Ông Trương Văn Thắng tự hào giới thiệu về chùa cổ Linh Ứng và những bức tượng cổ do dòng họ Trương đang trông nom, giữ gìn.
Giữa lúc nhiều di sản Hà Nội tưởng như đã bị "cày nát" thì vẫn còn đó một ngôi cổ tự - chùa Linh Ứng cùng 100 pho tượng đất trầm mặc - một bảo tàng nho nhỏ về tượng đất thó. Có pho tượng đã tồn tại 400 đến 500 năm mà rất ít nhà khoa học biết đến và càng xa lạ với giới truyền thông. Song, bất ngờ đó là rất nhỏ nếu đặt cạnh lịch sử ngôi chùa. Linh Ứng tự được xây dựng bởi một dòng họ, có lịch sử nghìn năm. Ðến nay, con cháu họ Trương vẫn nối đời gìn giữ. Qua đó, có thể nhận ra cái mạch chảy của đất văn hiến vĩ đại đến nhường nào...
Ðường vào "làng Giảng Võ" lắt léo, khuất khúc. Ngõ chính hai xe máy phải lách mới đi được. Ngõ phụ thì một người phải dừng lại đợi người kia đi qua. Người nơi khác đến dễ lạc vào "mê lộ". Một trong "thập tam trại" của Thăng Long - Kẻ Chợ đây sao? Chỉ toàn là ngõ và ngõ, lại bị ban-công các ngôi nhà che lấp ánh mặt trời.
Ấy vậy mà giữa những lối đi lắt léo như tổ mối khổng lồ lại có một ngôi cổ tự. Lối đi vào chùa Linh Ứng là ngõ nhỏ, nhưng không gian bỗng mở ra. Ðây rồi, cây cau. Ðây rồi, hàng hoa văn chữ triện. Ðây rồi, đôi câu đối đắp nổi trên bờ tường. Những hình ảnh thân thuộc vốn ăn vào tiềm thức, bỗng nhiên khiến lòng người ngỡ ngàng, khi hiện ra giữa phố, giữa phường. Linh Ứng cổ tự gồm hai lớp nhà xây liền nhau. Lớp nhà thứ hai có hình chuôi vồ. Toàn bộ có gần 100 bức tượng cổ, phần lớn là tượng làm bằng đất thó. Nhiều bức được làm tinh tế đến mức hoa văn trên trang phục chẳng khác nào gấm dệt hoa thêu. Chùa Linh Ứng được bài trí điển hình cho chùa cổ ở Bắc Bộ. Trong chùa thờ Phật, bên cạnh có gian thờ Mẫu. Ở chính điện, lớp cao nhất trong cùng là tượng Tam Thế, rồi lần lượt đến các lớp tượng khác. Ðôi bên là tượng Ðức Chúa Ông, Thánh Hiền, Kim Cương bát bộ... Có khác chăng là các pho tượng đều mang dáng vẻ thật gần gũi. Ngay đến bức tượng của vị thần Trừng Ác cao đến hơn hai mét cũng thấy nét hiền từ.
Ai đâu ngờ ngôi chùa cổ kính, một bảo tàng tượng đất cổ ấy lại là chùa tư? Mà quả vậy, Linh Ứng cổ tự là chùa của dòng họ Trương ở đất Giảng Võ. Ngôi chùa nằm giữa khu đất trong đó con cháu họ Trương ở quây quần chung quanh. Người giữ chùa là một lão niên tuổi 80, ông Trương Văn Thắng. Chẳng phải một "ông từ lừ lừ" như ta vẫn hình dung. Chất giọng ấm áp mà từ tốn của ông Thắng cùng với không gian trầm mặc của ngôi chùa đem lại cho người ta cảm giác an tĩnh ngay từ phút đầu gặp mặt. Ông Trương Văn Thắng từng tốt nghiệp Ðại học Bách khoa. Một kỹ sư "xịn". Khi sang ngũ tuần, ông theo học Hán Nôm, đậu bằng cử nhân. Rồi ông tiếp tục theo học chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo. Anh kỹ sư Bách khoa ngày nào, nay là một cư sĩ Phật giáo uyên thâm, làu thông kinh kệ, mang đạo hiệu Huyền Vinh. Con ngõ bé tí như một cái ống bê-tông mở ra không gian cổ tích, mở ra những câu chuyện ngàn xưa...
Ðời vua Lý Thái Tông, nhờ có công vớt thi hài công chúa bị ngã trên sông, chàng trai Hoàng Phúc Trung được vua cho phép đưa con em làng mình ở Lệ Mật (thuộc đất Kinh Bắc, nay là quận Long Biên, Hà Nội) sang khai khẩn vùng đất phía tây Thăng Long, khi ấy còn hoang sơ. Người làng Lệ Mật đã lập nên 13 làng trại, gồm: Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Ðại Yên, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Giảng Võ, Kim Mã (nay thuộc quận Ba Ðình, Hà Nội)... Nhiều làng vùng thập tam trại tôn Hoàng Phúc Trung làm thành hoàng. Thời gian đã trải qua ngàn năm, đến ngày hội Lệ Mật 22-3 (Âm lịch), người dân vùng thập tam trại vẫn về "cựu quán" để tưởng nhớ ông tổ Hoàng Phúc Trung.
Trong đoàn người khẩn hoang, người họ Trương đã đến mảnh đất nay là phường Giảng Võ lập nghiệp. Người họ Trương truyền rằng: Kinh Bắc là cái nôi của Phật giáo, tổ tiên họ Trương đem tín ngưỡng thờ Phật từ miền quê Kinh Bắc sang vùng đất mới. Ngôi chùa từ đó mà thành. Câu chuyện thuở mới lập làng, dựng chùa chỉ tồn tại trong chuyện kể. Nhưng gia phả dòng họ Trương (dù bị mất mát nhưng vẫn chép được đầy đủ từ năm 1670) có thể phần nào giúp ta hiểu thêm lịch sử ngôi chùa. Trong Trương tộc, ngành trưởng có trách nhiệm nối nhau trông nom chùa. Ông Trương Văn Thắng kế thừa trọng trách từ cha mình, cha ông lại kế tục từ ông nội... Họ Trương còn lưu giữ bức tranh cụ Trương Văn Riệu, một pháp sư, cụ tổ sáu đời của ông Thắng. Bức tranh cổ được vẽ rất đẹp, hình cụ an tọa, mặc áo cà sa, tay cầm tích trượng được gìn giữ như một niềm tự hào...
"Khi đã gần 50 tuổi mới đi học Hán Nôm, môn học rất khó "nhằn", bác có thấy ngại không?", tôi hỏi ông Thắng. "Ngại chứ. Vì tôi vốn làm bên khoa học tự nhiên. Lúc ấy ông cụ nhà tôi đã cao tuổi rồi. Cụ gọi tôi đến, bảo rằng, tôi là trưởng, dòng họ xưa nay người giữ chùa phải am hiểu cổ học, phải giỏi Hán Nôm nên tôi đăng ký học tại chức. Tôi nhớ khi lớp học mới bắt đầu, có đến hơn 200 học viên. Thế rồi lớp học cứ rơi rụng dần. Ðến khi thi để lấy bằng chỉ còn lại tôi và 11 bạn học. Sau khi học xong Hán Nôm tôi học tiếp bốn năm nữa để lấy bằng cử nhân Phật học". Ai đã từng học Hán Nôm mới biết, chỉ riêng nhớ mặt chữ đã gian nan đến thế nào. Nghe chuyện ông Thắng, thật khó hình dung một người ngoại ngũ tuần cặm cụi học rồi thi, thi rồi lại học qua bao nhiêu học phần kéo dài những tám năm trời. Giải thích làm sao về sự học kỳ lạ của một người ở độ tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" nếu không phải trách nhiệm với tổ tiên?
Những môn học về văn hóa, lịch sử trong tám năm ròng rã khiến ông Thắng mở rộng cách nghĩ. Trông nom chùa là giữ di sản của dòng họ, cũng là đưa sự từ bi, bác ái của đạo Phật đến mọi người. Không có bất kỳ một hòm công đức nào, cửa chùa luôn mở rộng đón Phật tử. Có lẽ vì sự thành tâm như thế mà Linh Ứng tự được cung nghinh số lượng xá lợi Phật và xá lợi các vị cao tăng khó nơi nào sánh kịp. Nhân duyên bắt đầu từ ngày 19-3-2011, chùa Linh Ứng bất ngờ đón hòa thượng U Wi Thoke Da Ran Thi, đến từ Mi-an-ma. Khi đến Hà Nội, hòa thượng nghe nói ở khu vực này có một ngôi chùa tư, ông muốn đến tìm hiểu xem đạo Phật đi vào đời sống nhân dân thế nào. Cảm động trước việc làm của Trương tộc, hòa thượng U Wi Thoke Da Ran Thi tặng chùa ngọc xá lợi của Ðức Phật và nhiều vị cao tăng. Ðến giờ, Linh Ứng cổ tự có xá lợi của hơn 20 vị. Nếu các nơi thường đặt xá lợi Phật và các vị cao tăng ở nơi cao xa, ông Thắng đặt ở nơi trang trọng, nhưng gần gũi để mọi người cùng chiêm bái. Còn về những pho tượng, trong câu chuyện của cha ông và ông nội, thì những pho tượng đã đứng đó cũng không dưới 200 năm. Một số nhà khoa học đến chùa đã xác định trong hệ thống tượng, hai pho Kim Ðồng - Ngọc Nữ tại tòa tam bảo bằng đất nặn có từ thời Lê sơ. Nhiều tay buôn đồ cổ từng đến chùa gạ gẫm bán chác, nhưng tiền bạc có ý nghĩa gì khi ngôi chùa, những pho tượng là niềm tự hào của dòng họ.
Người họ Trương treo bức hoành phi bốn chữ "Ngũ đại đồng cư" ở gian thờ Tổ như một lời nhắc nhở về truyền thống. Khi ông Thắng còn trẻ, gia đình năm thế hệ sống với nhau theo hình thức "kinh tế tập thể". 70 người đều... ăn chung. Vậy mà vẫn thuận hòa. Tất cả nhờ vào sự gương mẫu của những người đứng đầu và sự nhường nhịn lẫn nhau. Giờ nếp sống "tập thể" không còn, nhưng dòng họ vẫn luôn đoàn kết. Và ngôi chùa vẫn như một sợi dây kết nối mọi người. Sống quần tụ quanh ngôi chùa, mọi người càng thêm giữ ý tứ về lời ăn tiếng nói, cũng như mọi sinh hoạt hằng ngày. Tôi hỏi ông Thắng có băn khoăn gì về tương lai của ngôi chùa nếu một mai ông về cõi vĩnh hằng, ông Thắng bảo đó là nhân duyên, chưa biết trước. Ví như dòng họ Trương xưa ai dám nghĩ sẽ có ngày được cung nghinh xá lợi Ðức Phật và các vị cao tăng. Cứ ăn ở nhân đức, điều lành ắt sẽ đến.
Trước đây, tôi không hiểu tại sao những người ở đất Giảng Võ và nhiều làng cổ khác đã lên phố từ lâu của Thăng Long - Hà Nội vẫn không muốn mất đi chữ "làng". Người ta thích gọi là "làng Giảng Võ", "làng Ngọc Hà", "làng Bưởi"... Ðúng hơn, người ta sợ một ngày mảnh đất của mình không được gọi là làng. Giờ thì tôi hiểu, cái chữ "làng" ấy chuyên chở một bề dày truyền thống. Như ở đây, chỉ cần nói đến cụm từ mười ba làng trại, đã nghe như quá khứ vọng về. Như ở đây, họ Trương vẫn gọi mình là họ Trương làng Giảng Võ - Lệ Mật. Chùa cổ nghìn năm Linh Ứng, vẫn được gọi là chùa làng Giảng Võ. Ðến Linh Ứng tự - chùa cổ họ Trương, để nhận ra, văn hóa Thăng Long vẫn luôn ẩn giấu nhiều điều bí mật...
Bài và ảnh: CHÍ DŨNG
Nguồn: https://nhandan.vn/vanhoa/dong-ho-nghin-nam-giu-chua-tren-dat-thang-long-193365/
QUY CHẾ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG, THU, CHI "QUỸ COVID-19 HỌ TRƯƠNG" CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG LÂM THỜI TẠI TP.HCM, CÁC TỈNH NAM BỘ VÀ TÂY NGUYÊN
(V/v: Ủng hộ các Gia đình họ Trương tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương gặp khó khăn do bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), gây ra
Theo Đại Sử Việt Ký toàn thư kỷ nhà Lý quyển III, trang 330: Một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có mấy tiếng ngâm thơ rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Tác giả: Trương Trung Phát
HUYẾT MẠCH HỌ HÀNG NỐI DÀI THEO ĐẤT NƯỚC
TINH HOA TRƯƠNG TỘC TRUYỀN MÃI VỚI THỜI GIAN.