PV: Thưa đồng chí, để có được Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 18/3/2002, tại Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, đã có những sự quyết liệt như thế nào trong công tác nghiên cứu, tham mưu; vai trò của Ban Kinh tế Trung ương?
Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Trước thời kỳ đổi mới, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, chỉ có hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu. Kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể được xem nhẹ, thậm chí là đối tượng cải tạo xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Đây là đặc điểm quan trọng trước công cuộc đổi mới.
Sau 10 năm đất nước thống nhất, nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài, khủng hoảng nặng nề, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trước tình hình như vậy, Đại hội VI của Đảng năm 1986 chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần. Đây là bước đột phá lớn về tư duy của Đảng, khởi nguồn cho những đổi mới sau đó và đến nay. Trước đây chỉ có kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, sau này có cả kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau 15 năm thực hiện đổi mới cho đến trước Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) năm 2002, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, có một bước phát triển hết sức quan trọng, trong đó kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn và có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn rất nhỏ so với khu vực kinh tế quốc doanh và tập thể, đồng thời phát triển chậm hơn và năng lực cạnh tranh kém xa so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết kinh tế tư nhân lúc bấy giờ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn hầu như chưa có và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân hầu như chưa tham gia đáng kể.
PV: Vì sao có tình hình như vậy, thưa đồng chí?
Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Trước hết phải nói rằng, do tư duy phát triển của các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật còn nhiều dè dặt, e ngại, thậm chí còn những định kiến, cho nên chưa tạo môi trường đầu tư, kinh doanh đủ thông thoáng, thuận lợi cho tư nhân phát triển. Đây thực sự là trở ngại lớn. Mặt khác, bản thân khu vực tư nhân cũng còn lo ngại rằng, đây là chủ trương phát triển kinh tế tư nhân không lâu dài, không phải chủ trương chiến lược cho nên chỉ đầu tư nhỏ lẻ, đa số là vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trước tình hình như vậy, Bộ Chính trị quyết định giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổng kết tình hình hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, đánh giá những mặt tích cực, chỉ rõ nguyên nhân tại sao kinh tế tư nhân phát triển còn chậm so với tiềm năng, lợi thế, đồng thời lý giải nguyên nhân của những trở ngại nêu trên; đồng thời, đề xuất những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 30-9-2014 |
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù đã tiến hành 15 năm đổi mới nhưng từ Trung ương tới địa phương, các ngành, các cấp vẫn còn tồn tại nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Một bên muốn phát triển, giải phóng triệt để sức sản xuất như tinh thần Đổi mới của Đại hội VI, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân. Một bên lại e ngại, lo lắng rằng kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ bị chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử giữa tư nhân và quốc doanh, tập thể… diễn ra đan xen trong thời điểm này, gây nên không ít trở ngại. Thậm chí, Bộ Chính trị khi trình Đề án ra Trung ương cũng có hai loại ý kiến khác nhau, tuy nhiên, đa số tán thành phải đẩy mạnh giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là phải phát triển kinh tế tư nhân.
Những quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX hết sức quan trọng và vẫn còn giá trị đến nay. Trước hết là xác định kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (một quan điểm rất mới lúc bấy giờ). Thứ hai là phát triển kinh tế tư nhân không phải chỉ trước mắt, đây là một chiến lược lâu dài, một chủ trương lâu dài của Đảng. Thứ ba là Nhà nước đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của công dân theo pháp luật; đây là vấn đề rất mới và sau đó những tư tưởng này được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Một quan điểm cuối cùng nữa là Nhà nước cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển cũng như các thành phần kinh tế khác. Đây là quan điểm hết sức cơ bản bấy giờ được Trung ương thông qua và trên cơ sở đó, Trung ương đề ra một số biện pháp phải tiến hành ngay:
Một là, phải sửa luật doanh nghiệp và các luật liên quan nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, cụ thể là xóa bỏ phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế tư nhân với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.
Hai là, sửa đổi một loạt các chính sách mang tính chất phân biệt đối xử, hoặc ban hành chính sách lâu nay chưa có như chính sách về đất đai, lao động, tiền lương, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, vv... Một loạt chính sách, văn bản pháp lý phải sửa đổi, bổ sung, ban hành để phù hợp với quan điểm mới về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, đồng thời đề cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp theo tinh thần giải phóng triệt để sức sản xuất và cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân (dù mới chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực) nhưng cũng là một bước đột phá quan trọng trong nhận thức và hành động.
Có thể nói, Trung ương hy vọng rằng, với hệ thống quan điểm hết sức cơ bản và hệ thống giải pháp lúc bấy giờ được xem là rất mới, sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế tư nhân. Bây giờ nhìn lại, sau 18 năm ban hành Nghị quyết 14, phải nói rằng kinh tế tư nhân có một sự phát triển vượt bậc so với trước đây. Những hạn chế trước đây đã khắc phục được rất nhiều; số lượng và quy mô của khu vực kinh tế tư nhân ngày nay lớn hơn hẳn khu vực quốc doanh (so với thời điểm ban hành Nghị quyết 14 năm 2002, số lượng doanh nghiệp tư nhân bây giờ tăng gấp 15 lần, chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước; số lượng vốn kinh doanh tăng 11 lần). Nhược điểm của các doanh nghiệp tư nhân trước đây hầu như chỉ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì nay đã tham gia tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, công nghệ thông tin, bất động sản... Đặc biệt, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân không chỉ nổi bật ở thị trường trong nước, khu vực Đông Nam Á mà còn có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường quốc tế. Một bước phát triển vượt bậc sau khi Nghị quyết 14 ra đời.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, một số cơ chế, chính sách, hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Vì vậy, mới đây Trung ương cũng tiếp tục giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu tổng kết và tham mưu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết mới - Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tư nhân đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân. Tư tưởng phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân đã được khắc phục về cơ bản. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xác định: Kinh tế tư nhân cũng được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động nếu có thành tích. Nhưng nhìn chung lại thì khả năng phát triển của khu vực này còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển.
Thực tế hiện nay, bên cạnh số ít tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; tỷ trọng đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ. Đây vẫn là nhược điểm. Bởi vì, doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy rất quan trọng nhưng chưa hình thành được chuỗi sản xuất và cung ứng trong nước, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ví dụ, ở nhiều nước doanh nghiệp lớn sản xuất máy tính nhưng doanh nghiệp nhỏ làm linh kiện hay công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ của nước ta chiếm rất ít, khoảng 10-20%, trong khi Thái Lan, Malaysia, nhóm các nước dẫn đầu có công nghiệp phụ trợ khoảng 30%, 40% thậm chí 60%. Doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp phụ trợ nhưng hiện nay lại chưa liên kết được một cách đầy đủ với các doanh nghiệp lớn của các thành phần kinh tế để hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng của nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng chúng ta cần xử lý trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh năng lực sản xuất còn lớn chưa được giải phóng triệt để và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hơn với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, các doanh nghiệp cần làm ăn bài bản, tích cực đổi mới mô hình kinh doanh và cách thức quản trị hiện đại, tăng cường liên kết, hợp tác, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Các cơ quan quản lý cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được đối xử bình đẳng và cùng tổn tại, phát triển để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới với các cơ hội, thách thức lớn hơn cũng như thị trường mở rộng. Cả các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đều phải tính toán và chuẩn bị hết sức tính cực để hội nhập quốc tế thành công.
Tôi tin tưởng rằng đội ngũ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của tư nhân nói riêng chắc chắn sẽ làm được sứ mệnh cao cả và đóng góp to lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(Theo kinhtetrunguong.vn)
Đại hội Hội Nhà báo TP.Cần Thơ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiến hành bỏ phiếu, bầu Tổng biên tập báo Cần Thơ Trương Văn Chuyển làm Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ.
Sáng 22-9, HĐND quận Thủ Đức khóa IV, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 12 (kỳ họp đột xuất) để miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND quận và các chức danh Ủy viên UBND quận nhiệm kỳ 2016- 2021.
Bước ra khỏi phòng sau 12 tiếng đồng hồ trong ca mổ lịch sử TS.BS Trương Quang Định (Giám đốc BV Nhi Đồng TP) không hề lộ vẻ mệt mỏi. Gặp chúng tôi, vẫn một nụ niềm nở, ông nói: "Xin chúc mừng cả ekip bệnh viện và tất cả các bạn…"