Tháng 7
LỄ XÁ TỘI VONG NHÂN VÀ LỄ VU LAN
Đã sắp sang tháng 7 âm lịch, những cơn mưa Ngâu sùi sụt sẽ lại về, tiết trời trở nên se se lạnh, giữa bộn bề cuộc sống phù du, trong vòng xoáy không ngừng nghỉ của cuộc đời, ai đó có bỏ quên những điều thiêng liêng ẩn sâu trong ký ức? Có thời gian lắng lại để suy tư về đạo hiếu, để nhìn về ông bà, cha mẹ?
Tháng 7, theo phong tục tập quán truyền thống của người xưa là tháng xá tội vong nhân. Là dịp để người người thể hiện tấm lòng hiếu kính với những người đã khuất dù là tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay những cô hồn không chốn nương thân. Theo Phật giáo là lễ Vu Lan, lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ. Hai lễ này đều diễn ra trong tháng 7 âm lịch hàng năm nên nhiều người nhầm lẫn là một.
Lễ “Xá tội vong nhân”
Theo phong tục từ ngàn xưa của vùng văn hóa Á Đông vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm Diêm vương mở cửa Địa ngục, ân xá cho tất cả những vong hồn bị tù tội được giải thoát về với dương gian, chính vì vậy người Việt thường tổ chức cúng cô hồn vào các ngày từ mồng 1 tháng 7 đến 15 tháng 7 âm lịch. Việc cúng cô hồn thể hiện đạo lý cao đẹp đầy nhân ái của ông cha ta truyền lại.
Dân gian có câu : “ Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng 7” để nhắc nhở mọi người về ý nghĩa quan trọng của dịp cúng lễ này.
Thông thường, trước khi cúng cô hồn gia chủ thường sắm một mâm cơm canh, chay hay mặn, to hay nhỏ tùy theo khả năng của từng gia đình, trước hết là kính cáo Thần linh, sau là cẩn cáo tổ tiên, đồng thời cũng là dịp để cầu cúng cho những người thân đã khuất được siêu thoát. Nơi hành lễ là ngay tại ban thờ Thần-Phật, gia tiên trong khuôn viên thờ cúng của gia đình, sau đó mới đến phần cúng lễ thí thực cô hồn. Ban lễ cúng cô hồn thường được đặt bên ngoài khu đất gia đình đang sử dụng, có thể ở trước cửa nhà hoặc ngoài ngã ba, ngã bảy vì theo quan niệm xưa : cô hồn là những vong hồn, ma quỷ sống chết không nơi nương tựa, đói khát khổ sở không nên cúng ở trong nhà, vì nếu cúng ở trong nhà sợ cô hồn, ma quỷ vào tranh cướp của cải, tài lộc của tổ tiên ông bà, ẩn náu, cư ngụ trong nhà gây nên họa ách về sau. Sau khi cúng xong, mời cô hồn trở lại nơi trú ngụ hoặc mời về nương nhờ nơi cửa Phật .
Mâm lễ cúng cô hồn thường có gạo, cháo hoa, nẻ, bánh kẹo, hoa quả, ba chén nước, ba nén nhang và hai cây nến. Trong trường hợp các gia đình có cúng tiền âm phủ, vàng mã thì cũng nên hóa vàng ngay ngoài phần đất của gia đình để việc cô hồn, ma quỷ tranh cướp lộc không ảnh hưởng đến gia tiên.
Riêng tục đốt vàng mã cũng là theo phong tục của người xưa để lại với tâm niệm là người sống có gì thì người chết cũng có những thứ đồ dùng như thế, và đôi khi vì thương cha, thương mẹ, hoặc theo trào lưu xã hội những người sống đã cúng đốt nhiều thứ vàng mã mà người sống chỉ nằm mơ mới có như nhà lầu, ô tô, máy bay,voi, ngựa v.v… Phật giáo khuyên không nên đốt vàng mã, coi việc đốt vàng mã là tập tục lậc hậu, mê tín dị đoan. Tuy nhiên cũng không nên quy thái quá về việc đốt vàng mã tốn kém kinh tế hay chê bai là lạc hậu, hãy để tự tâm mỗi người thấy làm thế nào là có hiếu nghĩa với những người đã khuất để tâm can mình được tịnh tâm, thanh thản thì làm.
Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan vào dịp tháng 7 âm là lễ hội của Phật giáo, xuất phát từ Kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo Đại Thừa do Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn vào đời Tây Tấn (khoảng năm 750 đến 801 trước Công nguyên), nội dung nói đến Bồ Tát Mục Kiền Liên vì hiếu đạo mà xuống địa ngục cứu mẹ nhưng không cứu được, sau nhờ Đức Phật Tổ chỉ cách cúng dường cho chư tăng và nhờ phúc lộc của chư tăng mười phương mới cứu được mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đó cứ vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm tín đồ Phật giáo tổ chức cúng dường chư tăng, cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó cũng là một hình thức để báo hiếu với những người thân trong gia đình đã mất.
Đức Phật cũng dạy rằng “Phật ở trong tâm”, tức là người đã có tâm, có đức, lòng thành hướng về Đức Phật thì dù có cúng Phật ở đâu Phật tổ cũng chứng giám, phù hộ độ trì, không nhất thiết cứ phải chen chúc nơi cửa chùa mới là lễ Phật.
Riêng phong tục cài hoa vào dịp Vu Lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào những năm 60 của thế kỷ 20, người có cha mẹ đã mất thì cài hoa hồng trắng, người nào còn cha, còn mẹ thì cài hoa hồng đỏ để làm tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho ngày lễ này và cũng là lời nhắc nhau chia sẻ buồn đau với người đã mất cha mất mẹ, qua đó nhớ đến ông bà, cha mẹ của mình, có trách nhiệm chăm nom, săn sóc động viên khi các cụ còn sống, do vậy lễ Vu Lan cũng còn gọi là lễ Báo hiếu.
Dù cho trọn kiếp chúng sinh
Chẳng thể đền đáp ân tình mẹ cha…
Và có lẽ ý nghĩa cao cả nhất, thiêng liêng nhất và cũng thiết thực nhất để báo hiếu ông bà, cha mẹ đó là cố gắng sống có tâm có đức, biết kính trọng, yêu thương, động viên, chăm sóc khi các cụ còn sống. Khi cha mẹ đã về theo Tiên tổ thì việc báo hiếu chỉ còn là tâm tưởng.
Tháng 7 mưa Ngâu nước mắt nhạt nhòa
Của những đứa con nhớ về cha mẹ
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Một nỗi lòng gửi gắm những niềm thương…
Nam Định, ngày 5 tháng 7 năm 2017
Anh Trương Ngọc
Đề nghị ghi thông tin "Bản quyền: Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam - http://truongtoc.com.vn" khi sử dụng lại nội dung bài viết này