Thăm nhà, chúc Tết bác Trương Vĩnh Trọng
Tác giả: Công Lý
Thăm nhà, chúc Tết là một nét đẹp văn hóa đã tồn tại hàng ngàn năm của người Việt trong những ngày đầu xuân, năm mới. Đón xuân Đinh Dậu năm 2017, lãnh đạo Hội đồng họ Trương Việt Nam và các doanh nghiệp, doanh nhân đã về ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thăm nhà, chúc Tết bác Trương Vĩnh Trọng, mà người dân nơi đây thường gọi là bác “Hai Nghĩa”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đây không phải là lần đầu tiên Đoàn chúng tôi đến thăm nhà bác Hai Nghĩa, nhưng mỗi lần về thăm nhà bác thì cảm xúc trong tôi và mọi người cùng đoàn đều háo hức, phấn khởi như một người con đi xa quê, đã lâu rồi không được về thăm ngôi nhà thân thương của mình. Đoàn chúng tôi đến nhà Bác Hai Nghĩa vào lúc trưa, có lẽ vì đường xa nên ai cũng có vẻ mệt mỏi. Nhưng cảm giác mệt mỏi đó nhanh chóng xóa tan đi khi trước mắt chúng tôi là ngôi nhà gỗ rộng rãi, thoáng mát, được bao quanh với một vườn cây xanh ngát, tỏa đầy bóng mát. Với thân hình gầy mảnh, nước da rám nắng và tác phong nhanh nhẹn, ít ai nghĩ được bác Hai Nghĩa đã gần 75 tuổi. Bác ra đón đoàn chúng tôi từ cổng, những cái ôm hôn, bắt tay, những câu chúc sức khỏe, lời động viên, hỏi thăm, tiếng cười nói giòn tan từ đầu cổng nhà. Chúng tôi cảm giác thoải mái và hạnh phúc như về thăm người anh cả của gia đình.
Nghe tin bà con họ Trương về thăm nhà, chúc Tết bác Hai Nghĩa vui lắm. Ngay từ sáng sớm Bác và các thành viên trong gia đình đã tự tay vào bếp chuẩn bị các món ăn đậm chất miền Tây Nam Bộ như bánh xèo, thịt kho hột vịt nước dừa, bắp luộc và nhiều loại trái cây vườn nhà do bác và gia đình tự trồng để đãi khách. Bữa cơm trưa tại nhà bác Hai Nghĩa hôm đó thật ấm cúng, mọi người đều tấm tắc khen thức ăn do gia đình bác nấu rất ngon, hợp khẩu vị. Chúng tôi hơi ái ngại vì được chính tay bác phục vụ các món ăn, bác liền cười nói: "Đời bác khi giữ các chức vị cao luôn được người khác phục vụ, nay bác muốn được phục vụ lại mọi người để trả ơn". Bác vừa nói vừa cười với chất giọng Nam bộ khôi hài “Bác phục vụ tốt lát nhớ boa nha”, nghe câu nói của bác cả đoàn chúng tôi lăn ra cười.
Từ khi về nghỉ hưu vào tháng 7 năm 2011, bác Hai Nghĩa trở về quê nhà Giồng Trôm, Bến Tre sống với vợ và các con cháu. Sau bao nhiêu năm công tác, cống hiến cho Đảng, Nhà nước và phục vụ nhân dân, Bác Hai Nghĩa về lại quê hương, về với tổ ấm để bù đắp tình yêu thương cho vợ và các con, cháu sau nhiều năm công tác xa nhà. Sau bữa cơm trưa với gia đình bác, đoàn chúng tôi người thì ngồi trò chuyện với bác, người thì tranh thủ đi thăm quan khu vườn nhà bác.
Chúng tôi rất ấn tượng và thích thú khi thăm quan khu vườn rộng 5.000 m2 của gia đình bác Hai, khu vườn có rất nhiều loại trái cây như cam sành, bưởi, ổi, bơ… sai trĩu cành và không thể thiếu là dừa quả, một đặc sản nối tiếng của Bến Tre. Không chỉ có cây ăn trái, khu vườn bác còn trồng rất nhiều các loại rau xanh như rau cải, rau lang Nam Phi, xen lẫn hành ngò, gừng, ớt, rau thơm…Ngoài ra bác còn nuôi cá và gà. Nhìn khu vườn chạy dài thẳng tắp, vuông vắn, chia thành từng khu để trồng các loại cây, rau, chúng tôi biết bác đã bỏ rất nhiều công sức, mồ hôi và tâm huyết để có được khu vườn đẹp như hôm nay.
Ở ấp Lương Thuận (Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre) người dân từ các cháu thiếu nhi đến các cụ phụ lão ai cũng quý mến bác Hai vì tính cách chân chất, hòa đồng, gần gũi với bà con lối xóm và đặc biệt rất quan tâm và luôn giúp đỡ người nghèo, những gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Chùa Hưng Quới nằm giữa ấp Lương Thuận là nơi bác Hai đã phát động và tạo mô hình “gói thuốc miễn phí” để phát và chữa bệnh cho người nghèo. Năm 2011 về quê nghỉ hưu, Bác Hai Nghĩa kêu gọi bà con, bạn bè, người thân giúp cải tạo, xây dựng thêm một số hạng mục cho chùa. Chùa Hưng Quới mỗi tháng nhà chùa đưa phật tử lên các vùng rừng núi tìm vị thuốc nam, về chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh phát miễn phí cho bà con trong vùng. Các chuyến đi, gia đình bác Hai Nghĩa đều hỗ trợ tiền xe đi lại hoặc phụ giúp một phần tiền ăn ở cho phật tử. Nhiều năm qua mô hình “gói thuốc miễn phí” của chùa Hưng Quới đã được nhiều người biết và ai qua lấy cũng gửi lại nhà chùa từ vài nghìn đến vài chục nghìn cho các chuyến tìm thuốc tiếp theo. Thấy phật tử trần lưng sơ chế thuốc ngoài trời nắng, nhà kho trữ nguyên liệu dột nát, bác Hai lại lẳng lặng kêu gọi dựng căn nhà vừa chế biến thuốc, vừa khám chữa bệnh và cả dưỡng bệnh cho người dân. Hồi cuối tháng 3 năm 2016, bác Hai mời được đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh về khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách, người nghèo trong xã.
Khi trò chuyện với bà con họ Trương, bác tâm sự “Cứ mỗi khi gần tết tôi mua cây giống, mua chậu, mua đất, mua phân bón về tự gieo trồng hàng trăm chậu hoa vạn thọ”. Nghe bác nói trồng hàng trăm chậu hoa vạn thọ, chúng tôi nghĩ là bác trồng để mang đi bán chợ tết. Nhưng không phải thế mà bác trồng để chưng tết và còn lại thì cho bà con lối xóm mỗi gia đình 2 chậu chưng tết cho vui. Càng trò chuyện với bác, chúng tôi mới thấy được vẻ giản dị, chân chất của người dân miền Tây, ít ai nghĩ một người đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước lại bình dị và gần gũi, kính yêu đến thế.
Chia tay bác Hai Nghĩa mỗi người trong đoàn ai cũng bịn rịn, quyến luyến với những tình cảm của bác dành cho bà con dòng tộc họ Trương Việt Nam. Trong tâm mỗi người luôn cầu chúc bác Hai mạnh khỏe, an lành và sống hạnh phúc bên con cháu. Để mỗi độ tết đến xuân về, bà con họ Trương lại được thăm nhà, chúc tết bác.
Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt nam đa dạng về phong cách, phong phú về thể loại, giàu có về chất liệu. Từ tranh Đông Hồ, sứ Bát Tràng, đồ đồng Tống Xá, lụa làng Vân, chạm gỗ La xuyên, thổ cẩm Tây bắc, gốm Biên Hòa, điêu khắc Tây nguyên…đều mỗi thứ một vẻ. Tất cả tài năng sáng tạo đa dạng và phong phú ấy đã làm nên bản sắc văn hóa dân gian Việt. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú và đa dạng ấy nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống là một nghệ thuật tạo hình tài hoa, góp phần làm nên hồn cốt linh thiêng cho những cung vua phủ chúa, những công trình thờ cúng tâm linh như đình, chùa, miếu, phủ. Trải qua dặm dài năm tháng, nghệ thuật chạm khắc gỗ cùng với những công trình ấy còn mang trên mình nhiều ý nghĩa về lịch sử, về khoa học, chính trị, văn hóa, tư tưởng v.v…
Sau khi đi khảo sát và nhận thấy nhiều cây cầu tại khu vực huyện Đức Hoà (Long An) xuống cấp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động các nhà hảo tâm được 2,3 tỉ đồng để xây dựng 7 cây cầu cho người dân.
Thanh minh là một tiết trong “nhị thập tứ khí” và được nhiều nước vùng Đông Nam châu Á coi là lễ tết hàng năm. Tiết Thanh minh bất đầu từ ngày 4 tháng 4 cho đến 20 tháng 4 dương lịch hàng năm (Kết thúc tiết thanh minh là kết thúc tiết Xuân phân, bắt đầu sang tiết Cốc vũ)...
Nhan sách là Truyện Kiều chú giải, nhưng mở đầu ra, người chú giải có đánh giá Truyện Kiều. Phần đánh giá chỉ có 2 trang mà thôi, nhưng tôi, tôi lại coi phần ấy là trọng yếu còn hơn 770 trang chú giải kia. Tôi chưa có thì giờ để thảo luận tỉ mỉ về phần chú giải vì nó khí bề bộn quá, cho nên trong bài phê bình này tôi chỉ mới nói trước về phần đánh giá.
Trong kiến trúc Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng,các kiến trúc truyền thống như Cung Vua, phủ Chúa,Đình, Đền, Chùa và nơi thờ cúng là những công trình phối hợp nhiều loại vật liệu xây dựng: Nền bó đá xanh, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói đất nung và các thành phần khác thì dùng vôi và mật để làm vật liệt kết dính cùng với một số trang trí bằng gốm. Hầu như không có sắt hay kim loại nói chung trong kiến trúc Đình, Chùa cổ Việt Nam...