểu tượng cho con người Việt Nam, thể hiện những nét đẹp hội tụ trong con người Việt xưa và nay. Nhắc đến tà áo dài, chúng ta sẽ không thể nhắc đến người Việt. Áo dài được trân trọng, nâng niu bởi ý nghĩa mà nó mang lại.
Đứng trước xu hướng đa dạng hóa và hiện đại hóa, các dân tộc đều có nhu cầu bảo tồn và kế thừa các đặc trưng, giá trị và mô thức mỹ thuật của nữ phục. Áo dài tân thời của phụ nữ Việt đang phát triển phù hợp với cuộc sống của xã hội đô thị và công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa trên nền tảng giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. 
Vẻ đẹp của người phụ nữ vừa hiền dịu nét đẹp tinh khôi thướt tha của chiếc áo dài mang đậm bản sắc của dân tộc, nét đẹp được tôn vinh trên những trang phục áo dài trong các hội thi... Các cụ có câu: "Người đẹp vì lụa" - Đúng vậy cũng không nên vì vẻ đẹp của lụa mà để quần áo che khuất con người, biến con người thành những cái mắc áo, hay những cây cọc di động, chỉ để nhằm đeo vắt những bộ cánh diêm dúa và phù phiếm...vsẽ làm mất đi vẻ đẹp tao nhã và hiền dịu nết na.          
Những năm gần đây, Áo Dài được thời trang hóa với nhiều sự cách tân, kết hợp nét văn hóa dân tộc với yếu tố thời trang hiện đại, tạo nên nét riêng độc đáo của tà Áo dân tộc trong các buổi trình diễn tuần lễ thời trang quốc tế và trong các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, các festival trang trọng và bề thế. Nhiều nhà thiết kế Áo Dài Việt Nam đã được biết đến trên thị trường quốc tế như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng... Tất cả đều góp phần làm rạng danh tên tuổi trang phục Áo dài – Biểu tượng văn hóa của quốc gia hình chữ S thân yêu.
Tâm hồn và tính cách của người mặc.
Có quá cầu kỳ không khi nói như vậy? Nhưng thực sự là thế!   
Có lúc nào đó bạn cần tìm cho mình một chiếc áo dài? Chắc hẳn bạn mất không ít thời gian, có khi lang thang đi tới đi lui trước các hàng vải sợi cốt tìm cho ra một mẩu vải áo mà mình yêu thích!
Màu sắc, khiểu dáng và cách sắp xếp các họa tiết cũng sẽ thể hiện một phần cá tính riêng của bạn. Việc lựa chọn chất liệu, kiểu dáng họa tiết cũng sẽ nói lên cho bạn biết “bạn là ai”. Một tà áo dài trắng tung bay trong gió cùng một xe đạp, một cái túi xách hoặc ba lô, chỉ vậy thôi người ta cũng sẽ đoán được bạn là ai? “Tôi là học sinh – sinh viên”. Như vậy cũng cho chúng ta thấy rằng đa dạng và thay đổi về các kiểu dáng của áo dài cũng giúp người mặc nó có thể lựa chọn phù hợp với sự “đóng vai của mình”. Theo phong cách xã hội học thì con người luôn đóng nhiều vai trò, mỗi vai trò đảm đương trách nhiệm là khác nhau. Mỗi người chúng ta những diễn viên trên sân khấu.
Nhà thời trang nổi tiếng thế giới Yves-saint-Laurent đã từng nhận xét như sau: “Phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra rằng cái đáng giá nhất nơi chiếc áo dài vẫn là người phụ nữ mặc lại chiếc áo dài đó”.
Còn tôi, người viết bài này luôn nghĩ rằng sẽ không có loại trang  phục nào hơn nữa để thay thế được vị trí của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Khi mặc trên người chiếc áo ấy, bạn hãy hãnh diện, tự hào vì chính bạn là người đã biết giữ gìn nâng niu những giá trị tinh thần đậm đà bản sắc của một dân tộc mang đầy tính nhân văn.
Ở Việt Nam, Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.

Những tin cũ hơn

QUY CHẾ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

QUY CHẾ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

— 29 Tháng Năm 2017

QUY CHẾ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

— 29 Tháng Năm 2017

Hội đồng lâm thời họ Trương Thanh Hóa là một tổ chức xã hội tự nguyện, phi lợi nhuận, tập hợp những người họ Trương sống tại thành phố, thị xã, các huyện trong toàn tỉnh và người họ Trương Thanh Hóa sống ở các tỉnh thành phố trong cả nước cũng như ở nước ngoài, trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT THIỀN VIPASSANA

TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT THIỀN VIPASSANA

— 29 Tháng Năm 2017

Tại Ấn Độ và cũng như tại các nước khác, những thánh nhân trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này – vấn đề đau khổ của con người – để tìm ra giải pháp như sau: Khi có điều gì trái ý xảy ra và chúng ta phản ứng bằng sự tức giận, bằng sợ hãi hoặc bằng những bất tịnh khác, thì chúng ta nên lập tức chuyển sự chú tâm vào việc gì khác.

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI HỌ TRƯƠNG TỈNH LÂM ĐỒNG

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI HỌ TRƯƠNG TỈNH LÂM ĐỒNG

— 29 Tháng Năm 2017

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng họ Trương Việt Nam, về việc kết nối triển khai kế hoạch thành lập Ban chấp hành Hội đồng họ Trương các tỉnh, thành trong cả nước, từ ngày 12 tháng 7 năm 2015 đến ngày 22 tháng 7 năm 2015 ông Trương Thanh Tùng (đặc phái viên của Chủ tịch), phó Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Trương Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác đã về thăm và làm việc với bà con, anh em các dân tộc họ Trương tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Đà Lạt.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ NHIỆM VỤ SỐ MỘT CỦA DOANH NGHIỆP

PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ NHIỆM VỤ SỐ MỘT CỦA DOANH NGHIỆP

— 29 Tháng Năm 2017

Ngày 24 tháng 6 năm 2015, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có buổi gặp mặt thân mật đoàn đại biểu các nhà khoa học, trí thức trẻ, các doanh nghiệp tiêu biểu của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về dựHội thảo khoa học: “Kinh tế Môi trường trong tầm nhìn thời đại hướng tới nền Kinh tế Xanh”. Sau đây là bài phát biểu của Tiến sỹ Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với chủ đề “Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ số một của doanh nghiệp”.