Ai là tác giả bức tượng “Phật bà nghìn mắt nghìn tay” ở chùa Bút Tháp?

07:18 - 19/12/2020 Tin tổng hợp Hoàng Giá 6716

Phật bà nghìn mắt nghìn tay được đặt bên trái tòa Tam thế trong thượng điện, tượng cao 3,7 m; ngang 2,1 m; dày 1,15 m, được tạo bằng gỗ, có thể tháo rời thành 1.080 bộ phận, không sử dụng chất kết dính. Trên đầu phật là đức Adiđà. Theo phật thoại thì Adiđà đã dùng phép thuật chắp lại đầu cho Phật bà khi Phật bà quá lo nghĩ cho chúng sinh, đến nỗi đầu nổ tung thành nhiều mảnh nhỏ, tạo thành 11 mặt phật, 42 cánh tay để trần mềm mại, như đang thực hiện một vũ khúc dân gian, lại như đang muốn ôm trọn cả thế giới bao la che chở cho triệu lớp người cơ khổ. Sau lưng Phật bà là vầng hào quang, trên đó được gắn 952 tay nhỏ tạo những vòng mở rộng từ 6 đến 14 lớp. Ở giữa mỗi bàn tay có một con mắt mi dài đen láy. Phật đang ngồi hành đạo thư thái, ung dung, vạt áo cà sa rủ xuống bệ như phủ lên muôn loài, thuần phục Tràng Ba Long Vương dữ tợn đội tòa sen đưa Phật bà qua biển.

Toàn bộ kiến trúc đặt trên một bệ tượng hình chữ nhật. Dưới bệ tượng phía trước có hàng chữ: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo”, bên trái có hàng chữ: “Nam đồng giao thọ nam, Trương tiên sinh phục khắc”. Đây là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi bởi tượng thờ ở Việt Nam không có trường hợp nào ghi lại thời gian hoặc tên nghệ nhân tạc, nặn. Đây chắc chắn là một tác phẩm cực kỳ quý giá và tác giả của nó phải là một nghệ sĩ tài danh rất đáng được lưu danh muôn thuở. Với hai hàng chữ này người xưa đã cho hậu thế biết: Pho tượng này được hoàn thành vào ngày tốt của mùa thu năm Bính Thân, nếu so với niên biểu trong các bia ký trong chùa thì nằm Bính Thân ấy là năm 1656 và người sáng tạo pho tuyệt phẩm này là một người mang họ Trương, thường gọi là Trương tiên sinh.

Vậy Trương tiên sinh là ai?

Được biết, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều văn nghệ sĩ, nhiều chính khách và đông đảo quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ họ Trương. Tiếc là trong tất cả các thư tịch cổ, các sáng tác Hán Nôm và cả những nghiên cứu gần đây đều không có dòng nào, chữ nào viết thêm về ông. Có lẽ duy nhất ở vùng Thuận Thành, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) người ta lưu truyền câu chuyện về sự  tìm tòi sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Trước tượng nghìn mắt nghìn tay
     
                    
Nguyễn Phan Hách

Mái tam quan dội tiếng chuông chiều
Mẹ lên chùa dâng hương ngày hội
Nhành mẫu đơn ai vừa đánh gãy
Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay
Áo dài nâu thắt vạt, đổi vai
Tay mẹ chắp như đài hoa ngọc bút
Nhìn tay phật ngọc ngà óng chuốt
Trên đài sen ngàn mắt sáng ngời
Đều tụ lại trong ánh nhìn của mẹ
Mẹ và phật bên nhau lặng lẽ
Những bàn tay nói với bàn tay
Phải ngàn tay này là của mẹ đây
Tay cấy lúa trên những mùa xanh biếc
Tay bồng con ru hời tha thiết
Con lớn lên trong êm ấm vòng tay
Nghìn tay này là của mẹ đây
Công việc một đời, mẹ làm xong tất cả
Những bàn tay đẹp như búp cây thon thả
Một đời dầm trong đất, một đời
Phép nhiệm mầu từ đấy mẹ ơi
Tay phật tạc theo hình tay mẹ
Mẹ và phật bên nhau lặng lẽ
Những bàn tay nói với bàn tay.

Chuyện kể rằng: Bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc về chùa Phật Tích, rồi sang chùa Nhạn Tháp hưng công xây dựng. Hoàng hậu là người có tâm, có tài, có chí hướng, luôn đặt mình ngang hàng với nam giới và rất tín đạo Phật. Bà lại là bạn tâm giao với nghệ nhân họ Trương khi đó đang làm chủ một xưởng mộc lớn ở Đông Kinh. Bà đã đích thân đến xưởng mộc đàm đạo cùng nghệ nhân. Sau buổi nói chuyện, Hoàng hậu cho chuyển rất nhiều tiền, vàng tới xưởng mộc. Nhưng Trương nghệ nhân đã biến mất. Hoàng hậu cũng dần quên câu chuyện tâm đắc của mình.

 

Chín tháng sau, một người đàn ông gầy đét, râu tóc rối bời bù xù như người rừng tới Nhạn Tháp xin gặp Hoàng hậu. Đó chính là nghệ nhân Trương. Thì ra nghệ nhân đã bỏ xưởng mộc đang làm ăn phát đạt vào hang đá sâu trên dãy Nguyệt Hằng Sơn suy nghĩ và hoàn thành phác thảo tượng Phật bà nghìn mắt, nghìn tay. Hoàng hậu vô cùng vui sướng cho người đi tìm những thợ mộc tài danh trong cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Trương tiên sinh, sau chín năm lao động say mê đầy sáng tạo, một ngày mùa thu năm Bính Thân, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay đã được hoàn thành trước sự chứng kiến của vua Lê Thần Tông, Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc và rất nhiều quan chức, sư sãi, phật tử, thiền sư Minh Hành đã làm lễ hô thần nhập tượng. Tương truyền hôm ấy trời trong xanh, ban ngày mà xuất hiện hàng nghìn vì sao nhấp nháy.

Như vậy, những gì liên quan tới người nghệ sĩ tài danh này vẻn vẹn chỉ có một hàng mười chữ khắc trên bệ tượng và câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Nhưng tác phẩm của ông lại là niềm tự hào của nền điêu khắc và mỹ nghệ dân tộc. Trong cuộc triển lãm tượng quốc tế ở Ấn Độ, tượng Phật bà chùa Bút Tháp đã được trao giải nhì sau tượng Adiđà Ấn Độ. Như thế tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay còn là vật thiêng liêng, là công trình sáng tạo của cả loài người và vì vậy đã trở thành di sản của nền văn minh nhân loại.

Cách đây ngót nửa thế kỷ - vào năm 1958, Thủ tướng Ấn Độ Nêru trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đã tới chùa Bút Tháp (thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Thủ tướng đã vô cùng ngỡ ngàng thán phục và kính trọng khi đứng trước công trình kiến trúc, điêu khắc tuyệt vời này.

Có được di sản quý báu ấy, rõ ràng trước hết phải kể tới tài năng siêu việt và sự lao động quên mình của nghệ nhân nghệ sĩ họ Trương. Vì vậy việc sưu tầm, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của người nghệ sĩ tài danh này là việc làm cần thiết, đòi hỏi nhiều cơ quan, nhiều tổ chức và những cá nhân tâm huyết tham gia góp phần trả lời phần nào câu hỏi đã mấy trăm năm canh cánh trong tâm khảm bao du khác: Trương tiên sinh là ai?

Hoàng Giá (CAND Online)

Những tin cũ hơn

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự lễ khởi công xây dựng Trường THCS Trương Minh Bạch

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự lễ khởi công xây dựng Trường THCS Trương Minh Bạch

— 12 Tháng M. hai 2020

Ngày 10/12, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng phu nhân dự lễ khởi công xây dựng Trường THCS Trương Minh Bạch tại huyện Đức Hòa. Cùng dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa, đại diện lãnh đạo huyện và gia đình bác sĩ Trương Minh Tuyết (con gái ông Trương Minh Bạch).

Những doanh nhân xuất thân từ giảng viên đại học: Từ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, cựu Chủ tịch ACB đến Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng

Những doanh nhân xuất thân từ giảng viên đại học: Từ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, cựu Chủ tịch ACB đến Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng

— 21 Tháng M. một 2020

Họ là những doanh nhân xuất phát điểm là những giảng viên tại các trường đại học lớn như Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Tp.HCM, Đại học Ngân hàng Tp.HCM.

Giảng viên Đại học Fulbright được bổ sung vào Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Giảng viên Đại học Fulbright được bổ sung vào Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

— 08 Tháng Mười 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định bổ sung Tiến sĩ Trương Văn Phước và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Trương Tấn Sang trả lời nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương

Đồng chí Trương Tấn Sang trả lời nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương

— 27 Tháng Chín 2020

Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương.

Nhà báo Trương Văn Chuyển làm Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ

Nhà báo Trương Văn Chuyển làm Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ

— 22 Tháng Chín 2020

Đại hội Hội Nhà báo TP.Cần Thơ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiến hành bỏ phiếu, bầu Tổng biên tập báo Cần Thơ Trương Văn Chuyển làm Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ.