Nghệ sỹ ưu tú Bắc Sơn - Trương Văn Khuê (1932 - 2005)

21:58 - 29/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1858

 
Nghệ sỹ ưu tú Bắc Sơn - Trương Văn Khuê (1932 - 2005)
Nghệ sỹ ưu tú Bắc Sơn - Trương Văn Khuê (1932 - 2005)

Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã viết 500 ca khúc với các thể loại nhạc nhẹ, nhạc âm hưởng dân ca. Ông là tác giả của 500 ca khúc, 80 kịch bản và tham gia 60 vai diễn trong điện ảnh. Nghệ sĩ Bắc Sơn đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21 giờ 55 phút, ngày 23-2-2005. Sự ra đi của nhạc sĩ Bắc Sơn là một mất mát đối với những ai yêu ca khúc mang âm hưởng dân ca. Những ca khúc của ông mộc mạc, chân chất như chính hơi thở cuộc sống người dân đồng ruộng.

Là một nhà giáo dạy học từ năm 1952 đến 1977, ông không chỉ nghiêm khắc với người khác, mà trước hết với chính bản thân mình. Tôi còn nhớ một lần gặp ông tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, ông than: “Buồn quá, đám nhỏ bây giờ ở các hãng băng không hiểu cứ bắt qua phải “đẻ” thật nhiều bài. Chúng nói một cách vô trách nhiệm: “Bố viết na ná như Em đi trên cỏ non, Còn thương rau đắng mọc sau hè… là được rồi, cần gì đầu tư, suy nghĩ. Nhạc có tên bố giờ bán chạy như tôm tươi. Cần gì phải tư duy lâu lắc. Qua hổng chịu cách làm ăn như vậy nên chấm dứt hợp đồng. Thời may về than với vợ, bả đưa liền một tập bản thảo: “Thơ của tôi viết những ngày mình xa nhà. Mình đọc coi có ý gì để viết. Thế là buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi tìm thấy trong những vần thơ “hai lúa” của vợ sự đồng cảm sâu sắc”.

Rồi ông đọc bằng chất giọng trầm ấm: “Bây giờ anh đi xa, nhớ thương xin gửi lại nhà, gửi cho bụi chuối, luống cà và nụ hoa…” (Tháng mấy anh về?). Thật là đẹp làm sao khi bà gửi gắm niềm thương nhớ ông vào những trang giấy bằng chính nỗi lòng mộc mạc, duyên dáng. Để rồi từ quyển sổ tay vàng úa đó, ông viết hàng loạt ca khúc không chỉ được khán giả trong nước đón nhận mà kiều bào hải ngoại qua tiếng hát Hương Lan bỗng thấy mình đang nhớ về với quê hương và ngưỡng mộ Bắc Sơn – người mang dòng sông dân ca vượt qua ngàn dặm. Những bài hát: Tháng mấy anh về, Hoa đào năm ngoái, Bông bưởi hoa cau, Gió đưa bông sậy, Còn thương góc bếp chái hè, Giấc ngủ trên tay, Mẹ ngồi sàng gạo, Con sáo sậu… đã tiếp nối những giai điệu ngọt ngào như tiếng mẹ ru, như làn gió chở hương lúa trong mùa gặt: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông, Bông bí vàng… được xem là dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác ca khúc của ông.

Ông sinh ra và lớn lên tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai. Năm ông 14 tuổi, cha ông lên đường tham gia kháng chiến và hy sinh. Ông lớn lên trong sự bao bọc của người mẹ tảo tần làm thuê, cấy mướn nuôi con ăn học. Do vậy mà hình ảnh người mẹ bao giờ cũng hiện hữu một cách trìu mến trong ca khúc của ông. “Nắng lửa thon von chồng con bước lên đường và mẹ ru đứa cháu ngoan như ru con của mẹ, vẫn lời ru hoa cau thơm thiên lý nở” (Giấc ngủ trên tay).

Với phong thái mực thước, chòm râu quai nón bạc trắng và một tâm hồn sâu sắc, ông bước vào điện ảnh, sân khấu bằng phong cách diễn xuất mộc mạc. Khán giả điện ảnh nhớ ông nhiều với những vai nổi bật: Sĩ (Xa và gần), Năm Ngưu (Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (Người tìm vàng), Phúc (Cô Nhíp), ông Tư (Con chó phèn)... Và vai Năm Ngưu đã giúp ông đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ 9. Sự nghiệp điện ảnh của ông có hơn 60 vai diễn chính, phụ. Có phim chỉ thoáng qua màn ảnh nhưng người xem vẫn nhớ một Bắc Sơn đầy ấn tượng. Trên sân khấu màn ảnh nhỏ, trước 1975 ông nổi tiếng là người thực hiện chương trình “Quê ngoại”. Ông viết hơn 80 kịch bản ngắn, dài. Các nhân vật xoay quanh chuyện nhà nông nhưng giàu suy ngẫm vì chính người viết, người dựng yêu cuộc sống thanh bình. Tôi nhớ hình ảnh của ông với nhân vật đại úy Sáu trong vở Cho tình yêu mai sau trên sân khấu Đoàn Kịch nói Bông Hồng năm 1987. Ông diễn thật tinh tế, ẩn chứa đằng sau vẻ bặm trợn là tâm hồn luôn khắc khoải trước những thân phận mà ông đã bắt gặp. Ông có 9 người con, nhưng chỉ có 2 cô con gái theo nghề là ca sĩ Hạ Châu và nghệ sĩ Bích Lan. Chị Lan đã khóc khi nói về cha mình: “Ba tôi luôn động viên các con phải sống chân thành với nghề. Tôi là đứa con gái duy nhất theo nghề diễn viên như ba tôi, nhưng số tôi gian nan lại thiếu cơ hội để thăng tiến. Khi biết tôi bỏ sân khấu chuyển sang kinh doanh, ba tôi buồn lắm... Tuần trước, tôi khoe sẽ đi diễn kịch lại, ba tôi rất vui. Ông nói miễn con theo nghề đem niềm vui cho mọi người là ba sung sướng... Có thể vì nghèo mà ba tôi không có gì để cho các con, nhưng gia tài ông để lại chính là dòng sông nhân nghĩa”.

Bắc Sơn đã ra đi nhưng các tác phẩm, vai diễn của ông vẫn còn sâu đậm trong công chúng.
Theo: Thanh Hiệp
Nguồn: Người Lao động 

Những tin cũ hơn

Hội đồng Họ Trương Việt Nam và Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình: Giúp đỡ 4 cháu mồ côi ở Sơn Trạch (Bố trạch, Quảng Bình)

Hội đồng Họ Trương Việt Nam và Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình: Giúp đỡ 4 cháu mồ côi ở Sơn Trạch (Bố trạch, Quảng Bình)

— 29 Tháng Năm 2017

Ngày 19 tháng 3 năm 2014, được sự Ủy quyền của Hội đồng Họ Trương Việt Nam, Đoàn Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình do ông Trương Quang Phúc - Chủ tịch Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình làm trưởng đoàn, đã trực tiếp đến gia đình thăm hỏi, động viên và trao số tiền trên cho các cháu.

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG  CỦA CLB DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ II (2016-2019)

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ II (2016-2019)

— 29 Tháng Năm 2017

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ II (Nhiệm kỳ 2016-2019). Để CLB doanh nghiệp họ Trương Việt Nam sớm được ổn định về cơ cấu bộ máy tổ chức và triển khai các chương trình hành động, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mong muốn của Hội đồng họ Trương Việt Nam

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG

— 29 Tháng Năm 2017

Câu lạc bộ doanh nghiệp họ Trương có biểu trưng (logo) là biểu trưng của Hội đồng họ Trương Việt Nam, có trụ sở chính theo địa chỉ của Hội đồng họ Trương Việt Nam và có các văn phòng đại diện được lấy theo địa chỉ của Hội đồng họ Trương tại các tỉnh thành phố.

THƯ GỬI CÁC DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

THƯ GỬI CÁC DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

— 29 Tháng Năm 2017

Ngày 13 tháng 11 năm 2016, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2016-2019) đã được tổ chức thành công.

QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TIỂU BAN HẬU CẦN

QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TIỂU BAN HẬU CẦN

— 29 Tháng Năm 2017

Quyết định thành lập Tiểu ban Hậu cần chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ II