Trong các kỳ thi Olympic Quốc tế 2017 vừa qua, học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ giành 4 huy chương (2 Vàng, 2 Bạc) và 1 giải Nhất viết luận tiếng Nga quốc tế. Đặc biệt, cả 5 học sinh của trường Phan Bội Châu tham dự đều có giải.
Cụ thể, tại Olympic Vật lý Quốc tế 2017 diễn ra ở Indonesia, hai học sinh của trường là em Trần Hữu Bình Minh giành huy chương vàng và em Phan Tuấn Linh giành huy chương bạc. Nỗ lực và cố gắng của cả thầy và trò đã đạt được thành quả xứng đáng.
Tiếp đó, em Hoàng Nghĩa Tuyến đạt huy chương bạc Olympic Hóa học Quốc tế 2017 diễn ra tại Thái Lan và em Nguyễn Cảnh Hoàng đạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế 2017 diễn ra ở Brazil. Đây cũng là thành tích cao nhất của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu từ trước đến nay.
Xin được điểm lại 5 gương mặt rạng danh bảng vàng xứ Nghệ năm 2017:
1 - Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 tại Brazil, em Nguyễn Cảnh Hoàng (nguyên học sinh lớp 12A1 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã xuất sắc đạt 28 điểm, giành huy chương vàng. Đây cũng là huy chương vàng đầu tiên của tỉnh Nghệ An kể từ khi có học sinh tham dự cuộc thi này đến nay.
Em Nguyễn Cảnh Hoàng đạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế vừa diễn ra tại Brazil.
Nguyễn Cảnh Hoàng sớm bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với môn Toán từ nhỏ. Khi bắt đầu đi học, em đã tỏ ra thích thú với các con số, tập đếm, tập cộng trừ, và tự tính nhẩm, học đến lớp 3 là đã học thuộc hết bảng cửu chương… Càng lớn, cậu bé càng say sưa với môn học này, vì thế, không cần bố mẹ định hướng, tự Hoàng đã định hướng cho mình theo đuổi Toán và các môn khoa học tự nhiên.
“Những gia đình khác bố mẹ phải vất vả lo đi tìm chỗ học thêm, tìm thầy cô để dạy kèm cho con, nhưng vợ chồng tôi thì ngược lại. Cháu tự học là chính, và nếu gặp khó khăn ở đâu, cháu sẽ tự tìm đến thầy cô và tự quyết định xin thầy cô bồi dưỡng, dạy ôn thêm cho mình. Ngoài ra, Hoàng còn có quân sư đặc biệt chị gái lớn hơn 4 tuổi nên học bài không hiểu ở đâu là Hoàng lại hỏi chị”, anh Nguyễn Cảnh Cường - bố Hoàng chia sẻ.
Hiện tại, Hoàng tiếp tục theo đuổi môn Toán theo hướng ứng dụng, vì thế, em đã đăng ký vào học Khoa học máy tính, lớp kỹ sư tài năng trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Thời gian tới, em sẽ cố gắng học tiếng Anh và tìm kiếm cơ hội học bổng tại trường Đại học Quốc gia Singapore.
2 - Với em Trương Thị Khánh Huyền - người đạt giải Nhất cuộc thi viết tự luận tiếng Nga diễn ra tại Liên bang Nga đầu tháng này chia sẻ. “Ở kỳ thi này với nhiều học sinh Việt Nam khác, em đã vượt qua những khó khăn thực sự, nhưng cuối cùng em cũng đạt giải Nhất.
Với em, con đường du học là một lựa chọn đúng đắn và em đã chọn ngành Kinh tế. Bởi nước Nga là một nền văn minh, khoa học kỹ thuật… phát triển. Khi học ở một đất nước phát triển việc học của mình sẽ tốt hơn, để sau này khi ra trường về quê hương phục vụ một cách tốt nhất”.
Chia sẻ về thành công học tiếng Nga, Khánh Huyền bảo: “Khó khăn đó là học trong ngôi trường ít bạn chọn tiếng Nga cho nên cần phải thích ứng dài hơn. Như các môn ngoại ngữ khác, các bạn có thể học từ cấp 1, cấp 2… song với em thì bắt đầu học tiếng Nga từ năm lớp 10 cho nên cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, em cố gắng hết mình và thêm một phần là có năng khiếu nữa. Với người học ngoại ngữ, thì phần năng khiếu là quan trọng nhất và phải có đam mê, chăm chỉ”.
Được biết, Khánh Huyền cũng đạt giải Nhất và nhận học bổng toàn phần ở một kỳ thi Olympic tại Hà Nội vào tháng 3/2017 vừa qua. Ở cuộc thi Olympic tiếng Nga diễn ra tại Liên bang Nga hồi đầu tháng 7/2017, Khánh Huyền cũng đạt giải Nhất về viết luận tiếng Nga.
“Gia đình em bố làm thợ xây dựng, mẹ làm ở một tiệm tóc; gia đình có 3 chị em gái (hiện hai em gái học lớp 9 và 8). 12 năm liền em đều giành học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 11 em đạt giải Nhất tỉnh Nghệ An môn tiếng Nga”, Khánh Huyền cho biết thêm.
3 - Với em Hoàng Nghĩa Tuyến, khi đang học lớp 11, em đã đạt giải Nhì tại kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học. Năm lớp 12, Tuyến giành giải Nhất và giành một suất được thi tiếp vòng 2 để chọn đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic Quốc tế.
Đây cũng là một kỳ thi hết sức khó khăn bởi nếu như các môn khác có thể chọn 5 - 6 học sinh thì môn Hóa học chỉ chọn được 4 em vào đội tuyển. Để vượt qua vòng này, Tuyến và 32 thí sinh khác trong cả nước phải vượt qua nhiều kỳ thi căng thẳng, thậm chí còn căng thẳng hơn kỳ thi quốc tế.
Sau khi lọt vào đội tuyển, hầu như Tuyến "ăn, ngủ" cùng đội tuyển ở Hà Nội và chỉ tranh thủ được vài ngày để chụp ảnh kỷ yếu với các bạn vào dịp giữa tháng 5. Đến với kỳ thi này, Tuyến cũng chịu nhiều áp lực bởi đã 15 năm nay, Trường Phan đang "khát" huy chương môn Hóa học.
Đây cũng có thể là lý do khiến Tuyến bước vào kỳ thi trong tâm thế khá hồi hộp. Vì vậy, dù thực lực của Tuyến được đánh giá là khá cao nhưng trong quá trình làm bài Tuyến có nhiều thiếu sót đáng tiếc dù rằng đáp án vẫn đúng. Kết quả, so với học sinh đạt huy chương vàng, điểm số của Tuyến chỉ thiếu chưa đến 0,1 điểm.
Với tấm huy chương bạc môn Hóa học, thêm một lần nữa Tuyến tự tin vào con đường của mình đã chọn và em sẽ đăng ký vào khoa Hóa học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu của mình.
“Em hy vọng vào học sẽ cố gắng học thật tốt để được đi du học. Nếu được đi du học một nước tốt hơn như Mỹ, sau này ra trường em sẽ trở về phục vụ quê hương, Tổ quốc”, Tuyến chia sẻ.
Chia sẻ cùng PV Dân trí, thầy giáo Nguyễn Tường Lân - GV trực tiếp giảng dạy em Tuyến cho biết: "Khi thảo luận chấm thi thì các thầy cô nhận định Tuyến sẽ ở vùng giáp ranh giữa huy chương vàng và huy chương bạc. Đến khi có kết quả, ai nấy đều tiếc nuối và cố gắng tranh luận để "đổi màu" được tấm huy chương. Tuy nhiên, điều may mắn đã không xảy ra. Kết quả này, cũng giúp thầy và trò rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là về kỹ năng làm bài, tâm lý...".
4 - Khi Phan Tuấn Linh đi thi Olympic Vật lý Quốc tế 2017 tại Indonesia, gia đình em vô cùng hồi hộp chờ đợi kết quả từ cuộc thi này. Trước đó, Tuấn Linh cũng nằm trong đội tuyển dự thi Olympic Vật lý Châu Á vào tháng 5, nhưng vì vấn đề sức khỏe và một số lý do khách quan, chủ quan khác, Linh đã “lỡ hẹn” với giải thưởng. Vì thế, em đã đặt quyết tâm cao hơn cho lần thi quốc tế tại Indonesia.
Chị Phạm Thị Thúy Quỳnh, mẹ của Linh cho biết: "Sau khi Linh và đoàn học sinh sang Indonexia, điện thoại bị Ban tổ chức giữ lại nên việc liên lạc của Linh với gia đình bị gián đoạn nhiều ngày. Để tìm hiểu thông tin về con, hàng ngày gia đình cập nhật thông tin trên website của kỳ thi và qua Facebook của thầy giáo Trần Văn Nga.
Cho đến khi Linh gọi điện về thông báo: Mẹ ơi, con giành Huy chương Bạc rồi! Cả đoàn chỉ mình con là huy chương bạc thôi...! “Mặc dù không có “vàng”, nhưng đây là điều tuyệt vời, là kỳ tích của cháu. Qua điện thoại, tôi thấy con mừng với kết quả đạt được. Bố mẹ cũng không quá đặt nặng vấn đề thành tích cho con, chỉ cần con đã cố gắng hết sức, làm bài hết khả năng và được thi đấu ở sân chơi quốc tế lớn như vậy, là chúng tôi đã rất phấn khởi rồi”, chị Quỳnh nói.
Phan Tuấn Linh sinh ra tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), có bố là giáo viên dạy Vật lý cấp III, mẹ là y tá của trạm Y tế xã Nghĩa Hội. Mặc dù có tố chất thông minh từ nhỏ, nhưng Linh không phải là cậu bé có “bề dày” thành tích. Những năm học THCS, Linh mới chỉ có trong tay giải Khuyến khích Toán và Vật lý ở kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh.
Với “hành trang” khá khiêm tốn như vậy nên khi con đăng ký thi vào lớp chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, bố mẹ em không khỏi lo lắng. Tuy vậy, cậu bé ở vùng miền núi phía tây bắc xứ Nghệ đã không làm bố mẹ thất vọng khi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đã đạt danh hiệu “thủ khoa” và Trường THPT chuyên Đại học Vinh và đứng thứ 3 khi thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Lựa chọn học trường Phan, với đam mê được thắp lửa từ các thầy cô giáo, Phan Tuấn Linh đã tiến bộ từng ngày, đã giành được giải Nhì tại kỳ thi HSG quốc gia Vật lý lớp 11 và 12. Đồng thời, tiếp tục xuất sắc vượt qua vòng loại và có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia tham dự các Kỳ thi Olympic Vật Lý châu Á và quốc tế. Tấm huy chương Bạc lần này, chính là thành công vượt bậc của cậu học trò miền núi ham học.
5 - Với em Trần Hữu Bình Minh, đây là lần thứ hai em giành được huy chương. Lần trước đó, là tấm Huy chương Bạc tại cuộc thi Olympic Vật lý Châu Á, còn để lại chút tiếc nuối thì lần này, em đã cố gắng để đem được “vàng” trở về.
Chia sẻ niềm hạnh phúc, phấn khởi, chị Vũ Thị Hoa Lý - mẹ của Bình Minh nói: "Mấy ngày diễn ra kỳ thi chúng tôi khá lo lắng vì lịch thi có thay đổi. Sau khi thi xong, Minh có gọi điện về nhưng cháu cũng không kể nhiều về bài thi, chỉ nói tạm tạm. Đến khi có kết quả chính thức đạt huy chương vàng rồi, thì cả nhà vỡ òa trong vui mừng và tự hào."
Chứng kiến cả quá trình tiến bộ của con, chị Hoa Lý tâm sự thêm: Bình Minh theo đuổi môn Vật lý từ khi còn là học sinh cấp 2. Lần lượt tham gia các kỳ thi cho đến khi vào được đội tuyển quốc tế, là một bước tiến dài mà gia đình không ngờ đến. Nhưng với sự giúp đỡ, bồi dưỡng của các thầy cô giáo, cháu đã trưởng thành và khẳng định được năng lực của mình.
Thầy giáo Trần Văn Nga - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: “Chúng ta đã sải đôi cánh dài ra bầu trời rộng mở”. Kết quả như thế nào, thì các em cũng đã thành công - khi đã nỗ lực hết sức, vượt qua giới hạn của bản thân để tự tin khẳng định mình. Các em đã tiếp nối tiếp truyền thống hiếu học của mảnh đất xứ Nghệ, và để tên của mình tên của mình, của nhà trường, của quê hương đất nước được đọc lên đầy vinh dự, tự hào trên trường quốc tế".
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Tôi rất vui mừng trước thành tích này của các em học sinh. Riêng Nghệ An năm nay giành được nhiều huy chương cả môn Toán, Vật lý và Hóa học khiến cho bảng vàng thành tích ngày càng dày thêm. Xin cảm ơn và tuyên dương các em".
Từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016 - 2017, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) có 415 học sinh giỏi quốc gia, 13 học sinh đoạt huy chương, bằng khen trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Trong đó, phải kể tới thành tích của các em: Cao Ngọc Thái đoạt 2 HCV Olympic Vật lý Châu Á, Quốc tế; Nguyễn Ngọc Khánh đoạt HCV Vật lý Châu Á, HCB Vật lý Quốc tế; Trần Hữu Bình Minh đoạt HCB Olympic Vật lý Châu Á, HCV Olympic Vật lý Quốc tế; Nguyễn Cảnh Hoàng đoạt HCV Olympic Toán học Quốc tế...
Nguyễn Duy
Tháng 7, theo phong tục tập quán truyền thống của người xưa là tháng xá tội vong nhân. Là dịp để người người thể hiện tấm lòng hiếu kính với những người đã khuất dù là tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay những cô hồn không chốn nương thân.
Qua báo cáo của chị Trương Thị Phương - thành viên Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh và thông qua tin trên kênh truyền hình LetViet, Hội đồng họ Trương Hà Nam Ninh được biết: Gia đình chị Trương thị Linh ở xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thời gian gần đây, trong dư luận cũng như nhận thức của nhiều nhà quản lý và đông đảo người tiêu dùng, thuốc BVTV được nhận diện, đánh giá thiếu đầy đủ, có lúc bị lên án cực đoan dễ tạo nên tâm lý lo sợ, nhiều trường hợp gây tổn hại lớn về uy tín và kinh tế cho người sản xuất cũng như kinh doanh thuốc BVTV.