Xuân về trên làng huyền thoại

14:01 - 02/02/2019 Tin hoạt động NGỌC SINH - CÔNG NHÃN 10319

Trải qua quá trình mở cõi, khẩn hoang và lập làng, các bậc tiên dân xứ Quảng đã để lại cho đời sau một di sản văn hóa đồ sộ, mà sức sống của nó mãi đến bây giờ vẫn lay động lòng người. Trong hệ di sản đó, nổi bật nhất là di sản về truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm. Vua Lê Thái Tổ đã từng đánh giá lòng yêu nước, công lao và khí phách của người Quảng Nam: “Tổ tiên các ngươi đã tận trung với nước, góp sức đánh bại quân thù lập nên những chiến công hiển hách

Trong lòng mảnh đất linh thiêng ấy với nền tảng văn hóa làng - hiện tượng độc đáo của văn hóa Việt - có sức mạnh to lớn, kết nối cộng đồng vượt qua bao thiên tai, địch họa và nuôi dưỡng những người con ưu tú của quê hương, đất nước, trong đó có làng Thanh Quýt huyền thoại (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Làng Thanh Quýt nằm dọc hai bên quốc lộ 1A, phía bắc nhánh sông Thanh Quýt đổ về huyền thoại làng Cẩm Sa (phường Điện Nam Bắc) gặp sông đào Câu Nhí từ Vĩnh Điện đổ ra sông Hàn. Nơi đây lưu giữ những dấu ấn văn hóa, lịch sử huyền thoại của đất nước.

Đình Thanh Quýt

Đình làng Thanh Quýt xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, theo dân gian, thuở ban đầu, đình làm bằng tranh tre; có 5 gian, 2 chái.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi quy tụ lòng dân, sức người chống sưu, chống thuế. Đảng ra đời, đình là nơi hoạt động bí mật. Ngày 18-8-1945, dân trong làng tập hợp, nổi trống mõ tham gia giành chính quyền. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, tại đình này, đội tự vệ chiến đấu được thành lập và sân đình được chọn làm nơi huấn luyện. Cùng thời điểm, Ủy ban hành chính lâm thời xã Thanh Quýt ra đời, lấy đình làng làm trụ sở. Và, đình cũng là nơi thực hiện “quyền dân quốc” mới - lần đầu tiên trong lịch sử, bầu ra chính quyền của mình (1946). Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tại đình, Trung đội tự vệ chiến đấu xã Thanh Quýt làm lễ tuyên thệ trước khi lên đường chiến đấu.

Kháng chiến chống Mỹ, đình làng lại là nơi hoạt động của cách mạng. Đây là nơi tập kết của Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 để chặn đánh quân đội Mỹ tại Trảng Nhật và quân ngụy tại đồn Ngũ Giáp trong Tết Mậu Thân (1968). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Khu ủy 5 và đồng chí Võ Chí Công đã chọn đình làng Thanh Quýt làm Sở Chỉ huy chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Đình Thanh Quýt không chỉ là nơi gìn giữ quá khứ của ông cha, quy tụ lòng người, quy tụ sức mạnh, cố kết tình làng, nghĩa xóm, mà nơi đây còn trở thành một thiết chế văn hóa để tổ chức hát hò khoan, diễn tuồng, thi đấu các trò chơi dân gian, nơi tổ chức lễ tôn vinh con em trong làng đỗ đạt…

Nhà thờ tộc Trương Công và lăng mộ tiền hiền Đại Lang Trương Công Trung

Nhà thờ tộc Trương Công được xây dựng vào tổ đời thứ 8 trên khuôn viên đất hương hỏa do Thượng thư Trương Công Hy dành riêng vào khoảng thế kỷ XVIII, làm bằng tranh tre, vách đất, bị cháy năm 1914. Năm 1915, nhà thờ được làm lại bằng gạch, khung sườn bằng gỗ, mái lợp âm dương, sân lát gạch. Năm 1975, nhà thờ được trùng tu, tôn tạo: giữ nguyên, chỉ thay sườn gỗ hư hỏng; tường nhà và bàn thờ xây mới, giữ nguyên các liễn đối; thay toàn bộ cửa gỗ mới; lợp lại mái ngói, xây cổng và khuôn viên. Năm 1993, trùng tu lần thứ 4, xây mới khá nhiều chi tiết: phục chế 8 cột bằng gỗ mít, xây mới toàn bộ tường móng và lát gạch hoa, lập lại toàn bộ bài vị, khảm lại bằng xà cừ các hoành phi, liễn đối,… như ngày nay.

Sau khi mất, thủy tổ tiền hiền Trương Công Trung được an táng tại làng Thanh Quýt. Lăng mộ Đại lang được xây với kiến trúc đơn giản với gần 100m2, có khuynh che phía trước, nhà bia.

Theo gia phả, theo chân Nguyễn Hoàng, tộc Trương Công “Nam tiến” vào xứ Quảng từ xã Ba Yên, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An. Tiền hiền Thái Thủy tổ Trương Công Trung là Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, Đô chỉ huy sứ. Hiện nay, còn lưu sắc phong của vua Khải Định cho tiền hiền Trương Công Trung, người có công khai khẩn đất hoang lập làng Thanh Quýt. Đại lang còn là tiền hiền của làng. Nội dung sắc phong như sau: “Sắc cho xã Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lo việc thờ phụng vị thần tiền hiền Đại lang Trương Công Trung, thần vô cùng linh ứng. Nay trẫm vâng mệnh lớn lại nhân đại lễ mừng thọ 40 tuổi, triều đình long trọng ban chiếu sắc phong. Sắc phong cho thần tước hiệu thần Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò, chuẩn cho xã Thanh Quýt thờ phụng thần. Thần hãy bảo vệ che chở cho dân ta. Vậy thay. Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định”.

Lăng mộ Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy

Trên quốc lộ 1A, đối diện Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi có tuyến đường mới mở lên Khu đô thị - công nghiệp Trảng Nhật (xã Điện Thắng Trung) là lăng mộ Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy. Ngày 8-12-2013, lăng mộ này vinh dự đón nhận bằng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Theo gia phả tộc Trương làng Thanh Quýt, ông thuộc tổ đời thứ 7; đỗ Hương cống dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) và bổ làm thầy dạy cho các con của chúa Nguyễn (ấu chúa Nguyễn Phúc Dương). Thời Tây Sơn, ông làm Tri phủ Điện Bàn. Sau khi thôi giữ chức Tri phủ Điện Bàn (1786), ông được giao chức Khâm sai trấn Quảng Nam (thuộc phạm vi quản lý của Nguyễn Huệ). Dưới triều Quang Trung (1788-1792) và Cảnh Thịnh (1793-1801), ông được giao giữ chức Binh Bộ Thượng thư, Hình Bộ Thượng thư. Ông có nhiều đóng góp cho Tây Sơn trong việc chấn chỉnh, tổ chức giáo dục khoa cử; biên soạn luật lệ, tiến cử người hiền tài ra giúp nước.

Năm 1798, khi đã 72 tuổi, mà như người xưa thường bảo “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, khi đã trút hết sinh lực cho triều đại Quang Trung và Cảnh Thịnh, ngài về trí sĩ. Vua Cảnh Thịnh ghi nhận và thăng chức Binh Bộ Thương thư, phong tước Thùy Ân hầu. Ông mất ngày 18 tháng 5, năm Canh Thân (1800), hưởng thọ 73 tuổi. Theo phong tục địa phương, gia tộc Trương lấy ngày 17 tháng 5 hằng năm để làm giỗ.

Nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Nhà Mẹ Thứ tọa lạc tại thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung với diện tích khu vườn là 3.500m2, được làm theo lối kiến trúc nhà rường cổ 3 gian 2 chái, bên trong có 30 cây cột gỗ tròn, các hàng cột, xiên được trang trí hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. Trong chiến tranh, nhà Mẹ đã từng đón các đồng chí lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Điện Bàn về họp, trực tiếp chỉ đạo chiến đấu.

Trong khu vườn Mẹ Thứ hiện còn dấu tích 5 ngôi hầm bí mật - nơi ẩn nấp, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích địa phương… Năm 2003, ngôi nhà tu bổ xây dựng lại với 5 gian, bên trong có 8 cây cột gỗ tròn, mái lợp ngói âm dương; 3 gian bên trong thờ hương khói ông bà, chồng và 9 người con trai của Mẹ đã hy sinh, bên trái thờ Mẹ. Trong ngôi nhà trưng bày các kỷ vật của gia đình, treo Bằng Tổ quốc ghi công, quà tặng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Mẹ Thứ sinh năm 1904. Mẹ có chồng là cụ Lê Tự Trị, người cùng làng, hai vợ chồng Mẹ sinh được 12 người con gồm 1 con gái và 11 con trai. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, gia đình Mẹ đã hy sinh 9 người con trai, một con rể, hai cháu ngoại. Ngày 17-12-1994, Mẹ Thứ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ mất ngày 10-12-2010, thọ 106 tuổi.

Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Trước đây, Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được xây một góc bên trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, là căn nhà 3 gian 2 chái, mái lợp ngói, là nơi viếng thăm của bao thế hệ thanh-thiếu niên, nhi đồng trong cả nước.

Nhân kỷ niệm 48 năm ngày mất của anh (15-10-1964 - 15-10-2012), ngày 15-10-2012, UBND huyện Điện Bàn tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Nơi đây, tinh thần người con ưu tú xứ Quảng, tấm gương sáng của thế hệ thanh niên Việt Nam và thế giới vẫn luôn ngời sáng - “Sống như Anh” với chúng ta hôm nay và con cháu mai sau. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bài phát biểu của Trung ương và tỉnh Quảng Nam tại Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, Lăng mộ cụ Trương Công Hy.

2. Hồ sơ di tích lưu tại Trung tâm Quản lý di tích Quảng Nam.

3. Lê Khôi: Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy, Nxb Văn học, Hà nội 2012.

4. www.baoquangnam.com.vn ,

www.bienban.gov.vn.  

(*) UBND tỉnh Quảng Nam - Quảng Nam - Xưa và Nay, Nxb Đà Nẵng, năm 2000, trang 32.

Những tin cũ hơn

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO NGÀY CẤT NÓC NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO NGÀY CẤT NÓC NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

— 31 Tháng M. hai 2018

Nhà thờ họ Trương Việt Nam tại thôn Đa Giá - Thị trấn Thiên Tôn - H. Hoa Lư - T. Ninh
Bình

Cả làng tiếc thương anh dân quân cứu người đến kiệt sức ở Quảng Nam

Cả làng tiếc thương anh dân quân cứu người đến kiệt sức ở Quảng Nam

— 14 Tháng M. hai 2018

Dầm mình trong lũ suốt ngày đêm, cõng người già, trẻ em đi sơ tán, giúp đưa gia súc lên cao tránh lũ, anh Được (ngụ Quảng Nam) đã qua đời vì kiệt sức ngay trước cửa nhà.

QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ  VĂN HÓA – VĂN NGHỆ & SỨC KHỎE  HỌ TRƯƠNG HÀ NỘI

QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ VĂN HÓA – VĂN NGHỆ & SỨC KHỎE HỌ TRƯƠNG HÀ NỘI

— 28 Tháng M. một 2018

Thành lập Câu lạc Văn hóa – Văn nghệ và Sức khỏe  họ Trương Hà nội trực thuộc Hội Đồng họ Trương Hà nội..( Gọi tắt là CLB VVS Họ Trương Hà nội ).

Thư ngỏ của Chủ tịch HĐHTHN gửi bà con HTHN chung tay đóng góp XD Nhà thờ HTVN 2

Thư ngỏ của Chủ tịch HĐHTHN gửi bà con HTHN chung tay đóng góp XD Nhà thờ HTVN 2

— 28 Tháng M. một 2018

Trong chiều dai  ngàn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước , cùng bách gia trăm họ, họ Trương Việt nam chúng ta tự hào đã có những đóng góp không nhỏ cho sự độc lập , tự do và phồn vinh của quê hương.

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐỢT VẬN ĐỘNG “ HỌ TRƯƠNG HÀ NỘI GÓP SỨC X Y DỰNG NHÀ THỜ HTVN “

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐỢT VẬN ĐỘNG “ HỌ TRƯƠNG HÀ NỘI GÓP SỨC X Y DỰNG NHÀ THỜ HTVN “

— 28 Tháng M. một 2018

.Khơi dậy tình cảm huyết thống và lòng tri ân với Tổ tiên và cội nguồn dòng họ , niềm mong ước được đóng góp xây dựng và phát triển dòng họ của những người HTHN