Tác giả Quốc ca “gặp” tác giả Quốc kỳ

13:35 - 10/11/2021 Tin tổng hợp Sưu tầm 4145

Tôi hát “Thiên thai, Suối mơ”… mơ gặp nhạc sĩ Văn Cao trước ngày anh là tác giả Quốc ca. Và tôi yêu nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ… Văn Cao trước khi chúng tôi thành đôi bạn chí thân.

Là một phóng viên mặt trận, tôi bị thương ở miền Đông Nam Bộ, được chuyển qua Trường Sơn, về Hà Nội. Anh Văn Cao là một trong năm người bạn đầu tiên tìm đến một ngõ hẻm thăm tôi đang đối mặt với những vết thương do giặc Huê Kỳ. Không thể đếm được số lần vết thương sọ não gây cơn co giật, tôi ngả vào lòng nhạc sĩ Văn Cao! Nằm trong vòng tay anh, phảng phất hương rượu ngang, tôi mê mê tỉnh tỉnh. Lúc tỉnh táo, tôi nâng chén rượu bằng ba ngón tay trái còn lành lặn đụng với chén anh Văn Cao, hỏi anh:

- Khi anh sáng tác “Tiến quân ca” đã thành Quốc ca, anh có được nhìn thấy cờ đỏ sao vàng không?

- Mình tưởng tượng chứ chưa hề trông thấy hay nghe nói về cờ đỏ sao vàng.

- Anh được nhìn lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng từ lúc nào?

Anh Văn Cao ủ chén rượu trong hai bàn tay:

- Tháng – Tám – Năm - Bốn – Lăm. Ngày 17/8/1945 có cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Mình đến dự, quan sát từ vòng ngoài của biển người. Bất thần từ trên bao lơn nhà hát hiện ra một lá Cờ - Đỏ - Sao - Vàng, cỡ lớn! Tiếng hát “Tiến quân ca” vang lên! Mình khóc! Lần đầu tiên mình được khóc với niềm hạnh phúc!

Văn Cao sáng tác Tiến quân ca vào tháng 10/1944. Lời ca có đoạn: “Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương, qua nơi lầm than”… Bằng con mắt thường anh chưa nhìn thấy, nhưng tâm linh anh đã “thấu thị” được cờ đỏ sao vàng.

- Bác – tôi nói – Bác Hồ cũng nhận ra cờ đỏ sao vàng bằng tâm linh. Anh Văn Cao vẻ ngạc nhiên nhìn vào tôi – có lẽ! - … Đúng vậy đó anh, Bác đi, Bác nhìn, đi nhìn khắp thế giới từ tuổi hai mươi đến tuổi năm mươi, Người tìm kiếm cho được cái phương tiện để đạt mục đích quét sạch thực dân xâm lược, dựng lại độc lập, xây nền dân chủ cho nước nhà. Trên đường trở về nước, cuối năm 1940 tới Hoa Nam, Bác nhận được tin qua sóng đài về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, cờ đỏ sao vàng vừa xuất hiện liền bị dìm trong máu khủng bố trắng của thực dân Pháp. Bác may ngay một lá cờ nền bằng lụa đỏ, ngôi sao năm cánh bằng giấy vàng đính giữa. Lúc bấy giờ, Bác không mua được lụa hoặc vải màu vàng.

Tháng 12/1940, Bác mang bí danh Hồ Quang cùng một số cán bộ, trong đó có đồng chí Dương Hoài Nam (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) từ Quế Lâm về làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây sát biên giới Trung - Việt. Tại đây, Bác mở lớp huấn luyện cán bộ từ trong nước gửi sang để chuẩn bị việc thành lập một Mặt trận đại đoàn kết dân tộc dân chủ. Bác viết cuốn sách “Con đường giải phóng” làm tài liệu huấn luyện. Đồng chí Dương Hoài Nam được Bác giao nhiệm vụ phụ trách lớp và Bác trao cho đồng chí Hoài Nam lá cờ đỏ sao vàng treo trên bàn thờ Tổ quốc trong lớp học. Lá cờ ấy Bác mang theo về nước. Ngày 19/5/1941 lá cờ được treo lên giữa hang Pác Bó, khai mạc Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi gắt là Việt Minh. Ngay lúc bấy giờ, Bác ghi điều dự báo: “1945 Việt Nam Độc lập” vào tập diễn ca 208 câu của Người: “Lịch sử nước ta”. Và phải chăng vận “Dịch Sấm Trạng Trình: Đầu can Võ tướng ra binh”… Người quyết định ngày 8 tháng Tý năm Giáp Thân, tức ngày 22/12/1944, Người tín trọng trao lá cờ đỏ sao vàng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên. Giữa rừng thiêng Sam Cao mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng trước hàng quân dưới cờ đỏ sao vàng đọc Lời thề danh dự.

Ngày 16/8/1945, Hồ Chủ tịch chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca, cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ trình với Đại hội đại biểu quốc dân tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và được Đại hội long trọng thừa nhận.

- Ai đã linh tuệ ra hình tượng… - Giọng nói anh Văn Cao như cô đặc lại - đã tái tạo lá cờ đỏ sao vàng từ trong cuộc đứng lên của dân ta ở Nam Kỳ?

Tôi hẹn với anh Văn Cao:

- Đợi dịp trời mát. Vết thương ít gây sự, tôi thẩm định thêm, đích thực rồi tôi cùng anh đi gặp tác giả Quốc kỳ.

Tôi dám hứa hẹn với anh Văn Cao cái điều ấy là bởi trước đây tôi đã gặp được một vị lão thành cách mạng, một chiến sỹ của khởi nghĩa Nam Kỳ cũng đang trên đường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lâm bệnh hiểm nghèo và điều trị tại bệnh viện trong rừng Đông Nam Bộ. Những lúc ông giảm bệnh, tĩnh tâm, tôi gợi chuyện, được ông nhớ lại kể cho tôi về những ký ức thời Nam Kỳ khởi nghĩa. Chính ông được giao việc in bằng đá litô cờ đỏ sao vàng, lời kêu gọi của Đảng, truyền đơn và báo Tiến lên của khởi nghĩa Nam Kỳ. Và hé mở cho tôi một đầu mối về tác giả Cờ - Đỏ - Sao - Vàng: Người phụ trách cơ quan ấn loát là một Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ.

Ông là người xứ Bắc Kỳ, một yếu nhân cộng sản đã sáng lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Hà Nam, bị đày ra Côn Đảo, vượt Côn Đảo về đất liền, hoạt động bí mật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi Hai Bắc Kỳ. Ông còn có tên gọi nữa, ông Hai Kỹ sư. Vì ông thông chữ Tây, chữ Nho, biết sửa chữa các đồ dùng có máy… Những nơi ông mở trường dạy học lại gọi là thầy giáo Hoài, ông họa truyền thần cho các ông bà già thì được gọi tên là thầy Hai họa sĩ. Ông thửa một lá cờ đính ngôi sao vàng năm cánh chính giữa, viết lời giải thích ý nghĩa lá cờ, đưa cho mấy ông lãnh đạo Xứ ủy bàn với nhau. Rồi chính ông Hai họa sĩ vẽ mẫu cờ vào phiến đá, in ra bao nhiêu gói kín, cho chuyển ngay đi các cơ sở bí mật.

Công việc in ấn gần xong thì lính kín ập đến. Không ai trong cơ quan chạy thoát. Người bị bắn, người bị ném xuống biển, người bị tù đày. Ông Hai Bắc Kỳ bị bắn cùng một lúc với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, ngày 28/8/1941 tại Hóc Môn.

Với ngần ấy dấu tích, tôi lần tìm từng điểm, từng chi tiết sự kiện trong kho lưu trữ Văn khố Đà Lạt, lưu trữ Quốc gia, tư liệu lịch sử Đảng của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trực thuộc Trung ương…

Sau khi ghép nối các bí danh của các thời kỳ hoạt động ở các vùng công tác khác nhau: Đây chỉ một người ở Bắc Kỳ. Bắc Kỳ trở thành biệt danh Hai Bắc Kỳ. Đi cùng với biệt danh Hai Bắc Kỳ là giáo Hoài, là Trương Xuân Chinh tức Nguyễn Hữu Tiến, bị tòa án thượng thẩm Hà Nội xử ngày 6/6/1932 kết án 20 năm khổ sai, 20 năm quản thúc về “mưu đồ xúi dân chúng đứng dậy chống nhà chức trách”.

Hàng chục lần tôi đi về làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, ghi chép được nhiều mảng hồi ức về ông Nguyễn Hữu Tiến của những người thân thích, những người học trò và các bạn chiến đấu cùng vào tù ra tội với ông. Bây giờ tôi mới thuật lại đầy đủ với anh Văn Cao. Anh nghe xong lúc đó đã 23h đêm. Anh dốc chén rượu cuối cùng, ôm lấy tôi:

- Đúng là tác giả Quốc kỳ! Tưởng kiến kỳ nhân. Cảm ơn Sơn Tùng đã cho mình được gặp tác giả Quốc kỳ - Nguyễn Hữu Tiến! Hãy dẫn mình về quê ông, mình cần, rất cần được phát sáng trong trực cảm.

Anh chị Văn Cao cùng vợ chồng tôi về quê ông Nguyễn Hữu Tiến. Ngày trở về Hà Nội, anh Văn Cao ngồi trên xe, ghé vào tai tôi:

- Không tính ngày hôm nay, trong hai ngày nữa, vào lúc 9h, anh sang tôi, đừng gõ cửa, vào thẳng phòng vẽ của tôi…

Đúng hẹn, tôi bước vào phòng. Một Nguyễn Hữu Tiến hiển hiện trên giá vẽ Văn Cao! Tôi reo lên: A… Đúng rồi!... Đúng ông Nguyễn Hữu Tiến tác giả Quốc kỳ rồi!

Anh Văn Cao làm một hơi cạn chén. Tôi đưa tấm ảnh ông Nguyễn Hữu Tiến lưu trữ của sở mật thám. Anh cầm tấm ảnh, mắt ngời sáng nhìn sang giá vẽ gật đầu, nói nhỏ nhẹ:

- Chúng ta cùng một tâm tưởng!

Không thể nào quên ngày Đảng bộ huyện Duy Tiên tổ chức lễ tưởng niệm người chiến sỹ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến. Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà Phan Điền và các đồng chí chủ chốt của tỉnh và tất cả cán bộ huyện Duy Tiên, đại diện các xã trong toàn huyện, hơn hai trăm đảng viên, cán bộ xã Yên Bắc về dự.

Tấm chân dung Nguyễn Hữu Tiến, tác giả Quốc kỳ bằng sơn dầu của Văn Cao, tác giả Quốc ca đặt lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Hội trường im phăng phắc. Những tiếng khóc nấc lẫn vào tiếng đọc điếu văn trầm hùng da diết. Cả hội trường òa khóc lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời bà Nguyễn Hữu Tiến và người con gái gần năm chục tuổi lên nhận bằng Tổ quốc ghi công và tiền tử tuất!

Từ phía bàn thờ, cụ bà Nguyễn Hữu Tiến bước đến ôm choàng anh Văn Cao và tôi, nước mắt chan vào tiếng nói: “Nhờ có hai ông tôi được gặp lại ông nhà tôi đã ly biệt hơn bốn chục năm trời”.

Cầm tay cụ bà Nguyễn Hữu Tiến lòng tôi bồi hồi và cảm thấy mình được hưởng hạnh phúc của một người cầm bút

 
(Theo “Hoa râm bụt ” - NXB Thanh niên 2010)

Những tin cũ hơn

Đồng chí Trương Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Vân Đồn

Đồng chí Trương Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Vân Đồn

— 29 Tháng Mười 2021

Chiều 29/10, Huyện ủy Vân Đồn đã tổ chức hội nghị công tác cán bộ để bầu chức danh Bí thư Huyện ủy Vân Đồn nhiệm kỳ 2020 – 2025. 34 đồng chí trong Ban chấp hành đã về dự hội nghị. Đồng chí Tô Văn Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đồng chí Đoàn Mạnh Khôi – Phó Phòng Tổ chức cán bộ Ban tổ chức Tỉnh ủy.

Hiệu trưởng 3 trường mới thành lập của ĐH Bách khoa Hà Nội

Hiệu trưởng 3 trường mới thành lập của ĐH Bách khoa Hà Nội

— 18 Tháng Mười 2021

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố các quyết định bổ nhiệm chức vụ quản lý cho 3 trường trực thuộc mới thành lập.

PT xây trường nuôi dạy 1.000 em nhỏ mồ côi do Covid-19

PT xây trường nuôi dạy 1.000 em nhỏ mồ côi do Covid-19

— 22 Tháng Chín 2021

Chưa đầy 24 giờ từ khi có ý tưởng, ông Trương Gia Bình quyết định FPT mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch Covid-19 đến khi khôn lớn.

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn

— 11 Tháng Chín 2021

TP - Tập thơ “ Tiếng vọng hồn sông núi” của nhà thơ Trương Hòa Bình (*) gồm 84 bài thơ với ba phần chính: Phần 1 “Dặm trường thiên lý”; Phần 2: “Linh thiêng Việt Nam”; Phần 3: “Những ngọn gió đam mê”. Cuối tập thơ là 13 ca khúc được phổ từ thơ của tác giả.

"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành hướng dẫn bài tập thở giúp F0 tận dụng 90% chức năng phổi chưa được khai thác

— 02 Tháng Tám 2021

"Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm…". GS "quần đùi" Trương Nguyện Thành chia sẻ.