Thạch Khê đất đai cằn cỗi, người dân chất phác phần đông làm nghề canh nông, các ngành nghề khác đang phát triển, có truyền thống yêu quê hương, hiếu học. Phong tục nhân ái, trọng người già. Trong làng có đình đám gì nếu người già chưa đụng đũa thì đinh tráng dù quan sang thế nào cũng không được ăn trước. Nơi đây đã một thời có giọng hò điệu ví Nam Khê làm nức lòng người, được Huy chương vàng giải văn nghệ quần chúng tổ chức tại Hà Nội năm 1966. Thạch Khê cũng có nhiều danh nhân văn hóa lịch sử và có mỏ sắt trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Ngày nay từ các nơi đi về Thạch Khê đã có nhiều cầu đường thênh thang và ô tô có thể chạy khắp các thôn xóm. Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 1A vào đầu thành phố Hà Tĩnh gặp đường Ngô Quyền rẽ trái đi thẳng hướng tỉnh lộ 26 về phía đông khoảng 7km qua cầu Thạch Đồng là đất Thạch Khê, đây là tuyến đường về Thạch Khê đi qua thành phố Hà Tĩnh.
Xã Thạch Khê hiện có 42 dòng họ sinh sống. Họ Trương trong xã Thạch Khê có nhiều dòng, nhưng họ Trương Quốc là đông nhất và từ xưa tập trung sinh sống ở phía đông nam của xã thuộc vùng Nam Khê. Họ Trương Quốc Thạch Khê xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 16, thời kỳ mà đất Thạch Khê còn là vùng đầm phá, khe suối bị nước biển xâm thực, các bãi cát bạc màu, cư dân thưa thớt. Theo các cụ trong họ tộc truyền miệng lại thời kỳ này có một tốp người họ Trương Quốc từ phía bắc di cư đến sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất này. Từ ấy đến nay đã gần 500 năm tại xã Thạch Khê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh họ Trương Quốc đã tồn tại và phát triển không ngừng; giới hạn địa lý của họ Trương Quốc đã vượt ra ngoài biên giới xã Thạch Khê định cư tại nhiều vùng miền của Tổ quốc Việt Nam, chỉ vào ngày Lập Xuân hàng năm mới về tụ hội tại nhà thờ họ để tế lễ và sinh hoạt họ.
Nhà thờ họ Trương Quốc Đại tôn được xây dựng tại xóm Nam Khê, xã Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh và do Tộc trưởng Đại tôn hiện nay là ông Trương Quốc Thục quản lý điều hành.
Theo gia phả Đại tôn soạn thảo năm 2000, họ Trương Quốc Thạch Khê đã có 17 đời liên tục kế tiếp nhau tồn tại và phát triển. Cụ thể như bảng sau :
Các đời |
Tộc trưởng |
Niên đại |
Thứ nhất |
TRƯƠNG QUỐC ĐÔ |
Thủy Tổ |
Thứ hai |
TRƯƠNG QUỐC ĐỂ |
Giỗ 14/9 âl |
Thứ ba |
TRƯƠNG QUỐC NI |
Giỗ 12/9 âl |
Thứ tư |
TRƯƠNG QUỐC SÚY |
Giỗ 11/12 âl |
Thứ năm |
TRƯƠNG QUỐC ĐIỂN |
Giỗ 3/10 âl |
Thứ sáu |
TRƯƠNG QUỐC KHÔI |
1650-1732 |
Thứ bảy |
TRƯƠNG QUỐC PHỤC |
1677-1740 |
Thứ tám |
TRƯƠNG QUỐC NGHÌN |
1699-1780 |
Thứ chín |
TRƯƠNG QUỐC KỲ |
1730-1789 |
Thứ mười |
TRƯƠNG QUỐC THẠCH |
1767-1839 |
Thứ mười một |
TRƯƠNG QUỐC PHIÊN |
1800-1866 |
Thứ mười hai |
TRƯƠNG QUỐC ĐẶNG |
1832-1910 |
Thứ mười ba |
TRƯƠNG QUỐC CỪ |
1854-1928 |
Thứ mười bốn |
TRƯƠNG QUỐC TỪ |
1885-1976 |
Thứ mười năm |
TRƯƠNG QUỐC THUẦN |
1910-1944 |
Thứ mười sáu |
TRƯƠNG QUỐC THỤC |
1939 |
Thứ mười bảy |
TRƯƠNG QUỐC THỊNH |
1959 |
Quá trình phát triển, đến đời thứ 6 – khoảng đầu năm 1700 họ Trương Quốc Thạch Khê được chia thành ra 3 cửa :
- Cửa trưởng - Chi Giáp Trương Quốc Khôi Tộc trưởng.
- Cửa thứ 2 - Chi Ất Trương Quốc Hành Tộc trưởng.
- Cửa thứ 3 - Chi Bính Trương Quốc Mãn Tộc trưởng.
Nhưng do Cửa thứ 2 và thứ 3 đến đời thứ 8 và thứ 10 thất tự, họ Trương Quốc Thạch Khê còn mỗi cửa Đại tôn duy trì được sự phát triển liên tục. Đến đời thứ 12, do sự phát triển con cháu, họ Trương Quốc lại chia ra thành 6 chi để bảo đảm việc sinh hoạt và kết nối họ hàng cho đến nay, cụ thể như sau :
- Chi Giáp (1)-Chi Đại Tôn, Tổ là ông Trương Quốc Phiên, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Thục (Đời 16, sinh năm 1839), theo gia phả có gần 150 người là nam giới trong chi.
- Chi Ất (2), Tổ là Trương Quốc Bảo, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Mậu (tức Sum, Đời 16, sinh năm 1952), theo gia phả có trên 30 người là nam giới trong chi.
- Chi Bính (3), Tổ là ông Trương Quốc Bích, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Hòa (Đời 15, sinh năm 1965), theo gia phả có gần 40 người nam là giới trong chi.
- Chi Đinh (4), Tổ là ông Trương Quốc Doanh, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Phương (Đời 17, sinh năm 1973), theo gia phả có trên 40 người là nam giới trong chi.
- Chi Mâu (5), Tổ là ông Trương Quốc Dao, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Thiện (Đời 15, sinh năm 1934) theo gia phả có gần 200 người là nam giới trong chi.
- Chi Kỷ (6), Tổ là ông Trương Quốc Tấn, Tộc trưởng hiện nay là ông Trương Quốc Kiều (Đời 15, sinh năm 1937), theo gia phả có gần 50 người là nam giới trong chi.
Ngoài các chi họ Trương Quốc Thạch Khê, theo gia phả 2000 thì vào đời thứ 10 có ông Trương Quốc Nhượng đi lính triều đình rồi định cư ở Tiền Thôn, Hoằng Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa và trở thành thủy tổ chi họ Trương Quốc tại đây. Chi họ này hiện nay cũng đông con cháu và thịnh vượng.
Họ Trương Quốc Thạch Khê trước thế kỷ 21 chủ yếu sống bằng nghề nông với sản phẩm chủ yếu là lúa, khoai lang, lợn, gà và các loại hoa màu như dưa gang, dưa non, lạc, ớt, cà các loại; có một số gia đình trồng cả thuốc lào, sức kéo chủ yếu là trâu, bò. Lương thực làm ra chủ yếu dùng cho gia đình họ; số ít hoa màu, lợn, gà được trao đổi trên thị trường khu vực huyện và thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Về canh nông, nhiều gia đình họ Trương Quốc cũng tỏ ra rất giàu kinh nghiệm, có thu nhập cao nhất nhì trong xã trước thời kỳ trước HTX. Thời kỳ xây dựng HTX nông nghiệp XHCN, con cháu họ Trương Quốc luôn đi đầu về năng suất, chất lượng và đóng góp ngày công cao trong HTX.
Con cháu họ Trương Quốc có truyền thống hiếu học, thành tích nhất nhì trong khu vực huyện Thạch Hà, thời nào cũng có người đỗ đạt cao được bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong các triều đại như Đông cung tùy giảng thị nội Trương Quốc Kỳ, ông đỗ đầu hương cống Khoa thi Quý Dậu (1753) được vua Lê Thánh Tôn trao trọng trách dạy Thái tử Lê Duy Vĩ, Thị độc học sĩ Trương Quốc Bảo, Cử nhân quan chủ sự Trương Quốc Quán. Đặc biệt Tiến sỹ Thượng thư Đông Các Đại học sĩ Trương Quốc Dụng được lưu danh tại Văn bia đề danh tiến sỹ khoa thi Hội năm Kỷ sửu niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 10 (1829) ở Văn miếu Huế…
Họ Trương Quốc trong thời kỳ KCCP cũng như KCCM đã tiễn hàng chục trai tráng là con em của mình tham gia lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, trong số đó có hơn chục người đã hy sinh anh dũng trên các mặt trận và hiện nay có nhiều người đang là sỹ quan cao cấp trong quân đội và công an giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Người con ưu tú nhất từ trước đến nay của họ Trương Quốc Thạch Khê đã làm rạng danh quê nhà và cho họ tộc là Đông Các Đại học sĩ Trương Quốc Dụng. Ông sinh năm 1797 đã đỗ cử nhân năm 1825, rồi đỗ tiến sỹ năm 1829, sau đó ra làm quan ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Về chính trị, ông đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, trải qua các bộ Lễ, Lại, Công, Hình, Binh, Hộ, Tổng tài Quốc sử quán, Quản lĩnh Khâm thiên giám, Viện Đô sát, Viện Hàn lâm, Kinh Diên nhật giảng quan và Thượng thư Bộ Hình, nổi tiếng liêm chính, ngay thẳng, không xu phụ kẻ có quyền. Về quân sự, mặc dầu vốn xuất thân là quan văn, Trương Quốc Dụng được đánh giá là một vị tướng giỏi, đã được triều đình cử cùng các danh tướng thời đó như Tham tán Trương Minh Giảng, Tham tán Đào Trí, kể cả Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương đi đánh đuổi quân Xiêm xâm lược ở các tỉnh biên giới Tây Nam năm 1834, tay sai Pháp xâm lược tại mặt trận Đông Bắc năm 1863 và đã anh dũng hy sinh trên chiến trường (thôn La Khê, Tiền An, Yên Hưng Quảng Ninh) vào ngày 26 tháng 6 năm Giáp tý (1864). Không dừng lại ở đó, Trương Quốc Dụng còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn thơ như sách “Thoái thực ký văn”, tập thơ “Nhu trung thi tập”, chủ biên “Chiêu biểu luận thức”, “Chiêu biểu tập”, “Kim văn hợp tuyển”, “Kim cổ tứ lục kim sách” …Ông còn là nhà sử học, nhà thiên văn học.
Quý trọng tài năng, đức độ của ông, năm 1865 vua Tự Đức thời bấy giờ đã truy tặng ông hàm “Đông các Đại học sỹ” và có chỉ dụ cho xây đền thờ ông tại thôn Tây Hồ, xã Phong Phú (Thạch Khê ngày nay). Đền có hạ điện, trung điện và thượng điện, ngoài cổng có nghi môn, xung quanh xây la thành. Cột đền làm bằng gỗ, các đường xuyên, hạ, vì kèo đều được chạm khắc rất tinh xảo. Hàng năm, xã Phong Phú tổ chức lễ vào các dịp mồng một, ngày rằm, ngày tết. Lễ lớn nhất trong năm được tổ chức vào ngày giỗ 26 / 6 âm lịch. Nhân dân gọi theo lòng tôn kính: Đền Quan Thượng, Lăng Quan Thượng. Sau cách mạng tháng tám, do hiểu sai về tinh thần chống phong kiến, đền thờ bị đập phá toàn bộ.
Lăng mộ của Trương Quốc Dụng táng tại thôn Tây Hồ xã Phong Phú, được xây công phu và đã được giữ gìn qua bao nhiêu năm thăng trầm lịch sử. Phần kiến trúc bề nổi đã bị hư hỏng, nhưng vẫn giữ nguyên vị thế từ lúc ông mất đến ngày nay, xung quanh có bóng cây bao phủ, hiển hiện chính khí một con người đã hóa thành bất tử, hồn thiêng phù trì non sông đất nước. Bài vị ông còn được thờ ở Trung Liệt Miếu gò Đống Đa Hà Nội xưa.
Năm 2005, theo nguyện vọng của dòng họ, của nhân dân xã Thạch Khê, được sự giúp đỡ tận tình của phòng văn hóa thông tin huyện Thạch Hà, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất và được Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng đền thờ Họ Trương Quốc và nơi thờ phụng Trương Quốc Dụng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền thờ Trương Quốc Dụng, Thạch Kê, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Phát huy ý nghĩa giáo dục của di tích khi được nhà nước xếp hạng. Năm 2006, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Trương Quốc Thành, hậu duệ đời thứ 16 họ Trương Quốc và là hậu duệ đời thứ 5 của Trương Quốc Dụng đã đầu tư phần lớn chi phí phối hợp với anh em trong họ tộc tâm huyết phục dựng lại đền thờ Trương Quốc Dụng trên di chỉ đất ở của ông lúc sinh thời và bên cạnh nhà thờ Đại tôn họ Trương Quốc. Với những đóng góp to lớn cho văn hóa nước nhà và lịch sử cách mạng đấu tranh giữ nước, lăng mộ Trương Quốc Dụng và quần thể đền thờ Trương Quốc Dụng, đền thờ Đại tôn họ Trương Quốc Thạch Khê đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2009. Một con người tài năng và đức độ, một danh nhân văn hóa nổi tiếng đã trở thành di sản văn hóa nước nhà. Hiện nay khu di tích này đang được UBNN tỉnh Hà Tĩnh đầu tư nâng cấp đang di chuyển lăng mộ Trương Quốc Dụng về trong một tổng thể thống nhất.
Phương án tổng thể cụm Di tích được phê duyệt
Phương án tổng thể cụm Di tích được phê duyệt
Quý trọng nghĩa khí của ông và các quan lại hy sinh tại La Khê, Tiền An, Yên Hưng Quảng Ninh vào ngày 26 tháng 6 năm Giáp tý (1864), năm 1877 nhân dân và chính quyền nơi đây đã xây dựng đền Quan Đại – Song Trung Từ. Đền Quan Đại thờ 2 vị tướng của nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai bên cạnh đền Mẫu và chùa La Khê. Đây cũng là cụm di tích đã được UBNN tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Thờ Trương Quốc Dụng – Văn Đức Giai tại Yên Hưng Quảng Ninh
Họ Trương Quốc Thạch Khê trong kế hoạch của mình cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống gia phả từng chi, xây dựng hương ước chi họ và củng cố xây dựng nhà thờ ngày một khang trang tạo điều kiện cho con em dòng họ gắn bó và có cơ hội giúp nhau làm tròn bổn phận công dân Tổ quốc, phát huy truyền thống huy hoàng của Tổ tiên và phát triển rạng danh gia tộc.
Trong xu thế của thời đại và hội nhập, Họ Trương toàn quốc đang tiến tới Đại hội Đại biểu, họ Trương Quốc Thạch Khê xin gửi lời chào và lời chúc tới quý họ Trương trong toàn quốc thịnh vượng bền vững và Đại hội Trương tộc toàn quốc hoàn thành chương trình và mục tiêu đề ra. Chúng tôi – họ Trương Quốc Thạch Khê mong muốn liên kết, trao đổi thông tin và giúp nhau phát triển dòng họ về mọi mặt với quý họ./.
Hậu duệ đời 16 họ Trương Quốc Thạch Khê
Trương Quốc Trường
CVCC, nguyên Vụ trưởng Vụ I Bộ Tài chính