Vu lan - Nhớ Cha

10:33 - 22/08/2018 Tin tổng hợp Administrator 11063

Vu Lan 2018

NHỚ CHA

      Đêm vừa rồi tôi đặt báo thức để đi Vinh sớm. Gần sáng, tôi mơ thấy đứa cháu ngoại lay gọi: “Ông ơi, có ông khổng lồ đứng ở ngoài cửa màn kìa”. Tôi ngoảnh nhìn ra: Cha tôi. Người đứng sừng sững bên giường, chưa kịp nói với cha thì giật mình tỉnh giấc, chuông báo thức đã điểm, tôi nhìn đồng hồ: 2 giờ 40 phút sáng.

Đêm. Trước bão Bebinca, trời quang, thi thoảng có mưa nhỏ, tôi chạy xe mà đầu óc nghĩ lung tung.

Cha tôi là một người lao động cần cù, chịu khó. Tính cha hiền lành, ít nói, Người hết mực thương quý các con, sáu anh chị em chúng tôi lớn lên, khỏe mạnh nhờ sự tần tảo của mẹ và đôi bàn tay chai sạn của cha. Nhà đông anh em, cha chăm sóc chúng tôi dịu hiền như mẹ. Những đêm mùa hạ oi nồng, chiếc quạt mo cau trên tay cha như không lúc nào ngừng nghỉ, bất cứ khi nào thức giấc tôi vẫn thấy cha phe phẩy quạt mát cho chúng tôi. Câu hỏi từ ấu thơ “sao cha không ngủ nhỉ…” vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Mùa đông, tôi cuộn tròn trong lòng cha như con mèo nhỏ. Mấy anh em tranh nhau luồn chân vào đùi để cha kẹp cho ấm. Đêm đêm,tôi mân mê đôi bàn tay gân guốc, chai sạn của cha và thiếp đi trong những câu chuyện cổ tích với những ông tiên, ông bụt kỳ lạ của cha.

Nhà tôi nghèo, những năm sau cải cách ruộng đất 1954 cha mẹ tôi được chia 2 bộ vì kèo nhà ngang của mẹ nuôi mẹ tôi, cha mang về tự lắp dựng nhà, nhặt nhạnh gạch lành, gạch vỡ xây tường, làm được 3 gian nhà ngoài và một gian buồng cho bà nội ở. Nhà dựng trên nền đất, những đêm mưa bão gió giật căn nhà rung lắc đung đưa, ngói bay loảng xoảng, anh em tôi sợ hãi túm tụm ở một góc giường. Cha tôi như không sợ gió bão, Người đi xem xét khắp mọi chỗ: che đậy hòm xiểng, chum vại, quần áo. Nẹp lại chuồng trâu, chuồng gà, bất chợt có viên ngói nào bị tốc, cha bắc thang trèo lên lợp lại, che, chèn giữ cho mái nhà không bị tốc tiếp. Gần sáng, cha lại cùng mấy Bác trong Hợp tác xã gọi nhau đi be chắn ao nuôi cá, trại chăn nuôi, lò gạch, trạm bơm…Một năm có bao nhiêu cơn bão thì bấy nhiêu lần cha tôi ướt lướt thướt, chân tay beo dúm, bợt bạt.

Những năm Hợp tác xã, công điểm của cha mẹ tôi lúc nào cũng cao nhất đội, xong cũng vẫn không đủ ăn. Ngày nông nhàn, cha nhận vận chuyển nguyên vật liệu cho Hợp tác xã. Với chiếc xe cải tiến cọc cạch, bánh bằng lốp cao su đặc, cha đi khắp nơi chở luồng, ngói, xăng dầu. Có lần tôi nằng nặc theo cha đi lấy luồng cho Hợp tác xã cách nhà gần 20 cây số. Đêm hai bố con dậy đi sớm. Lúc đi, cha cho tôi ngồi trên xe, xe xóc nẩy bồ bồ, tôi vẫn sung sướng như hoàng tử trong truyện cổ tích. Khi về, mới chưa được nửa đường thì đã quá trưa. Dưới trời nắng gắt, những viên đá lổn nhổn dưới chân bỏng rát, hai Bố con vừa đói vừa khát phải vào nhà dân ven đường xin nước mưa uống. Đi qua cánh ruộng mầu, dừng xe dưới một tán cây, cha dẫn tôi xuống ruộng bới khoai sót. Ruộng khoai thu hoạch đã lâu, thi thoảng những chồi non mọc chồi lên mặt đất, cha lấy tay đào bới. Tôi bắt chước cha nhưng không có kinh nghiệm nên chỉ tìm thấy toàn những dây khoai, mãi mới tìm được một nháu to bằng ngón tay. Bới mãi, được vài ba dãi khoai, cha lấy cỏ lau sạch đất đưa hết cho tôi. Giữa lúc đói và khát, củ khoai bị ngâm dưới nước lâu ngày ung ủng sao mà ngọt và ngon đến thế, nuốt xuống bụng đến đâu tỉnh người ra đến đấy. Cha ngắm tôi ăn và cười: “Lần sau có thích đi nữa không”. Tôi vừa kịp thưa: “Bố…” thì ngừng lời vì chợt nhớ tôi đã ăn gần hết mấy nháu khoai, chỉ còn nhõn một mẩu. Tôi rụt rè đặt vào tay cha: “Bố ăn đi…”

Mùa đông rét căm căm, chiếc áo cũ sờn cởi ra vấn lên cổ, cha ngâm mình dưới nước riu tép, bắt cua cả buổi, lúc lên bờ da thịt cha xám ngát, chân tay run lẩy bẩy, Về đến nhà, mẹ vội vàng đốt lửa cho cha sưởi. Hơ đôi bàn tay nhăn nhúm cho đỡ rét, cha lấy cua, ốc thả vào đống rơm đang cháy. Người lại chọn những con cá to, lấy que xiên vào miệng cá hơ lên lửa nướng. Khói mù mịt cay xè nhưng anh em tôi vẫn sán lăn vào bên cha. Mùi cua nướng, ốc nướng thơm ngào ngạt, chúng tôi vừa thổi vừa ăn, miệng dính tro đen nhẻm.

Có lần, cha đang riu tép ngay cánh đồng trước cửa thì máy bay Mỹ ào đến. Hai chiếc máy bay bay thấp vụt đến bất chợt, kẻng báo động chưa kịp đánh. Những người trên bờ tre ven xóm la hét ầm ĩ : “Dìm nón xuống”, “Đứng im không chết bây giờ”…Tôi đứng bên bờ ao mà chân tay run lẩy bẩy. Nghe nói máy bay Mỹ thấy cái gì trăng trắng động đậy là bắn rốc két ngay, nhất là sóng nước sao động dễ bị phát hiện. Rất may hôm đó máy bay Mỹ ném bom cầu đường sắt cách làng tôi hơn 1 km, cha tôi và mấy bác dưới ruộng không hề hấn gì. Máy bay đi qua, cha tôi lại tiếp tục công việc như không có gì xảy ra.

Mùa nào thứ nấy, cha mẹ không mấy khi để chúng tôi bị đói, áo quần it khi phải vá víu. Xóm giềng vẫn nói, sướng nhất chúng tôi được bố mẹ khéo tay nuôi ăn no đủ, nhà họ khổ thế này, nhà kia khổ thế kia…

Năm tôi 15 tuổi, được tuyển thẳng vào học cấp 3 không phải qua kỳ thi chuyển cấp, mặc dù bao lần khóc lén, tôi vẫn quyết định bỏ học ở nhà mong đỡ đần gánh nặng áo cơm cho cha mẹ dù cho nhớ bạn bè, thầy cô quay quắt. Dấu ấn khiến tôi quyết định bỏ học chính là khi cha mẹ tôi cùng bị bệnh. Lúc bấy giờ là giữa năm 1974, cha mẹ tôi cùng lúc bị dịch tả. Anh Cả đang ở chiến trường miền nam, anh Hai theo người đi làm nghề ở xa, bên dưới còn ba cô em lit nhit, tôi thành đứa lớn nhất ở nhà xong chẳng giúp được gì cho cha mẹ, Mẹ nằm một giường, Bố nằm một giường. Cô bác, họ hàng, làng xóm đến đầy nhà, người lớn không cho chúng tôi lại gần cha mẹ, mọi người gấp bớt chiếu lên nửa giường, đặt một xề tro dưới gầm giường hứng dịch. Suốt mấy ngày, người lớn ra vào không ngớt, tôi nghe mọi người bảo nhau: “Nếu mũi vẹo là đi”…Lâu lâu lại thấy người nọ thì thầm hỏi người kia: “Đã thấy vẹo mũi chưa?”…”Bà ấy mà đi thì thương con bé mới được 1 năm ai nuôi cho…”…Những ngày này, tôi như người mê sảng, cơm không phải nấu, các em không phải trông, như người thừa trong nhà, thi thoảng lại chạy xuống bếp khóc tấm tức xin cha mẹ đừng chết. Thật phúc đức cho anh em tôi, vài ngày sau cha mẹ tôi hồi tỉnh dần. Sau đận ấy, tôi thương cha mẹ nhiều hơn, lúc nào cũng nghĩ trong đầu phải làm gì cho cha mẹ bớt khổ.

Sau này khi anh em tôi trưởng thành xây dựng gia đình hết thì cha mẹ đã già, muốn đỡ đần, giúp đỡ cha mẹ thì các cụ chẳng cần gì nữa, mỗi bữa một hai lưng cơm, có gì ăn nấy, có sắm đồ ngon các cụ cũng chỉ nếm cho biết, một chút rau luộc chấm mắm cáy hoặc một bát canh cua với vài quả cà pháo muối chua là ngon miệng. Những khi cha mẹ mệt nhọc, con cháu thi nhau mua đồ ngon, vật lạ ép cha mẹ ăn. Tôi dặn vợ: “Lúc ốm đau thì ăn được gì mấy, muốn chăm các cụ thì lúc các cụ khỏe mua về bồi dưỡng thường xuyên. Cha mẹ già rồi, ăn uống cũng quý nhưng nói năng thưa gửi cho khéo để các cụ vui lòng còn quý hơn…”. Được cái, cô vợ nhà quê nhưng tốt tính, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, vui vẻ không mề hè, cáu giận nên hai cụ rất vừa lòng, quý con dâu như con gái.

Rất thương cho mẹ tôi, Người bị bệnh trọng ra đi khi mới 63 tuổi. Cha thương chúng tôi, cố gắng được 90 tuổi thì theo về với mẹ. Anh em chúng tôi chung nhau xây cho cha mẹ một khu lăng mộ bằng đá, đón hai cụ về bên nhau.  “Sự tử như sự sinh” mùa nào thứ nấy, những ngày lễ tết, giỗ kỵ chúng tôi đều sắm lễ đầy đủ, cẩn thận dâng lên Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Có lẽ dịp Vu lan này thương nhớ cha mẹ nhiều nên tôi mơ thế, dù sao thì rằm tháng 7 này tôi sẽ chú ý sắm lễ chu đáo hơn.

Năm tháng dần trôi, mỗi tuần, mỗi tháng đi qua, tôi lại càng gần về bên cha mẹ. Chợt nhớ đến việc họ hàng: các Bác, các Cô chú, các anh, các chị như người cha người mẹ tảo tần hết lòng vun vén chăm lo cho tương lai của dòng họ, liệu bản thân có đỡ đần gánh nặng được bao nhiêu? Liệu có ai không tâm đức đến công việc trọng đại và lớn lao này? để rồi đến lúc nghĩ lại thì sự đã qua rồi, có hối hận thì lại lực bất tòng tâm.

Như ngàn vạn người con có cha, có mẹ đã đi xa, sự báo đáp cha mẹ giờ này dường như quá muộn. Còn lại một nơi thờ tự, một chút khói hương và nỗi lòng trăn trở.

Vu Lan về, con lại một lần xin mẹ cha lượng thứ.

Nam Định, ngày 11 tháng 7 năm Mậu Tuất

Trương Ngọc Vui

 

Những tin cũ hơn

Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa ngay từ trong dòng tộc

Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa ngay từ trong dòng tộc

— 19 Tháng Bảy 2018

Trải qua những năm tháng chiến tranh giành độc lập và gìn giữ từng tấc đất biên cương, hải đảo của Tổ quốc, cùng với cả dân tộc Việt, lớp lớp những người họ Trương đã hy sinh xương máu góp phần viết nên những trang sử anh linh, huy hoàng.

Tác động Vòng Tròn Bất Tử rất mạnh và sâu

Tác động Vòng Tròn Bất Tử rất mạnh và sâu

— 10 Tháng Bảy 2018

Sau 4 năm ròng rã biên tập, chỉnh sửa… sáng 10.7 tại TP.HCM buổi họp báo ra mắt cuốn Gạc Ma vòng tròn bất tử diễn ra trang trọng với nhiều câu chuyện cảm động phía sau trang sách và gia đình các liệt sĩ.

Những chuyện ít người biết bên lề Lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

Những chuyện ít người biết bên lề Lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam

— 11 Tháng Sáu 2018

Những nội dung này trước đây đã được đăng trên trang Facebook, một năm sau ngày Đại lễ, ngồi đọc lại những dòng chữ này và hồi tưởng những gì đã diễn ra tôi vẫn bồi hồi xúc động. Xúc động nhất, vui nhất vẫn là tấm lòng, tình cảm của bà con, anh chị em trong dòng họ hướng về cội tộc, một thứ tình cảm thiêng liêng và đậm đà thân tình, ấm cúng.

"Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước"

— 09 Tháng Sáu 2018

Hôm nay, 7/6/2018 (tức 24 tháng Tư Mậu Tuất) dòng họ Trương Việt Nam tổ chức động thổ xây dựng hai khu nhà "tả vu" và "hữu vu" trong quần thể nhà thờ họ Trương Việt Nam. Một năm trước, ngày 11/6/2018, dòng họ Trương Việt Nam khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam tại thôn Đa Giá thị trấn Thiên Tôn huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - một người con họ Trương Việt Nam đã tham gia lễ động thổ

Hướng về nguồn cội - Người họ Trương hành hương về đất Tổ

Hướng về nguồn cội - Người họ Trương hành hương về đất Tổ

— 02 Tháng Sáu 2018

Nhà thờ họ Trương Việt Nam sẽ là nơi phụng thờ Thủy tổ, ghi nhớ công ơn các vị Tiền hiền của dòng họ, nơi gặp gỡ hội tụ của bà con, anh chị em người họ Trương trên toàn cõi Việt Nam và kiều bào họ Trương ở nước ngoài, nơi giữ lửa và truyền lửa cho cháu con muôn mãi mai sau