Câu vọng cổ vịn thơm mùa nước lớn - Vĩnh biệt nhà thơ Trương Công Thuốt

22:06 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2468

Hơn ba mươi năm cầm bút, cũng ngần ấy thời gian, nhà thơ Trương Công Thuốt lặn hụp trong dòng sông thơ, trăn trở bên những trang viết, để rồi gia tài mà anh để lại là hơn sáu tập thơ. Tôi nói hơn, bởi vì tập thơ thứ sáu của anh được hội Văn nghệ An Giang in năm 2009, từ đó đến ngày  anh ra đi có sáng tác thêm một số bài nữa, trong đó có chùm bài “Thương nhớ người Thăng Long, Trở lại Long Sơn” đã đạt giải nhì cuộc thi Thơ viết về An Giang năm 2010.

Ngày nhận được tin anh mất, tôi như không tin vào tai mình. Mới đó mà anh đã ra đi, bất giác trong đầu tôi lại ngân lên câu thơ của anh: “Ta thẳng bóng thời gian rõ phân hai bờ tóc/Vuốt bên nào cũng chạm phía mồ côi”. Vâng, cái phía mồ côi trong một câu thơ anh đã viết ngày nào, nó đã vận vào đời anh ở tuổi 54. Thế là anh em văn nghệ đã mất đi một người bạn thơ thân thiết, một người mà lúc nào lửa văn chương cũng không bao giờ tắt. Anh đã truyền lửa đam mê văn chương cho chúng tôi, cái lứa mà tuổi đời chỉ gần bằng tuổi công chức của anh. Đó là một tình yêu đối với văn chương trong sáng mà chúng tôi học được từ anh. Âu, cũng là quy luật của tạo hóa, trong kiếp người nổi nênh, nhiều lận đận, anh đã dự báo trước cho ngày mình “về”: “Mai này ta về nơi có gió, có trăng/Có núi, có sông, có xóm làng bè bạn/Có mẹ và có em bên cạnh/Nhổ tóc sâu xóa hết chuyện ngày xưa”. Nơi anh về đó cũng nhẹ nhàng như những vần thơ của anh, bằng sự tha thứ một cách cao thượng.

Tôi còn nhớ mãi, anh đã biên tập rất tỉ mỉ những bài ký và góp ý những bản thảo thơ của tôi một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Anh từng căn dặn tôi: “Chú à, mình nghèo tiền bạc chứ đừng để nghèo chữ nghĩa hé. Tiếng Việt ta giàu và đẹp lắm, hãy biết phát huy nó”. Những lời dạy bảo chân tình đó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc viết lách của mình. Mặc dù con đường anh, tôi và nhiều người nữa đã chọn, không phải dễ dàng gì nên tôi học ở anh chữ “nhẫn”, âm thầm và lặng lẽ viết rồi cũng vượt qua.

Anh là một người lao động miệt mài và nghiêm túc trên cách đồng chữ nghĩa. Mỗi khi sáng tác được một tác phẩm nào mới là anh nhờ tôi đánh máy giúp. Mỗi lần như thế anh hay nói một cách rất rụt rè: “Chú rảnh không, đánh máy dùm anh bài thơ”. Cầm bản thảo của anh, tôi thấy chi chit những dấu gạch xóa và sửa từ ngữ, dấu câu, có khi cả câu… Đánh máy xong in ra cho anh, thì một, hai ngày sau, lại thấy anh nhờ “Chú sửa hộ anh chữ này hoặc chú sửa hộ anh câu này…”. Qua những lần như thế, tôi học được ở anh một tinh thần trách nhiệm trước những trang viết của mình, không được phép dễ dãi và cẩu thả.

Thơ anh nhiều giọng điệu. Có khi trữ tình sâu lắng, mượt mà. Có khi nghẹn ngào, uẩn khuất. Có khi sảng khoái hả hê… Những bài thơ anh viết về nỗi lòng của mẹ, chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp thơ anh. Đặc biệt là những người mẹ khóc con khi cuộc chiến tranh đã đi qua: “Nửa đời khóc với chiến tranh/Nửa đời còn lại mẹ dành khóc con”. Câu thơ lục bát như cứa vào lòng người, những giọt nước mắt của mẹ còn ướt những trang thơ đến bây giờ. Cũng là mạch cảm xúc về mẹ sau chiến tranh, bài thơ Nỗi lòng của mẹ của anh, làm cho người đọc trĩu nặng lòng và quặn đau theo từng bước chân của mẹ đi tìm con liệt sĩ: “Mẹ gầy khộp qua hàng trăm nghĩa trang/Mê mãi gặp người vừa tan cuộc/Khấn lòng để một lần có được/Khóc hả hê trước bia mộ con mình”. Đúng là “chiến tranh qua để lại nỗi oan tình”, như một câu thơ anh viết.

Đọc thơ anh, ta còn thấy tình yêu dành cho quê hương đất nước, cho những vùng đất mà anh đã từng đi qua, anh đã từng đặt chân đến… Đặc biệt là vùng đất anh đã sinh ra và lớn lên, với tính cách con người Nam bộ phóng khoáng, trọng tình nghĩa, chơi ra chơi, làm ra làm. Ở đó, có điệu lý, câu hò và bài vọng cổ đã nuôi lớn tâm hồn anh, nên anh đã từng trách cô gái vì: “Em lơ là điệu lý mù u/Câu vọng cổ ngược nguồn về xứ Bắc/ Ta cúi xuống lau dòng nước mắt/ Bìm bịp kêu nước lớn cửa Trần Đề…”. Ở đó, có dòng Cửu Long hiền hòa, bao đời mang nặng phù sa để nuôi dưỡng cho tâm hồn con người được trong sạch hơn: “Sông Cửu Long thong thả giọt đàn chiều/Câu vọng cổ vịn thơm mùa nước lớn”…

 Tất cả những vần thơ đó, anh để lại cho đời. Thế là anh đi. Đi về nơi không phai bận bịu những cơm áo gạo tiền. Đi về nơi không phải đối phó với những mưu mẹo, toan tính của con người. Đi về nơi mà chỉ có tình thương và sự tha thứ.  Xin thắp tiếp một nén nhang lòng tưởng nhớ anh và cầu cho anh ở nơi nào đó được thoải mái. Cầu cho linh hồn anh được siêu thoát và thanh thản.

Trần Sang

Những tin cũ hơn

Tiến sỹ Trương Đỗ - Danh nhân đất Việt thời Trần

Tiến sỹ Trương Đỗ - Danh nhân đất Việt thời Trần

— 21 Tháng Năm 2017

Kết thúc những trang viết về vương triều Trần, sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ quyển IX cho biết: “Trở lên là nhà Trần 12 đời vua, từ năm Bính Tuất - 1226 đến năm Kỷ Mão – 1399, cộng là 174 năm, và nhà Hậu Trần hai đời vua, cộng 7 năm”(1).

Giáo sư - Bác sỹ Trương Thìn - “Người tìm thuốc trong nghệ thuật”

Giáo sư - Bác sỹ Trương Thìn - “Người tìm thuốc trong nghệ thuật”

— 21 Tháng Năm 2017

Sinh năm Canh Thìn (1940) tại Huế, bác sĩ Trương Thìn - nguyên Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, Chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền của Trung tâm ĐT&BD cán bộ y tế TP.HCM rất “nặng lòng” với thơ, nhạc, hoạ.

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

— 21 Tháng Năm 2017

Giữa những ngày cuối năm, nhà văn Lê Khôi (Hội Nhà văn Đà Nẵng) đã cho ra mắt bạn đọc cả nước cuốn truyện lịch sử có tiêu đề “Lưỡng bộ thượng thư Trương Công Hy - Người con xứ Quảng”.

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

— 21 Tháng Năm 2017

Đất Bình Định có hàng chục võ đường, nhưng có lẽ võ đường Phi Long Vịnh của chưởng môn Võ sư Trương Văn Vịnh, 75 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là nổi tiếng hơn cả, bởi nơi đây đang sở hữu bài quyền “Ngọc trản thần công”, một trong mười bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên.

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

— 21 Tháng Năm 2017

Trên bản đồ, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được xem là hòn đảo tiền tiêu ở biển Đông. Để giữ vị trí quan trọng này, hơn 40 năm trước, rất nhiều người lính đã ngã xuống trong quá trình tiếp đạn dược, lương thực cho bộ đội bảo vệ đảo.