Nguyễn Thị Định vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

00:25 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3337

 Nguyễn Thị Định
vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

 
Tác giả: Công Lý

      Đầu xuân Đinh Dậu 2017, Hội đồng họ Trương Việt Nam có chuyến du xuân tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ trong đó có Bến Tre. Nói đến Bến Tre mỗi người dân Việt Nam ai ai cũng biết và tự hào về phong trào Đồng Khởi lịch sử giai đoạn 1959-1960 đã làm nên trang sử vàng chói chang của dân tộc. Đây cũng là nơi đã sinh ra vị nữ tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam – Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nữ tướng còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà ba Định”, bí danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất và Ba Hận.
Đoàn xe chúng tôi vượt qua cầu Rạch Miễu về trung tâm của “quê hương Đồng Khởi” Bến Tre, tìm đến để dâng nén hương tâm thành tại “Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định”. Khu lưu niệm tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng, ngay mặt đường lộ thuộc ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
      Qua khỏi tam quan với mái ngói đỏ hình thuyền, đuôi phượng, đoàn chúng tôi gặp nhà bia. Nhà bia của khu lưu niệm được xây dựng theo kiến trúc cổ lâu tứ trụ, mái đội hai tầng, ngói miểng vảy cá màu gạch tôm. Trong Nhà bia, nổi bật giữa trung tâm là khối đá hoa cương được tạc thành hình con rùa đội một tấm bia, bia ký viết bằng chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế, tiểu sử, sự nghiệp của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đoàn chúng tôi rời nhà bia, đi băng qua một khoảng sân rộng phía trước là chánh điện đền thờ.
      Ở giữa chánh điện là bức tượng đồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định cao gần 2 mét, nặng hơn 1 tấn, đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương. Tượng nữ tướng với trang phục quen thuộc của người dân Nam Bộ với áo bà ba, khăn rằn và khuôn mặt nhân ái, phúc hậu. Trong phòng triển lãm, ở giữa là ảnh bán thân lớn của nữ tướng, với lễ phục, phù hiệu, huân huy chương, quân hàm cấp tướng; phía sau là nền phông vải đỏ, phía dưới là tám chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đoàn chúng tôi đi thăm quan bên trong khu lưu niệm, trước mắt chúng tôi là những đồ vật rất quen thuộc thuở sinh thời của bà như áo trận, khăn rằn, mũ tai bèo, giày, dép, đài ra-đi-ô, xe gắn máy được lưu niệm trang trọng ở tủ kính.
      Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là con út trong gia đình có 10 anh em. Xuất thân trong gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, cha là ông Nguyễn Văn Tiên, mẹ là bà Trương Thị Tình. Bà là con út trong gia đình có 10 anh em.

      Năm 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Khi vừa tròn 18 tuổi (1938), bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Bích – Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Không bao lâu sau, ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận tin chồng hy sinh, nén lại đau thương, bà gởi lại con nhỏ nhờ mẹ chăm sóc, thoát ly theo cách mạng.

      Năm 1940, bà bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, Phước Long (tỉnh Bình Phước ngày nay). Trong tù bà vẫn kiên trung với cách mạng và tiếp tục hoạt động. Năm 1943, bà ra tù trở về Bến Tre, tham gia giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Sau đó, bà được Tỉnh ủy cử ra Bắc bằng đường biển để báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Tên tuổi của bà gắn liền với “đường Hồ Chí Minh trên biển” từ ấy.

      Trong thời kỳ Mỹ-Diệm cai trị miền Nam với luật 10/59 đẫm máu, địch truy tìm quyết liệt, cố bắt cho được bà. Nhưng bà luôn được an toàn trong sự đùm bọc, che giấu của những gia đình cơ sở cách mạng, của quần chúng nhân dân. Ngày 17-01-1960, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, quân và dân xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre đã nổi dậy, nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi. Cuộc nổi dậy sau đó đã lan rộng ra khắp miền Nam. Giữa năm 1961, bà về công tác ở Bộ Tư lệnh Miền cho đến cuối năm 1964, phụ trách Bí thư Đảng–Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ. Năm 1965, bà đảm nhiệm vai trò Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đến năm 1975. Từ năm 1975 trở về sau bà giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhất là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

      Ngày 28 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày giỗ bà Nguyễn Thị Định, đến ngày này nhân dân và nhiều đoàn khách khắp mọi miền đất nước và ngoài nước về dâng hương tưởng niệm vị Nữ tướng anh hùng của dân tộc.
Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những tin cũ hơn

VỀ QUÊ HƯƠNG MẸ SUỐT DỰ HỘI NGHỊ DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG

VỀ QUÊ HƯƠNG MẸ SUỐT DỰ HỘI NGHỊ DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG

— 26 Tháng Năm 2017

Nhận lời mời của Chủ tịch Trương Quang Phúc và Câu lạc bộ Doanh nghiệp họ Trương tỉnh Quảng Bình, ngày 22/4/2017 tôi trở lại quê hương mẹ Suốt sau nhiều năm xa cách. Đất trời như chiều lòng người, ngày 21 trời nắng gay gắt, nhiệt độ trên 32 độ, vậy mà sáng ngày 22 không khí đã trở nên dịu mát, nắng nhẹ, nhiệt độ 22 đến 24 độ, có lẽ mẹ Suốt đã thương tình, mang cái nắng “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” về nơi núi thẳm, cho những đứa con xa đỡ phần vất vả.

Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 5: 'Bóng hồng' lặng lẽ sau Nguyễn An Ninh

Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 5: 'Bóng hồng' lặng lẽ sau Nguyễn An Ninh

— 26 Tháng Năm 2017

Bà Trương Thị Sáu năm 1927 và con trai đầu Nguyễn An Định - Ảnh: Trầm Hương chụp lại từ tư liệu gia đình Vâng, chắc hẳn phải có một tình yêu vĩ đại nên người phụ nữ ấy mới dám vượt lên 'cái tôi' kiêu hãnh để cùng ông đi suốt cuộc đời

Nhà cách mạng Trương Văn Bang: Người con của mảnh đất Long An trung dũng

Nhà cách mạng Trương Văn Bang: Người con của mảnh đất Long An trung dũng

— 26 Tháng Năm 2017

Gia đình ông Trương Văn Bang trước Cách mạng Tháng Tám có nhiều người bị giặc sát hại, bản thân ông trải qua nhiều sóng gió, tù đày, nhưng luôn là gia đình mẫu mực, giàu truyền thống đấu tranh yêu nước.

Họp Thường trực ban Trang mạng Hội đồng họ Trương Việt Nam

Họp Thường trực ban Trang mạng Hội đồng họ Trương Việt Nam

— 26 Tháng Năm 2017

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Hội đồng họ Trương Việt Nam nhằm nhanh chóng đưa hoạt động Trang thông tin điện tử họ Trương Việt Nam vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu đưa tin, bài về các hoạt động của dòng họ chính xác, đầy đủ, kịp thời, nhanh, dễ dàng truy cấp nhất có thể, sáng ngày 19/4/2017 tại Văn phòng họ Trương Việt Nam đã diễn ra cuộc họp bàn về nội dung quan trọng này.

HỘI NGHỊ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI NGHỊ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRƯƠNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

— 26 Tháng Năm 2017

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 – 2019. Được sự đồng ý của Hội đồng họ Trương Việt Nam, ngày 15/4/2017, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Trống Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội, những người bà con tộc họ Trương Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thành lập Hội đồng lâm thời họ Trương thành phố Hà Nội, nhằm tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu họ Trương thành phố Hà Nội lần thứ nhất.