Danh nhân dòng họ
ĐỨC THÁNH BÀ
NGỌC DUNG CÔNG CHÚA
Trích trong Tộc phả Họ Trương thôn La xuyên
1- Lịch sử và những lời truyền lại
Tại vùng Phong Doanh trấn Sơn Nam Hạ xưa* nhân dân địa phương và cháu con trong dòng tộc họ Trương thường truyền tai nhau những câu chuyện linh thiêng về Đức Thánh bà Ngọc Dung Công chúa.
Ban thờ Đức Thánh Bà Ngọc Dung Công Chúa trong Điện thờ
ở thôn La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Chuyện kể rằng dòng tộc họ Trương có cụ Tự Huệ Quảng là cháu của Hầu tước Trương Tướng Công thời Lê, cụ Quảng là người có tâm có đức, sống hòa thuận với mọi người. Cụ xây dựng với cụ bà Hiệu Từ Thục,hai cụ sinh thành được bốn người con trai và ba người con gái. Một đêm,vào dịp cuối Thu,cụ Từ Thục nằm mơ thấy có ngôi sao to sáng xanh như ngọc sa xuống góc nhà, cụ lo sợ đem việc ấy hỏi bố chồng,người bố chồng là cụ sinh đồ Tự Huệ Đại*, bấm bấm ngón tay nhẩm tính rồi cười bảo rằng đó là điềm may mắn linh thiêng lắm. Ít lâu sau,cụ Từ Thục sinh thêm một người con gái đặt tên là Ngọc Dung. Ngay từ khi mới sinh, Trương Thị Ngọc Dung đã có diện mạo xinh đẹp khác thường, mọi người gọi là nàng công chúa. Công chúa Ngọc Dung mặt hoa da phấn,môi đỏ như son, tuy còn ít tuổi nhưng đi đứng đoan trang,nói năng khôn khéo. Được ông nội là cụ sinh đồ Tự Huệ Đại dạy chữ, mới tám, chín tuổi Công chúa Ngọc Dung đọc thông viết thạo, làu thông nhiều sách thánh hiền. Đặc biệt Công chúa rất yêu thiên nhiên, thích ra đồng chăn trâu cắt cỏ, vui đùa với sông nước, cỏ cây hoa lá.
Công chúa càng lớn càng xinh đẹp,khéo tay hay làm, tiếng lành đồn xa,lời đồn lọt đến tai Thái tử Thủy Long của Vua Thủy tề, làm Thái Tử đứng ngồi không yên. Một tháng đôi lần Ngài theo thủy triều vào vùng sông Đáy, đi khắp các nhánh sông để tìm ngắm dung nhan Công chúa. Nhìn thấy Công chúa đoan trang xinh đẹp,đôi tay thon thả, cắt cỏ bên sông mà dẻo như múa như mời,Thủy Long đem lòng yêu mê mẩn,ngày đêm ước ao được đón Công chúa về bên mình. Một ngày kia, vào dịp giữa mùa Xuân,trời trong xanh,nắng vàng như trải lụa khắp thôn quê, cỏ xuân xanh mướt đồng bãi,ven đê, Ngọc Dung công chúa một mình quảy quang gánh ra bờ sông cắt cỏ, tay làm miệng hát véo von, xa xa nhìn lại Công chúa như một bông hoa trắng xinh nổi bật trên nền cỏ xanh mượt mà làm Thủy long cầm lòng không đậu, Ngài vội gọi quan binh, hô mây gọi gió,trời đất bỗng nhiên tối đen như mực, mây mưa vần vũ, sấm chớp ầm ầm. Quan binh của Thủy Tề ào ào cuộn nước làm ô, lớp lớp sóng dâng làm kiệu, vội vàng đón Công chúa đi. Gia đình ,họ mạc hay tin đội mưa đi tìm, tìm mãi thì thấy Thủy Long đã đón Công chúa ra sông Đáy về tận La Phù, gần cầu Gián Khẩu,huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Mọi người quay về báo tin cho Cụ Quảng, lúc cụ cùng người thân trong gia đình vào đến nơi thì Công chúa đã hiển Thánh về trời, chỉ còn lại một gò mối mới tinh to như đống rơm phủ lên nơi Công chúa nằm. Hết thảy mọi người có mặt hôm đó không ai bảo ai tất cả đều bàng hoàng sụp xuống vái lạy. Ngôi mộ kết. Người đi như thế là thiêng lắm. Hôm đó nhằm ngày mồng 9 tháng 2 âm lịch, cả họ tộc cùng dân làng La xuyên xếp cưa xếp đục làm lễ tế Bà trong suốt ba ngày ba đêm. Lễ tiễn đưa tràn ngập một màu hoa trắng.
Từ đó trở đi cứ đến ngày mồng 9 tháng 2 hằng năm họ tộc và nhân dân La xuyên lại tổ chức tế lễ Đức Thánh bà. Lễ tế bao giờ cũng có một bình hoa trắng muốt, thanh tao.
2- Nhân chứng và những điều linh ứng
Điện thờ Đức Thánh Bà Ngọc Dung Công Chúa ở thôn La Xuyên
Sau ngày Bà hiển Thánh về trời, ở địa phương và dòng tộc có nhiều việc linh ứng xảy ra…Cụ Hiệu Diệu Thảo (Vợ hai của cụ Tự Phúc Úc)khi còn sống vẫn kể với con cháu rằng: Khi xưa cụ Hiệu Diệu Rừa xây dựng gia đình với cụ Tự Phúc Úc đã nhiều năm nhưng cứ ốm đau quặt quẹo,không sinh nở được. Gia đình lo thu xếp tìm người vợ kế cho Cụ Úc, chưa kịp định ngày cưới xin thì cụ Rừa chuyển bệnh ốm nặng, các thầy lang được mời đến đều lắc đầu bó tay. Đồ đoán cụ Rừa sắp mất, gia đình tổ chức xin dâu chạy tang. Lúc dẫn dâu về đến nhà , cụ Thảo chạy vào thăm vợ cũ của chồng thì thấy cụ Rừa chỉ còn thở đứt quãng,nặng nhọc, lay gọi không thưa. Thương phận đàn bà xấu mệnh cụ không cầm được nước mắt. Bỗng đâu như có người xui khiến, cụ Thảo chạy sang bên Điện cuống quýt lên hương vái lạy kêu xin Đức Thánh Bà. Người nhà thấy cô dâu mới tự nhiên chạy sang Điện, không biết có việc gì cũng vội vàng chạy theo, khi đến nơi thì Thánh đã nhập đồng, hô hét mọi người lấy giấy bút ghi tên thuốc chữa cho cụ Rừa. Lúc đưa cho thầy lang bốc thuốc thì mới biết toàn là các vị thuốc độc,mọi người phân vân không biết có nên dùng hay không, sau một hồi bàn đi tính lại các cụ quyết rằng không uống thuốc cũng chết ,Thánh Bà đã cho thuốc thì nên theo ý của Thánh Bà, khi ấy mọi người mới dám sắc thuốc đưa lên cạy miệng người ốm đổ vào. Kỳ lạ thay thuốc vào đến đâu cụ Rừa tỉnh lại đến đấy, chỉ sau 3 thìa thuốc nhỏ cụ đã hồi tỉnh hoàn toàn, da dẻ hồng hào trở lại. Lúc bấy giờ mọi người mới kinh hãi chạy về bên Điện phủ phục vái Thánh bà lia lịa.
Sau lần ấy, cụ Rừa dần dần khỏe lại bình thường. Vài năm sau cụ Thảo sinh con thì cụ Rừa cũng sinh con, lần lượt hai cụ sinh được 6 người con trai.Bà cả,bà hai quý nhau như chị em ruột.
Các cụ cao niên ở địa phương còn kể lại rằng, ngày xưa việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh là rất khó khăn,sài đẹn,ốm đau,sống chết tất cả nhờ trời, thông thường sinh năm chỉ nuôi được ba. Trong một kỳ tế lễ, Đức Thánh Bà đã về nhập đồng dạy rằng: Từ nay con cháu trong dòng họ sau khi sinh nở thì làm giấy bán sang cho Thánh và Quan lớn Trương Tướng Công để bề trên trông giữ thì không có ma quỷ cô hồn nào bắt đi được.
Họ hàng và nhân dân địa phương thuận theo ý Thánh, những đứa trẻ sau khi sinh làm giấy sớ bán sang cho Tướng Công hoặc Đức Thánh Bà đều ăn ngoan,chóng lớn, ít khi bệnh tật ốm đau. Nhân dân địa phương nghe tin, dù không phải cháu con dòng tộc họ Trương cũng đến làm sớ xin bán con cho Thánh Bà. Khi các cháu đến tuổi trưởng thành lại làm sớ xin chuộc về.Việc bán con cho Thánh và chuộc con về đã trở thành phong tục ở địa phương cho tới tận ngày nay.
3- Căn cứ lịch sử
Sự linh thiêng của Đức Thánh Bà đã lan tỏa khắp khu vực đồng bằng Sơn Nam Hạ. Năm 1924 (Khải Định năm thứ 9) nhận thấy tầm ảnh hưởng sâu sắc của Đức Thánh bà tới đời sống,tâm linh của cộng đồng dân cư, Triều đình nhà Nguyễn đã Sắc phong cho Bà thụ ân vinh phong: “Trai tịnh Dực bảo Trung hưng Trung Đẳng thần…”.
Sắc phong của Vua Khải Định dành cho Đức Thánh Bà Ngọc Dung Công Chúa
Sắc viết:
“Nam Định tỉnh,Phong Doanh huyện,LaXxuyên xã,La Phù khu phụng sự: Ngọc Dung Công chúa Tôn thần hộ tý dân nhẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm Tứ tuần Đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi: Trai tịnh Dực bảo Trung hưngTrung Đẳng thần.Chuẩn kỳ phụng sự,thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Khải Định Cửu niên thất nguyệt thập ngũ nhật”.
Dịch nghĩa Sắc phong:
“ Khu La Phù ,xã La Xuyên,huyện Phong Doanh,tỉnh Nam Định
nhận Sắc chỉ: Ban cho Bà Ngọc Dung Công chúa Tôn thần đang được thờ phụng tại đây đã phù hộ độ trì giúp nước giúp dân linh ứng. Nay nhân dịp Lễ khánh tiết mừng thọ Tứ tuần của Trẫm, Trẫm xuống chiếu ban ơn vinh phong Thánh Bà là Trai tịnh Dực bảo Trung hưng Trung Đẳng thần. Chuẩn cho Thánh Bà được kính cẩn thờ phụng như cũ để mong Thánh Bà tiếp tục giúp đỡ bảo hộ cho dân lành của đất nước.
Hãy tuân theo.
Ngày Rằm tháng bảy năm Khải Định thứ chín (1924)
(Dịch nghĩa của Cụ Trương Quang Phúc Chủ tịch CLB Hán-Nôm, Quảng Bình).
Bản nguyên văn chữ trong Sắc phong cho Đức Thánh Bà Ngọc Dung Công Chúa
do Đại Đức Thích Viên Thành – Chùa Tam Quan-Dương Hồi viết lại
Qua nghiên cứu sắc phong và tham khảo các bài viết nghiên cứu về sắc phong của nhiều dịch giả thì Sắc phong cho Đức Thánh bà là Sắc phong thần (Sắc phong cho các Thần linh hoặc những bậc hiển Thánh).Theo Tiến sỹ Nguyễn mạnh Hùng (người đã sưu tầm và nghiên cứu 181 bản sắc phong) thì Sắc phong của Vua chúa thời xưa có ý nghĩa rất quan trọng: đó là việc công nhận chính thức,hợp pháp sự hiện diện của Thánh,thần đã có sự linh ứng, được ghi chép vào sổ của triều đình. Sắc phong “Tôn thần” cho Đức Thánh bà Ngọc Dung Công chúa ở hạng Trung đẳng thần (là chức sắc cao nhất của những thần dân hiển Thánh)*.Sắc được làm từ loại giấy quý.
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì đây là giấy Nghè (được làm tại làng Nghè,Từ liêm,Hà nội) là loại giấy sản xuất chỉ để cho triều đình sử dụng cấp sắc. Nguyên liệu vẽ trên giấy là vàng và bạc, có thể tồn tại hàng trăm năm. Sắc có kích thước 120 x 50 ,màu vàng sẫm,trang trí bằng các họa tiết thếp vàng, mây thếp bạc, chính giữa là một con rồng ẩn mây, xung quanh có đường riềm hoa gấm,bốn góc in 4 ô Ngũ thọ lớn. Phần niên đại đóng ấn triện “Sắc mệnh Tri bảo” của triều đình đương thời.
4- Lời kết
Có lẽ không thể giản đơn để một người bình thường được gọi là Đức Thánh Bà và càng không thể giản đơn để được triều đình đương thời sắc phong chức sắc cao nhất của thần dân hiển Thánh: “Tôn thần- Trung Đẳng thần” và trên hết tất cả chính là sự thành kính thiêng liêng của mỗi con người trong dòng tộc,trong khu vực khi nhắc đến Đức Thánh Bà.
Trải qua hàng ngàn năm biến động, đất làng nghề La xuyên vẫn còn đó, Đức Thánh Bà Ngọc Dung Công chúa vẫn còn đây, hình ảnh và uy linh của Bà vẫn còn mãi trong lòng mỗi người con của quê hương,dòng tộc cho dù cháu con sống ở đâu trên mọi miền Tổ quốc.
Hàng năm tôi vẫn về dâng hương trên Điện Đức Thánh Ngọc Dung Công chúa và lần nào cũng vậy cảm giác vừa linh thiêng vừa gần gũi xáo trộn trong tôi. Trong không gian tĩnh lặng,ngào ngạt hương trầm, bước chân ai cũng khẽ khàng cung kính. Lướt nhẹ trước các ban thờ, nội Điện mờ mờ sáng tối,đèn nến lung linh ,tôi không thể không đưa mắt qua làn khói hương bảng lảng tìm vào cõi hư không để mong nhìn thấy hình ảnh một người con gái họ Trương xinh đẹp dịu dàng, một Đức Thánh bà hiền thục,linh thiêng. Một ngôi sao sa thoáng qua trần gian, để lại mãi cho muôn đời lung linh một ánh hào quang huyền ảo.
La xuyên, mùa xuân năm Bính thân 2016
Trương ngọc Vui
* Nay là vùng Ý yên tỉnh Nam định.
* Sắc phong Thần của chế độ xưa có 3 hạng:
- Những bậc Đế vương, quan lớn hiển thánh như Trần nhân Tông, Trần hưng Đạo hoặc Giáng tiên (Tiên giáng trần) như Thánh mẫu Liễu hạnh v.v… được phong ở hạng Thượng Đẳng thần.
- Thần dân (hay còn gọi là người dân) hiển Thánh được sắc phong theo 2 hạng: Hạng cao là Trung Đẳng thần, hạng thấp là Hạ thần.
* “Sinh đồ”: Theo Cương mục thời Lê Trung hưng, người thi hương 3 lần đều đỗ đạt thì gọi là “sinh đồ”.
* Trong Tộc phả Họ trương thôn La xuyên huyện Ý yên tỉnh Nam định có ghi: “Đời thứ 7- Cao tổ Tự Huệ Đại (tên húy là Hiệp) và cụ bà Hiệu Từ Chiêu (tên húy là Yên,thuộc chi họ Ninh, con gái cụ Tự Chân Y và bà Hiệu Từ Thụ)…Cụ Tự Huệ Quảng là con thứ của cao tổ Tự Huệ Đại…”. Có niên đại vào đầu thế kỷ 17.
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này