VẬT LIỆU KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG VÀ Ý NGHĨA PHONG THỦY CỦA GỖ TRONG CUỘC SỐNG

00:22 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 8046

 VẬT LIỆU KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG VÀ Ý NGHĨA PHONG THỦY CỦA GỖ TRONG CUỘC SỐNG


Đình làng La Xuyên, Ý Yên, Nam Định

      1 – Vật liệu kiến trúc truyền thống
      Kiến trúc truyền thống của mọi nền văn hóa đều có những vật liệu đặc trưng riêng biệt: Người Ai Cập cổ sùng bái đá để bày tỏ ước nguyện vĩnh cửu, người Hy Lạp sử dụng đá Cẩm thạch để ca ngợi vể đẹp của Thần thánh và con người, Người Trung đông lại kết hợp cả đất, đá, gạch trong kiến trức xây dựng Đền đài…
     Trong kiến trúc Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng,các kiến trúc truyền thống như Cung Vua, phủ Chúa,Đình, Đền, Chùa và nơi thờ cúng là những công trình phối hợp nhiều loại vật liệu xây dựng: Nền bó đá xanh, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói đất nung và các thành phần khác thì dùng vôi và mật để làm vật liệt kết dính cùng với một số trang trí bằng gốm. Hầu như không có sắt hay kim loại nói chung trong kiến trúc Đình, Chùa cổ Việt Nam.
Đá và gạch là hai nguyên liệu không thể thiếu và làm nên độ bền vững của các công trình, xong đá và gạch lại là những nguyên liệu phụ trợ cho gỗ làm nên dáng dấp công trình. Đặc biệt có một số công trình như Tòa thành Tây Đô của Hồ Qúy Ly ở Thanh Hóa được xây bằng đá, hay tháp Chămpa được xây bằng gạch là những công trình có kiến trúc riêng biệt đã đứng vững qua hàng ngàn năm.


Gác chuông Chùa Keo, Thái Bình

      Trong kiến trúc truyền thống như Cung Vua, Phủ Chúa, các công trình tâm linh như Đình, Đền, nhà thờ .v.v…từ hàng ngàn năm trước đã sử dụng nguyên liệu gỗ làm chủ đạo, tạo nên hình dáng, sự uy nghiêm và bền vững của công trình. Gác chuông Chùa Keo (Thái Bình) cao 12 tầng mái, toàn bộ nguyên liệu là gỗ tự nhiên, các Nghệ nhân xưa đã vận dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống tạo nên sự vững trãi của công trình mà không dùng một chiếc đinh sắt nào. Chùa Thầy (Hà Tây cũ), Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Chùa Keo (Thái Bình) đã tồn tại gần 400 năm, Đình làng Tây Đằng, Đình làng Lỗ Hạnh, Đình làng La Xuyên gần 500 năm v.v…Các loại gỗ tự nhiên được sử dụng trong xây dựng truyền thống gồm: Lim, Mít, Xoan, Đinh hương, Trai, Táu, Sến, Dổi…thì Lim là loại gỗ được sử dụng nhiều nhất do có kích thước lớn, chất liệu cứng, chịu lực cao, không bị mối mọt. Ngày nay, một số công trình xây dựng Đình, Chùa, Miếu Phủ và từ đường, nhà thờ sử dụng bê tông cốt thép làm cột kèo là do nguyên liệu gỗ trở nên khan hiếm, đắt đỏ, vượt quá khả năng kinh tế hiện có nên chấp nhận làm bằng bê tông và sơn giả gỗ hoặc ốp gỗ bên ngoài, che giấu phần bê tông bên trong.

      Các công trình dân sinh thường sử dụng hai loại nguyên liệu truyền thống rẻ tiền đó là đất và tre. Đây là hai loại nguyên liệu phù hợp với khả năng kinh tế, điều kiện sống, sinh hoạt của tầng lớp nhân dân lao động vùng nông thôn, miền núi.

      2 – Gỗ và ý nghĩa phong thủy trong cuộc sống
      Gỗ là một trong những nguyên liệu luôn được ưa thích hàng đầu, từ xa xưa con người đã biết sử dụng gỗ để làm nhà, xây dựng các công trình cho Vua Chúa, Đình, Đền, Miếu Phủ v.v…
     Theo Ngũ Hành Âm Dương: gỗ thuộc hành Mộc, tại vị phương Đông và Đông Nam, tượng trưng cho mùa Xuân, bình yên, hài hòa. Các chuyên gia phong thủy cho rằng trong tương tác Ngũ hành, hành Mộc làm giảm bớt hành Kim và hành Thổ tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống. Chính vì vậy nên trong xây dựng cũng như trong đồ dùng sử dụng thường ngày, người phương Đông rất ưa sử dụng các vật dụng từ gỗ, từ đôi đũa ăn, bàn ghế, giường tủ đến cột kèo dựng nhà v.v…Gỗ làm nên môi trường sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, tạo nên bầu không khí ấm cúng trong không gian sống. Xây dựng một công trình bằng gỗ , nhất là gỗ Lim được cả Qúy tộc lẫn người dân ưa chuộng, vì căn nhà gỗ mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, không khí trong nhà điều hòa mà không một loại vật liệu nào có được. Công trình gỗ cổ trừ nền và mái ra, tất cả đều làm từ gỗ bao gồm cột, kèo xà bẩy, và cả tường bao xung quanh. Các tương quan tỷ lệ giữa các chi tiết, thành phần kiến trúc nhà gỗ theo phong cách cổ xưa đã được người Việt sử dụng theo những quy tắc riêng biệt, thể hiện sự tài hoa, tri thức và truyền thống.
      Trong xây dựng những công trình tín ngưỡng, tâm linh cũng như trong không gian thờ cúng, các bậc Đế vương xưa và giới chức sắc tôn giáo rất chú trọng đến việc vận dụng Âm – Dương Ngũ hành trong xây dựng, sử dụng hài hòa, nhuần nhuyễn đi đến sự cân bằng Âm – Dương, cân bằng Tương sinh – Tương khắc Ngũ hành cho công trình.
Trải qua những chiêm nghiệm lâu đời, người xưa đã nhận thấy sự biến hóa khôn lường của vạn vật (Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là Âm và Dương. Bái quái là Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài). Người xưa còn nhận thấy rằng sự biến hóa khôn lường của vạn vật ức chế lẫn nhau, tương hỗ, ảnh hưởng đến nhau, triệt tiêu hoặc thúc đẩy nhau, đó cũng chính là biểu thị của nội dung thuyết Ngũ hành. Trong thuyết ngũ Hành, vạn vật trong vũ trụ đều do 5 vật chất phối hợp với nhau mà tạo nên, đó là Kim,Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Theo tương quan Ngũ hành thì có Tương sinh và Tương khắc, mở rộng còn có Chế hóa, Tương thừa, Tương vũ biểu thị sự biến hóa phức tạp của vạn vật.
      Những đúc kết, chiêm nghiệm của người xưa đã trở thành văn hóa tín ngưỡng tâm linh, ăn sâu vào tiềm thức của mọi tầng lớp người dân Việt, được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt trong sự thờ cúng và những công trình tín ngưỡng tâm linh người xưa luôn lấy hành mộc làm chủ đạo (lấy gỗ làm vật liệu xây dựng cơ bản). Theo các chuyên gia phong thủy thì Hành Mộc là hành có tính yếu, trung hòa giữa các hành, ít tương tác đến cuộc sống con người.Trong không gian thờ cúng, thông thường Bàn thờ (nhang án) bằng gỗ (hành Mộc) là chủ đạo và bao giờ cũng có bốn hành còn lại làm phụ đạo: đôi cây nến, hoặc đèn cầy (tượng trưng cho hành Hỏa), Lư hương, hoặc đôi cây nến bằng đồng (tượng trưng cho hành Kim), Bát nhang gốm, tro rơm (tượng trưng cho hành Thổ), bộ chén trà nước, bình nước cắm hoa (tượng trưng cho hành Thủy). Riêng hành Kim trong không gian thờ cúng luôn luôn được khắc chế tại chỗ: Lư hương được dùng đốt hương – trầm, cây nến dùng để cắm nến đốt (Hỏa khắc Kim), đôi Hạc đồng luôn luôn phải ngậm cành hoa (bằng gỗ màu đỏ) hoặc hoa hóa đế nến để gắn nến đốt, cũng là cách thức khắc chế hành Kim. Đặc biệt trong chế tác đồ gỗ thờ cúng, Đình Chùa, Miếu Phủ người xưa tuyệt đối kiêng không dùng đinh sắt trong kết cấu nhằm tránh sự phát tác khó lường của hành Kim ảnh hưởng đến sự ổn định của cuộc sống và sự trường tồn của công trình.
      Trong kiến trúc xây dựng các công trình của đời Trần tại Nam Định, của Cung đình Huế, các công trình của Vua chúa các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… còn tồn tại đến ngày nay, hầu hết sử dụng gỗ làm nguyên liệu chủ đạo, một mặt do thuận theo Phong thủy Âm-Dương Ngũ-Hành: sử dụng hành Mộc làm chủ đạo trong không gian sống và thờ cúng, mặt khác do sự tiện lợi, dễ sử dụng của gỗ trong xây dựng, chế tác các đường nét hoa văn trang trí. Với những đặc điểm riêng biệt, nổi trội, chất liệu gỗ vừa có độ chịu lực cao, độ đàn hồi tốt lại dẻo, mềm, là một trong những nguyên liệu phù hợp nhất cho các nghệ nhân điêu khắc thể hiện những hình tượng Long, Ly, Quy, Phượng, cỏ cây hoa lá xoắn xuýt, bồng bềnh như thực như hư trên nền cột ,kèo, xà, bẩy, tạo nên sự uy nghiêm, thần bí, linh thiêng cho công trình…

       Thay lời kết
      Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nhiều loại nguyên vật liệu mới,tiên tiến đã được sử dụng phù hợp với kiến trúc xây dựng hiện đại như xi măng, sắt, thép, nhôm, kính, hợp kim v.v…đáp ứng được nhu cầu xây dựng cho những công trình cao tầng, những trung tâm Thương mại, cầu cống v.v… mà gỗ không đáp ứng được. Tuy nhiên khi xây dựng những công trình thờ cúng tâm linh như nhà thờ, Từ đường ai cũng ao ước về một kiến trúc cổ: được xây dựng cột kèo bằng gỗ, nền bao đá xanh, mái ngói mũi hài…Ứớc nguyện này có lẽ luôn nằm sâu trong tiềm thức tâm linh của mỗi người dân Việt, xuất phát từ đạo lý: “Uống nước - Nhớ nguồn” luôn có trong tâm khảm, dù ở nơi đâu trên trái đất này, dù nghèo hay giàu cũng mong muốn có được một nơi thờ cúng Tổ tiên đàng hoàng, trang trọng.

Nam định, ngày mồng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu
Trương Ngọc Vui
Nghệ nhân-Giám đốc Công ty Gỗ mỹ nghệ Trường Thanh
Phó Chủ tịch Thường trực HĐ họ Trương HNN

Những tin cũ hơn

TRƯƠNG CÔNG HY - BẬC DANH THẦN ĐẤT QUẢNG

TRƯƠNG CÔNG HY - BẬC DANH THẦN ĐẤT QUẢNG

— 26 Tháng Năm 2017

Thời Nay - Suốt đời vị quan ấy, dù trải qua các triều đại khác nhau, luôn thanh liêm, trĩu nặng tấm lòng ái quốc, thương dân - lo trước cái lo thiên hạ. Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến ông, đều thành kính gọi bằng cái tên trìu mến: Quan Thượng

Mừng Xuân Đinh Dậu 2017: HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM GẶP MẶT BÀ CON HỌ TRƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH NHÂN DỊP TẾT ĐẾN, XUÂN VỀ

Mừng Xuân Đinh Dậu 2017: HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM GẶP MẶT BÀ CON HỌ TRƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH NHÂN DỊP TẾT ĐẾN, XUÂN VỀ

— 26 Tháng Năm 2017

Tại buổi gặp, Chủ tịch Trương Văn Đoan thay mặt Hội đồng Họ Trương toàn quốc đã gửi đến toàn thể bà con các chi tộc, anh chị em họ Trương Thành phố Hồ Chí Minh lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Đồng thời báo cáo trước bà con họ tộc về tình hình các sự kiện trọng đại của dòng họ đã diễn ra trong năm 2016 như: Việc kết nối, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài…

ÔNG TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH LÀM TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẰNG

ÔNG TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH LÀM TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẰNG

— 26 Tháng Năm 2017

Sáng 20-12, Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lễ công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy bổ nhiệm ông Trương Công Định, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đà Nẵng, giữ chức Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng. Quyết định có hiệu lực từ ngày công bố.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Đi, khi ta còn trẻ...

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Đi, khi ta còn trẻ...

— 26 Tháng Năm 2017

Thế giới này thật rộng lớn và những người hay ho ta chưa từng gặp mặt bỗng dưng một ngày nào đó xuất hiện...

Làng hoa Việt 8 thế kỷ: Vùng đất tổ của nghề trồng hoa

Làng hoa Việt 8 thế kỷ: Vùng đất tổ của nghề trồng hoa

— 26 Tháng Năm 2017

Nằm ven đê sông Hồng, đoạn chạy qua huyện Nam Trực, làng Vị Khê được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh lâu đời nhất nước ta.