Những ngày đầu ông chạm chân lên mảnh đất Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi đặt “đại bản doanh” của công trình nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam, nơi đây loang lổ ao tù, nước đọng; um tùm cỏ dại, cò bay thẳng cánh với những đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Vậy nhưng 4 năm sau, một tổ hợp lọc hóa dầu quy mô, hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á… đã sừng sững mọc lên. Những dòng xăng, dầu lần đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam cũng từ đó xuất xưởng ra thị trường. Ông là Trương Văn Tuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc Petrovietnam, Trưởng BQL Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hiện là Tổng Giám đốc Vinashin.Từng là “thủ quân” của Công ty Lắp máy và Xây dựng 45-1 (LILAMA 45-1), một trong những đơn vị anh hùng của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, nhưng ngày về Dung Quất tâm trạng ông cũng ngổn ngang bởi đây là dự án đầu tiên do Việt Nam tự đầu tư, quản lý với số vốn khổng lồ ban đầu 2,5 tỷ USD. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần vực dậy một miền Trung nghèo khó quanh năm bị thiên tai tàn phá, nhà máy còn mang ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định với bè bạn quốc tế về một Việt Nam có thể làm được những công trình mang tầm quốc tế. Trong hơn 4 năm ở Dung Quất, ngày nào ông cũng xắn quần “lội” xuống các ngóc ngách của công trường, đến từng phân xưởng giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh trong quyền hạn của mình.
Một ngày đầu tháng 8-2009, tôi đi cùng ông ra kiểm tra tiến độ thi công đê chắn sóng dài hơn 1,6km, một trong những gói thầu gian nan nhất của nhà máy lọc dầu vì quá trình thi công đã phát hiện 2 túi bùn. Ông đang rất căng thẳng, mỗi khi như vậy ông thường ra đứng trước mũi con đê này. Chờ cho ông hít hà cái vị mặn mòi của biển để thư thái hơn, tôi hỏi: Gói thầu đang giai đoạn hoàn thành, anh còn lo lắng gì nữa? Mùa mưa bão này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc thi công ở tất cả các gói thầu, ông nói, rồi xa xăm nhìn ra mặt biển vịnh Việt Thanh mù mịt, sóng từng lớp xô nhau. Sau đó, hạng mục nhà máy này đã về đích trước tiến độ 5 tháng.
Bụi công trường, tiếng rổn rảng của sắt thép, ánh chớp lòe của mối hàn, những bồn bể khổng lồ, tháp cao chọc trời, sừng sững tại Dung Quất quanh năm cuốn ông theo. Vậy nhưng, chiều mùng 2 Tết năm Tý (2008), tôi điện thoại chúc tết, nghe ông nói: “Tớ đang ở nghĩa trang Đông Anh (Hà Nội), thắp hương cho mẹ”! Rồi có ngày, tôi gọi, ông lại nói: “Tớ đang ở Sài Gòn, đưa bà xã đi mổ khớp xương bánh chè”. Chị chơi thể thao, bị tai nạn.
Không chỉ tạo ấn tượng qua công việc, ông còn để lại trong tôi những nét chấm phá thật đặc biệt. Ông nấu phở rất ngon. Có một buổi chiều, tôi được ông mời về nhà, tự tay ông nấu phở cho ăn. Tôi thoái thác, ông bảo: “Hay cậu có mối nào ngon hơn rồi chứ gì. Cậu toàn ăn mảnh tớ thôi”. Không thể từ chối, tôi đến, trên bàn ăn, tô phở đã nghi ngút khói, mùi thơm ngọt từ xương bò được hầm không thể cưỡng lại. Thân tình là thế nhưng dạo tết năm 2009, có việc cần gặp ông, tôi điện trước cho thư ký của ông là anh Nguyễn Việt Thắng, bây giờ là Phó Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Thắng nói, cứ lên đi tớ đưa qua. Vậy nhưng, khi tôi vừa mở cửa bước vào phòng, ông ngước mắt lên hỏi trỏng: “Đi đâu đấy?”. Tôi chột dạ: “Dạ xin phép được gặp anh”! Ông “phang” ngay: “Đi ra ngoài”! Tôi tái mặt, quay đi không nói thêm câu nào, bởi thấy mình có lỗi không hẹn ông trước. Tôi vừa bước chân ra cầu thang, ông đi ra, vẫy tôi lại: “Có chuyện gì đấy?”. Dạ định hỏi ý kiến anh về Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho số báo xuân. Ông hạ giọng, nhẹ nhàng: “Lúc khác nhé, bây giờ tớ đang bực”! Ông là vậy, rất bỗ bã nhưng cũng rất thân tình.
Tiếp xúc và làm việc lâu với ông mới cảm nhận được điều ấy. Ông báo cáo công việc rất chân thực mỗi khi có đoàn kiểm tra tiến độ công trình của Trung ương về. Bởi vậy nên đã mất lòng không ít các đơn vị tham gia thi công tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà hầu hết lại là những tổng công ty Nhà nước, hoặc những công ty thuộc bộ này, bộ kia. Có lần ra Hà Nội họp, ông gọi điện cho tôi: “Tớ có mướt mồ hôi trên trán đâu mà cậu viết thế”! Tôi cười, lúc đó căng thẳng lắm, anh không để ý, chứ trán anh đẫm mồ hôi. Có điều không biết do tiến độ nhà máy chậm hay vì nắng nóng miền Trung thôi (lần đó ông báo cáo tiến độ thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi tất cả các hạng mục đang bị chậm từ 3 - 6 tháng). Ông cười sang sảng trong máy điện thoại, nói thêm: “Đùa thôi, vì bài báo của cậu mà buổi họp hôm nay tớ bị một vị bộ trưởng lôi ra xạc cho một trận đấy”! Anh có buồn không? Thực tế như vậy, nếu mình không xác thực, bao giờ dự án mới xong - ông nói quả quyết.
Đội ngũ nhân lực quản lý dự án đi theo ông những ngày đầu dần trưởng thành. Nhà máy hoàn thành, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được thành lập đảm trách vận hành, sản xuất và kinh doanh đã có ngay lớp kế cận với tuổi đời đều thuộc thế hệ 7X trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và giỏi giang, như: Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc… Có được như vậy là nhờ ông biết quan tâm, biết nhìn người, hết sức tạo điều kiện, bồi dưỡng và dìu dắt họ. Đã bước đến cái tuổi 60, tiếng Anh của ông vẫn rất chuẩn và nhuyễn. Ông thường làm việc “tay đôi” với đối tác nhà thầu nước ngoài không thông qua phiên dịch…
Ngày dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành và cho ra sản phẩm trước 2 tháng so với nghị quyết của Quốc hội có lẽ là ngày tôi thấy khuôn mặt ông rạng ngời nhất. Những nghi ngờ về tiến độ, chất lượng sản phẩm của nhà máy vỡ tan trong niềm vui vỡ òa của hàng triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước. Cái tên Dung Quất chính thức ghi tên mình vào ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam như một mốc son lịch sử của những năm đầu thế kỷ 21. Trong cái lấp lánh của lịch sử ấy, người ta thấy ẩn hiện một hình bóng, chân dung một con người anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới - Trương Văn Tuyến.
Có lần tôi trêu ông, xong Dung Quất, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn lại đang chờ anh đấy. Ông cười, tớ hưu rồi. Và cũng muốn nghỉ ngơi về bên gia đình, chứ đã non nửa cuộc đời chạy theo dự án còn gì. Ấy vậy nhưng, có lẽ một lần nữa ông được đặt vào vị trí và công việc hết sức chông gai. Đảng, Nhà nước tin tưởng giao ông quản lý Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cũng đang rất ngổn ngang như ngày đầu ông về Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trên cương vị Tổng giám đốc. Với bản lĩnh vững vàng của một người “thuyền trưởng” nhiều kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết, lần này hy vọng ông cũng sẽ lái con tàu Vinashin vững vàng đối mặt với bão tố, phong ba để tiến ra biển lớn.
Ông Trương HữuThắng là thành viên Hội đồng Trương tộc lâm thời, là một doanh nhân thành đạt trong kinh doanh có tiếng ở Thành phố Hà Nội. Ông là hậu duệ Họ Trương ở Xã Vân Canh, Đông Anh, Hà nội hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ốc đảo - Oasis Hotel ở số 19 Láng Hạ, Hà Nội.
Đại học sĩ Trương Quốc Dụng (1797–1864) là đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Một trí thức lớn trưởng thành từ khoa bảng, tài kiêm văn võ, được sử sách ghi là một danh tướng, nhà Thiên văn học, nhà văn Việt Nam, nhà sử học, nhà cải cách, đặc biệt là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng, cây đại thụ trí thứctriều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là người chủ biên bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, là tác giả biên soạn bộ lịch Việt Nam thời Nguyễn ...
Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Thưa ở ấp An Đông, xã Hương Nhượng (Giồng Trôm) đã góp 6 triệu đồng từ tiền dành dụm của mẹ để xây cầu bê-tông cốt thép dài 15m, mặt cầu rộng 1,4m phục vụ cho 40 hộ dân ở tổ NDTQ số 4 và 14 thông lộ liên ấp trong xã. Cầu trị giá 15 triệu đồng do xã, ấp vận động và nhiều bà con sở tại đóng góp xây dựng.
Trò chuyện với PV Báo GĐXH, bà nói rằng, nạn đói năm Ất Dậu, rồi Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là những mốc lịch sử trọng đại của dân tộc và cũng vô cùng ý nghĩa đối với cuộc đời của bà sau này.
Trung tá Trương Thị Thanh Trúc, người từng có hơn năm năm chăm sóc sức khoẻ cho Bác Hồ (1964-1969) vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc những kỷ niệm về Bác. Giọng cô nghèn nghẹn: “Đọc báo thấy quan chức tỉnh này tỉnh nọ xa hoa, phung phí lại ngậm ngùi nhớ đến Bác. Cả một đời Bác sống giản dị, bao dung như thế để nhiều thế hệ học tập...”.