Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy - Đam mê gìn giữ giá trị văn hóa của tiền nhân

21:49 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2151

Xin giới thiệu một bài viết về anh vừa được đăng báo của một đồng nghiệp trẻ tại Đà Nẵng...

Trương Điện Thắng


(Cadn.com.vn) - Ban đầu tôi biết nhà nghiên cứu Trương Duy Hy với cái tên “Thy Hảo” in trên bìa sách “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, 1993), mà nhà thơ Tường Linh (quê Trung Phước) viết trên Báo Sài Gòn Giải phóng cùng năm ấy, khi ông vào TP Hồ Chí Minh giới thiệu nhà thơ trào phúng Tú Quỳ Giảng Hòa tại 4 câu lạc bộ nội thành và nhà khách Bến Nghé. Tường Linh biết rõ nguồn gốc cái tên “Thy Hảo” ấy và cho rằng nó có ý nghĩa như là dấu ấn chuỗi thời gian dài bất hạnh của ông. Cũng vì vậy ông đã lấy bút danh: Thy Hảo Trương Duy Hy. “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” là sáng tác đầu tay của ông sau năm 1975, thuộc lĩnh vực nghiên cứu nhân vật lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng - quê hương của ông. Tác phẩm này, năm 2008, NXB Văn hóa Thông tin tái bản dưới tiêu đề: “Thơ ca Tú Quỳ”.

Năm 1995, ông cùng bạn nghiên cứu Phạm Ngô Minh cho ra đời tác phẩm “Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601 - 1919” do NXB Đà Nẵng ấn hành (NXB Văn nghệ tái bản năm 2007). Nội dung kể lại đầy đủ cách học, cách thi cử, sách vở học trò phải học, phải tham khảo để có đủ kiến thức dự thi; những quyền lợi sĩ tử được hưởng ngay khi đỗ đạt; những quy chế nghiêm khắc tại trường thi đối với giám khảo và sĩ tử...

Năm 2004, ông xuất bản tác phẩm “Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời Nho học” do NXB Văn học ấn hành. Sách này được Viện  Đại học Harvard - Yeng Ching (Hoa Kỳ) cùng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) thực hiện dưới tên sách “Thư mục Hán Nôm” (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2007). Nội dung sách ông ghi lại những danh xưng do bà con Quảng Nam - Đà Nẵng đặt ra nhằm khích lệ con cháu tuy nghèo nhưng học giỏi, đỗ cao trong các kỳ thi hương, hội, đình tại kinh đô Huế từ khoa 1813-1919, đạt được những học vị: Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân... Cụ thể như: “Ngũ Phụng Tề Phi” gồm các cụ: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Lý (tức Ngô Truân), Dương Hiển Tiến. “Tứ Hùng” gồm: Phan Châu Trinh, Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. “Tứ Kiệt” gồm: Nguyễn Đình Hiến, VõVỹ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh.  “Tứ Hổ” gồm: Phạm Như Xương, Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp. “Tứ Tuyệt” gồm: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.

Cùng trong năm này ông in cuốn “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa – Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ và xuất bản” do NXB Văn học ấn hành (NXB Đà Nẵng tái bản, 2010). Hôm 1-5 vừa qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho phép tổ chức buổi giới thiệu, trao đổi nội dung những tác phẩm của Nữ sĩ Bảo Hòa. Buổi trao đổi này có nhiều ý kiến đóng góp của những nhà nghiên cứu địa phương, đem lại thành công tốt đẹp.

Cách đây không lâu, cậu tôi từ miền Nam về thăm quê, nhân đấy cậu nhờ tôi chở tới thăm ông Trương Duy Hy - bạn cùng học tại trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng từ những năm đầu tiên của trường (1952-1954). Hiện nay ông đang sống cùng con trai cả ở nhà số 15 - Đống Đa – Đà Nẵng.

Thực tình tôi không ngờ, cậu tôi thân với ông đến thế! Ngay khi bước vào nhà, vừa nhìn nhau là cả hai bạn già tuổi đã bát tuần vội vã tiến đến ôm chầm lấy nhau. Sau đó ông kéo tay cậu tôi, mời ngồi vào sa lông cạnh bàn làm việc của ông. Nhân cuộc tiếp xúc này tôi mới biết thêm về ông để có những điều tôi vừa kể trên. Trong lúc nói chuyện, ông tâm sự khá nhiều việc ông đã làm từ ngày Đà Nẵng giải phóng đến nay. Bỗng ông bước đến tủ sách rút ra một tập sách nhỏ, nhan đề “Lược sử làng Minh Hương tại Hội An” trao cho cậu tôi. Ông giải thích một cách thích thú: “Mình là người được sinh trưởng tại làng này, nên phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị của tiền nhân để lại, nhất là khi UNESCO đã công nhận những công trình kiến trúc của tổ tiên làng mình là Di sản Văn hóa vật thể đặc biệt của thế giới! Tài liệu thì nhiều nhưng theo yêu cầu của làng, mình phải tóm lược từng đó trang viết là những trang mình rất tâm đắc...". Điều đặc biệt là, hầu như khi nói chuyện, ông luôn biểu hiện trên nét mặt niềm kính trọng ông bà, kính trọng tổ tiên Quảng Nam - Đà Nẵng một cách chân thành, nhất là lúc ông cho cậu cháu tôi xem một số tác phẩm chưa in trong đó có cuốn đồ sộ nhất khoảng 2.000 trang viết về 87 tác giả, tác phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1858-1945 (có giấy phép nhưng chưa có kinh phí in).

Tôi may mắn được dự cuộc nói chuyện hôm ấy của hai người bạn già và buổi giới thiệu cuốn “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa – Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ và xuất bản” của ông ở Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng, điều đó đã giúp tôi biết thêm về ông – một con người đam mê gìn giữ và phục hồi truyền thống cao đẹp của tiền nhân quê hương. Theo lời phát biểu của Giáo sư Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam), ở buổi trao đổi ấy, thì ông Hy  được giáo sư mời nói chuyện Văn học Quảng Nam tại Viện Văn học Việt Nam hồi tháng 9-1993 và thành công với đề tài nhà thơ trào phúng “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam”. Điều này khiến tôi rất thú vị bởi xưa rày tôi chưa từng nghe người Quảng Nam - Đà Nẵng ra Thăng Long, nơi ngàn năm văn vật, nơi sinh hoạt của sĩ phu Bắc Hà nói chuyện văn học bao giờ.

Chỉ hai việc Tú Quỳ nhà thơ trào phúng Quảng Nam và Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa mà ông phát hiện, sưu tầm (Tú Quỳ) hoặc do nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Lại Nguyên Ân phát hiện và ông sưu tầm (Nữ sĩ Bảo Hòa) để rồi ông tập hợp thành hai tác phẩm, có đến 5 từ điển văn học, một sách kỷ lục Việt Nam trân trọng ghi tên Tú Quỳ và Huỳnh Thị Bảo Hòa, bằng văn bản tóm lược các tác phẩm của các vị này, tưởng cũng thừa yếu tố chính đáng, khẳng định: “Thi Hảo Trương Duy Hy - Một hiện tượng đặc thù trong giới nghiên cứu nhân vật lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng” vậy.

Kim Đình (theo CADN)

Những tin cũ hơn

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

— 21 Tháng Năm 2017

Là con út trong gia đình có 3 anh em, Linh đã có sự say mê sáng tạo từ nhỏ. Được xem trên ti vi cảnh các anh chị sinh viên thi Rôbocon, em đã nung nấu niềm mơ ước của mình là một ngày sẽ được như vậy; từ đó, bắt đầu tìm kiếm, mày mò và sáng tạo ra những “rô bốt” cho riêng mình.

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

— 21 Tháng Năm 2017

Đại úy Trương Văn An, Trưởng Ban cán bộ, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin yêu với mọi người xung quanh.

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

— 21 Tháng Năm 2017

Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011 đã kết thúc tốt đẹp với đêm chung kết xếp hạng được diễn ra tối 30/4. Phát thanh viên (PTV) Trương Thu Hiền đến từ Đài PTTH Hà Tĩnh đã xuất sắc vượt qua 7 thí sinh cùng lọt vào chung kết để giành giải nhất của cuộc thi.

Trương Trọng Thi - Cha đẻ của máy vi tính

Trương Trọng Thi - Cha đẻ của máy vi tính

— 21 Tháng Năm 2017

André Trương Trọng Thi (1936-2005) là một kỹ sư Pháp gốc Việt. Ông được xem là "cha đẻ của máy vi tính" vì đã tạo ra Micral, máy tính cá nhân không phải công cụ và được thương mại hóa đầu tiên.

Trương Vĩnh Ký - Nhà Bác học thiên tài

Trương Vĩnh Ký - Nhà Bác học thiên tài

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Vĩnh Ký (6/12/1837 - 1/9/1898) khi mới sinh có tên là Trương Chánh Ký, tự Sĩ Tải, theo đạo Công giáo nên có tên thánh: Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà ngôn ngữ học và là nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.