Tiến độ hoàn thiện Nhà thờ họ Trương Việt Nam

08:29 - 15/09/2020 Trung Ương Trương Minh Tân 5463

Nhà thờ họ Trương Việt Nam đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện nội, ngoại thất và các hạng mục phụ trợ, cảnh quan, nơi đây từng viên gạch, đá, từng chi tiết nhỏ nhất đều được lưu giữ truyền lại cho tương lai. Nhà thờ họ Trương Việt Nam là một công trình kiến trúc mang biểu tượng tâm linh công trình mang đậm nét truyền thống, cốt cách người họ Trương và điều mà hội đồng họ Trương Việt Nam luôn quan tâm, tìm hiểu rất kỹ những nguyên tắc về phong thủy trong thiết kế, xây dựng và khi hoàn thiện, để nhà thờ họ Trương Việt Nam phát tài lộc, vượng khí cho con cháu muôn đời.

Người xưa có câu " Thiên thời, địa lợi, nhân hòa ", từ một nhóm nhỏ người họ Trương đau đáu với những mong muốn kết nối người họ Trương Việt Nam thành một hoạt động có tổ chức, để chia sẻ, hỗ trợ và ghi nhớ lịch sử vẻ vang của dòng tộc. Người họ Trương Việt Nam đã tổ chức trọng thể đại hội lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội, từ đây người họ Trương đã trong vòng tay lớn và đó là cơ hội người họ Trương Việt Nam tìm về nguồn cội.

Những hoạt động của hội đồng họ Trương từ trung ương đến các địa phương đã mang một sức sống mới trong hoạt động dòng họ và với mong muốn tìm một vùng đất để xây dựng nên nhà thờ chung thờ tự chân linh các bậc tiên hiền, là tài sản tâm linh lớn nhất để lại cho muôn đời sau, đó là nghị quyết và là quyết tâm rất cao của hội đồng họ Trương Việt Nam, sau thời gian tìm kiếm như được " âm trợ ". Người họ Trương đã tìm được nơi xây dựng nhà thờ mà có thể coi là cơ hội duy nhất, các thầy phong thủy khi được mời đến xem đều gật đầu ca ngợi : nơi đây xây dựng nhà thờ rất tốt cho hậu duệ.

Với hai bàn tay trắng, bằng quyết tâm người họ Trương đã xây dựng được cơ đồ ngày hôm nay bằng công sức và tài chính của người họ Trương cả nước.

Hội đồng họ Trương Việt Nam đã quyết tâm hoàn thành xây dựng nhà thờ cho dù trong quá trình xây dựng không tránh khỏi những khó khăn và coi khó khăn đó là thử thách con người khi làm việc tâm linh, hiện nay khuôn viên nhà thờ đang hình thành với những hạng mục đang gấp rút thi công mà công tác xem xét đưa các hạng mục vào phải đảm bảo phong thủy cho công trình nhà thờ, trước mắt hội đồng đang tìm hiểu và quy hoạch vị trí cây trồng mang lại sự phồn thịnh, sức sống cho tương lai.

Hiện nay tại nhà thờ họ Trương Việt Nam từ cổng tam quan bước vào bên tay phải là cây Bồ Đề do nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng, bên trái cổng là cây Đa do ông Trương Văn Đoan chủ tịch hội đồng họ Trương Việt Nam nguyên thứ trưởng thường trực bộ kế hoạch đầu tư trồng, để theo quy hoạch toàn bộ khu đất quanh nhà thờ họ Trương Việt Nam thống nhất các vị trí dành cho các hội đồng họ Trương các địa phương trồng cây để thể hiện tình cảm, biểu tượng cho sự kết nối dòng tộc của người họ Trương Việt Nam, một hình ảnh thật xúc động khi người họ Trương các tỉnh, thành hành hương về nhà thờ dâng nén hương tưởng nhớ đến các bậc tiên hiền của dòng tộc, lại được quây quần bên gốc cây quý gắn biển mang tên địa phương mình, một niềm tự hào, một ấn tượng sâu sắc của mỗi người lưu lại, một số vị trí dành cho đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nơi đã tạo điều kiện rất nhiều cho nhà thờ họ Trương Việt Nam và cây lưu niệm của đại diện các dòng họ Việt Nam, theo thời gian các hạng mục công trình sẽ phải duy tu, tôn tạo, nhưng những cây quý thời gian sẽ tăng thêm ý nghĩa lịch sử của từng cây, hàng trăm năm sau dưới tán cây đó sẽ là tài sản vô giá, để thế hệ sau hiểu rằng cha, ông muốn gửi gắm cho mai sau những gì, với các tiêu chí về cây do hội đồng thống nhất cây trồng đại diện cho vùng miền, khi đã có các thông tin sẽ tổ chức lễ trồng cây vào dịp nhất định.

Để cây trồng được phù hợp phong thủy, tốt cho phát triển của dòng tộc nên cây được chọn theo các tiêu chí sau :

Cây Bồ Đề : Được gọi Giác thụ, đại thụ, hiện thân cho sự minh triết, sáng suốt, biểu tượng cho trí tuệ, sự may mắn và những điều tốt lành, thể hiện cho Tri, Trí, Đạo và giáo được coi là cây của phật xua đuổi tà ma, những điều xấu xa.

Cây Đa : Cây đa biểu thị cho sự trường tồn, thần quyền và tâm linh, là nơi ngự của thần linh cũng là nơi nương tựa của các vong hồn mà qua đó được hưởng lộc của chúng sinh, cây đa gắn liền với lịch sử nước Việt.

Cây Lộc Vừng : là cây trong bộ tứ quý Sung, Sanh, Tùng, Lộc, cây Lộc Vừng là loại cây đẹp có ý nghĩa phong thủy mang lại may mắn, tài lộc dồi dào, hưng thịnh.

Cây Thị : Là loại cây có tán rộng chỉ hợp với những khuôn viên rộng lớn, vào mùa rụng lá rất nhiều và dễ gây mất vệ sinh " Cây thị có ma cây đa có thần ".

Cây Sung : Là loại cây được trồng nhiều nơi thờ tự, thường trồng bên trái, phía trước hoặc cạnh hồ, cây Sung tượng trưng cho diệt trừ sự phiền não, là tinh thần của thế giới phật, nhắc nhở kiếp tu, mang phúc cho muôn nhà.

Cây Thông, cây Tùng : Loài cây tượng trưng cho người quân tử, học rộng tài cao, ở cây toát lên sự kiên tâm, giữ vững phẩm chất cao đẹp trước phong ba, bão tố.

Cây Mít : Được coi là sự cứu cánh đến cùng mọi sự cho đến sự giác ngộ, ở nơi không còn sự sinh, tử lo âu, tượng trưng cho đại trí tuệ.

Cây Trúc, Tre : Là loài cây tượng trưng cho sự hợp quần, người với người tạo thành một khối thống nhất với phẩm chất cao thượng, mang biểu tượng thông linh Trời, Đất, tùy duyên để hóa độ.

Cây Gạo : Hình ảnh những chiếc gai trên thân cây như tượng trưng cho gạch nối trong mối giao hòa giữa Trời, Đất, là loại cây thường được trồng những nơi thờ Phật, thờ Thánh.

Cây Sấu : Là loài cây hữu dụng trong đời sống thường nhật, cây chủ yếu ở miền Bắc, với tán rộng được coi là nơi nương tựa của các vong hồn, cây Sấu trồng nơi thờ tự các vong hồn được nghe tụng kinh sẽ siêu sinh tịnh độ.

Cây Xà Cừ, cây Lim, cây Sao, cây Nhãn : Là loại cây tạo không gian xanh quanh năm làm tĩnh tại tâm trạng người hành hương.

Cây Bách : Là loài gỗ quý và tượng trưng cho sự trường tồn, dẻo dai, cát tường là sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên.

Cây Sang : Là loại cây có sức sống mãnh liệt, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, mang tài lộc cho muôn người.

Cây Bằng Lăng : Là loài cây có tuổi thọ cao, với những chùm hoa mang màu sắc tượng trưng cho sự thủy chung, là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ, cây Bằng Lăng mang đặc trưng mạnh mẽ của người miền Trung, Tây Nguyên.

Cây Hoa Ban : Là loài cây phổ biến ở miền Tây Bắc, loài cây đã vào trong thơ ca với vẻ đẹp thanh cao của những cánh hoa.

Cây Hoa Đại : Là loài cây thường được trồng tại nhà Chùa, nhà Thờ trồng theo cặp phía trước hoặc hai bên đường, hoa Đại mang vẻ đẹp thanh tao thoát tục, mang đến cảm giác linh thiêng trong không gian nơi thờ tự, như có khả năng đón nhận sinh lực của vũ trụ.

Cây Giáng Hương : Là loài cây sống chủ yếu ở Tây Nguyên, hoa màu vàng có mùi hương man mát dễ chịu, gỗ Giáng Hương rất quý.

Cây Vú Sữa : Tượng trưng cho tình mẫu tử thiêng liêng, những quả Vú sữa căng mọng ẩn sau tán lá xanh tím mang một vẻ đẹp mê hoặc.

Cây Me : Là loài cây cảnh được trồng nhiều nơi công cộng, cây mang vẻ đẹp thuần khiết, ngoài ra còn nhiều loại cây thường được trồng nơi thờ tự để tạo sự phong phú hài hòa đó là cây Ngọc Lan, cây Khế, cây Vối, Vàng Anh, cây Thiên Tuế....

Trên đây là những loài cây phù hợp với không gian nhà thờ họ Trương Việt Nam, người viết đã sưu tầm trong các tài liệu và tham khảo qua những người có kinh nghiệm, do đó các thông tin vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong có được sự đóng góp để khuôn viên nhà thờ họ Trương Việt Nam vừa đẹp với cảnh quan vừa hợp phong thủy, mang lại sự thịnh vượng lâu dài cho dòng họ.

( Mọi đóng góp xin gửi vào email : truongminhtanpc@gmail.com )

 

Những tin cũ hơn

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động hơn 600 tỉ đồng cho Long An

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động hơn 600 tỉ đồng cho Long An

— 13 Tháng Chín 2020

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động kinh phí hơn 600 tỉ đồng cho nhân dân tỉnh Long An xây dựng các công trình cầu giao thông nông thôn, trường học, bệnh viện, nhà cho người nghèo, tạo quỹ học bổng

Biệt thự 800m2 bề thế của đại gia giàu nhất phố cổ Hà Nội một thời

Biệt thự 800m2 bề thế của đại gia giàu nhất phố cổ Hà Nội một thời

— 08 Tháng Năm 2020

Căn biệt thự cổ tại Hàng Bè (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán (chủ thầu xây dựng) nổi tiếng đầu thế kỷ 20.

Thư chúc tết của Hội đồng họ Trương Việt Nam

Thư chúc tết của Hội đồng họ Trương Việt Nam

— 31 Tháng M. hai 2019

Bước sang năm 2020 và đón xuân Canh Tý, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, Hội đồng họ Trương Việt Nam mong muốn và kêu gọi toàn thể bà con họ Trương Việt Nam hãy phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của người họ Trương chúng ta với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, hăng say trong lao động sản xuất, siêng năng trong học tập và nghiên cứu, góp phần xây dựng dòng tộc, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.

Tin xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

Tin xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

— 04 Tháng M. một 2019

Ngày 03 tháng 11 năm 2019 tại nhà thờ họ Trương Việt Nam - làng Đa Giá, trị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến thống nhất về kiến trúc cổng nhà thờ phù hợp với quy mô và đồng bộ với kiến trúc toàn tổng thể.

Hội nghị Báo cáo công tác xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

Hội nghị Báo cáo công tác xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

— 23 Tháng Chín 2019

Ngày 21 tháng 9 năm 2019 tại làng Đa Giá, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo công tác xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam.