Từ năm 1983 đến nay, ngôi mộ của cụ Nguyễn Đức Cần (Trương Cần) vị lương y lừng danh một thời ở Hà Nội luôn có người lui đến thắp hương, mỗi dịp cuối tuần có tới hàng chục người, có khi cả trăm người, từ mọi nơi đến thăm viếng, ngồi thiền tại đây.
Ngôi mộ lạ có chỉ số địa từ trường cao
Tiết thanh minh, trời sáng, nắng ửng hồng. Ngày cuối tuần đẹp trời, tôi tìm về ngôi mộ nằm giữa cánh đồng làng Thanh Mai. Sáng sớm, chút se lạnh còn vương vấn những giọt sương đọng trên lá lúa non nhưng nhiều người đã có mặt. Trước khi ngồi thiền, họ đã làm đầy đủ thủ tục thắp hương xin phép người nằm dưới mộ.
Khoảng 10h, nắng lấp ló trên những tán lá cau thì dòng người đã về đây khoảng gần trăm người. Họ ngồi trật tự, xếp bằng, hai tay để trên gối, lưng thẳng, mắt khép hờ, tư thế thiền định như những người theo Phật. Họ ngồi tĩnh tâm như vậy hàng giờ trong không khí tĩnh lặng. Không cần người hướng dẫn, tất cả rất tự giác ai đến trước ngồi trước, đến sau tìm chỗ ngồi sau, tất cả hướng về phía ngôi mộ với sự thành kính đến lạ lùng.
Nhìn qua, đây chỉ là một ngôi mộ bình thường, người mất được cất mộ từ năm 1983 với tên huý trên văn bia là cụ Nguyễn Đức Cần (Trưởng Cần). Trong số những người ngồi thiền quanh ngôi mộ, không ít người coi người đã mất như ân nhân.
Ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần
Chị Hoàng Hải Vân là người kết thúc buổi thiền sớm vui vẻ chia sẻ với tôi: "Cuối tuần, thu xếp được công việc mình lại đến đây thắp hương, ngồi thiền để được hấp thụ năng lượng. Mỗi khi đi như vậy, mình cảm thấy người khoẻ hơn, thư thái hơn mệt mỏi sau một tuần làm việc tiêu tán hết. Kỳ lạ lắm. Mình đã xuống đây nhiều lần, cuối tuần nào các bà, các bác, các cô chú... đều về đây đông như hội".
Theo chị Vân cho biết, cụ Cần là người chữa bệnh bằng phương pháp lạ. Nhiều người đã nhờ cụ mà khỏi những bệnh nan y. Đa phần những người đến đây là những bệnh nhân trước đây của cụ. Họ đến để dưỡng bệnh nhờ năng lượng phát ra từ mộ của cụ.
Còn anh Đỗ Văn Nhân (phố Sơn Tây, Hà Nội) là người đã được cụ Trưởng Cần cứu sống. Hồi nhỏ, anh bị vỡ ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng sâu tưởng không thể qua khỏi nhưng mẹ anh đã tìm đến cụ Trưởng Cần và anh được cứu sống như một phép lạ.
Đến bây giờ, bằng một lòng biết ơn người đã tái sinh mình, có thời gian anh lại cùng mẹ già đến thắp hương nhớ cụ. Anh nói: "Đến bây giờ tôi vẫn thiền để hấp thu địa năng. Khi ngồi thiền mở hết luân sa mình sẽ thu nhận được nguồn năng lượng lớn rất tốt cho sức khoẻ".
Cả những người già như cụ Thân hơn 80 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) cứ một tháng đôi lần lại cùng con dâu đến mộ cụ thắp hương, ngồi thiền. Cụ nói: "Thấy mạnh khoẻ hơn mỗi khi được đến ngồi trước mộ cụ Trưởng Cần"... Và có rất nhiều người đã đến đây thiền mong nhận điều kỳ diệu cho sức khỏe.
Chỉ số địa từ trường cao có tác dụng tốt với sức khoẻ?
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Sinh là người hương khói, chăm lo cho ngôi mộ giữa cánh đồng làng Thanh Mai. Bà Sinh là con gái thứ ba của cụ Cần. Bà Sinh cho biết: "Khi còn sống, ông cụ thân sinh của tôi chữa khỏi bệnh nan y cho nhiều người. Họ đến đây để nhớ đến cụ. Còn chuyện năng lượng từ nơi này phát ra là tôi và mọi người đều thấy các nhà khoa học nghiên cứu mà nói vậy".
Toàn bộ khuôn viên ngôi mộ nhìn từ phía ngoài.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về cảm xạ học (năng lượng địa sinh học) đo đếm và đưa ra kết luận khá đặc biệt: Cụ Nguyễn Đức Cần đã mất gần 30 năm, nhưng khu vực này, được một số nhà cảm xạ học đo đạc cho thấy chỉ số năng lượng địa sinh rất cao, chỉ số bovis lên tới 16.000 đơn vị. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chỉ số năng lượng này người thường hấp thụ được sẽ có khả năng cải thiện sức khoẻ. Bởi sức khoẻ của mỗi người liên quan trực tiếp đến năng lượng địa sinh.
Theo nhà nghiên cứu Dư Quang Châu (bộ môn cảm xạ học, ĐH Hồng Bàng), ngày nay con người càng quan tâm đến sức khoẻ và nơi ở. Đó là cơ sở của khoa học địa sinh học hình thành. Thực tế, chúng ta ghi nhận đa số những người mắc bệnh hiểm nghèo đều có những điểm giống nhau: Đó là nơi họ ngủ phần nhiều là những điểm có chỉ số địa từ trường xấu chỉ số bovis dưới 3.000.
Chỉ cần thay đổi chỗ ngủ hoặc chuyển đi nơi khác có chỉ số địa từ trường tốt chỉ số bovis trên 6.500 thì bệnh giảm rõ rệt. Chính vì lẽ đó, với chỉ số bovis đo được ở khu vực mộ cụ Nguyễn Đức Cần là 16.000 đơn vị được công bố đã khiến nhiều người bệnh (chỉ số địa sinh học thấp), và ngay cả với người có sức khoẻ bình thường vẫn mong được đến mộ cụ Cần ngồi thiền để ... hấp thụ năng lượng.
Nhìn nhận về năng lượng địa sinh học, ông Châu cũng khẳng định: “Một sự tiếp cận mới gần đây khuyến cáo ta cần phải quan tâm đến việc mỗi người đều có liên quan mật thiết đến nơi ở của mình. Và phải làm thế nào để có thể thuần hoá các địa điểm trên đang bị chi phối bởi những sức mạnh hiện diện một cách vô hình: Các trường hay bức xạ khác nhau, năng lượng, khí hậu sinh học, thuỷ thổ".
Nhiều nhà nghiên cứu cảm xạ học đều cho rằng, con người là một tổng thể, sống trong môi trường phức tạp mà chỉ cần một sự mất cân đối nhỏ từ bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể phát sinh bệnh tật. Sóng địa từ trường hiện diện khắp nơi trong vũ trụ và nó có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ chúng ta. Năng lượng cảm xạ địa sinh học sẽ mang lại cho chúng ta một sự hòa hợp tốt đẹp giữa con người với môi trường xung quanh.
Bác sĩ Kim Loan, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Quốc tế Việt - Pháp cho biết: Chúng tôi được biết đến phương pháp tác động bằng năng lượng địa sinh học. Đây là một phương pháp khá lạ nhưng không mới. Người ta gọi chữa bệnh bằng cách này là Y học bổ sung.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã đưa y học bổ sung vào hỗ trợ cho y học tiên tiến chính thống. Bởi trên thực tế, có nhiều căn bệnh lạ, thuộc tâm bệnh thì y học hiện đại không thể chẩn đoán được bệnh và không thể chữa được.
Chính vì thế việc hấp thụ năng lượng địa sinh ở một môi trường tốt sẽ có tác dụng với sức khoẻ của người bệnh nói riêng và mọi người nói chung. Nhiều người sau khi ra khỏi phố thị chật chội, ồn ào, đến với một vùng quê thanh bình, không khí trong lành sẽ thấy khoẻ hơn. Điều này sẽ tốt cho sức khoẻ của mọi người.
Từ những lý thuyết và thực tế như vậy, khiến ngôi mộ cụ Cần, nơi được coi có trường năng lượng cao đã được các nhà nghiên cứu quan tâm theo dõi. Bà Sinh cho biết: "Nói trường năng lượng từ mộ cụ phát ra, tôi cũng chỉ nghe người ta nói vậy. Còn với những người biết tiếng mà đến viếng thăm nơi cụ yên nghỉ thì gia đình cũng trân trọng lắm".
Tôi đem thắc mắc về việc người dân thập phương vẫn về ngồi thiền ở ngôi mộ của cụ Trưởng Cần đến chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch xã Thanh Mai cho biết: "Tôi không biết chuyện năng lượng phát ra từ ngôi mộ ấy có đúng hay không, chỉ biết rằng, ngày càng có nhiều người đến thăm viếng, ngồi thiền quanh khu mộ ấy. Họ đến với một lòng thiện tâm, không có gì gọi là truyền bá mê tín dị đoan, không gây ảnh hưởng gì cho an ninh của địa phương nên chúng tôi cũng không có ý kiến gì".
Nhiều người biết Trương Quý Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, nhưng ít người biết đến những ca khúc đầu tiên của anh cũng “hot” không kém.
Từ khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hát ca trù nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân lẫn các cơ quan quản lý văn hóa. Điều đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật quý của cha ông để lại, khích lệ cộng đồng cùng chung sức gìn giữ di sản. Đối với Hà Nội, việc giữ gìn di sản càng trở nên quan trọng, bởi mảnh đất này chính là nơi tỏa sáng của ca trù.
“Hoành tráng, ấn tượng và mang đậm bản sắc dân tộc” đó là những gì người xem cảm nhận được khi theo dõi đêm khai mạc và các hoạt động của Ngày hội văn hoá các dân tộc tại sân khấu nổi của “ngôi nhà chung” ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội ngày 19.4.
Xây dựng và đưa các thiết chế văn hóa đến với các cộng đồng dân cư đang là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Tại thôn Hiền Lương- xã Bình Giang, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), với mô hình xây dựng dòng họ văn hóa của tộc Nguyễn Đình gắn với xây dựng thôn văn hóa, xã văn hóa đang từng bước khẳng định, đây là mô hình có hiệu quả, có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và đưa các thiết chế văn hóa đến cơ sở.
(HTVN) O Huyền, tôi thường gọi NSUT Trương Thương Huyền với cái từ thân quen của những người miền trung gọi người chị, người bạn. Tôi quen O Huyền qua những người chị người anh đồng hương Quảng Trị. Cách O nói chuyện với bạn thật thân thương, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, dịu êm mà có lửa.