Đại diện Hội đồng họ Trương Việt Nam có ông Trương Văn Đoan – Chủ tịch, các ông bà trưởng, phó ban chuyên trách, Câu lạc bộ Doanh nhân, lãnh đạo Hội đồng họ Trương các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…và đại diện nhiều tộc họ, doanh nghiệp tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã dâng hương tưởng nhớ anh hùng Trương Định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
dâng hương tại Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh và Lãnh đạo các Tỉnh Dâng hương
Các Đại biểu và Nhân dân dự Lễ
Tại Lễ tưởng niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu đã bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng Trương Định đối với dân tộc. Sau phần lễ tại tượng đài Trương Định ở thị xã Gò Công, các đại biểu đã đến dâng hoa và thắp hương tại đền thờ ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công). Tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đã chiêu quân cùng dân nghèo yêu nước chống lại quân Pháp. Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định phối hợp với Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa, sau đó lui về Gò Công cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định – Định Tường. Ở đây, Trương Định tổ chức lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, Trương Định đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền dụ và rút quân về Gò Công, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến. Đại bản doanh Đám lá tối trời của quân Trương Định là nỗi khiếp sợ cho quân Pháp lúc bấy giờ. Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định cho quân tấn công các vị trí của quân Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy quân Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Tháng 2 năm 1863, Pháp viện binh phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26 tháng 2 năm 1863, Pháp đánh chiếm thành trì, ông thoát khỏi vòng vây và kéo quân về Biên Hòa. Tháng 9 năm 1863, tướng Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.
Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp bản doanh Đám lá tối trời, Trương Định bị trọng thương (gãy xương sống). Để bảo toàn khí tiết, ông đã rút gươm tuẫn tiết tại Ao Dinh (Gò Công) vào rạng sáng ngày 20 tháng 8. Khi ấy, ông 44 tuổi.
Trương Định không chỉ được nhân dân kính trọng, suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, mà còn là người có công lớn trong việc dạy dân lập đồn điền, phá rừng làm rẫy, xây dựng nhà cửa. Ông là biểu tượng cho tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Gò Công- Tiền Giang nói riêng.
Sau khi tuẫn tiết, thi hài ông được an táng tại Gò Công. Người dân địa phương đã lập bàn thờ Trương Định trong nhà, cúng giỗ, tưởng nhớ ông như tổ tiên dòng họ mình. Tục lệ này lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cứ vào ngày 20/8 dương lịch, người dân trong vùng đã sắm sửa, bày biện hương án, lễ vật cúng ông.
Hiện nay, lăng mộ và đền thờ Trương Định tọa lạc tại đường Phan Đình Phùng, khu phố 1, phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để đầu tư, tôn tạo di tích. Lăng mộ và đền thờ Trương Định đã được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Nhân Lễ tưởng niệm 150 năm ngày mất anh hùng Trương Định, Hội đồng họ Trương Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều Doanh nhân tiêu biểu của dòng họ đã đóng góp kinh phí đúc 2 tượng đồng anh hùng Trương Định, phối hợp với Tạp chí Xưa & Nay trao tặng tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi.
Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định trở thành lễ hội lớn tại thị xã Gò Công, được tổ chức hằng năm với ý nghĩa hết sức thiêng liêng, ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với quê hương đất nước trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó chính là đạo lý ngàn đời của người Việt, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên lịch sử chống giặc ngoại xâm với nhiều chiến thắng oai hùng, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Lễ tưởng niệm anh hùng Trương Định vào 20-8 hằng năm được duy trì và trở thành một sự kiện văn hóa tâm linh thu hút nhiều người dân trong cả nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước, không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục, chủ động và kiên quyết đấu tranh để giữ vững độc lập, chủ quyền mà cha ông ta đã hy sinh anh dũng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này