Nghiên cứu về phẩm tước của Tướng công Trương Đăng Chức qua Gia phả cổ và các bản sắc phong

22:52 - 08/07/2017 Người họ Trương Administrator 6081
Danh nhân lịch sử
NGHIÊN CỨU VỀ PHẨM TƯỚC CỦA
TƯỚNG CÔNG TRƯƠNG ĐĂNG CHỨC
QUA GIA PHẢ CỔ VÀ CÁC BẢN SẮC PHONG
 
Hiện nay dòng tộc họ Trương tại thôn La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định còn lưu giữ 3 bản sắc phong của triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho Tướng Công Trương Đăng Chức (Tự Phúc Khang): Đại thần của thời Lê và là Thủy tổ của dòng tộc họ Trương tại La Xuyên.
Lăng Quan Quận – Lăng mộ Đặc tiến Phụ Quốc Thượng Tướng quân
Trương Tướng Công tại Triều Lăng, thôn La Xuyên, Xã Yên Ninh, Nam Định
 
Trước khi nghiên cứu xem xét các Sắc phong của Trương Tướng Công, xin được trích dẫn một vài nội dung liên quan đến Trương Tướng Công trong gia phả cổ để lại.
 
I – Nội dung gia phả cổ viết về Trương Tướng công
Theo gia phả cổ của dòng họ được viết từ những năm cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ghi chép về phần mồ mả của các đời Thủy tổ có liên quan đến Trương Tướng Công, gia phả viết: “Tổ Tự Phúc Điền mộ dữ,Tự Phúc Thành mộ giai táng tại khu Đỏ xứ mộc tinh khai kiềm hồi long kết huyệt diện tiền quan tinh triều án đặc thiết tam hỏa thành kỳ canh phương phi chấn ngã thủy xứ chức hầu dĩ võ sự Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng nãi nhị tổ mộ canh kỳ chi ứng dã”. Tạm dịch: “ Mộ cụ Tự Phúc Điền, mộ cụ Tự Phúc Thành đều để ở khu mả Đỏ, nơi có huyệt đất linh thiêng, Rồng chầu Hổ phục, phía trước có thế như án thư nơi các quan tụ hội, phía sau có ba con hỏa tạo thành hình lá cờ ở phía Tây phấp phới nên sau này Trương Đăng Chức theo nghiệp võ được phong tước Hầu với danh vị là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân. Đúng là điềm ứng với hai ngôi mộ của cha chú đặt ở nơi huyệt phát”.(Phiên âm và dịch nghĩa của cụ Dương văn Vượng- nhà nghiên cứu Hán-nôm Viện bảo tàng lịch sử tỉnh Nam định).
Nhà thờ họ Trương thôn La Xuyên, nơi thờ tự Thượng Tiên tổ
và Thủy Tổ - Quận công Trương Đăng Chức.
 
Trong nội dung đoạn gia phả trên, ngày xưa các vị tiền bối căn cứ vào việc Thủy tổ Trương Đăng Chức đã được phong tước Hầu với chức danh là Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân để nói về hai ngôi mộ của bề trên trước đây đặt ở nơi huyệt phát theo “Địa lý Phân châm” nay đã linh ứng.
Theo một trang gia phả khác thì vào năm Nhâm ngọ (1762) gia phả của dòng họ bị cháy,thất lạc, sau đó một vị tiền bối trong tộc họ đã tìm thấy sắc phong của triều Lê tại nhà người cháu là Trương Xuân Nghi, nhưng sắc phong đã bị rách nát,hư hỏng, chỉ còn một số chữ. Gia phả viết: “…Nhâm ngọ niên quốc sự biến canh Nguyễn chúa khai cơ dư niên nhị thập hữu bát công các tông thống song nhiệm tâm đăng hỏa vị thê noa nhị hữu tác nhiếp gia thất tương phương hoàn tưởng tu tộc phả ư thị thủy cùng nguyên do bất kiến đắc thủy tổ sắc chỉ tại Trương Xuân Nghi chi tôn nhiên phả tàn đoạn duy tồn xổ hàng phẩm tước mỹ tự nhân hựu bao tập ngã kỳ lão chi sở kiến văn…”
 
 
Dịch nghĩa: “ …Năm Nhâm ngọ (1762) đất nước có biến loạn, chúa Nguyễn từ miền trong dựng cờ khởi nghĩa, năm đó tôi hai mươi tám tuổi nghĩ về dòng tộc,gia đình đều phải chăm lo, được như thế thì việc học hành mới có ý nghĩa trọn vẹn.Việc viết gia phả phải suy xét cho kỹ, tìm hiểu nguồn gốc cho chính xác. Thấy Thủy tổ có sắc chỉ để ở nhà người cháu là Trương Xuân Nghi nhưng rách nát chỉ còn có mấy hàng chữ về phẩm tước,mỹ hiệu (tôi) đem hàn gắn lại và tìm các vị kỳ lão để hỏi han cho rõ…” .(Cụ Dương văn Vượng phiên âm và dịch nghĩa).
Nội dung phần gia phả này xác định: tìm thấy sắc phong của Thời Lê phong chức cho Thủy tổ Trương Đăng Chức nhưng bị rách nát chỉ còn một số nội dung viết về chức tước, tên gọi.v.v…
 
Rất tiếc, sau hai trang này chúng tôi không tìm thấy trong gia phả cổ còn trang nào nói tiếp về Trương tướng công nữa.Tuy nhiên qua hai trang gia phả trên các vị tiền bối trong dòng tộc xưa đã khẳng định:
- Thủy tổ Trương Đăng Chức đã được phong tước Hầu với chức danh là Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân.
- Có sắc phong của Thời Lê phong chức cho Thủy tổ Trương Đăng Chức.
Ngoài nội dung gia phả đã nói trên đây, theo lời các cụ cao niên của dòng tộc nói lại thì trong một lần đình làng nâng cấp, địa phương đã vận động nhân dân trong khu vực góp giấy cũ để đắp tượng, có một cụ đồ đã thấy trong số giấy cũ có một bản sắc phong của Tướng công Trương Đăng Chức.
 
II – Các Sắc phong cho Trương Tướng Công thời Nguyễn
 
Ba bản sắc phong mà dòng họ hiện nay đang lưu giữ là ba bản sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Căn cứ từ bản sắc phong thời Lê, triều đình nhà Nguyễn gia phong (phong thêm) chức tước mỹ tự cho Trương Tướng Công .
 
1 - Sắc phong thứ nhất (Phiên âm):
“ Sắc
Nam định tỉnh Phong doanh huyện La Xuyên xã La Phù khu Phụng sự: Lê triều Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Trương Tướng công chi thần nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miễn niệm thần hưu trứ phong vi: Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Khải Định nhị niên,tam nguyệt thập bát nhật”.
 
Dịch nghĩa:
“ Sắc phong
Ban cho vị thần người họ Trương lúc sinh thời giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân của triều đình nhà Lê được thờ phụng tại khu La Phù xã La xuyên, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định đã có nhiều linh ứng. Nay Trẫm thay mệnh trời, tưởng nhớ đến công đức to lớn của Thần nên sắc phong cho ngài là Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần. Chuẩn cho Ngài được thờ phụng như cũ để mong Ngài giúp đỡ bảo hộ dân lành.
Hãy kính cẩn tuân mệnh.
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ hai (1917)”.
(Phiên âm và dịch nghĩa: Cụ Trương quang Phúc Chủ tịch CLB Hán nôm tỉnh Quảng bình)
 
2 - Sắc phong thứ hai (Phiên âm):
 
“Sắc
Nam định tỉnh Phong doanh huyện La Xuyên xã La Phù khu tòng tiền phụng sự: Nguyên phong Linh phù Dực bảo Trung hưng Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Trương Tướng Công Tôn thần,hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng.Tiết mong ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết,kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Gia phong: Đoan túc Tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai
Khải Định cửu niên thất nguyệt thập ngũ nhật”
 
Dịch nghĩa:
“ Sắc phong
Ban cho Ngài Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân của triều Lê, trước đã gia phong Linh phù Dực bảo Trung hưng Trương Tướng Công Tôn thần, thờ phụng tại khu La Phù xã La xuyên, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định đã có công giúp nước giúp dân linh ứng rất đáng được thăng cấp,vinh phong. Nay nhân dịp Đại lễ mừng thọ Trẫm bốn mươi tuổi, theo lệ triều đình xuống chiếu quý,ban ơn xa, Trẫm gia phong cho ngài lên bậc Đoan túc Tôn thần, đặc chuẩn cho ngài được thờ phụng theo hàng Quốc lễ.
Hãy kính cẩn tuân mệnh
Ngày 15 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)”.
(Phiên âm và dịch nghĩa: Cụ Trương quang Phúc Chủ tịch CLB Hán nôm tỉnh Quảng bình)
Hai bản Săc phong thời Nguyễn: Gia phong tước vị cho Quận Công Trương Đăng Chức.
 
3 - Bản sắc phong thứ ba chuẩn y cho Đền ở Giáp Phú tây phụng sự có nội dung gia phong tương tự bản sắc phong thứ nhất (năm 1917), chỉ khác địa danh nơi phụng sự và thời gian sắc phong.
 
Sắc phong thứ ba (Phiên âm):
 
“ Sắc
Nam định tỉnh Phong doanh huyện La Xuyên xã Phú Tây Giáp Phụng sự: Lê triều Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Trương Tướng công chi thần hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân,lễ long đăng trật trứ phong vi: Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Khải Định cửu niên,thất nguyệt nhị thập ngũ nhật”.
 
Dịch nghĩa:
“ Sắc phong
Giáp Phú Tây, xã La Xuyên,huyện Phong Doanh,tỉnh Nam Định nhận sắc chỉ: Vị thần người họ Trương lúc sinh thời giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Trương Tướng Công của triều đình nhà Lê được thờ phụng tại đây đã có công giúp nước giúp dân nhiều linh ứng. Nay nhân dịp Đại lễ mừng thọ Trẫm bốn mươi tuổi, theo lệ triều đình xuống chiếu quý,ban ơn xa, Trẫm gia phong cho ngài là Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần. Chuẩn cho Ngài được thờ phụng như cũ để mong Ngài giúp đỡ bảo hộ dân lành.
Hãy kính cẩn tuân mệnh.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ chín (1924)”.
(Phiên âm và dịch nghĩa: Đại đức Thích Viên Thành chùa Tam quang Dương hồi)
 
 
III- Nghiên cứu và nhận định
Từ nội dung các sắc phong trên đây, người viết đã tìm hiểu và nghiên cứu qua các tư liệu lịch sử ,các công trình nghiên cứu của nhiều nhà sử học , trong đó chủ yếu là bộ sách : “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”, “Quan chế thời Lê”, “Lịch sử thời Hậu Lê 1428-1789”, v.v… xin được trích dẫn tóm tắt ngắn gọn một số quy định về Hệ thống phẩm trật, chế độ lương bổng trong “Quan chế thời Lê” như sau:
 
- “Phẩm trật quan võ:
“1.a- Thái sư,Thái úy,Thái bảo :hàm Chánh nhất phẩm.
Những người này về Văn giai (quan văn) thì Thăng thụ là :”Đặc tiến Kim tứ Vĩnh lộc Đại phu”. Về Võ giai (quan võ) thì Thăng thụ là: “Đặc tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân”…
 
- Quan chế quy định: …” Người được ban từ Tam phẩm trở lên đến nhất phẩm là Quan Đại thần…”
 
“Hệ thống Phẩm trật:
- Hệ thống phẩm trật là chế độ để phân biệt đẳng cấp giữa các chức
quan bao gồm 9 bậc. mỗi bậc lại chia ra chánh và tòng (chánh là thứ nhất, tòng là thứ nhì*) và định rõ theo 2 ban Văn-Võ. Quan Thượng thư (cao nhất của 6 Bộ*) được ban phẩm trật Tòng nhị phẩm, còn Chánh nhất phẩm, chánh nhị phẩm, tòng nhất phẩm được ban cho các chức quan cao hơn. Tể tướng, Thượng tướng (Á tướng),Thái sư,Thái úy,Thái bảo được ban phẩm trật Chánh nhất phẩm. Thái tử làm Thái sư,Thái phó…được ban Tòng nhất phẩm….”
- “Chế độ lương bổng:
Bậc lương của các quan gọi là “tư”, được xếp thành 24 tư, 1 tư tương
đương 1 phẩm trật (bao gồm cả Chánh và Tòng). Như vậy quan Cửu phẩm có bậc lượng thấp nhất (là 1 tư), quan Chánh nhất phẩm là 18 tư…”
 
- “Chế độ Hoàng tộc thời Lê trung hưng:
“…Ngoài các quy định riêng đối với họ hàng thân tộc của nhà vua thì các quan Đại thần có nhiều công lao được thăng lên tước “Công” là tước cao nhất, ngang Chánh nhất phẩm. Tước công được chia làm 2 loại: Quốc công và Quận công…..”
 
Từ những quy định trên đây, đối chiếu với sắc phong triều đình ban cho Trương tướng công để khẳng định:
1 - Trương Tướng Công được phong là Đại thần trong triều,(Quan Đại thần được sử dụng trang phục áo đỏ,đai vàng,có mặt thường xuyên trong các buổi thiết triều của Vua).
2 – Trương Tướng Công giữ chức vụ: Thái úy,Thái phó hoặc Thái bảo
3 – Được hưởng phẩm trật (mức lương)hàm Chánh nhất phẩm (Mức lương cao nhất của các quan trong triều đình đương thời).
4 – Được suy tôn như Hoàng thân Quốc thích (Được kính trọng như người của Hoàng tộc - Chữ Công trong “Tướng công” để phân biệt 5 thứ bậc trong hoàng tộc: Công-Hầu-Bá-Tử-Nam).
5 – Được thờ phụng theo hàng Quốc lễ (Được nhân dân cả nước phụng thờ theo nghi thức cấp nhà nước).
Rất tiếc rằng, sau năm 1954 việc thờ cúng bị ngăn cấm,mai một nên ý nguyện của triều đình xưa chưa phát triển sâu rộng.
Cổng vào khu Điện thờ Trương Tướng Công ở Phú Giáp Tây Thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
 
Một điều nữa cũng cần nói thêm cho rõ: Trong gia phả cổ xưa để lại có 2 lần viết Trương Tướng công được phong tước “Hầu”, xong đến các sắc phong triều Nguyễn lại thấy ghi “phong cho vị Đặc tiến Thượng Tướng quân Trương Tướng Công thời Lê…”. Việc này không rõ theo cách gọi của hai thời gian khác nhau hay do triều đình nhà Nguyễn phong thêm tước vị là điều chưa lý giải được.
Qua nghiên cứu,bước đầu đã khẳng định thân thế, phẩm tước Trương Tướng Công như vậy xong vẫn mong những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, những chuyên gia Hán Nôm lưu tâm xem xét lại chi tiết và nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về các sắc phong này, đồng thời tìm lại trong thư viện Hán-Nôm, trong các tư liệu lịch sử để khẳng định rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Trương tướng công. Mặt khác: việc nghiên cứu và dịch nghĩa văn hóa Hán-Nôm cần một chuyên môn không hề đơn giản, do vậy rất cần tiếp tục nghiên cứu và bổ xung thêm.
 
IV- Thay lời kết
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu,xem xét, và cũng là nội dung thay cho lời kết, tôi xin trích một số đoạn trong phả ký của Tộc phả Họ Trương ở thôn La Xuyên,xã Yên Ninh,huyện Ý Yên tỉnh, Nam Định như sau:
Một trang gia phả cổ viết: “Tự Phúc Điền Hiệu Từ Ái, Bào đệ Tự Phúc Thành Hiệu An Tâm . Tự Phúc Điền Hiệu Từ Ái sinh hạ nam tử Tự Phúc Khang hôn Hiệu Từ Minh,Hiệu Từ Hiền,Hiệu Từ Diên, Bát vị tiên tổ bản giáp hệ chí thập nhị nguyệt thập nhất nhật đồng cúng kị lạp phần đồng giám thủ bồi chúc”. Tạm dịch: “ Thái Tổ Tự Phúc Điền và vợ là cụ bà Hiệu Từ Ái, em trai Tự Phúc Điền là cụ Tự Phúc Thành ,em dâu (vợ cụ Tự Phúc Thành) là cụ bà Hiệu An Tâm. Thái Tổ Tự Phúc Điền và vợ là Hiệu Từ Ái sinh hạ một người con trai là Tự Phúc Khang. Các bà vợ của Tự Phúc Khang gồm Hiệu Từ Minh,Hiệu Từ Hiền,Hiệu Từ Diên (Duyên).Tám vị Thủy tổ được họ tộc cúng kỵ và sửa sang phần mộ vào ngày 15 tháng chạp hàng năm”.
 
Theo lời xưa kể lại: Khi Trương tướng công mất, triều đình đương thời đã tổ chức tế lễ trong suốt ba mươi ngày tại Kinh kỳ rồi chuyển về huyện Vọng Doanh, tỉnh Nam Định cúng tế thêm 7 ngày nữa sau đó mới cho phép tộc họ chuyển về La Xuyên làm lễ. Quan quách của ngài được triều đình cho làm hai lớp: bên ngoài bằng đá,bên trong bằng đồng.Họ tộc và dân làng đã làm lễ ba ngày ba đêm trước khi an táng.
Lăng mộ của Trương Tướng Công hiện nay được phục dựng vào đầu thế kỷ XIX tại cánh đồng chiều Lăng, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Mộ phần thuộc hệ an táng (không cải táng), trải qua nhiều năm tháng, phần Lăng mộ đã qua nhiều lần tu sửa xong vẫn giữ nguyên dáng cách xây dựng ban đầu. Bà con dòng tộc và nhân dân địa phương gọi là “Lăng Quan Quận”. Bia đá ở Lăng có một điều đặc biệt, mặt sau bia có khắc dòng chữ (tạm dịch): “Cụ Trương văn Nghi đã làm mất gia phả tộc họ…”. Đọc văn bia người viết gia phả đồ rằng các cụ xưa đã dùng phương thức thực thực hư hư,khắc tên người làm mất gia phả không hẳn là ghi lỗi mà kỳ thực chỉ là cách để làm cho quan binh lúc bấy giờ không còn hạch sách,tìm tòi truy sát người trong họ.
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gia phả của dòng họ thất lạc, ghi chép về Tổ tiên tờ mất tờ còn, dẫu vậy vẫn còn đây một Lăng Quan lớn trầm mặc, trải qua bao năm tháng nắng mưa hiển hiện là một chứng tích lịch sử giữa cuộc đời biến động. Vẫn còn đây những tờ sắc phong của các triều đại ngày xưa do chính Đức Vua uy quyền của cả một đất nước tự tay ký sắc là một sự khẳng định danh vị, công lao cho vị tiền hiền của dòng họ. Và vẫn còn đây trong lòng mỗi người con mang dòng máu họ Trương ở La Xuyên một vị Thủy tổ anh linh, sống khôn thác thiêng hàng ngày hàng giờ sống trong tâm thức, phù hộ độ trì cho cháu con trong cuộc sống.
 
Nam Định, chấp bút sưu tầm từ năm 2013
Chỉnh sửa hoàn thành tháng giêng năm Bính thân (2016)
Trương ngọc Vui

Những tin cũ hơn

Vị quan thanh liêm bậc nhất triều Nguyễn

Vị quan thanh liêm bậc nhất triều Nguyễn

— 04 Tháng Bảy 2017

Danh Thần Trương Đăng Quế nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, được cả ba đời vua Triều Nguyễn trọng dụng

Trương Thị Kim Tuyền

Trương Thị Kim Tuyền "viết lên trang sử" cho Taekwondo Việt Nam

— 27 Tháng Sáu 2017

Tin vui này được Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam- Vũ Xuân Thành báo về từ TP Muju (Hàn Quốc)- nơi đang diễn ra Giải vô địch Taekwondo thế giới 2017, với sự tham dự của 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, vào tối ngày 25/6.

Anh hùng họ Trương - Tấm thân vì nước ngàn đời lưu tiếng thơm

Anh hùng họ Trương - Tấm thân vì nước ngàn đời lưu tiếng thơm

— 17 Tháng Sáu 2017

“Sinh vi tướng, tử vi thần”, những kẻ thân cầm gươm, mình mặc giáp phục còn mong gì hơn thế nữa. Dù cho đất Nam Kỳ lục tỉnh lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng dân Lục tỉnh, có khi nào thôi không ngợi ca người anh hùng họ Trương, dẫu cho tấm thân vì nước ấy đã thác rồi.

Tướng quân Trương Hống - Trương Hát

Tướng quân Trương Hống - Trương Hát

— 22 Tháng Năm 2017

Trương Hống, Trương Hát người làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương (sau là Võ Giàng) quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Vân Mẫu, xã Vân Dương, huyện Quế Võ), là học trò của Tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang (tức xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn ngày nay).

Hàn lâm Đại học sỹ Trương Hanh

Hàn lâm Đại học sỹ Trương Hanh

— 22 Tháng Năm 2017

Trương Hanh (chữ Hán: 張亨, ?-?), là người đỗ đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232)[1][2], đời vua Trần Thái Tông