HÀNH TRÌNH TRI ÂN

00:00 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1446

HÀNH TRÌNH TRI ÂN (THÁNG 7/2014)

HÀNH TRÌNH TRI ÂN (THÁNG 7/2014)
Ngày 18/7.
Đoàn khởi hành từ Hà Nội sau khi đã hội đủ đại diện của Hội đồng họ Trương Việt Nam, Hội đồng họ Trương tỉnh Hưng Yên, Hội đồng họ Trương tỉnh Nam Định, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn(đường Hồ Chí Minh).
13 giờ 30 xe chuyển bánh.
Hà Nội vẫn tấp nập xe cộ ngược xuôi hối hả.
Bản tin thời tiết vẫn không ngừng phát đi tin bão khẩn cập.
Không có lái xe chuyên nghiệp. Đích thân những người con họ Trương đã đưa xe riêng và tự lái thay phiên nhau tiến về phương nam, mang trên vai trọng trách đại diện của cả dòng họ.
Qua những dãy phố, những khu đô thị mới với nhiều tòa nhà cao tầng, chứng kiến tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa đến chóng mặt của Hà Nội (nhất là từ sau khi sáp nhập thêm diện tích tỉnh Hà Tây- nơi nổi tiếng với nền văn hóa Xứ Đoài), tâm trạng mỗi người chúng tôi đều thấy luyến tiếc một điều gì đó thật khó diễn tả - phải chăng đó là nhớ về những làng quê êm đềm, bình yên thuở nào?
Đến Đường Hồ Chí Minh rồi!
Bỏ lại sau lưng nơi “phồn hoa đô hội” chốn thị thành, xe chúng tôi bon bon trên Đường Hồ Chí Minh.
Trước mắt chúng tôi là cảnh núi non hùng vĩ, trùng điệp.   Đoàn có 3 xe với 14 thành viên. Có người đã đi qua tuyến đường này rồi, nhưng với số đông mới lần đầu được chứng kiến con đường một thời đã làm nên lịch sử (với tên gọi hết sức giản dị: Đường mòn Hồ Chí Minh) - nhưng là cả một chiến tích huy hoàng - “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai”).           
Qua địa phận tỉnh Hòa Bình là đến với Ninh Bình (nơi có Vườn Quốc gia đầu tiên của cả nước từ 1962: Vườn Quốc gia Cúc Phương; nơi có Chùa Bái Đính; có Quần thể khu du lịch tâm linh Tràng An; …), chúng tôi dừng chân nơi trang trại của Trương Thanh Phong.
Ối chà chà! Không thể ngờ nơi thâm sơn cùng cốc ngày nào, sau khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đã có nhiều trang trại lớn dọc hai bên đường.
Khác với những trang trại trồng vải và các loài cây kinh tế khác, trang trại của Trương Thanh Phong là những gốc thanh long trĩu quả, màu đỏ của những trái thanh long như rực lửa giữa màu xanh ngắt của cây lá. Thật ngạc nhiên! Và chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi những trái thanh long ướp lạnh được bổ ra… Bạn biết không?” Thanh long ruột đỏ!”
 Những người lần đầu tiên được thưởng thức loại quả này đã thốt lên đầy phấn khích. Vị ngọt, mùi thơm và nhất là màu đỏ thắm khi ăn vào, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
Và đáng quý biết bao, Phong đã cho đóng gói vào một số hộp các - tông đựng những trái thanh long đỏ này, giữ cho không bị trầy xước để đoàn mang vào làm lễ dâng lên ban thờ tại  các nghĩa trang và một số nơi thờ tự linh thiêng khác mà đoàn sẽ viếng thăm, tri ân.
Chia tay những thanh niên khỏe khoắn, da xạm màu nắng gió đã và đang chăm sóc trang trại thanh long ruột đỏ, chúng tôi lại hối hả lên đường. Vâng, đường đi còn rất xa mà ngày cứ dần trôi về chiều, không khẩn trương thì không thể tới đích như dự kiến cho ngày đầu tiên. Và cũng vì lẽ trời sẽ tối nhanh hơn do ảnh hưởng của bão.
Đường xa, dặm thẳm hun hút phía xa.
Vâng, chúng tôi một đoàn nhưng đi theo 3 phương cách, xuất phát vào 3 thời điểm khác nhau và đều hướng về nam. Trên xe chúng tôi liên lạc thường xuyên để khớp nối lộ trình.Bởi lẽ, do công việc nên chúng tôi đã không thể khởi hành cùng nhau. Ngoài xe chúng tôi đi theo Đường Hồ Chí Minh, còn có xe đi theo đường 1A (cả xe du lịch và xe chở khánh đường dài).
Không thể tới đích như dự kiến (đoàn dự kiến nghỉ đêm ở Phố Châu), nhưng đế Tân Kỳ thì trời đã tối nên chúng tôi quyết định nghỉ lại tại đây. Cũng bởi lẽ nhiều cung đường quanh co, uốn lượn ngoằn ngoèo, trời lại chạng vạng tối, những người lái “không chuyên”cũng đã thấm mệt, nếu đi tiếp sẽ khó đảm bảo an toàn.
Nghỉ lại. Sáng mai 5 giờ xuất phát. Một quyết định sáng suốt.
Không ngờ bữa cơm tối nơi rừng vắng lại đầy thi vị. Mâm cơm có nộm rau má, nước rau má và một vài sản vật của rừng. Và tất nhiên không thể thiếu chút chất cay cay – bạn của thần lưu linh- mà lúc nào trên xe cũng có sẵn: rượu. Đây là rượu mà phần chính là để dâng lễ, một phần để làm men dẫn cho bữa ăn thêm rôm rả, rộn tiếng nói cười. ( Số rượu này là của một doanh nhân họ Trương kính tặng). Tuy nhiên, mỗi người cũng đã phải tự kìm chế bản thân, chỉ uống chút đỉnh, ăn cơm và đi nghỉ sớm sau bữa ăn tối tại địa điểm dừng chân bất đắc dĩ : Tân Kỳ.

Ngày 19/7.
5 giờ sáng.
 Tân Kỳ còn mờ hơi sương.  Nhà nghỉ vẫn còn yên ắng. Dân bản vẫn chìm sâu trong giấc ngủ.  Đoàn chúng tôi giục giã nhau lên đường.
Sau giấc ngủ say nơi vùng quê yên tĩnh, chúng tôi như được nạp thêm năng lượng, xe lại bon bon trên đường và hầu như không gặp chiếc xe nào đi ngược chiều vào thời điểm này. Phải chừng nửa giờ sau khi xuất phát chúng tôi mới gặp một vài xe tải đường dài chạy qua. Thật lạ lùng, rừng núi đấy mà thật hiếm tiếng chim hót ? Có phải chăng những chú chim rừng còn đang ngủ hay số lượng của chúng còn chẳng là bao và đã phải trốn vào rất sâu trong rừng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau do con người mang tới?
Sau hơn một giờ xe chạy, mặt trời ló rạng nơi chân trời, Phố Châu dần hiện ra trước mắt mọi người, Trương Công Hiệp vừa lái xe vừa phấn khích ôn lại cùng chúng tôi những kỷ niệm 30 năm trước, khi Phố Châu còn rất nghèo, quạnh vắng, heo hút. Nhưng giờ đã khác, đã đổi mới, phát triển thành một thị tứ sầm uất. Có lẽ đây cũng là sự thay da đổi thịt chung  của các vùng quê, vùng sâu vùng xa nghèo năm xưa từ sau ngày đất nước thống nhất.
Chúng tôi ghé qua thị tứ, nhìn những cửa hàng với nhiều hàng hóa nhập khẩu và mỗi người tự hỏi: sao mà vẫn còn đơn điệu thế này, lèo tèo quá?
Vào một quán ven đường ăn lót dạ buổi sáng. Một món ăn dân dã duy nhất được phục vụ: cháo thịt dê! (một vài thành viên trong đoàn không quen với mùi gây gây cháo dê đã sang quán bên cạnh để điểm tâm bát mì thịt  bò!). Cũng cần nói thêm, tại quán ăn chúng tôi đã gặp một đoàn người khá đông  của tỉnh Hòa Bình cũng đang  trên đường đi viếng Nghĩa trang Trường Sơn.
Lại tiếp tục hành trình.
Vậy là đã đi qua Hòa Bình, Ninh Bình rồi tiếp nữa sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình trước khi đến với Quảng Trị,
Ôi! Đúng là “ dằng dặc khúc ruột miền Trung”.
Trên đường thiên lý, nhìn ngắm trời mây, sông nước mới thấy đất nước rộng dài chỉ có vậy, thiên nhiên núi sông hùng vĩ trữ tình là vậy mà mới ngày nào cả đất nước phải gồng mình chịu một lượng bom đạn dội xuống lớn gấp đôi số bom đạn đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai! Không thể hình dung nổi. Những vết thương đã liền sẹo. Những hố bom đã được san lấp để canh tác làm nên những mùa vàng bội thu, những cánh rừng xanh bát ngát.
Mưa! Mưa rừng!
Xe chúng tôi vẫn vun vút lao đi trong mưa, Không gì có thể gây khó cho đoàn chúng tôi nhắm thẳng về đích: Nghĩa trang Trường Sơn.
Có tín hiệu điện thoại di động. Nhận thông tin nhánh đi theo tuyến đường 1A đã đi suốt đêm (dù khởi hành sau khi hết giờ làm việc ngày thứ Sáu) nhưng lại đã hội quân cùng đại diện Nghệ Tĩnh đang vượt lên theo Đường Hồ Chí Minh đi Quảng Trị và khả năng là sẽ đến Nghĩa trang Trường Sơn trước chúng tôi có thể tới 1 giờ đồng hồ.
Vậy là lại nhấn ga cho xe băng lên mặc cho mưa rừng, gió biển; để lại sau lưng từng cột, từng cột cây số và những anh bạn chỉ đường: các bảng, biển chỉ dẫn.

11 giờ .
Chỉ còn cách Nghĩa trang Trường Sơn 12 cây số .
Và rồi Nghĩa trang Trường Sơn hiện ra .  Cả một quả đồi lớn nơi có phần mộ của 10263 người con ưu tú của dân tộc. Đây là số người hy sinh đã rõ danh tính .   Vậy còn bao nhiêu người đã ngã xuống còn chưa rõ danh tính, chưa từng được biết tới  ?  Nhưng có điều chắc chắn là còn nhiều, nhiều lắm .  Chiến tranh. Hậu quả chiến tranh thật tàn khốc! Sự mất mát quá sức tưởng tượng. Cùng một gia đình, cùng chung  huyết thống vậy mà người chết ở phía bên này, người chết ở phía bên kia. Bây giờ là hai nấm mồ, chung một chỗ nằm yên nghỉ nơi chín suối. Và, thật xót xa, nơi quê nhà, cha mẹ và họ hàng các anh vẫn đặt chung cho hai người anh em hai bát hương trên cùng một ban thờ! Họ đã cùng ngã xuống trong một cuộc chiến. Thật oái oăm! Thật đau đớn! Gía như  chiến tranh đã không xảy ra thì tốt biết bao?
Đoàn chúng tôi đến nơi đặt đài tưởng niệm chung . Các thành viên đi từ Vinh đã chờ sẵn chừng được một giờ.  Ai nấy đều có tâm trạng ? Trời vẫn mưa, dường như trời đang khóc thương cho những người đã khuất!
Một tấm bia đá có khắc bài thơ thuận nghịch độc “Kính viếng anh linh các liệt sĩ” (do tiến sĩ Đặng Văn Phú là hội viên Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đề thơ) đã được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kính chuyển đến cho Đoàn họ Trương Việt Nam để dâng lên cùng lễ vật hương, hoa, quả ngọt.
Nội dung bài thơ:
Đọc xuôi:
Xương máu trao đưa, góp trọn phần
Hiến dâng non nước, biệt người thân
Hương thơm ngát tỏa tình đồng đội
Thương nhớ anh em, suối lệ giàn.
Đọc ngược:
Giàn lệ suối, em anh nhớ thương
Đội đồng tình, tỏa ngát thơm hương
Thân người biệt, nước non dâng hiến
Phần trọn góp , đưa trao máu xương.

Phút giây thiêng!
Cả đoàn đứng nghiêm trang , nghiêng mình dưới mưa nghe đọc lời điếu với niềm tiếc thương vô hạn. Mong sao linh hồn những người đã khuất được siêu thoát,  phù hộ cho đất nước, cho quê hương, nơi mà đồng chí, đồng bào đang sống để tiếp tục sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Rất lưu luyến, từng thành viên trong đoàn sau khi thắp hương cho từng ngôi mộ quanh đài tưởng niệm đã bái lạy, đi vòng quanh, lượm lá cây bồ đề rụng (cây bồ đề này mọc lên tự nhiên ở nơi đâ và đang xum xuê tỏa bóng mát) . Thật linh thiêng!
Có một chi tiết cũng cần nhắc tới, đó là các chiến sĩ trực ban cho biết đã nhiều năm rồi, rất rất nhiều đoàn đến viếng thăm, đủ các thành phần, đại diện trong và ngoài nước, nhưng đây là lần đầu tiên có một đoàn đại diện của một dòng họ (họ Trương Việt Nam) đến viếng thăm!

12 giờ.  Chính Ngọ .
Đoàn bái biệt anh linh các liệt sĩ và tiếp tục hành trình hướng về Nghĩa trang quốc gia đường 9.
Vùng quê hai bên Đường 9 năm nào bị bom đạn cày nát nay đã thay da đổi thịt. “ Điện , đường, trường, trạm” đã cơ bản hoàn tất làm cho cuộc sống người dân nơi đây khấm khá dần lên.
Dừng chân nghỉ trưa, ăn cơm và cũng là để sửa lốp xe. Thật lạ lùng là cả 3 xe của đoàn đều “dính đinh”? Có lẽ phải phấn đấu để có con đường an toàn tuyệt đối. Bởi lẽ đây là đường Hồ Chí Minh, một trong số ít những tuyến đường huyết mạch của cả nước. Câu trả lời xin dành cho Ban an toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải!
Và kia rồi! Từ xa bên phía tay phải chúng tôi, Nghĩa trang quốc gia đường 9 sừng sững hiện ra.
Lại một dấu tích đau thương nữa!
Đoàn chúng tôi dâng hương, lễ vật và chắp tay kính cẩn nghiêng mình trước Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ. Lòng quặn đau.  Nỗi đau quá lớn.  Như có bàn tay vô hình bóp nghẹt trái tim mỗi người.
Chúng tôi hỏi một sĩ quan trực ban và được cho biết là tại đây, số phần mộ những người hy sinh đã biết rõ danh tính còn nhiều hơn cả ở Nghĩa trang Trường Sơn: hơn 10500 so với 10263.
Bất giác ai đó uất ức nhắc đến tên cái gã “cậu Thủy” nào đó đã bán linh hồn cho quỷ dữ , dám cả gan đưa vào nghĩa trang này một số hài cốt giả mạo! Quả là tồi tệ,táng tận lương tâm. Phải ngăn chặn, phải trừng trị những kẻ có hành vi xấu xa, đê tiện này.

15 giờ. 
Đoàn về đến khách sạn Đông Trường Sơn sau khi bái biệt Nghĩa trang quốc gia đường 9. Tên khách sạn này gợi đến câu thơ của Phạm Tiến Duật “Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”. Việt - Lào hai người anh em chiến đấu bên nhau ngày nào, đến giờ vẫn son sắt, thủy chung.



Dâng hương tại Nghĩa trang Liệt Sĩ đường 9

Dâng hương tại Nghĩa Trang đường 9

15 giờ 30.
Sau khi nhận phòng nghỉ và sửa soạn chốc lát, đoàn lại tiếp tục hành trình đến với Thành cổ Quảng Trị.
Từ ngoài nhìn vào, một cửa thành uy nghi màu xám cũ. Xa bên trong là nơi thờ chung-một nấm mồ chung cho tất cả những người con ưu tú đã ngã xuống và mãi mãi nằm lại nơi này. Và cũng tại đây, rất nhiều người còn chưa rõ họ tên và chắc là sẽ mãi mãi vô danh mà phần đông chưa tới , vừa tròn hoặc mới qua tuổi 20!
Một cây nến (đèn cầy) cao 8,1 m tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu; một biểu tượng cho 3 tầng trời-mây-nước; 3 bát cơm úp ngược. Đài tưởng niệm quanh năm nghi ngút khói hương.
Một người trong số lãnh đạo họ Trương ở Quảng Trị có con gái là nhân viên phụ trách thông tin tuyên truyền tại Thành cổ đã đích thân đưa đoàn chúng tôi đến và yêu cầu cô con gái rượu của mình phải tự đưa đoàn đi thăm viếng và thuyết minh tường tận.
Kính cẩn nghiêng mình viếng các liệt sĩ với vòng hoa nhiều bông trắng (dành cho những người chết trẻ) rồi lặng lẽ nhẹ bước lên từng bậc đá tiến đến đài tưởng niệm, lòng chúng tôi nặng trĩu đau thương.  Cùng viếng với đoàn chúng tôi còn có đoàn của Trường Đại học Mỏ-Địa chất.


Thành Cổ Quảng Trị

Chiến sĩ thành cổ về thăm lại chiến trường xưa

Dâng hương

Tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ

Dâng hương

B
ên tai nghe văng vảng câu hát "Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới mộ,
cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình"

Hồ Sen ngay trước Thành Cổ Quảng Trị - khung cảnh yên bình,
nhưng để có được hòa bình như ngày nay biết bao các anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống
Sau khi viếng tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, đoàn đến thăm Bảo tàng thành cổ Quảng Trị. Tại đây một tấm bia đá khắc bài thơ “Kính viếng anh linh các liệt sĩ” được đoàn trao lại để đặt tại Nhà lưu niệm.


Ông Trương Mạnh Tiến, phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam ghi cảm tưởng sau khi dâng hương thành cổ Quảng Trị

Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa


Bến vượt năm xưa, nay là Bến thả hoa
biết bao chiến sỹ đã hy sinh anh dũng tại Bến vượt này để vượt từ bờ bắc sang bờ nam chiến đấu,
ngày nay nhân dân gọi nơi đây là Bến thả hoa, để tưởng nhớ và kính dâng lên các Anh Hùng Liệt Sĩ các đóa hoa
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ"
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"


Bến vượt 

Chiến sỹ thành cổ thăm lại đơn vị của mình năm xưa ngay tại chân cầu Thạch Hãn bên bờ sông Thạch Hãn

Cầu Thạch Hãn
 Sau khi viếng nghĩa trang Trường Sơn, đoàn trở về khách sạn để nghỉ.
Ngày 20/7.
Sau đêm giao lưu của đoàn họ Trương tỉnh Quảng Trị với các đoàn khách về dự Đại hội đại biểu họ Trương tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất đầy thân tình, nồng ấm, sẻ chia, sáng hôm nay chúng tôi đến nơi tổ chức hội nghị: Nhà văn hóa Đông Hà.
Thất bất ngờ. Một nhà văn hóa tầm cỡ. Ai bảo Quang Trị nghèo lắm? Đúng, Quảng Trị chỉ có thể hơi nghèo về vật chất nhưng không nghèo về văn hóa tinh thần.
Hội trường thật lớn nhưng cũng chỉ đủ chỗ cho hơn 500 đại biểu họ Trương tỉnh Quảng Trị mà thôi. Còn nhiều người con họ Trương tỉnh Quảng Trị chưa thể đến vào dịp này.
Đoàn họ Trương Việt Nam đến dự hội nghị cùng đại diện họ Trương một số tỉnh.
 (xin không viết sâu thêm vì đã có một bài viết kỹ về kết quả Đại hội).

Viếng Mộ Đạị tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau bữa trưa thật vui vẻ mừng thành công của Đại hội đại biểu họ Trương tỉnh Quang Trị lần thứ nhất, đoàn lên đường đi về Quảng Bình-nơi có khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến.
Một chặng đường dài đã qua, có chút thấm mệt. Một thành viên trong đoàn bị cảm lạnh, có lẽ  do ngấm nước mưa khi viếng tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Khi đến với Vũng Chùa-Đảo Yến, một vùng trời nước bao la hiện ra trước mắt chúng tôi.
Đã có nhiều xe ô tô các loại đang có mặt. Xe chúng tôi đến nơi khi mà nhiều người vẫn theo nhau nối dài hướng tới phần mộ Đại tướng, Chúng tôi nhanh chóng ghi tên đăng ký rồi xếp hàng nối tiếp vào dòng người đang chậm rãi đi lên. Ai cũng cảm thấy sảng khoái, nét mặt rạng ngời đầy phấn khích vì đã thực hiện được ước nguyện: viếng Đại tướng tại nơi yên nghỉ thiên thu. Đặt hoa, thắp hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, ghi vội vài hình ảnh kỷ niệm; rồi đoàn bái biệt vị tướng của hòa bình, của nhân dân, vị tướng huyền thoại.
Thế đất nơi đặt mộ Đại tướng dựa lưng vào núi, hướng ra Biển Đông,
Xin Đại tướng hãy yên nghỉ và phù hộ cho con cháu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đánh tan âm mưu xâm lược, bành trướng của ngoại bang, giữ yên bờ cõi, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

17 giờ 15 phút.
Bái biệt anh linh Đại tướng, Chúng tôi lên xe hướng ra Hà Tĩnh.
Kỳ Anh- Cổng chào- Bảng điện tử là những tín hiệu chỉ rõ nơi hẹn gặp mặt.
Lại một bất ngờ nữa. Chủ tịch Hội đồng họ Trương của Nghệ Tĩnh đang đứng chờ cùng với một tốp người lạ chào đón chúng tôi.
Thật tuyệt vời! Có lẽ cha ông mách bảo  mà sau khi tổ chức đại hội thành công, đây là gia tộc họ Trương ở Hà Tĩnh vừa mới được kết nối.
Lại rượu thơm Hà Tĩnh, lại tôm,cua ngọt của vùng biển Vũng Áng. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi cụng ly chúc tụng nhau, nhận họ hàng. Quá tuyệt vời. Những nụ cười mộc mạc, những bàn tay chai sạn,  thô ráp nắm chặt không muốn rời, những tiếng nói không ai nhường ai, không nghe rõ câu nào cho  gẫy gọn. Đâu cần? Chỉ cần nhìn những gương mặt rạng ngời là đã đủ hiểu nhau rồi.
Này đây ông cố, này đây con trai cả, này đây con dâu trưởng (ai đó đùa rằng phải gọi là con” du” mới đúng tiếng Nghệ Tĩnh). Vui, thật vui, rất rất vui. Xúc động vô cùng. Như là anh em ruột thịt.
Tiếc là thời gian quá eo hẹp. Thành phố Hà Tĩnh thì còn xa và bóng đêm đã ập xuống. Đành bịn rịn chia tay để tiếp tục lên đường.

Đến Hà Tĩnh.
Thành phố Hà Tĩnh được quy hoạch cẩn thận nên rất đẹp. Hai bên và ở giữa trục đường chính được chăng đèn , kết hoa (chắc là tiêu tốn khá nhiều năng lượng điện vào ban đêm ?- Hà Tĩnh cũng rất “chịu chơi” đấy chứ!)
Khách sạn Bình Minh.
Lại “bữa ăn lót dạ đêm” với cháo, với xôi và sản vật quê Hà Tĩnh. Và tất nhiên không thể thiếu men say. Để giấc ngủ đêm thêm sâu, phục hồi nhanh thể trạng sau chặng đường xa mà!
Thêm một số thành viên mới, cả nội tộc họ Trương và ngoại tộc họ Trương tại Hà Tĩnh.,
Vài người không kham nổi vì tửu lượng có hạn đã sớm rời bàn ăn về nghỉ trước. Sáng hôm sau hỏi lại mới biết sơ sơ chất men say tối hôm trước cũng dăm ba xị đế (loại chai cỡ lớn). Và chắc chắn là rất vui rồi, bởi vui là chính mà! Vui vì sắp vào dự Lễ kỷ niệm 150 năm ngày giỗ  Đông các Đại học sĩ Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê.
Dâng hương tưởng niệm Trương Đông các Đại học sĩ.
Đến Thạch Khê theo lời mời của UBND xã, chúng tôi quyết định ra thăm và dâng hương tại Lăng mộ của cụ trước.
Lăng Mộ cụ nằm trên sườn đồi cát, phía bên phải là mộ của thân mẫu, phía dưới bên trái là mộ của phu nhân Trương Đông các Đại học sĩ.
Chúng tôi bái lạy, nghiêng mình và dâng hương sau khi nghe đọc và châm lửa để hóa bản sớ rồi trở về nơi thờ tự: Nhà thờ.
(Một chi tiết cũng cần phải nhắc tới: đó là việc chiếc xe ô tô chở con cháu nội tộc ra lăng mộ cụ đã bị tụt xuống hố cát và không sao lên được. Sau khi dâng hương, sáng kiến phát lộ và như có sự mách bảo, hỗ trợ của thần linh, một xe của đoàn đã phối hợp chung sức cùng mọi người kéo được chiếc xe bị sa hố cát, kịp về làm lễ tại Nhà thờ. Thật linh ứng! )       
Tại Nhà thờ, đoàn họ Trương Việt Nam cùng đoàn  họ Trương tỉnh Hưng Yên và tỉnh Nam Định đã kính dâng lễ vật, hương hoa, quả ngọt  lên ban thờ. Cùng lề vật còn có bức tranh in chữ” Đức” bằng từ Hán Nôm  của Hội đồng họ Trương Việt Nam kính lễ, do người con gái họ Trương (Trương Thị Kim Dung) một mình đi xe khách đường dài từ Hà Nội , kịp vào để hòa nhập với đoàn. Thật đáng trân trọng nghĩa cử cao đẹp này.
 Dâng hương tại Mộ Đông các Đại học sỹ - Tiến sỹ Trương Quốc Dụng
 Dâng hương tại Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Lăng và Đề thờ Đông các Đại học sỹ - Tiến sỹ Trương Quốc Dụng
 Di ảnh của Ngài Trương Quốc Dụng được đặt trang nghiêm trong Khu Di tích
Chúng tôi dâng lễ, cầu xin linh hồn Trương Đông các Đại học sĩ siêu thoát, phù hộ cho Hội đồng họ Trương Việt Nam sớm tìm được địa điểm hội đủ mọi điều kiện để xây nhà thờ họ Trương Việt Nam, huy động được đủ nguồn lực cần thiết để sớm hoàn thành ước nguyện. Phù hộ cho tổ chức họ Trương phát triển, sớm đại hội thành lập Hội đồng họ Trương ở tất cả các tỉnh thành còn lại để họ Trương Việt Nam quy tụ đông đủ, góp phần cùng trăm họ xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường, con cháu họ Trương làm ăn phát đạt, học hành tấn tới, là những công dân tốt, có sức khỏe, tài đức vẹn toàn.
10 giờ 30 phút.
Dù rất lưu luyến và hôm sau mới là ngày giỗ chính 150 năm của Trương Đông các Đại học sĩ nhưng chúng tôi đành xin phép chụp tấm ảnh chung để kỷ niệm rồi ra về.
19 giờ.
Đoàn về tới Hà Nội an toàn. Chắc chắn đoàn Hưng Yên, Nam Định cũng vậy.
Một hành trình tri ân đầy ý nghĩa!

Người ghi lại hành trình: Trương Mạnh Tiến
DANH SÁCH ĐOÀN:
Trương Mạnh Tiến
Trương Thị Kim Dung (đi xe khách đường dài Hà Hội-Hà Tĩnh)
Trương Quỳnh Mai ( đi xe theo tuyến đường 1A Hà Nội- Nghệ An)
Trương Thanh Phong
Trương Minh Tân
Trương Thúy Nga
Trương Công Hiệp
Trương Quốc Chính ( đi xe theo tuyến đường 1A Hà Nội –Nghệ An)
Trương Quốc Hoàn
Trương Thanh Long ( đại diện họ Trương tỉnh Nam Định)
Trương Minh Hải (đại diện họ Trương tỉnh Hưng Yên) cùng 6 người nữa
 
Tác giả bài viết:: Trương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam.
Ảnh: Trương Quốc Chính, Trưởng Ban kết nối Hội đồng họ Trương Việt Nam
    

 

 

Những tin cũ hơn

THƯ BAN BIÊN TẬP

THƯ BAN BIÊN TẬP

— 26 Tháng Năm 2017

Những lời tâm huyết Ban Biên tập gửi bà con họ Trương Việt Nam

DOANH NHÂN HỌ TRƯƠNG

DOANH NHÂN HỌ TRƯƠNG

— 26 Tháng Năm 2017

Họ Trương Việt Nam có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, góp phần vào việc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, đồng thời tích cực tham gia nhiều hoạt động hữu ích vì một họ Trương Việt Nam đoàn kết, giàu mạnh và hưng thịnh.

Làng Mai Xá Chánh với câu chuyện chưa biết về Nghệ sỹ Ưu tú Trương Thương Huyền

Làng Mai Xá Chánh với câu chuyện chưa biết về Nghệ sỹ Ưu tú Trương Thương Huyền

— 26 Tháng Năm 2017

Sau nghệ sỹ ưu tú Tân Nhàn với ca khúc Xa khơi của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ âm vang chấn động lòng người thì gần đây một người con Làng Mai Xá Chánh khác – nghệ sỹ ưu tú Trương Thị Thương Huyền (hay còn gọi nghệ sỹ ưu tú Thương Huyền) cũng đã và đang rực sáng trên các lĩnh vực sân khấu điện ảnh tỉnh nhà Quảng Trị nói riêng và chiếm một vị trí trong trái tim của khán giả cả nước nói chung. Thế nhưng, sự thật đằng sau vai diễn “Sự tích nước mắt” ấy chúng ta vẫn nhận ra dáng dấp một cô gái quê Mai Xá Chánh năng động vui vẻ nhưng khiêm tốn bình dị rất kính tiếng này.

TỪ ĐƯỜNG – NHÀ THỜ HỌ TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT

TỪ ĐƯỜNG – NHÀ THỜ HỌ TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT

— 26 Tháng Năm 2017

Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam thật đơn giản mà ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, nhà thờ họ. Gia phả và nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ.

Ý NGHĨA TỐT ĐẸP CỦA TRUYỀN THỐNG THỜ CÚNG DÒNG HỌ

Ý NGHĨA TỐT ĐẸP CỦA TRUYỀN THỐNG THỜ CÚNG DÒNG HỌ

— 25 Tháng Năm 2017

Từ xa xưa để chống chọi với thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ mùa màng, người Việt đã cố kết với nhau theo họ tộc. Dần dà, họ tộc trở thành một đơn vị xã hội quan trọng của làng xã và tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong việc chống trả giặc ngoại xâm và cả sức đề kháng văn hóa đối với những luồng văn hóa ngoại lai. Giờ đây, truyền thống văn hóa thờ cúng dòng họ có thể nói vẫn còn rất phổ biến ở hầu khắp các làng quê Việt.