Bằng tài năng, trí tuệ của mình và từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, Người coi báo chí là vũ khí sắc bén, sử dụng báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với hàng nghìn bài báo, hàng chục bút danh đề cập các vấn đề rộng lớn của thế giới và cách mạng Việt Nam, Người đã đưa ra nhiều quan điểm cơ bản và những suy nghĩ sâu sắc về hoạt động báo chí.
Theo giáo sư, tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, Bác có gần 200 bút danh. Bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, các quan điểm về chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Vì thế, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo “phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định”. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Theo Người, báo chí phản ánh đời sống nhân dân, phản ánh sự nghiệp cách mạng của dân tộc vì vậy, không lúc nào người làm báo được quên trách nhiệm của mình với Đảng, với dân. Nhà báo chính là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cho nên phải không ngừng "trau dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng, nhân dân lao động".
Bác Hồ căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt các câu hỏi: “Viết để làm gì, viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào?”. Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo “không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Vì vậy, khi viết xong bản thảo thì mỗi người phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Không chỉ mình đọc mà nên nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là hay rồi, phải kiên quyết chống lối viết “tràng giang đại hải”, “dùng đống danh từ lạ”, hoặc “viết như mật mã, thích ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng, thích khoe chữ, ham dùng điển tích, sính chữ nước ngoài”. Người cũng đã nhiều lần chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số quần chúng, một tờ báo không được đa số ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì nội dung tức là các bài viết phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và hình thức - tức cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.
Nhận thức rất sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí đối với đời sống xã hội. Người khẳng định: Báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Do đó: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ cho nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới".
Với hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tạo báo chí bằng tầm nhìn của một nhà chính trị tài ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản báo chí vô cùng quý giá, thể hiện sinh động những quan điểm tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Những tư tưởng, lời dạy của Người dành cho báo chí và những người làm báo vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam đến tận hôm nay.
Đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp Đổi Mới, báo chí đã và đang góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tăng cường phát triển kinh tế, làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này