BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CA TRÙ

23:58 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1738
 
Những ca nương giành giải Vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014. (ảnh: vnanet.vn)
Nguy cơ mai một cao
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: dù những năm qua, ca trù được quan tâm hơn nhưng ca trù hiện nay vẫn có nguy cơ mai một cao. Các nghệ nhân giỏi nghề đàn hát còn lại rất ít, trong khi tuổi đã cao, một số sức khỏe quá yếu. Hơn nữa, ca trù đang phải đối đầu với nền âm nhạc hiện đại, văn hóa du nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, nghệ thuật này ít người hiểu, ít người nghe và ít người thích như một số loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Thực tế hiện nay, các câu lạc bộ ca trù đều thành lập theo hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí hoạt động. Do nhu cầu cuộc sống, một số thành viên các câu lạc bộ ca trù phải bỏ nghề chuyển sang nghề khác, một số phải kết hợp biểu diễn ca nhạc nhẹ, hát quan họ để lấy kinh phí duy trì hát ca trù. Ví dụ, giáo phường ca trù Lỗ Khê có lúc lên tới 80 hội viên nhưng nay chỉ còn hơn 50 hội viên. Câu lạc bộ ca trù Thăng Long trước năm 2010 có 20 thành viên nay chỉ khoảng 14 người.
Qua điều tra thực tế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, do điều kiện kinh tế không cho phép, nhu cầu xã hội giảm sút dẫn đến tình trạng một số câu lạc bộ đã không còn hoạt động hoặc đã sáp nhập, đổi tên. Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Hương Sắc đã ngừng hoạt động từ năm 2009. Nhóm ca trù Tràng An của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức sau vài lần tách, cuối cùng đã dừng hoạt động năm 2010. Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức hiện nay chỉ truyền dạy nội bộ gia đình. Nếu năm 2009, Hà Nội có tổng số 15 câu lạc bộ ca trù thì năm 2013, Hà Nội chỉ còn 11 câu lạc bộ ca trù với 183 người thực hành di sản, năm 2014 là 12 câu lạc bộ với 187 người thực hành di sản.
Hiện nay, các trường chính thống đào tạo về nghệ thuật, âm nhạc không dạy bộ môn này. Việc đào tạo chỉ do các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề cho lớp trẻ bằng tâm huyết, khả năng của mình. Nếu có kinh phí hỗ trợ từ địa phương thì cũng chưa nhiều. Cụ Nguyễn Đức Luống, Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ (huyện Chương Mỹ) cho biết, mặc dù những năm qua hoạt động trong điều kiện thiếu đủ bề nhưng mọi người trong câu lạc bộ vẫn tham gia nhiệt tình. Có nghệ nhân trong câu lạc bộ thuộc tới 20 điệu ca trù cổ xưa. Bản thân cụ đã tham gia đào tạo được 3 thế hệ hát ca trù: Thế hệ dưới 60 tuổi, thế hệ từ 20 - 30 tuổi và thế hệ dưới 20 tuổi. Nhưng để việc đào tạo các nghệ nhân, kép đàn được tốt, các câu lạc bộ rất cần Phòng Văn hóa huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố giúp đỡ mở lớp đào tạo.
Nuôi dưỡng và phát huy nghệ thuật ca trù
Mặc dù chưa phải là cái nôi của nghệ thuật ca trù nhưng Hà Nội chính là nơi ca trù phát triển mạnh, đạt mức thăng hoa. Hà Nội cũng là nơi đi đầu trong công tác bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật đáng quý này khi nó đang bị quên lãng và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hóa cộng đồng của Việt Nam. Những năm qua, ngoài những nỗ lực của chính các câu lạc bộ, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã có những bước đi ban đầu trong việc nâng đỡ loại hình nghệ thuật này.
Phòng Văn hóa một số huyện như Đông Anh, Phú Xuyên tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân, động viên người dân cho con em tham gia vào hoạt động ca trù, huy động mọi nguồn lực kinh phí cho phát triển hát ca trù. Theo đó, các quận, huyện thực hiện kiểm kê, hệ thống hóa các tư liệu hát ca trù; nghiên cứu, xuất bản sách, ấn phẩm về ca trù; phục hồi và truyền dạy hát ca trù. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng tổ chức các liên hoan ca trù để kiểm kê di sản, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ ca trù giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Theo đó, Sở cũng phục hồi một số di tích liên quan đến hát ca trù.
Theo ông Chu Chí Cang, Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức): Hà Nội tập trung rất nhiều câu lạc bộ ca trù và so với các địa phương cả nước thì hoạt động hiệu quả hơn. Tuy vậy, so với yêu cầu chung, ca trù phải được quan tâm nhiều hơn nữa nhưng nuôi như thế nào thì các cơ quan quản lý văn hóa cần phải tính.
Từ tình hình hoạt động thực tế hát ca trù kể từ khi được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xác định bảo tồn hát ca trù là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, trước mắt, Sở sẽ hỗ trợ địa điểm biểu diễn cho các câu lạc bộ, tăng cường quảng bá hát ca trù kết hợp các hoạt động du lịch, lễ hội. Sở cũng đang tiến hành lập đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù với mục tiêu đưa hát ca trù khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và đưa vào danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Đồng thời, Sở cũng đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân hàng năm; hỗ trợ kinh phí hoạt động trình diễn và truyền hát ca trù từ nguồn ngân sách nghiệp vụ…
Và như vậy, không chỉ người thực hành di sản ca trù, ngay cả người dân cũng kỳ vọng không bao lâu di sản ca trù trở lại đúng giá trị và vị trí của nó trong đời sống văn hóa tinh thần nhân dân.

Theo Đinh Thị Thuận (Báo Điện tử Quốc phòng)

Những tin cũ hơn

Liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam: Hội tụ và tỏa sáng ấn tượng

Liên hoan văn hoá các dân tộc Việt Nam: Hội tụ và tỏa sáng ấn tượng

— 25 Tháng Năm 2017

“Hoành tráng, ấn tượng và mang đậm bản sắc dân tộc” đó là những gì người xem cảm nhận được khi theo dõi đêm khai mạc và các hoạt động của Ngày hội văn hoá các dân tộc tại sân khấu nổi của “ngôi nhà chung” ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội ngày 19.4.

Quảng Nam: Xây dựng tộc họ văn hóa ở một gia tộc- điển hình của việc đưa các thiết chế văn hóa ở cơ sở đi vào cuộc sống

Quảng Nam: Xây dựng tộc họ văn hóa ở một gia tộc- điển hình của việc đưa các thiết chế văn hóa ở cơ sở đi vào cuộc sống

— 25 Tháng Năm 2017

Xây dựng và đưa các thiết chế văn hóa đến với các cộng đồng dân cư đang là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Tại thôn Hiền Lương- xã Bình Giang, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), với mô hình xây dựng dòng họ văn hóa của tộc Nguyễn Đình gắn với xây dựng thôn văn hóa, xã văn hóa đang từng bước khẳng định, đây là mô hình có hiệu quả, có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và đưa các thiết chế văn hóa đến cơ sở.

NGHỆ SĨ ƯU TÚ TRƯƠNG THƯƠNG HUYỀN

NGHỆ SĨ ƯU TÚ TRƯƠNG THƯƠNG HUYỀN

— 25 Tháng Năm 2017

(HTVN) O Huyền, tôi thường gọi NSUT Trương Thương Huyền với cái từ thân quen của những người miền trung gọi người chị, người bạn. Tôi quen O Huyền qua những người chị người anh đồng hương Quảng Trị. Cách O nói chuyện với bạn thật thân thương, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, dịu êm mà có lửa.

Thủy thủ tàu biển đoạt giải nhất 'Văn học tuổi 20'

Thủy thủ tàu biển đoạt giải nhất 'Văn học tuổi 20'

— 25 Tháng Năm 2017

Vượt qua gần 200 bản thảo tham dự cuộc vận động sáng tác dành cho người yêu viết lách, chàng kỹ sư điện 34 tuổi, làm việc trên tàu viễn dương, đoạt giải cao nhất với tiểu thuyết mang tên 'Biển'.

NHÀ VĂN TRẺ TRƯƠNG ANH QUỐC - ĐAU XÓT KHI NGHĨ VỀ BIỂN ĐÔNG

NHÀ VĂN TRẺ TRƯƠNG ANH QUỐC - ĐAU XÓT KHI NGHĨ VỀ BIỂN ĐÔNG

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Anh Quốc sinh năm 1976 tại Quảng Nam, từng đoạt giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3 (2005) và giải nhất cuộc thi này lần 4 (2010). Anh đã xuất bản các tập sách: Biển, Sóng biển rì rào, Lũ đầu mùa... và có nhiều tác phẩm đăng báo, tạp chí. Là kỹ sư tàu biển, anh không giấu cảm xúc đau xót trước sự kiện thời sự diễn ra trên biển Đông.