Một vạt rau diếp, rau cải, rau thơm, hành lại làm ta rung động. Ta từng rớm nước mắt đi ngược gió trên một triền đê. Se lòng trước một đồng lúa trổ đòng. Sụt sùi với một con trâu gặm cỏ mùa đông. Chết người vì một đụn khói từ rạ rơm đồng bãi.
Áo nâu, quần đũi vẫn là những kỷ vật thiêng liêng của thị giác tuổi thơ. Cây đa bến nước vẫn vắt vẻo trong tâm trí ta, cho ta chỗ bấu víu để ta vẫn còn được sống trong tâm trạng quê nhà.
Trong mãnh liệt hoài niệm thì ăn và ở luôn là xúc tác cho nỗi nhớ về gốc rễ nhân sinh. Cái gì giản dị, cái gì thân thiện, cái gì tiện dụng, cái gì là kỷ niệm thì ta thường chọn nó, đi suốt đời ta.
Góc quê là một kỷ niệm.
Con người đôi khi lại lớn lên từ cỏ rơm, từ xó bếp. Ở đấy có lọ mắm, liễn muối, vại cà. Ở đấy có chum gạo, có củ hành, củ tỏi. Và quan trọng, ở đấy có lửa, có rơm, có trấu. Mù hóng trên những rui mè gác bếp thấp tè có thể là linh hồn tiêu biểu cho nếp ở dân tộc Việt.
Mẹ lui hui ở đấy suốt cả đời mình. Chỉ từ bếp ra giếng, ra vườn và trở lại bậc thềm của ngôi nhà tranh vách đất. Đó là hành trình nhẫn nhục, bền bỉ và dũng cảm nhất của đời mẹ.
Các chị tôi cũng lần lượt “thừa kế” hành trình ấy như một sự vâng lời mẹ, chia sẻ với mẹ. Tôi đã nhiều lần chụp lại hình ảnh bếp quê. Lửa bén trấu và cháy ngậm ngùi âm ỉ. Đẹp như bóng tối như một nhà văn nào nói mới là đẹp. Đẹp nhưng mà buồn.
Buồn là tâm trạng của các vùng quê. Chỉ sợ xi-măng cốt thép “Công nghiệp hoá và hiện đại hoá” cuốn đi cái linh-hồn-buồn của những miền quê yêu dấu ấy. Có thể sẽ phải xót thương vì những khang trang đang liếm nốt cái khoảng hẹp cuối cùng của nỗi nhớ- góc quê của mình!
Cái được dựng lên không phải bằng bản vẽ thiết kế với các hạng mục của tổng dự toán mà bằng cái khoát tay của kinh nghiệm và hồn vía của người quê.
Cả họ kéo đến, mỗi người một tay là thành kiến trúc quê. Chẳng thèm đoái hoài đến các kiến trúc sư đang ba hoa trên sách báo thế nào.
Nhà thơ Nguyễn Duy không biết có thuộc người tiêu biểu trong hơn 80 triệu dân yêu quê không. Nhưng ai cũng biết ngoài quê Thanh Hoá, ông còn có một quê trên lầu 4 giữa thiêu đốt Sài Gòn.
Không hiểu sao tôi cứ nghĩ bài thơ nổi tiếng của ông “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” lại làm ở cái quê thứ hai trên tầng 4. Có thể ở đấy trăng Sài Gòn cứ vằng vặc, cứ trách cứ các building. Có thể ở đấy, chẳng hiểu sao ngoài trăng thanh lại còn gió mát. Và dễ thiu thiu lắm. Thiu thiu thường làm ta nhớ mẹ. Đó là khoảng rung rinh, chập chờn của thần kinh mà có lẽ lúc ấy hình bóng của người mẹ mới kỳ ảo thế, hư thực thế trong những câu điếng người của lục bát Nguyễn Duy.
Người Việt ta thường gần gũi với loại hình kiến trúc “mòi mọi” thuần phác của đồng ruộng. Ông Nguyễn Duy đã sắp đặt một cách lủng củng và đầy hợp lý những rơm, trúm, lờ, gầu dai, gầu sòng, thúng mủng, dần sàng, giỏ cua, rế nồi, chuồng gà, chum vại… thành một góc quê thu nhỏ. Ông gọi đó là quê hương.
Quê hương của ông ngoài vườn có cỏ chỉ, cỏ tre, cỏ mật. Có nước róc rách, có bèo tấm, bèo tây, có gà có vịt (tất nhiên bằng đất nung), có tre có phèo, có cả lược vàng là vị thuốc được đồn đại là thần dược của Quảng Xương- Thanh Hoá.
Quê hương của ông trên mặt bàn có ấm tích chè tươi, ấm sành trà mạn, có võng đung đưa mỗi lúc tàn cuộc buổi trưa.
Ngửa mặt lên quê hương có rui mè, ngói cũ. Nhìn xung quanh quê hương có cột kèo gỗ mít. Lim dim thấy thiên thu và day dứt nhớ quê.
Bản vẽ kiến trúc góc quê của Nguyễn Duy là bản vẽ phi biểu hình dằng dặc 1.200 cây số khắc khoải quê hương từ cái làng Tạnh, xã Đông Vệ, Thanh Hoá và cái đích cuối cùng là đường Lê Văn Sỹ, Sài Gòn.
Cả một khối bê tông lì lợm giữa cái hâm hấp Sài Gòn đội cái thanh tao của làng mạc để nhà thơ tha hồ nhâm nhi những hoài niệm về quê.
Nhấp một ngụm trà mạn ướp nhài, ướp sen hoặc ướp ngâu là thoáng chốc lên đời. Đúng như một nhà kinh tế đã đùa “hàng hoá là hàng nó hoá ta thành đẳng cấp, thành thương hiệu”.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã thành thương hiệu mà còn uống trà ở cái đỉnh cao quê hương ấy thì người ta còn đọc thơ ông còn chán.
Về thôi!
Mọi sự sành điệu, thời thượng rồi cũng thế. Trút bỏ để về với niềm tin vĩnh cửu vào sự giản dị, thân thuộc, cái có trong máu ta, đeo bám trên da thịt ta, sinh nở như tế bào, tuần hoàn và va đập.
“Góc quê” không viết cho các tạp chí kiến trúc, nhà đẹp mà viết cho Tổ Quốc.
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kien-Truc-Viet/Goc-Que.html
Ngày nay, Khoa học công nghệ phát triển đa dạng, phong phú và nhanh chóng đi vào cuộc sống đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Trong nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá, hội nhập kinh tế ngày càng phát triển thì vấn đề văn hoá, tộc người và quốc gia dân tộc… đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nhận thức đúng đắn, và đây là một trong những vấn đề luôn mang tính nhạy cảm.
Đến cuối năm 2009, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, Axan, Ch’um, Gary...Như vậy tất cả 70 làng người dân tộc Cơtu trong toàn huyện đã có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng bản địa) trên nền các hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl truyền thống với kinh phí khoảng 150 triệu đồng...Đây là một tin báo chí thuộc loại khá hay trong lĩnh vực văn hóa và nhờ đó, “điểm đến” Tây Giang cũng như những ngôi làng heo hút của huyện này sẽ được nhiều người biết đến. Đây cũng còn là một ví dụ sinh động của “toàn cầu hóa” mà nhà báo Mỹ Thomas Friedman đã viết trong tác phẩm nổi tiếng “Chiếc Lexus và cây Ô-liu” cách đây không lâu!
Làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) có không ít những câu chuyện về những người đã âm thầm bảo vệ hương án thờ ông bà tổ tiên, giữ cho đến chết những bảng phả hệ, những sắc phong của dòng tộc giữa binh biến và ly tán. Có người đã ngã xuống để giữ gìn đến cùng những vật gia bảo ấy. Cháu con các tộc họ nhìn những tấm gương đó mà không ngừng phấn đấu quên mình để làm rạng rỡ gia phong, làng xóm.
Dân gian ta có câu: “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy” để nói lên tập quán cùng sự hệ trọng của từng cái rằm.
Làng tôi có một nghề nổi tiếng: nghề chẻ tre đan cót. Mỗi năm theo ước tính của nhiều người cũng đã có đến cả vài triệu mét cót và đủ loại vật dụng đan từ nan tre bán ra thị trường. Đó là nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh việc làm ruộng.Vài năm trở lại đây, nghề đan tre suy vi hẳn, cả làng như mất đi sinh khí...